Tuổi già của người thầy không tay huyền thoại
Khuya muộn, kết thúc cuộc tư vấn kéo dài 4 tiếng rưỡi, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký thừ người suy nghĩ. Gác điện thoại nhưng cảm xúc trong ông vẫn chưa dứt khỏi câu chuyện với người phụ nữ trẻ.
Cô có chồng làm giám đốc. Anh ta mải mê công việc nên ít dành
thời gian quan tâm vợ con. Không tìm thấy sự quan tâm, đồng cảm từ chồng, cô
ngoại tình với nam nhân viên trẻ đẹp, là cấp dưới của chồng. Khi ly hôn, chồng
giữ trách nhiệm nuôi con và nhường lại ngôi nhà cho vợ ở cùng nhân tình. Sau
thời gian ngọt ngào, cô phát hiện người tình ong bướm, trăng hoa. Cuộc đời bỗng
chốc mất hết tất cả, cô đuổi tình nhân khỏi nhà và gọi đến chuyên gia tâm lý
Nguyễn Ngọc Ký trước khi quyết định tìm đến cái chết.
Sau 270 phút chia sẻ được ông Ký lắng nghe, khuyên nhủ, cô vượt
qua cú sốc tâm lý, dần tìm thấy những khía cạnh lạc quan, tươi sáng nhất trong
hoàn cảnh tưởng chừng bế tắc hoàn toàn.
Hơn 10 năm nối máy tại nhà trong con hẻm yên tĩnh quận Gò Vấp,
TP HCM, để làm tư vấn cho tổng đài 1080, thầy giáo về hưu Nguyễn Ngọc Ký đã
tiếp xúc với khoảng 5.000 cuộc gọi, có những cảnh đời khiến ông cứ day dứt mãi.
Trong đó, có không ít cuộc tư vấn mà người gọi điện “khóc như mưa gió lúc đêm
muộn”. “Hầu hết người cần đến tư vấn tâm lý đều đang mang những vướng
mắc, éo le, bế tắc cực độ. Mỗi lần tháo gỡ được vướng mắc ấy, mình thấy hân
hoan, giống như giúp được cho chính những người thân yêu. Không ít trường hợp
đến với mình bằng nước mắt nhưng tạm biệt mình bằng tiếng cười. Đó là điều hạnh
phúc nhất”, ông Ký chia sẻ.
Cái tên Nguyễn Ngọc Ký hàng chục năm nay đã đi vào văn học và
lịch sử Việt Nam, như tấm gương sáng về cuộc sống và học tập. Bằng nghị
lực phi thường để đương đầu với số phận, không cam lòng với tật nguyền của
chính mình, cái tên Nguyễn Ngọc Ký đã vực dậy niềm tin cho nhiều người.
Bị liệt hai tay sau trận ốm năm 4 tuổi, cậu bé Ký kiên trì tập
luyện bằng chân, trở thành thầy giáo, nhà viết sách rồi nhà tâm lý... Về hưu,
nhiều năm qua, cùng với công việc viết sách, ông trở thành nhà tư vấn tâm lý
qua điện thoại. Với ông, làm tư vấn không chỉ hòa mình vào câu chuyện, chạm đến
chiều sâu tâm hồn người chia sẻ để lắng nghe, đồng cảm mà còn phải thật tỉnh
táo để giải quyết tình huống, tháo gỡ từng khúc mắc, đưa ra định hướng đúng
đắn.
Có những trường hợp hóc búa, ông gợi mở nhiều giải pháp để
người ta chọn. Khi chọn lựa, người ta sẽ đưa ra lý lẽ để giải thích quyết định
của mình. Trong những tình huống đó, người tư vấn phải ngay lập tức bừng lên ý
tưởng xử trí, phải linh hoạt đặt vào từng hoàn cảnh cụ thể chứ không máy móc,
khuôn khổ.
Gần nửa đời người gắn bó với bục giảng, là tác giả của hơn 30
đầu sách, diễn giả khoảng 1.500 buổi giao lưu, truyền nghị lực sống cho hàng triệu
người, giờ đây ông Ký lại miệt mài với những cuộc tư vấn qua tổng đài điện
thoại. Những công việc tưởng chừng không liên quan nhau nhưng lại bổ trợ nhau
rất nhiều. “Nhà văn cần phân tích tâm lý nhân vật sắc sảo, phải sống nhiều cuộc
đời; nhà giáo phải uyên bác, đứng trên bục giảng phải cân bằng cảm xúc, nhiệt
huyết với học trò. Những điều này rất cần cho công việc của nhà tâm lý”, ông Ký
chia sẻ.
Ông tâm niệm, nếu không có ước mơ, hoài bão thì cuộc sống sẽ
thật vô nghĩa. Phải luôn giữ vững tinh thần lạc quan, kiên định khi đối mặt với
những thất bại. Đặc biệt, cần mạnh dạn “cắt đi những cái thừa”, nhất là cái
thừa thời gian, không để lãng phí một giây phút nào.
Hơn 2 năm nay, mỗi tuần ông Ký phải chạy thận nhân tạo 3 lần.
Giữa những đau đớn của bệnh tật, ông hoàn thành những trang cuối của cuốn tự
truyện đong đầy cảm xúc “Tôi học đại học”. Có những lúc ông đang ngồi viết
(bằng chân) thì máu từ hai mũi kim truyền trào ra, phải vội vàng rời bàn phím
nằm nghỉ ngơi, xoa bóp rồi mới từ từ viết lại được. Có những lúc chân bị đau,
ông ấn nhầm nút xóa cùng lúc mấy trang bản thảo mà không hay biết. Cũng có khi
ngồi cả buổi chỉ viết mấy dòng.
Nhìn lại quá trình gian nan đã qua, người đàn ông tuổi 67 thở phào nhẹ nhõm. Cũng có lúc ông định bỏ dở trang viết vì những cơn đau hành hạ. Nhưng cũng chính lúc mệt mỏi, bi quan như vậy, khi đã say sưa vào bàn viết thì ông như quên hết đau đớn, như được sống lại cái thời đã qua, cảm xúc lại được dịp tuôn chảy tự nhiên, ào ạt với những hoài niệm sống động. "Bé thơ vừa khóc đã cười/ Mắt còn như suối miệng thời như hoa. Đang mưa trời bỗng nắng òa/ Mới hay trời cũng muốn là bé thơ". Lớn lên trong vòng tay yêu thương của mọi người, may mắn gặp được những người thầy, người bạn, người đồng nghiệp biết sẻ chia, tuổi về già, cậu bé tật nguyền ngày nào vẫn nuôi dưỡng cho mình được những cảm xúc hồn nhiên, trong trẻo với cuộc đời như thế.
Nhà giáo ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947 tại xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, Nam Định. Năm 4 tuổi, ông gặp cơn bạo bệnh và bị liệt cả hai tay. Bằng nghị lực phi thường, ông đã kiên trì tập viết chữ và làm mọi thứ bằng chân. Năm 1962, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu. Năm 1963, khi đang học lớp 7, ông tham dự kỳ thi sinh giỏi Toán toàn quốc và đứng thứ 5, được Hồ Chủ tịch tặng huy hiệu lần thứ hai.
Nhìn lại quá trình gian nan đã qua, người đàn ông tuổi 67 thở phào nhẹ nhõm. Cũng có lúc ông định bỏ dở trang viết vì những cơn đau hành hạ. Nhưng cũng chính lúc mệt mỏi, bi quan như vậy, khi đã say sưa vào bàn viết thì ông như quên hết đau đớn, như được sống lại cái thời đã qua, cảm xúc lại được dịp tuôn chảy tự nhiên, ào ạt với những hoài niệm sống động. "Bé thơ vừa khóc đã cười/ Mắt còn như suối miệng thời như hoa. Đang mưa trời bỗng nắng òa/ Mới hay trời cũng muốn là bé thơ". Lớn lên trong vòng tay yêu thương của mọi người, may mắn gặp được những người thầy, người bạn, người đồng nghiệp biết sẻ chia, tuổi về già, cậu bé tật nguyền ngày nào vẫn nuôi dưỡng cho mình được những cảm xúc hồn nhiên, trong trẻo với cuộc đời như thế.
Nhà giáo ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947 tại xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, Nam Định. Năm 4 tuổi, ông gặp cơn bạo bệnh và bị liệt cả hai tay. Bằng nghị lực phi thường, ông đã kiên trì tập viết chữ và làm mọi thứ bằng chân. Năm 1962, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu. Năm 1963, khi đang học lớp 7, ông tham dự kỳ thi sinh giỏi Toán toàn quốc và đứng thứ 5, được Hồ Chủ tịch tặng huy hiệu lần thứ hai.
Ông xuất sắc tốt nghiệp ngành Ngữ văn của ĐH Tổng hợp Hà
Nội, rồi trở về quê nhà làm thầy giáo. Năm 1994, ông chuyển từ Nam Định vào
làm việc tại Phòng giáo dục quận Gò Vấp (TP HCM) để vừa công tác vừa chữa
bệnh. Ông được mời làm diễn giả gần 1.500 cuộc giao lưu, giáo dục
lẽ sống cho hàng triệu người. Nguyễn Ngọc Ký còn là tác giả của hơn 30 đầu
sách, truyện ký và nhiều câu thơ đố, bài thơ đố dí dỏm, dễ thương
cho tuổi học trò.
Theo Lê Phương