Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Uống rượu- việc cần nhận thức đúng với mọi cán bộ- chiến sỹ quân đội

      Hò hét, ép rượu: Tâm lý đám đông tệ hại

     Sau sự kiện ngộ độc rượu nếp 29 Hà Nội. Khi trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, Tiến sỹ Nguyễn Kim Quý cho biết, ép rượu, sử dụng rượu mọi lúc mọi nơi là do tâm lý đám đông.
Tiến sỹ Quý nói: Gặp nhau có tí rượu vui là truyền thống đẹp lâu đời của người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung. Xưa người ta uống ít, mỗi người một chén nhỏ như mắt trâu và coi rượu như một món khai vị nhập cuộc. Ngày nay vui uống, buồn uống, ma chay hiếu hỉ, liên hoan đều uống.
      Sao lại có văn hóa ép uống, phải say thì mới vui, thưa bà?
     Là do tâm lý đám đông, hiếu thắng trên bàn nhậu. Có thể ban đầu họ không có ý ép, nhưng trong một cuộc vui, họ dễ hùa theo đám đông. Tâm lý đám đông tác động lớn đến thói quen và văn hóa ép rượu không đẹp này của người Việt. Hơn nữa, máu sỹ diện luôn có trong mỗi người, khi được kích động, nhiều người từ không biết uống cũng nhắm mắt uống.
     Tôi từng chứng kiến nhiều cảnh gia đình mất đi trụ cột gia đình vì rượu, bạo hành vì rượu. Mới đây có hai mẹ con ở Đắk Lắk tìm đến Đường dây tư vấn 18001567 kêu cứu vì bị bạo hành suốt 10 năm bởi người chồng nát rượu. Từ khi còn nhỏ đến năm 13 tuổi, cháu bé lớn lên trong cơn say của bố, những đòn roi, những cú đấm, toàn thân bầm dập, đau nhức.
     Trung tâm đã trị liệu cho hai mẹ con và tìm việc làm cho họ trong 1 năm trốn ở Thủ đô. Tôi cũng biết một cô giáo, sau một đêm đã mất chồng, đứa con mồ côi cha vì chồng cô uống rượu say đi xe máy trong đêm khuya gặp gió lạnh đã bị cảm và đột tử giữa đường. Rượu gây tổn thương cho nhiều gia đình, cướp đi hạnh phúc của họ, gieo bệnh nặng, thậm chí là nguyên nhân của tội ác, nạn bạo hành.
     Tại sao ai cũng biết tác hại của rượu mà vẫn uống say?
    Là do tâm lý đám đông, cả làng, cả họ uống sao mình không uống. Trong xã hội, rượu đang được sử dụng vô tội vạ. Đã có những biện pháp quản lý hạn chế uống rượu như cấm uống rượu trong giờ làm việc của khối công chức, viên chức, công an, bộ đội; không được lái xe khi nồng độ cồn vượt mức cho phép...nhưng hiện tại chúng ta chưa có chế tài kiểm tra, chưa làm nghiêm nên hiệu quả chưa cao. Ở nhiều nước phát triển pháp luật quy định cụ thể tuổi cho phép được uống rượu, họ phạt rất nặng khi người dân vi phạm.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Kim Quý, tâm lý đám đông tác động lớn đến thói quen và văn hóa ép rượu không đẹp này của người Việt.
      Làm gì để hạn chế tác động của rượu bia đến xã hội, thưa bà?
     Nên chăng có một cuộc khảo sát về tác động của rượu bia đến đời sống xã hội, một điều tra xã hội học về hậu quả của say rượu, cung cấp một bức tranh toàn cảnh để xã hội nhìn vào. Truyền thông cần vào cuộc mạnh mẽ, lên án những thói tật từ rượu.
Chúng ta không cấm uống rượu, nhưng không được uống say, uống vượt mức cho phép. Cần quản lý rượu chặt chẽ, đặc biệt là ở tuổi vị thành niên, đó là cách hạn chế trẻ em gây tội ác.
      Đối với cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng quân đội hiện nay, không uống rượu vào buổi trưa, không uống rượu say bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào, không uống rượu bia khi tham gia giao thông, khi lái xe ô tô, mô tô; còn với chiến sỹ thì cấm uống rượu ở bất kể đâu và bất cứ khi nào đều không được uống. Khi bắt buộc phải tham gia liên hoan có rượu phải thể hiện rõ mình là người có văn hóa, là bộ đội cụ Hồ, kiên quyết, khéo từ chối uống rượu, nhất quyết chấp hành tốt việc không uống nhiều và không chủ động mời rượu mọi người trong bàn tiệc. Luôn giữ được hình ảnh người lính Quân đội nhân dân Việt Nam đã chiến thắng 2 đế quốc to, nhất định phải chiến thắng chính mình trong cuộc chiến chống lại tác hại của rượu, giữ vững nét thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc ta và truyền thống của Quân đội ta "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, kẻ thù nào cũng đánh thắng", nhất là rượu.

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Sea Games 27- Hai Thượng úy - Quân đội nhân dân Việt Nam ấn tượng nhất

Nguyễn Thị Ánh Viên
     Đúng như sự kỳ vọng, kình ngư người Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên đã làm dậy sóng đường đua xanh tại SEA Games năm nay. Cô đã đạt 3 huy chương vàng, phá hai kỷ lục Seagame. Ánh Viên đã phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 200m ngửa nữ với thành tích 2 phút 14 giây 80, kỷ lục cũ là 2 phút 15 giây 7; kỷ lục cô giành được ở nội dung 400m hỗn hợp nữ với thành tích 4 phút 46 giây 16. Trong đó nội dung 200m hỗn hợp cá nhân đã phá sâu kỷ lục SEA Games. 
   Đây là những thành tích không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn, bởi ở những giải quốc tế gần đây, Ánh Viên đều thi đấu xuất sắc, đạt thành tích tiệm cận với châu lục.
    Trực tiếp trao HCV cho Ánh Viên, Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Hoàng Tuấn Anh vô cùng xúc động. Cung thể thao dưới nước đã hai lần cử Quốc ca Việt Nam. Trên bục nhận huy chương, Ánh Viên đã không khóc như nhiều VĐV. Ngược lại, cô bé 17 tuổi - Thượng úy Quân đội đã cười tít mắt vì sung sướng.
      Có một chi tiết rất thú vị là ở lần trao HCV đầu tiên (200m hỗn hợp cá nhân), khi các phóng viên chen nhau chụp ảnh, Ánh Viên đã nói rất tự tin: “Em còn một tấm HCV nữa mà”.
     Quả thực, chỉ ít phút sau, Ánh Viên tiếp tục giật vàng, lần này còn phá luôn cả kỷ lục SEA Games. Lần này thì cánh phóng viên tha hồ được chụp ảnh cô bé. Chỉ có điều, có lẽ thấy phóng viên Việt Nam “quây” quá đông, thành viên của BTC đã yêu cầu phóng viên đi vào phòng, không được phỏng vấn.
     Dù không có chia sẻ nào với báo chí Việt Nam, nhưng những nụ cười tươi tắn, đầy hạnh phúc của Ánh Viên đã nói lên tất cả.
Nguyễn Văn Lai
      Chiếc HCV 5000m của Nguyễn Văn Lai được xem là bất ngờ bởi tại SEA Games 26, anh chỉ giành HCĐ và không được đánh giá cao nếu so với Sirisung (Thái Lan) hay Riwan của Indonesia. Thực tế, trong bài thi vừa qua, Văn Lai xuất phát chậm và anh chỉ âm thầm bám theo hai VĐV kể trên. Tới vòng cuối cùng, Văn Lai mới bất ngờ bứt lên và có cú nước rút ngoạn mục. Anh về đích với thành tích 14 phút 19 giây 35. VĐV đứng thứ hai là Boonthung Sirisung của Thái Lan với thành tích 14 phút 21 giây 75.
     Sau khi giành chiến thắng ở đường chạy 5000m, Nguyễn Văn Lai tiếp tục là niềm hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam ở đường chạy 10.000m. Trong cuộc thi anh đã có màn bứt tốc ấn tượng để đánh bại các đối thủ chính đến từ Thái Lan, với thành tích 29’44’’ 82 Nguyễn Văn Lai đã về nhất và bỏ xa đối thủ tới gần 2 giây.
     Chiếc HCV thứ hai của Nguyễn Văn Lai có được là nhờ chiến thuật hợp lý. Nguyễn Văn Lai gần như núp gió trong suốt quãng đường chạy 10000m và anh chỉ bứt lên trong giai đoạn quyết định. Dễ dàng nhận ra trong những bước chạy cuối cùng, Văn Lai vẫn sung sức trong khi người bám đuổi là Sirisung tỏ ra khá đuối.
      Hai huy chương vàng cho những cự ly khó khăn nhất trong môn điền kinh, được coi là lịch sử cho điền kinh Việt Nam được ghi tên công trạng cho Nguyễn Văn Lai. 
     Hai Thượng úy, một người sinh 9/11/1996- Ánh Viên. Một thượng úy xuất phát là anh lính nuôi quân còn rất trẻ- Nguyễn Văn Lai nhưng đã làm rạng danh Tổ quốc và Quân đội- xin chúc mừng hai thượng úy và mong Quân đội phong quân hàm đại úy cho hai thượng úy này trước niên hạn ngay khi Sea game kết thúc.





Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Chính trị viên trong huấn luyện, rèn luyện thể lực và hoạt động TDTT ở Trường Sĩ quan Chính trị theo Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX)



 Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) và Nghị quyết 513-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam, được thực hiện thống nhất trong toàn quân từ ngày 19-5-2006.

Trường Sĩ quan Chính trị được tái thành lập ngày 01 tháng 11 năm 2008; sau 5 năm tách ra và hoạt động độc lập, Nhà trường đã có những bước tiến vững chắc về mọi mặt, nhất là công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong đó có đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ chính trị về mọi mặt nhất là về công tác huấn luyện thể lực (HLTL), hoạt động thể dục thể thao (TDTT) và tổ chức rèn luyện thể lực (RLTL) cho bộ đội; từng bước khẳng địch được vị thế, tiềm năng trong đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội cho quân đội.

Theo Điều lệ Công tác thể dục thể thao trong quân đội nhân dân Việt Nam - năm 2010, tại Điều 10:

1. Nhiệm vụ của chỉ huy các cơ quan, đơn vị

a) Chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện công tác thể dục, thể thao cho đơn vị thuộc quyền, gồm:

Quản lý kế hoạch;

Chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đôn đốc và kiểm tra;

Bảo đảm cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ cho huấn  luyện và tập luyện;

Thực hiện các quy tắc bảo đảm an toàn, phòng ngừa chấn thương.

b) Thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt để phát triển thể dục, thể thao trong đơn vị, nâng cao thể lực cho bộ đội và thể thao thành tích cao.

Tại Điều 34 của Điều lệ này Quy định về nhiệm vụ của cán bộ quản lý học viên trong nhà trường (trang 41) gồm:

a) Quản lý chặt chẽ học viên, đảm bảo thời gian trong quá trình học tập.

b) Giúp đỡ, tạo điều kiện cho giáo viên hoàn thành kế hoạch.

c) Tổ chức, hướng dẫn, giúp đỡ học viên ôn luyện các nội dung đã được huấn luyện trong giờ chính khóa.

Tại Điều 35 của Điều lệ này Quy định về Tổ chức kiểm tra công tác huấn luyện thể lực ở phần 3, trang 42 như sau:

3. Cán bộ chỉ huy các cấp phải biết tổ chức kiểm tra, đánh giá trình độ thể lực của quân nhân và công tác huấn luyện thể lực ở các đơn vị thuộc quyền.

Theo Quy tắc kiểm tra huấn luyện thể lực trong quân đội ở mục III, trang 8 phần 1 ghi rõ:

Chỉ huy các đơn vị trong toàn quân có trách nhiệm tổ chức huấn luyện, rèn luyện, kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực cho quân nhân và đơn vị thuộc quyền theo quy định.

Từ các căn cứ trên khẳng định công tác huấn luyện thể lực, tổ chức rèn luyện thể lực, hoạt động TDTT ở từng cơ quan, đơn vị là chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của người chỉ huy, và của người chính ủy, chính trị viên.

* Điểm mạnh của việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chính trị viên trong công tác HLTL, tổ chức RLTL và hoạt động TDTT phong trào của các đơn vị học viên ở Trường Sĩ quan Chính trị

Những năm qua công tác này của Nhà trường luôn bảo đảm đúng chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, đúng quy chế giáo dục-đào tạo, bảo đảm phương chấm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”; bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị; 100% học viên biết bơi ếch và hoàn thành tốt nhiệm vụ bơi vượt sông trong diễn tập tổng hợp, an toàn; 100% các đơn vị đều tổ chức huấn luyện, kiểm tra và đều đạt yêu cầu trở lên trong công tác huấn luyện thể lực hàng năm; Đội tuyển TDTT Nhà trường xếp thứ ba năm 2009, xếp thứ hai năm 2011, khối Học viện- Nhà trường trong hội thao TDTT toàn quân. Có được kết quả đó do có những đóng góp rất đáng kể của người chính trị viên, người chỉ huy trực tiếp, người thầy tại chỗ của học viên, tạo nên sự hoàn chỉnh thống nhất, biện chứng của quá trình học đi đôi với rèn của đội ngũ học viên của Nhà trường, góp phần trực tiếp phát triển thể lực, ý chí, tâm lý, nhân cách, tay nghề CTĐ, CTCT của người chính trị viên tương lai, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội của Nhà trường.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người chỉ huy, chính trị viên về HLTL, tổ chức RLTL, hoạt động TDTT được quan tâm đúng mức, gắn kết được nhiệm vụ chức trách của chính trị viên với người chỉ huy trong lãnh đạo, nhất là chỉ đạo trực tiếp quá trình HLTL chính khóa, RLTL ngoại khóa và tổ chức hoạt động TDTT phong trào ở các đơn vị học viên trong Nhà trường; một số đơn vị có phong trào RLTL, TDTT sôi nổi, có các đội tuyển TDTT chất lượng, chiều sâu và có thành tích tốt như Tiểu đoàn 1, 3, 5, 6, hệ 1… chứng tỏ sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức và phát huy được vai trò của chính trị viên các cấp là hiệu quả, thiết thực. Nhiều đ/c cán bộ chính trị có tâm huyết, trách nhiệm và khả năng tốt trong tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo và trực tiếp thi đấu, điều hành hoạt động RLTL, tập luyện và thi đấu TDTT như đ/c Nguyễn Bá Hà hệ 2, Hà Văn Họa phòng KHQS, Nguyễn Văn Sản tiểu đoàn 5… thực sự là điển hình và tấm gương cho học viên noi theo trong tập luyện TDTT và rèn luyện thể lực.

Chất lượng, nội dung về khả năng, trình độ của đội ngũ chính trị viên trong tổ chức, phương pháp thực hành HLTL, tổ chức RLTL, hoạt động TDTT của Nhà trường hiện nay theo chúng tôi ở mức khá về nắm quy định, điều lệ, chỉ thị, về việc xây dựng kế hoạch, vai trò chức trách, nhiệm vụ trong thực hiện kế hoạch rèn luyện thể lực cho học viên; ở mức khá về tổ chức thực hiện các chế độ quy định trong ngày, tuần về RLTL như thể dục sáng, thể thao chiều, hành quân rèn luyện, chạy vũ trang, trong tổ chức kiểm tra RLTL hàng năm theo quy định của Bộ Quốc phòng… khá nhiều đ/c cán bộ chính trị gương mẫu trong tự tập luyện các môn TDTT, các môn bóng, có trách nhiệm cao trong tổ chức duy trì đội hình của bộ đội trong chạy vũ trang; hành quân rèn luyện, TDTT ở các đơn vị. Cán bộ chính trị các cấp đã phối hợp tốt các hoạt động HLTL, RLTL, TDTT với các hoạt động chung của các đơn vị, nhất là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức các sự kiện, ngày lễ, ngày truyền thống để rèn luyện khả năng trình độ, tổ chức và rèn luyện tay nghề CTĐ, CTCT cho học viên, nhất là cấp đại đội, lớp. Nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ, kết nghĩa, hè tình nguyện của các đơn vị đều có tổ chức các hoạt động thi đấu TDTT, trò chơi quân sự… đã thực sự gắn kết được giữa huấn luyện với rèn luyện thể lực và vui chơi giờ nghỉ ngày nghỉ của học viên.

Đội ngũ chính trị viên các cấp tương đối chủ động trong giáo dục, động viên, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức phối hợp cùng giảng viên trong HLTL, RLTL nhất là hoạt động TDTT bề nổi; số chất lượng các hoạt động thi đấu TDTT, RLTL được tổ chức với tần xuất khá nhiều, liên tục, có chất lượng tốt ở các đơn vị chủ yếu là học viên đào tạo chính trị viên; tập trung chủ yếu ở các môn trò chơi quân sự, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, thể dục tay không... Sự phối hợp giữa  giáo viên với cán bộ chính trị trong huấn luyện thể lực chính khoá, ngoại khoá, hoạt động TDTT khá nhịp nhàng, bước đầu đạt yêu cầu, có hiệu quả, bảo đảm chất lượng, an toàn, đáp ứng được mục tiêu yêu cầu đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội của Nhà trường.

Đội ngũ cán bộ chính trị đã phối hợp cùng chỉ huy các cấp duy trì khá tốt nền nếp, chế độ quy định về rèn luyện và kiểm tra RLTL hàng năm, nhất là ở các tiểu đoàn; Tiểu đoàn 1 đạt tiêu chuẩn đơn vị “Huấn luyện thể lực giỏi” năm 2010; cùng với việc tự giác tập luyện TDTT và chỉ đạo, giáo dục động viên bộ đội, đội ngũ cán bộ chính trị đã góp phần xây dựng ý thức tự giác, tích cực tập luyện, rèn luyện thể lực thường xuyên, liên tục cho học viên của Nhà trường, tạo được phong trào tập luyện TDTT sôi nổi, rộng khắp trong toàn Trường.

Đội ngũ cán bộ chính trị Nhà trường đã quan tâm, ưu tiên cho việc lựa chọn, tuyển chọn, và tham gia vào quá trình tổ chức tập luyện, điều hành tập luyện, phối hợp các cơ quan và giảng viên, huấn luyện viên để rèn luyện, huấn luyện các đội tuyển TDTT của đơn vị mình và đội tuyển TDTT của Nhà trường trong tập luyện và thi đấu TDTT toàn quân, nhiều đ/c trách nhiệm cao, gương mẫu, ủng hộ nhiệt tình cả tâm, tài, lực để các đội tuyển TDTT của Nhà trường luôn có vị thế khá cao trong thi đấu TDTT toàn quân năm 2009, 2011.

 * Một số hạn chế của việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chính trị viên trong công tác HLTL, tổ chức RLTL và hoạt động TDTT phong trào của các đơn vị học viên ở Trường Sĩ quan Chính trị

Chất lượng huấn luyện, rèn luyện thể lực còn có những hạn chế cần được khắc phục như: nhận thức của một số cán bộ, học viên về vị trí vai trò của huấn luyện, rèn luyện thể lực, hoạt động TDTT còn hạn chế, nguyên nhân trực tiếp là đội ngũ cán bộ chính trị chưa thực hiện tốt công tác giáo dục, quán triệt động viên chưa sâu sắc, chưa sát đối tượng; tổ chức thực hiện các chế độ quy định về RLTL và hoạt động TDTT ngoại khoá chưa thật sự đi vào nền nếp, thường xuyên, chưa xây dựng được ý thức tự giác cho học viên; nhiều đ/c học viên chưa nhận thức đúng về rèn luyện, còn ngại khó, ngại khổ, ngại rèn luyện, nhất là RLTL và ít  tham gia vào các hoạt động của đơn vị nhất là hoạt động TDTT.

Hầu hết cán bộ chính trị việc nắm nội dung, phương pháp, nhất là kế hoạch, công tác tổ chức huấn luyện ngoại khoá, huấn luyện bổ sung các môn thể lực chưa sâu, chưa gắn kết chặt chẽ với quá trình tổ chức huấn luyện chính khoá và rèn luyện thể lực thường xuyên ở đơn vị mình; số lượng cán bộ chính trị giỏi về RLTL và thi đấu TDTT, có khả năng tổ chức, trọng tài trong phong trào TDTT còn ít, chưa nhiều.

Việc nắm và thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình trong công tác RLTL, kiểm tra, phúc tra, phối hợp cùng chỉ huy cùng cấp để rèn luyện thể lực cho bộ đội mọi lúc, mọi nơi, vào giờ nghỉ ngày nghỉ chưa thật chủ động, còn trông chờ ỷ nại vào cấp trên, Nhà trường, nhất là công tác tổ chức tập luyện và kiểm tra RLTL cho các đối tượng hàng năm theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Đặc điểm chi phối lớn nhất đến HLTL, RLTL, hoạt động TDTT là vai trò của người cán bộ, cán bộ nào thì phong trào đó, cán bộ chính trị là người chủ trì về chính trị, song vẫn còn một số cán bộ nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của các hoạt động này, nhất là chưa thật gương mẫu đi đầu trong tự giác tập luyện TDTT, rèn luyện thể lực, chưa có thói quen tập luyện hàng ngày; do đó chưa phát huy được vai trò, vị trí của mình trong duy trì, tổ chức cho học viên thực hiện tốt các chế độ quy định trong ngày, trong tuần; cá biệt có đ/c còn bàng quang, thờ ơ với các hoạt động này, coi các hoạt động này là chức trách của đaị đội trưởng, của người chỉ huy.

Trong thực hành HLTL, tổ chức hoạt động TDTT số ít cán bộ trong đó có cán bộ chính trị còn coi việc rèn luyện về mọi mặt học viên của mình là trách nhiệm của đội ngũ giảng viên Khoa GDTC, của người chỉ huy; nên việc bám, nắm, phối hợp cùng giảng viên duy trì tập luyện, rèn luyện còn thiếu nhiệt tình, nhiều lúc còn xuề xoà, đơn giản, coi nhẹ nội dung này; thậm chí có cán bộ còn không tham gia bám lớp, không thể hiện được vai trò của mình trong RLTL và rèn luyện bộ đội về mọi mặt; phương pháp tác phong trong nắm, bám, phối hợp duy trì cùng giảng viên còn chưa thật chính quy, nhất là trong tổ chức tập luyện TDTT, RLTL; một số cán bộ chính trị còn ngại rèn luyện TDTT, sức khoẻ chưa thật dẻo dai, bền bỉ. Số ít và rất ít cán bộ chính trị có khả năng vừa đảm nhiệm HLTL, RLTL, tổ chức thi đấu, trực tiếp thi đấu các môn hoặc một số môn TDTT, vừa trọng tài, vừa là huấn luyện viên các đội tuyển ở cấp mình có thành tích, chất lượng.

* Đánh giá chung: Đội ngũ cán bộ chính trị đã tương đối chủ động trong việc nắm và thực hiện khá tốt vai trò, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác HLTL, RLTL, tổ chức hoạt động TDTT phong trào, góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng HLTL, phát triển phong trào TDTT sôi nổi, rộng khắp ở các cơ quan, đơn vị, giữ vững thành tích thi đấu TDTT cuả Nhà trường trong những năm qua.

Xuất phát từ mục tiêu, yêu cầu đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội, yêu cầu xây dựng quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” ngày càng có bước phát triển mới cao hơn, và từ thực tiễn thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ chính trị. Trong những năm tới theo chúng tôi cán bộ chính trị các cấp cần:

Cán bộ chính trị phải chủ động tăng cường công tác giáo dục, quán triệt về vị trị, ý nghĩa, vai trò của HLTL, RLTL, hoạt động TDTT; đi đôi với tổ chức thực hiện tốt việc học đi đôi với hành, học với rèn, huấn đi đôi với luyện đối với học viên, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo của mỗi học viên. Nhất thiết phải thông qua các hoạt động HLTL, ngoại khoá về TDTT và tổ chức tập luyện thể lực thường xuyên liên tục để rèn luyện sức khẻo bền bỉ, dẻo dai; nhất là rèn luyện khả năng, trình độ tổ chức hoạt động phong trào TDTT, từng bước rèn luyện tay nghề hoạt động CTĐ, CTCT trong hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT; trình độ, khả năng lãnh đạo, tổ chức chỉ huy của chính trị viên trong tương lai.

Chất lượng huấn luyện thể lực có mối quan hệ biện chứng với chất lượng, rèn luyện thể lực và hoạt động TDTT của các cơ quan, đơn vị trong Nhà trường. Do đó, trong huấn luyện, RLTL, hoạt động TDTT đội ngũ cán bộ chính trị cần chú trọng phối hợp với giảng viên Khoa GDTC, với người chỉ huy cùng cấp để rèn luyện động tác, thể lực với rèn luyện tác phong chính quy, ý chí, lòng dũng cảm, tự tin, khả năng, trình độ chỉ huy, nhất là thói quen tập luyện TDTT, rèn luyện thể lực hằng ngày của từng học viên. Đây vừa là yêu cầu, nhiệm vụ “Học đi đôi với rèn” của mỗi học viên, vừa là chức trách, nhiệm vụ của chính trị viên.

 Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chính trị trong quản lý, tổ chức, duy trì huấn luyện, rèn luyện thể lực cho học viên; tổ chức thực hiện nghiêm, có chất lượng các chế độ quy định trong ngày, tuần về thể dục sáng, thể thao chiều, nhất là chạy vũ trang, bơi vũ trang, hành quân rèn luyện, hành quân cơ động, hành quân xa mang vác nặng…; đi đôi với tăng cường giáo dục cho cán bộ, học viên ý thức tự giác và thói quen rèn luyện, tập luyện TDTT; chú trọng tổ chức các hoạt động thi đấu, các giải TDTT quân sự, phong trào, các trò chơi quân sự… xây dựng các đơn vị học viên luôn có phong trào rèn luyện thể lực và hoạt động TDTT sôi nổi, rộng khắp, chất lượng. Thực hiện tốt việc nêu gương sáng, gương mẫu trong chấp hành các chế độ quy định, nhất là thói quen RLTL, tập luyện TDTT hằng ngày của cán bộ chính trị ở các cấp.

Cán bộ chính trị cần chủ động phối hợp chặt chẽ cấp uỷ, chỉ huy xây dựng và tổ chức tốt, chất lượng kế hoạch hội thao thể dục thể thao, kế hoạch huấn luyện và kiểm tra rèn luyện thể lực hàng năm của cấp mình, xây dựng và phát huy vai trò của đơn vị, đội tuyển TDTT, cá nhân điển hình tiên tiến các lớp, đại đội trong tập luyện, thi đấu TDTT phong trào; xây dựng một số môn, đội tuyển TDTT có thế mạnh ở hệ, tiểu đoàn, lớp, đại đội của mình làm nòng cốt cho phong trào tập lyện TDTT, RLTL ở các hệ, tiểu đoàn.

Kiến nghị

- Tổ chức tập huấn bồi dưỡng năng lực tổ chức, phương pháp RLTL, hoạt động TDTT phong trào cho đội ngũ cán bộ trong đó có cán bộ chính trị các cấp.

 - Xây dựng một số cụm tiểu đoàn, hệ liên kết trong phong trào thi đua cũng như trong các hoạt động RLTL, tổ chức thi đấu TDTT phong trào, nhất là thi đấu các giải ở một số môn như bóng chuyền, bóng đá, vật cản.

- Bảo đảm tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị cho huấn luyện, rèn luyện thể lực và hoạt động TDTT phong trào. Đề nghị cấp trên đầu tư, trang bị, xây dựng cơ sở vật chất sân bãi, thiết bị dụng cụ TDTT và huấn luyện thể lực thiết yếu cho Nhà trường, trước mắt cho các Hệ, Tiểu đoàn học viên đào tạo chính trị viên ./.





                                                                        




           




Xem người Singapo xử phạt lợi dụng tín nhiệm để biển thủ - Ta cần phải học và làm như vậy

       Một cựu quan chức Singapore có thể lãnh án tù chung thân và bị phạt tiền vì biển thủ hai chiếc máy tính bảng iPad trị giá khoảng 31 triệu đồng.
      Tòa án Singapore hôm nay 19.12 buộc một cựu quan chức Lực lượng phòng vệ dân sự (SCDF) tội lợi dụng tín nhiệm để biển thủ.
     Ông Jeganathan Ramasamy, 62 tuổi, là trưởng phòng công nghệ của SCDF (lực lượng chuyên cứu nạn dân sự và chữa cháy thuộc Bộ Nội vụ Singapore) tại thời điểm xảy ra vụ việc hồi tháng 9.2011.
     Hai chiếc máy tính bảng iPad, trị giá khoảng 940 SGD (15,6 triệu đồng)/chiếc, do công ty NCS đưa đến văn phòng ông Ramasamy để thử các ứng dụng di động mà công ty này cung cấp cho SCDF.
     Sau khi nhận máy, ông Ramasamy đã biến chúng thành của riêng. Một cái ông trao cho con gái, một cái ông bán cho một người bạn với giá 200 SGD.
    Phát ngôn viên SCDF nói với báo Straits Times rằng ông Ramasamy đã từ chức vào ngày 10.9.2012.
      Vụ này sẽ được xét xử vào ngày 16.1.2014. Nếu bị kết tội, ông Ramasamy có thể lãnh mức án tối đa là tù chung thân và bị phạt tiền.  Thục Minh Văn phòng Singapore.


Hai người nghèo - trái tim giàu nhân ái, trung thực

Sự việc thứ nhất: Học trò nghèo đến tận nhà trả lại 30 triệu nhặt được
      Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng khi nhặt được ví tiền có hơn 30 triệu, em Bùi Duy Nhất, học sinh lớp 6 đã cùng bố mẹ tìm địa chỉ mang đến tận nhà người mất trả lại.
      Ngày 1/12, trong lúc đang đi chơi, trên đường về đến gần đền Bì (xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng), em Bùi Duy Nhất, học sinh lớp 6C Trường THCS Đoàn Lập bất ngờ nhìn thấy một chiếc ví màu đen. Mở ví ra, Nhất bàng hoàng khi thấy bên trong đầy tiền.
     Cậu học trò tốt bụng đã đứng lại chỗ nhặt tiền gần 2 tiếng đồng hồ để chờ người đánh rơi quay lại nhưng không có ai. Sau phút suy nghĩ, Nhất đã mang chiếc ví về nhà nhờ bố mẹ tìm người đánh rơi để trả lại.
     Về đến nhà, mọi người vô cùng bất ngờ trước số tiền lớn trị giá gần 30 triệu đồng tiền mặt gồm: 1.500 USD và 1,3 triệu đồng cùng nhiều giấy tờ quan trọng, giấy đăng ký xe của vợ chồng ông Trần Ngọc Tin, (trú thôn Đông Xuyên Ngoại, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng).
     Bố mẹ đã đưa Nhất mang số tiền nhặt được trả lại cho ông Tin.
Vô cùng bất ngờ và mừng rỡ trước hành động cao đẹp của em Nhất, ông Tin đã cho Nhất 1 triệu đồng để em mua đồ dùng học tập, tuy nhiên em không nhận.
      Nhất cho biết: “Khi nhặt được ví em và gia đình mong muốn trả lại người bị mất dù đối với gia đình em là số tiền lớn nên mình không được tham lam mà lấy đi, nếu không trả lại em rất áy náy”.
Được biết gia đình Nhất khá nghèo, gia đình có 4 anh chị em, bố mẹ làm nông nghiệp. Ở trường Nhất là học sinh ngoan ngoãn, được bạn bè và thầy cô quý mến.
     Chiều 5/12, thầy Cao Văn Rôi - Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Lập cho biết: Ban giám hiệu nhà trường vừa tuyên dương trước cờ hành động nhặt được của rơi trả lại người đánh mất của em Bùi Duy Nhất và đang làm thủ tục đề nghị Huyện đoàn, Hội đồng Đội huyện Tiên Lãng có hình thức tuyên dương việc làm của em. (Theo Đất Việt).
       Sự việc thứ hai: Tài xế xe tải chở bia Hồ Kim Hậu đã hoàn trả lại toàn bộ số tiền gần 230 triệu đồng cho các nhà hảo tâm hỗ trợ anh trong thời gian qua.
      Hôm qua, 16.12, anh Hậu có mặt tại một chi ngân hàng ở quận 12, TP.HCM để hoàn lại số tiền anh đã nhận được từ các nhà hảo tâm sau vụ tai nạn đổ bia tại Biên Hòa (Đồng Nai), sau khi biết tin anh không phải bồi thường số bia bị cướp.
     Tính đến 10 giờ sáng cùng ngày, tổng số tiền các nhà hảo tâm chuyển vào tài khoản của anh Hậu để hỗ trợ là 228.717.612 đồng từ 428 đơn vị, cá nhân trên cả nước.
      Tại ngân hàng, anh đã nhờ nhân viên ngân hàng sao kê các số tài khoản chuyển tiền cho anh, dựa vào đó anh đề nghị ngân hàng chuyển ngược lại cho từng số tài khoản trên.
     Anh Hậu chia sẻ, sau khi không phải bồi thường số bia bị mất, anh nghĩ trong số các mạnh thường quân có những người còn khó khăn hơn mình, bây giờ mình không phải đền bù số bia bị lấy nữa thì chuyển trả lại cho họ.
     Anh cũng nhờ báo đài cám ơn các nhà hảo tâm đã giúp đỡ anh trong lúc gặp khó khăn.
      Đọc hai bài báo trên chúng ta thấy trái tim mình rung động và cảm phục tấm lòng giàu sự trung thực, cao thượng, nhân ái và tự trọng nhân văn cao của cháu Bùi Duy Nhất và anh Hồ Kim Hậu, những người nghèo về vật chất nhưng thật giàu tấm lòng không bị vật chất làm mất đi chính mình và cái tên tuổi của mình. Hai cái tên Nhất - Hậu tức là luôn giàu nhân Hậu Nhất.


Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Đọc - Mạch chảy không ngừng



         Bản thân từng con người và xã hội loài người có được tiến bộ, văn minh như thời đại ngày nay, có nhiều nguyên nhân cả khách quan và của nội tại chỉnh bản thân loài người kết hợp lại; trong đó mỗi thế hệ người đều đã đóng góp công sức, máu xương, trí tuệ, sự quả cảm của mình trong đấu tranh chống lại sự cuồng nộ của thiên nhiên, giặc dã… Đặc biệt, cùng với lao động, ngôn ngữ, chữ viết xuất hiện, và với bản tính luôn tìm tòi để tìm và mưu cầu hạnh phúc, mưu cầu cái tốt đẹp cho từng con người và thế hệ người của chính mình, con người đã phát minh ra lửa, thuốc súng, đến máy chạy hơi nước, đến bom nguyên tử, đến vật liệu nano, đến vũ khí lade…đi cùng vơi đó là vô vàn tiện ích ngày càng hiện đại phục vụ cho nhu cầu của con người. Trong đó, cùng với ngôn ngữ, ĐỌC, cùng với quan sát, suy ngẫm, phân tích, xử lý, tìm ra cái bản chất, quy luật, cái logic, hệ thống, cái cần phải hành động để mưu cầu cái tốt hơn, hay hơn… và chính qua ĐỌC để hiểu chính mình, hiểu thiên nhiên, hiểu cái đã có, cái do mình và người và thế hệ người làm ra.
          ĐỌC không chỉ bao hàm cầm sách để đọc, nó là một từ gồm ba chữ cái, nhưng nội hàm của nó rất rộng nó là quá trình nhận thức của loài người và xã hội loài người từ cổ đại đến nay, từ cái chưa biết, u muội, hoang sơ, nguyên thủy đến hiểu biết bên ngoài, hình thức của các sự vật hiện tượng, đến hiểu biết bản chất của sự vận động biến đổi của thế giới vật chất và của chính bản thân con người và loài người, Đọc để học, hiểu, tư duy để sáng tạo, để mưu cầu hạnh phúc cho mình và thế hệ người của mình.
          ĐỌC để thấy rằng mình và chính tư duy của mình còn tồn tại và vẫn thật là Người, đọc để thấy vũ trụ bao la, hiểu biết của ta là có hạn nhưng loài người thì vô hạn, đọc để biết, để hiểu đúng bản chất cái cần hiểu, nhớ cái cần nhớ, và cũng đọc để quên cái cần phải quên, không nên và không cần nhớ, đọc để thấy mình là Ai và có bao nhiêu Ai cần phải có trong mình… Ôi khó quá… thôi thì cứ mỗi ngày ĐỌC một vài tin, bài, mẩu chuyên, nhất là phải ĐỌC kỹ tài liệu, văn bản, Nghị quyết, Chỉ thị, Hướng dẫn, ĐỌC một vài tin xã hội, chính trị, thời sự và nhất là Thể dục thể thao (ngành của Khoa Giáo dục thể chất); ĐỌC để nắm và xử trí thông tin sát thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ, ĐỌC để thấy sự tồn tại của thế giới ngày nay không chỉ có màu hồng, cũng chẳng phải chỉ mỗi màu đen.
          ĐỌC để cười, đọc để suy tư về cuộc đời, đọc để thấy trong dòng chảy vô cùng, vô tận của thời gian và của không gian luôn lẫn lộn dòng đục, dòng trong, cái thuận cái nghịch, cái đen, cái trắng, cái trong cái ngoài, có âm ắt có dương, cái được cái mất, cái trên, cái dưới, thuận nghịch...  đan cài, cái hợp lý và chưa hợp lý cùng luôn tồn tại, ĐỌC để thấy trong mạch chảy vô cùng vô tận đó dòng trong, cái thuận, cái hợp lý, cái mạch và dòng đời luôn chảy ra biển lớn luôn là chủ đạo, là trung tâm của sự vận động phát triển và tiến bộ, văn minh của chính con người và loài người. Ôi khó thật, chỉ cần đọc để ham biết ít, đến biết nhiều hơn, đọc để biết đủ, biết đúng, biết dừng, biết quê hương gia đình, dòng tộc, biết cái chân lý đọc không bao giờ biết hết, biết đủ... thôi chỉ cần biết gạn đục khơi trong, biết đem sự hiểu biết của mình cùng với cán bộ, giảng viên Khoa phối hợp hành động trách nhiệm, nhiệt tình,.để hoàn thành tốt, xuất sắc mọi nhiệm vụ, thanh thản khi chơi thể thao, nghỉ ngơi.

Liên hoan chia tay Đại tá Nguyễn Tuấn Lý



           Kính thưa đ/c Thiếu tướng - Phạm Quốc Trung - Hiệu trưởng Nhà trường
        Kính thưa đ/c Trung tướng Trần Trung Khương – Chính uỷ Nhà trường
           Kính thưa các Thủ trưởng trong Ban giám hiệu Nhà trường
           Kính thưa đ/c Đại tá Nguyễn Tuấn Lý và phu nhân
          Kính thưa các đ/c Chỉ huy các phòng, khoa, ban. Thưa toàn thể các đ/c.
         Đ/c Đại tá Nguyễn Tuấn Lý sinh ngày 14/5/1955 tại xã Quang Châu, huyện Việt Yên tỉnh Hà Bắc, nay là tỉnh Bắc Giang; nhập ngũ ngày 10/2/1973. Sau 40 năm 6 tháng phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, với 33 năm phục vụ tại Trường Sĩ quan Chính trị, trải qua nhiều cương vị từ người lính trong kháng chiến chống Mỹ, đến người học viên sĩ quan Pháo binh, đến giảng viên, đến phó Chánh văn phòng, đến Hệ trưởng và Chủ nhiệm khoa GDTC của TSQCT. Đ/c Đại tá Nguyễn Tuấn Lý trưởng thành từ binh nhì cho đến đại tá là sĩ quan cao cấp, dù qua bất cứ cương vị công tác nào đ/c đều hoàn thành tốt và xuất sắc chức trách nhiệm vụ của mình và đều xứng đáng là người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Hôm nay đ/c được Đảng, Nhà nước, Quân đội cho nghỉ hưu theo chế độ. Thay mặt cho cán bộ giảng viên Khoa GDTC xin chúc mừng đ/c và phu nhân cùng gia đình; xin chúc sức khoẻ Thủ trưởng Nhà trường cùng tất cả các đ/c. Nhân dịp này cho phép tôi thay mặt cán bộ, giảng viên Khoa GDTC được cảm ơn sự đóng góp hiệu quả, trách nhiệm, nhiệt tình, tận tuỵ của đ/c  Lý trên cương vị chủ nhiệm Khoa, đ/c đã cùng với đ/c Đậu Tiến Thung nguyên Đại tá PCNK đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển của Khoa giáo dục thể chất khi được tái thành lập vào tháng 11 năm 2008 đến nay; đặc biệt chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, và tin tưởng của Thủ trưởng Ban giám hiệu Nhà trường, sự chỉ đạo, hướng dẫn, quan tâm, giúp đỡ hiệu quả của các Phòng, Khoa, Ban trong Nhà trường đối với Khoa GDTC.
          Thưa toàn thể các đ/c được nghỉ hưu và khi nghỉ hưu được thật sự thanh thản về cuộc đời, sự nghiệp, gia đình, con cái, và có sức khoẻ dẻo dai luôn là mong ước và tiêu chí phấn đấu của bất cứ cán bộ nào trong quân đội nhân dân Việt nam. Đ/c Lý có được như hôm nay trước hết là sự phấn đấu nỗ lực của cá nhân, sự quan tâm, giúp đỡ tạo điều kiện của nhiều thế hệ Thủ trưởng và cán bộ, giảng viên, nhân viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Nhà trường. Đặc biệt, có sự gánh vác, tần tảo, chia sẻ sớm hôm chăm lo con cái và gia đình của Chị Đãi vợ đ/c Lý. Chúng tôi xin cảm ơn chị và chúc mừng chị, chúc mừng đ/c Lý và gia đình đã có được sự may mắn đó. Một lần nữa thay mặt cán bộ giảng viên khoa GDTC xin chúc mừng đ/c Lý, chúc đ/c nghỉ hưu luôn giữ được hình ảnh Anh Bộ đội cụ Hồ, sức khoẻ tốt. Chúc sức khoẻ Thủ trưởng Nhà trường và các đ/c chí có mặt trong buổi liên hoan hôm nay, xin trân trọng cảm ơn Thủ trưởng và các đồng chí.
          Xin mời đ/c Dương Đức Tuấn - Phó CNK Khoa Giáo dục thể chất tặng chị Đãi bó hoa tươi thắm; nhân dịp này cán bộ giảng viên Khoa Giáo duc thể chất tặng đ/c Lý bức tranh kỷ niệm và chúc đ/c Lý mọi sự như ý.


Nên và rất nên đọc kỹ những câu nói bất hủ của Nelson Mandel

"Khi tôi bước đến với tự do, tôi biết rằng nếu không bỏ lại nỗi đau và sự căm thù lại phía sau, tôi sẽ vẫn ở trong tù" là một trong những câu nói nổi tiếng của cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. 

       "Tôi đã chiến đấu chống lại sự thống trị của người da trắng, và tôi đã chiến đấu chống lại sự thống trị của người da đen. Tôi yêu mến lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do, trong đó mọi người dân sống với nhau hòa thuận, có những cơ hội bình đẳng. Đó là lý tưởng mà tôi hy vọng sẽ sống vì nó và đạt được nó. Nhưng nếu cần, tôi cũng sẵn sàng chết vì lý tưởng đó", Mandela nói tại tòa án Rivonia năm 1964, khi ông đối mặt với một án tử hình vì âm mưu lật đổ chính quyền.  
      "Khi tôi bước đến với tự do, tôi biết rằng nếu không bỏ lại nỗi đau và sự căm thù lại phía sau, tôi vẫn sẽ ở trong tù", Mandela nói sau khi được ra tù năm 1990. 
     "Những nhà lãnh đạo thực sự phải sẵn sàng hy sinh tất cả vì sự tự do của dân tộc họ".
     "Không phải vua và tướng tạo ra lịch sử mà chính là đám đông quần chúng, những công nhân, nông dân, bác sĩ, luật sư". 
"Nếu có bất cứ điều gì tôi nhận thức được, thì đó là không sợ thiểu số, đặc biệt là thiểu số da trắng. Chúng ta sẽ không sống như những con mèo béo", ông nói trước cuộc bầu cử tổng thống năm 1994. 
      "Chúng ta đạt được hiệp ước rằng chúng ta sẽ xây dựng một xã hội trong đó tất cả người Nam Phi, da màu lẫn da trắng, sẽ có thể bước ngẩng cao đầu, với trái tim không run sợ, được đảm bảo về quyền bất khả xâm phạm đối với nhân phẩm - một quốc gia cầu vồng hòa bình trong nội tại và trên thế giới", Mandela phát biểu trong lễ nhậm chức tổng thống. 
      "Tôi bước xuống với một nhận thức, một cảm giác rõ ràng rằng bằng một cách nhỏ nhoi, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ với dân tộc tôi và đất nước tôi", ông nói khi thôi làm tổng thống.  
     "Sự việc đều tưởng như bất khả thi cho tới khi nó được hoàn thành".
      "Nghèo không phải là một tai ương. Giống nạn nô lệ và phân biệt chủng tộc, nó do con người tạo ra và có thể được xóa bỏ bằng hành động của nhân loại". 
     "Đừng đánh giá tôi dựa trên những thành công của tôi, hãy đánh giá tôi dựa trên số lần tôi gục ngã và đứng dậy trở lại". 
     "Điều nuối tiếc lớn nhất trong cuộc đời tôi là tôi chưa bao giờ trở thành vô địch giải đấm bốc hạng nặng thế giới".
     Khi Đức thắng Nam Phi trong giải bóng đá World Cup 2006, Mandela nói: "Ít nhất chúng ta có quyền uống say... lần tới chúng ta sẽ thắng". 
      "Cái chết là điều không thể tránh khỏi. Khi một người đã hoàn thành điều người đó coi là trách nhiệm với dân tộc của ông ta, với đất nước của ông ta, ông ta có thể yên nghỉ. Tôi tin rằng tôi đã hoàn thành nỗ lực đó, và vì vậy, đó là lý do tôi sẽ ngủ yên trong vĩnh hằng", Mandela trả lời phỏng vấn trong bộ phim tài liệu "Mandela".



Cựu tổng thống Nam Phi - Nelson Mandela qua đời

Cựu tổng thống Nam Phi -Nelson Mandela qua đời ở tuổi 95.

         Tổng thống Nam Phi Zacob Zuma xúc động thông báo tin này trên truyền hình quốc gia hôm qua. "Đất nước ta đã mất đi một người con vĩ đại", Zuma nói.
        "Hỡi những người anh em Nam Phi của tôi, Nelson Mandela yêu quý của chúng ta, vị tổng thống sáng lập nên nền dân chủ của chúng ta, đã ra đi. Ông qua đời bình yên trong vòng tay của gia đình vào lúc 20h50 ngày 5/12/2013. Ông đã yên nghỉ", Zuma thông báo lúc 21h57 GMT (4h57 sáng nay giờ Hà Nội).
        "Mặc dù chúng ta biết ngày này sẽ tới, chẳng điều gì có thể làm thuyên giảm nỗi mất mát sâu sắc và dai dẳng của chúng ta. Cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì tự do đã khiến ông được thế giới kính trọng. Sự khiêm tốn, đam mê và nhân đạo của ông khiến ông được thế giới yêu mến", tổng thống Zuma nói.
         Mandela đã được điều trị bệnh phổi tại nhà từ tháng 9 đến nay, và trước đó ông có ba tháng nằm viện khi bệnh trở nặng.
Cờ Nam Phi sẽ được treo rủ từ hôm nay cho đến hết quốc tang, theo AFP.
        Mandela là con người huyền thoại của phong trào đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, từng ngồi tù 27 năm trước trong nhà tù đảo Robben. Được thả năm 1990, ông dẫn dắt đất nước tới dân chủ, chấm dứt chế độ cai trị của người da trắng thiểu số và đảm bảo quyền bầu cử cho người da màu. Ông được bầu làm tổng thống Nam Phi năm 1993, giữ chức từ năm 1994-1999.
         Rất nhiều nhà lãnh đạo và người nổi tiếng thế giới thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau bày tỏ lòng tôn kính và ngưỡng mộ ông.
        Năm 1993, ông được trao giải Nobel Hòa bình cùng Frederik Willem de Klerk, lãnh đạo Nam Phi da trắng từng ra lệnh thả ông. "Hoạt động của họ đã chấm dứt một cách hòa bình chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và đặt nền tảng cho một nước Nam Phi dân chủ mới", nhận xét của Ủy ban Nobel Hòa bình ca ngợi công lao của ông.
        "Đến nay, ông là nguyên thủ quốc gia đáng ngưỡng mộ và tôn kính nhất trên thế giới, và là một trong những con người vĩ đại nhất trên trái đất này", Tổng giám mục Nam Phi Desmond Tutu, người giành giải Nobel Hòa bình năm 1984, nói. 
        Bức ảnh khi Mandela giơ cao nắm tay khi được ra tù trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh kiên cường của ông chống phân biệt chủng tộc. Ông từng nói: "Những lãnh đạo thực sự phải sẵn sàng hy sinh tất cả vì sự tự do của dân tộc họ".

        Cựu tổng thống Nam Phi - Nelson Mandela qua đời, nhưng di sản lớn nhất của ông chính là nghị lực phi thường của một con người suốt đời đấu tranh cho dân chủ, tự do, bình đẳng và bác ái ở Nam Phi và thế giới. Với 27 năm ngồi tù và đấu tranh không mệt mỏi, Ông là Tổng thống mang dấu ấn đậm, sâu về sự quyết tâm ngoài sức tưởng tượng của con người về sự kiên cường đấu tranh không biết mệt mỏi cho tự do, dân chủ của đất nước Nam Phi. Không chỉ nhân dân Nam Phi mà cả thế giới đều ngưỡng mộ Ông, xin chia buồn với nhân dân Nam Phi.


Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Để có 3 HC vàng ở SEA Games 27 - Ánh Viên ăn một cân thịt bò và 50 con tôm mỗi bữa

Ánh Viên ăn một cân thịt bò và 50 con tôm mỗi bữa

      Xung quanh quá trình 'luyện vàng'' của nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên tại bang Florida (Mỹ) có không ít chuyện thật mà như đùa.
     Bữa ăn hiện tại của Viên khác xa các tuyển thủ Việt Nam còn lại. Cô phải ''giải quyết" một kg thịt bò, 50 con tôm, một đĩa mì to, một đĩa rau trộn, gần lít sữa tươi, chưa kể hoa quả các loại chỉ trong một bữa ăn.
     Thực đơn này chắc chắn vượt xa và khác hẳn bất cứ VĐV nào của Việt Nam, tiếp cận tiêu chuẩn dành cho VĐV bơi vĩ đại nhất lịch sử Michael Phelps, bởi nó được chính các chuyên gia của Mỹ tư vấn dựa trên thực tế đặc điểm cơ thể, nhu cầu tập luyện thi đấu.
Chỉ với mức ăn như vậy, Viên mới có thể đảm bảo đủ năng lượng khoảng trên dưới 4.000 calo để duy trì được 6-7 tiếng mỗi ngày tập luyện liên tục ở cường độ cao. Nhưng để ăn được như vậy cũng không dễ. Để có thể ăn một cách chuyên nghiệp như bây giờ, Ánh Viên từng có thời gian vừa ăn vừa khóc, rồi phải nghỉ giải lao vài lần chẳng khác gì một cực hình.
     Theo HLV Đặng Anh Tuấn, khối lượng vận động của Viên ngày một tăng cao và khẩu phần ăn của Viên cũng tiếp tục nâng lên theo. Và ông sẽ phải đau đầu tìm phương án để làm sao cô học trò cưng có thể thích nghi tốt.
     Bơi Việt Nam trước đây, chỉ một vài trường hợp đặc biệt mới có HLV riêng, và người nhiều nhất cũng chỉ có một HLV. Thế nhưng riêng Ánh Viên khi rèn tập tại CLB St Augustine còn được kèm cặp hàng ngày bởi 3 ông thầy. Ngoài HLV trưởng đội tuyển quốc gia Đặng Anh Tuấn còn có 2 chuyên gia ngoại “xịn”. Trong đó, một người lo về chuyên môn, một người chuyên về thể lực, ông Tuấn vẫn là người chịu trách nhiệm quán xuyến chung.
      Với sự hợp sức của bộ ba HLV này, Ánh Viên đã có một quy trình tăng tốc phát triển bài bản, kỹ lưỡng, khoa học về mọi mặt, và được cụ thể hóa một cách chặt chẽ và hiệu quả theo từng đợt, từng tuần rồi đến từng ngày. Cũng nhờ tố chất hiếm có, ý chí và sự khổ luyện, nên gương mặt đất Cần Thơ luôn có thể đáp ứng ở mức cao nhất mọi bài tập chuyên môn và thể lực, theo đúng tiêu chuẩn của các kình ngư trẻ hàng đầu thế giới.
      Ngoài thời gian tập riêng, Ánh Viên còn liên tục được tập và thi đấu cọ xát cùng nhóm VĐV xuất sắc của CLB, không chỉ các đồng nghiệp nữ mà cả nam, thuộc nhiều trình độ và trường phái khác nhau.
      Nhiều người thực sự thích thú khi thấy hình ảnh Ánh Viên bơi ngửa với một cốc nước đặt ở giữa trán, và nó không hề nghiêng ngả một chút nào. Đây là một minh chứng sinh động cho sự kỳ công và khổ luyện của Viên, với mục tiêu rèn cho cơ thể và tư thế đảm bảo một cách ngặt nghèo nhất cho đòi hỏi của bơi ngửa, vốn là nội dung mũi nhọn.
     Hiện tại, các chuyên gia quốc tế đánh giá Viên là một trong vài kình ngư nữ có kỹ thuật bơi ngửa tốt nhất châu lục, bên cạnh các chỉ số hình thể lý tưởng.
     Với chất lượng, số lượng từng bữa ăn, từng bài tập như thế này mong và chúc Ánh Viên đạt ít nhất 3 HC Vàng Sea Gams 27, thực sự là Viên ngọc Ánh lóng lánh, huy chương của Đoàn thể thao Việt Nam.




Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Sự lựa chọn lịch sử, đúng đắn của nhân dân, quốc hội

Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi

     Sáng 28/11/2013; Với 97% đại biểu tán thành, toàn văn dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã được Quốc hội thông qua.
     Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trình bày không có nhiều thay đổi so với lần trình bày trước đó. Dự thảo gồm 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp 1992.
     Theo ông Lưu, Quốc hội đã 3 lần cho ý kiến, đồng thời Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã lấy ý kiến nhân dân nên dự thảo lần này đã "phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân".
Hiến pháp sửa đổi quy định, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
     Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị.
     Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình...
     Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.
     Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.
     Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
     Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế...
     Người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hoà bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại thì được Việt Nam xem xét cho cư trú.
     Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.
     Khi cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định.
     Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc...
     Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày toàn văn Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo này, với 486 đại biểu tán thành trong tổng số 488 đại biểu có mặt (chiếm 97%), hai đại biểu không biểu quyết.
     Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đây là sự kiện có tính chất lịch sử của thời kỳ mới xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, đưa đất nước phát triển. Bản Hiến pháp trình Quốc hội thông qua lần này là kết quả của quá trình làm việc cần mẫn, tâm huyết, tận tụy của các đại biểu Quốc hội, được cử tri trong và ngoài nước, các ngành, các cấp, và cả hệ thống chính trị tham gia.
     "Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới và là bản Hiến pháp được chuẩn bị với tinh thần như vậy nên đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân", ông Hùng nói và cho hay, các đại biểu quốc hội đã làm việc hết sức mình, thảo luận nhiều phiên, qua 3 kỳ họp với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc được tinh hoa trí tuệ của toàn dân vào bản hiến pháp thông qua lần này.
    Theo dự thảo Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp dự kiến được thông qua sáng nay, Hiến pháp phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày thông qua, và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.
     Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội khóa XIII tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV họp kỳ thứ nhất. Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV bầu ra các cơ quan mới.
     Những công việc đang được cơ quan Nhà nước giải quyết theo quy định của Hiến pháp năm 1992 mà thẩm quyền này được giao cho cơ quan nhà nước khác thực hiện theo quy định của Hiến pháp (sửa đổi) thì phải chuyển giao cho cơ quan nhà nước đó để tiếp tục giải quyết, kể từ ngày Hiến pháp này có hiệu lực.
     Các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp (sửa đổi) có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp.
     Việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và ban hành mới Luật tổ chức chính quyền địa phương phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua chậm nhất là vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015).
     Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Hiến pháp đang có hiệu lực được kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII thông qua năm 1992. Trước đó, còn có Hiến pháp năm 1946, 1959 và 1980.
     Quốc hội thông qua Hiến pháp với số phiếu cao thể hiện sự đồng thuận nhất trí cao với bản Hiến pháp mới 2013; đây là sự thể hiện rõ nét nhất về sự thống nhất cao của cơ quan quyền lực nhất nước ta, nhưng cũng là đại diện cao nhất của nền dân chủ của chúng ta, của nhân dân ta trong việc đóng góp vào dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 2013 bảo đảm công khai dân chủ, minh bạch và đồng thuận cao trong việc lựa chọn những vấn đề cơ bản nhất của dân tộc ta trên con đường xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.