Cựu tổng thống Nam Phi -Nelson Mandela qua đời ở tuổi 95.
Tổng thống Nam Phi Zacob Zuma xúc động thông báo tin này trên
truyền hình quốc gia hôm qua. "Đất nước ta đã mất đi một người con vĩ
đại", Zuma nói.
"Hỡi những người anh em Nam Phi của tôi, Nelson Mandela
yêu quý của chúng ta, vị tổng thống sáng lập nên nền dân chủ của chúng ta, đã
ra đi. Ông qua đời bình yên trong vòng tay của gia đình vào lúc 20h50 ngày
5/12/2013. Ông đã yên nghỉ", Zuma thông báo lúc 21h57 GMT (4h57 sáng nay
giờ Hà Nội).
"Mặc dù chúng ta biết ngày này sẽ tới, chẳng điều gì có
thể làm thuyên giảm nỗi mất mát sâu sắc và dai dẳng của chúng ta. Cuộc đấu
tranh không mệt mỏi vì tự do đã khiến ông được thế giới kính trọng. Sự khiêm
tốn, đam mê và nhân đạo của ông khiến ông được thế giới yêu mến", tổng
thống Zuma nói.
Mandela đã được điều trị bệnh phổi tại nhà từ tháng 9 đến nay,
và trước đó ông có ba tháng nằm viện khi bệnh trở nặng.
Cờ Nam Phi sẽ được treo rủ từ hôm nay cho đến hết quốc tang,
theo AFP.
Mandela là con người huyền thoại của phong trào đấu tranh chống
chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, từng ngồi tù 27 năm trước trong nhà tù
đảo Robben. Được thả năm 1990, ông dẫn dắt đất nước tới dân chủ, chấm dứt chế
độ cai trị của người da trắng thiểu số và đảm bảo quyền bầu cử cho người da
màu. Ông được bầu làm tổng thống Nam Phi năm 1993, giữ chức từ năm 1994-1999.
Rất nhiều nhà lãnh đạo và người nổi tiếng thế giới thuộc nhiều
lĩnh vực khác nhau bày tỏ lòng tôn kính và ngưỡng mộ ông.
Năm 1993, ông được trao giải Nobel Hòa bình cùng Frederik
Willem de Klerk, lãnh đạo Nam Phi da trắng từng ra lệnh thả ông. "Hoạt
động của họ đã chấm dứt một cách hòa bình chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và đặt
nền tảng cho một nước Nam Phi dân chủ mới", nhận xét của Ủy ban Nobel Hòa
bình ca ngợi công lao của ông.
"Đến nay, ông là nguyên thủ quốc gia đáng ngưỡng mộ và tôn
kính nhất trên thế giới, và là một trong những con người vĩ đại nhất trên trái
đất này", Tổng giám mục Nam Phi Desmond Tutu, người giành giải Nobel Hòa
bình năm 1984, nói.
Bức ảnh khi Mandela giơ cao nắm tay khi được ra tù trở thành
biểu tượng cho cuộc đấu tranh kiên cường của ông chống phân biệt chủng tộc. Ông
từng nói: "Những lãnh đạo thực sự phải sẵn sàng hy sinh tất cả vì sự tự do
của dân tộc họ".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét