Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Thông tin - Hiểu biết - Chìa khóa của cuộc sống

      Nhân sự kiện hai quan chức Trung Quốc vừa bị sa thải vì tự tiện cho trùng tu các bức bích họa hàng trăm năm tuổi với màu sắc rực rỡ "như truyện tranh"

      Theo Global Times, một quan chức phụ trách quản lý chùa Tiếp Vân và đội trưởng Quản lý di sản văn hóa thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh- Trung Quốc, bị sa thải hôm 21/10 với tội danh "hủy hoại giá trị của tác phẩm nghệ thuật Phật giáo hàng trăm năm tuổi".

     Các bức bích họa cổ trong chùa Tiếp Vân với 270 năm lịch sử gần đây bị sơn sửa lại bằng màu sắc sặc sỡ như truyện tranh, hoàn toàn trái ngược với bản vẽ gốc.
     Vụ việc thu hút sự quan tâm, phê phán lớn trong xã hội Trung Quốc, sau khi được một người có nickname là Wujiaofeng đăng tải lên mạng xã hội Weibo.
     Chính quyền thành phố Triều Dương lập tức cho điều tra sau khi các bức ảnh xuất hiện trên mạng. Kết quả điều tra cho biết Đội Quản lý di sản văn hóa thành phố đã cấp phép trùng tu cho ban quản lý chùa Tiếp Vân. Theo quy định, các tác phẩm nghệ thuật lâu đời như trên cần được sự chấp thuận của cơ quan quản lý văn hóa cấp tỉnh mới được trùng tu.
      Theo ý kiến của các chuyên gia bảo tồn di tích văn hóa, các bức bích họa trên phải được trùng tu sao cho giống như bản gốc, nhưng với tình trạng hiện nay thì khó lòng cứu vãn nổi.
     "Tôi thấy đầu óc mấy người này có vấn đề nặng", một người dùng mạng xã hội Weibo, bình luận. Một người khác thì viết: "Cái giá của sự thiếu hiểu biết thật khủng khiếp".
     Trong xã hội hiện nay, thông tin là chìa khóa của cuộc sống, trong quân đội thông tin là chìa khóa của quyền lực, mạch sống của chỉ huy, của tác chiến; trong kinh doanh thông tin là chìa khóa của sự thành công; trong sự nghiệp thông tin là chìa khóa giúp con người vươn tới nấc thang cao hơn trong công việc; trong tình yêu thông tin là chìa khóa để các đôi uyên ương hiểu và yêu nhau hơn... 
       Không có thông tin là bị tách khỏi cuộc sống xã hội, không có thông tin là mù tịt, là chết ngay khi còn đang sống... Nhưng vấn đề đặt ra cho mỗi chúng ta có thông tin, thì cần có thông tin đa chiều, thông tin hữu dụng, thông tin sắc, cần, sát với chính công việc, chính nội dung của hành động mỗi người, mỗi chức trách của từng cá nhân, tập thể, cộng đồng người cần khai thác. Đi cùng với đó là có hiểu biết tương xứng, sâu sắc, nhạy cảm, nhất là có một tâm hồn trong sáng vì cái chung, có trách nhiệm, bản lĩnh, nhất là có trình độ, có tâm, tầm, tài, và sự quyết đoán trong thu thập, phân tích, xử lý và vận dụng thông tin đó cho hữu ích với tập thể và chính cuộc sống của con người. 
       Thật lạ, bài viết trên cho thấy sự ngu dốt đã phá đi chính cái mà người dân, cộng động người đã, đang có, sẽ có thể có về lịch sử, văn hóa...; đồng thời sự ngu dốt, kém hiểu biết vì thiếu thông tin hoặc cố tình không chịu học để nắm được thông tin cần phải có đã làm hỏng đi bức bích họa Phật giáo cổ 270 năm, đồng thời cũng làm mất đi 2 quan chức ra quyết định trùng tu bức tranh trên. 
     Thật là "Cái giá của sự thiếu hiểu biết thật khủng khiếp". "Khủng khiếp hơn chính là nó được trao cho những kẻ ngu dốt, thiếu thông tin, không coi thông tin luôn là chìa khóa của cuộc sống".

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Thức tỉnh lòng dân - nghĩ vận nước Từ sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp



Thức tỉnh lòng dân - nghĩ vận nước 

Từ sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Thiên tài quân sự kiệt xuất thế giới, Nhà văn hóa, Người anh Cả của Quân đội, Nguyên Bộ trưởng Bộ quốc phòng Tổng Tư lệnh của LLVT nhân dân Việt Nam ra đi ở tuổi 103. Sự ra đi của Đại tướng là mất mát to lớn của nhân dân, dân tộc Việt Nam và thế giới. Đại tướng ra đi để lại cho dân tộc ta rất nhiều tư tưởng quý báu về: "Dĩ công vi thượng", về nhân dân và sức mạnh của nhân dân, của dân tộc; về chiến tranh nhân dân, nhất là về nền nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo, sáng tạo; về tâm, tầm, tài, đức, trí, nghĩa, dũng, nhân, trung của người Tướng trong quân đội… Đại tướng để lại di sản của mình không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà còn cho thế giới, nhân loại qua thông điệp của chính cuộc đời và sự nghiệp của mình luôn gắn liền với lịch sử của một đất nước anh hùng, không chịu khuất phục trước bất cứ lực lượng nào muốn áp đặt hoặc nô dịch dân tộc Việt Nam, nhưng cũng luôn mong muốn làm bạn và là bạn chân thành, tri kỷ trên cơ sở của lòng tin với tất cả các nước trên thế giới.
Đại tướng mất ngày 4/10/2013, từ ngày đó đến hết 12/10/2013 khi cử hành Lễ tang, ngày 13/10/2013 khi Lễ truy điệu Đại tướng, hàng trăm vạn đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế đã đến đến ngôi nhà số 30 - Hoàng Diệu- Hà Nội, Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội, đến làng An Xá- xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình nơi sinh của Đại tướng; đến mũi Rồng thuộc thung lũng Vũng Chùa, phía ngoài là Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình nơi an táng Đại tướng... để tỏ lòng thành kính, để kính viếng và đưa tang Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng; và hiện nay, hàng ngày đều có hàng ngàn người vào kính viếng Đại tướng tại nơi an nghỉ của Người ở Vũng Chùa, Đảo Yến. Nhân dân Việt Nam ở trong nước, nước ngoài, bạn bè và nhân dân thế giới đều bày tỏ lòng ngưỡng mộ, sự thành kính và niềm tiếc thương vô hạn về sự ra đi của Đại tướng.
Lòng dân tập trung về một con người và từ con người đó - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thôi thúc bản ngã, sự đoàn kết, lòng người thành kính hướng đến sự tự cảm nhận ra mình cần phải thực hành chân, thiện, mỹ tốt hơn; suy nghĩ sâu sắc hơn, nhân văn hơn đến văn hóa và chiều sâu cội nguồn phát triển của lịch sử dân tộc, đến sự cố kết lòng dân trong cốt cách, giản dị, khiêm nhường, thấm đậm văn hóa Việt Nam của Đại tướng truyền đến mỗi người chúng ta; đến sự biết ơn chân thành từ đáy lòng mình về một con người mà Văn- Võ song toàn đã cùng các bậc tiền bối của dân tộc Việt Nam đã, đang và sẽ mãi soi sáng con đường duy nhất đúng đắn là độc lập dân tộc gắn liền với xã hội chủ nghĩa, con đường đi đến độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, văn minh mà không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ cường quyền, bạo lực nào. Mặt khác, từ Đại tướng còn cho chúng ta thấy một chân lý đó là lòng dân của dân tộc anh hùng, quân đội anh hùng luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc và đúng đắn nhất là phải vì dân, vì nước, phải “Dĩ công vi thượng”, và không thể khác được. Đặc biệt, từ Đại tướng toát lên vẻ đẹp giản dị, sự khiêm nhường, gần gũi, nhưng cũng rất anh minh, tỏa sáng để chính mỗi chúng ta cần tự nhận thức về tư duy và hành động của mình sao cho xứng đáng với Đại tướng, mà không cần hiệu triệu, không cần kêu gọi, đó là niềm tự hào đan xen sự tích tụ, tập trung, kỳ vọng về đoàn kết, đồng lòng của mỗi con người để vươn lên và tuyệt thay đều xuất phát từ trái tim của mỗi người dân về sự cố gắng hơn nữa để sống trách nhiệm với cộng đồng, để sống tốt hơn, người hơn góp phần làm hưng thịnh dân tộc, Tổ quốc mình; sự vĩ đại ở Đại tướng của nhân dân, Người tướng của mọi tướng; người Tư lệnh của mọi tư lệnh, người Chính ủy của mọi chính ủy chính là ở đây. Tôi xin trích hai câu đối nổi tiếng của ông Hồ Cơ quê ở Nghệ An, sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi, mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 90 tuổi và 100 tuổi; đây là những câu đối mà trên thế giới có một, không có hai.

Câu đối thứ nhất "Văn lo vận nước, văn thành võ/ Võ thấu lòng dân, võ hóa văn"

Câu đối thứ hai "Trăm tuổi lừng danh Văn Đại tướng/Nghìn thu vang tiếng Võ Anh hùng"

Tài của Đại tướng khi còn sống ai cũng biết, cũng hiểu, kể cả đối phương cũng phải nể trọng, cảm phục và dành cho Đại tướng nhiều nhận xét kỳ vĩ, trân trọng. Đức của đại tướng ai cũng hiểu cũng nhận thức được Đại tướng là Đại tướng của nhân dân, Đại tướng của Việt Nam và thế giới, của nhân văn, lấy chí nhân thay cường bạo, lấy đại nghĩa thắng hung tàn, Đại tướng của trên dưới đồng lòng, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào, Đại tướng của mỗi trận chiến không bao giờ cố quyết đoán ra lệnh để chiến thắng bằng mọi giá mà phải hy sinh nhiều xương máu của người chiến sĩ; Đại tướng đánh thắng 7 tướng Pháp và 4 tướng Mỹ; Tổng Tư lệnh tối cao của gần 100 trăm chiến dịch lớn nhỏ trong 30 năm kháng chiến thần thánh của dân tộc trong chống Pháp, chống Mỹ; Đại tướng của tất cả cho thực hiện được "Dĩ công, vi thượng"; Đại tướng của sự kết tinh lòng quả cảm, sáng tạo, thông minh, trí tuệ của nhân dân và dân tộc Việt Nam.
Đằng sau sự ra đi của Người là lòng dân trăm họ hướng tới Người và thành kính vĩnh biệt Đại tướng. Đại tướng như nắng mùa đông, sao mà ấm áp, gần gũi, thân thương, cố kết cộng đồng, thức tỉnh tính nhân văn, thức tỉnh lòng bao dung, độ lượng, hướng thiện. Thật vậy, rất nhiều nhà hảo tâm, công ty, rất nhiều doanh nhân, thanh niên tình nguyện… đã đóng góp tâm, tài, lực.. để hàng chục vạn đồng bào khi viếng Đại tướng được ăn bánh mỳ, uống nước, và được trải lòng thành kính của mình trước Đại tướng; rất nhiều nghệ sỹ, tướng lĩnh, cựu chiến binh, nhân dân từ cụ già đến trẻ em, dù bị ốm đau, tàn tật vẫn thành kính đi hàng trăm, hàng ngàn cây số đến viếng Đại tướng. Đức của Đại tướng là lòng dân ngưỡng mộ, thành kính, hướng tới sự gắn kết lòng dân, thấy được trách nhiệm của mình trước sự phát triển của dân tộc Việt Nam.
Nhân dân, dân tộc ta còn thương tiếc Đại tướng mãi mãi; nhưng chúng ta cũng rất tự hào vì có Đại tướng và Người đã để lại cho chúng ta di sản quý báu nhất, đó là hình ảnh một con người suốt đời vì nước, vì dân. Tài, Đức của Đại tướng đã góp phần thức tỉnh mọi con tim Việt Nam từ trong đến ngoài nước, và bạn bè quốc tế hướng tới xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng, trong đó có đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, hiện đại.
Lòng dân trăm họ đang và sẽ luôn mãi hướng về Đại tướng, hướng về cội nguồn của nhân văn, đạo đức, chân thiện mỹ, hướng về sự kỳ vọng vào sự phát triển đi lên của đất nước, dân tộc; điều đó chắc chắn sẽ đến và chính điều đó đòi hỏi mỗi chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn, đồng lòng về một chí hướng chặt chẽ và mạnh mẽ hơn, nhân văn hơn, đoàn kết hơn, nhất là nỗ lực cao hơn về mọi mặt để phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam phát triển thịnh vượng sánh vai với các cường quốc năm châu, để xứng đáng với sự vĩ đại của Người - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng của nhân dân.




Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Giải mã sự "ứng nghiệm kỳ lạ" của tên gọi Võ - Nguyên - Giáp

Bác Hồ đã từng nói với Đại tướng: “Chú đã có Văn, giờ cách mạng cần có Võ, chú nghiên cứu Võ hơn nữa”.

     Trong những ngày cả nước đau thương khi mất đi vị Đại tướng tôn kính, tòa soạn chúng tôi nhận được bài viết của độc giả Nguyễn Thế Dương - Đại học Queensland - Australia. Độc giả Nguyễn Thế Dương đã lý giải về tên gọi của Đại tướng kính yêu thay cho nén hương thơm dâng người. Xin trân trọng gửi tới bạn đọc nguyên văn bài viết:
     Dẫu biết quy luật tạo hóa thật khắc nghiệt nhưng tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp không còn trên cõi trần này nữa vẫn khiến mỗi người Việt Nam cảm thấy xót xa như mất đi một người ruột thịt. Tôi cứ nghĩ không biết điều gì đã hun đúc một nhân cách vĩ đại như ông. Quê hương, thời đại, gia đình, dòng họ, những điều đó đều dễ nhận ra đối với mọi người. Nhưng đối với riêng tôi, ông vĩ đại từ ngay chính cái tên của mình. Cái tên đã gắn với Đại tướng như một số phận.
     Võ Nguyên Giáp, người họ Võ luôn đứng đầu
     Là một nhà Nho, chắc hẳn cụ Võ Quang Nghiêm, thân phụ của Đại tướng đã gửi gắm vào cái tên của người con trai “Nguyên Giáp” nhiều kì vọng của mình.
“Nguyên” nghĩa là thứ nhất, đầu tiên, đứng đầu, như trong từ “nguyên thủ”, lại cũng có nghĩa là “tài giỏi” như trong “Thiên tử chi nguyên sĩ” (Người tài giỏi của thiên tử).
Trong hệ thống khoa cử phong kiến khi xưa, “nguyên” dùng để chỉ người đỗ đầu. Người nào đỗ đầu kì thi Hương được gọi là Giải Nguyên. Người đỗ kì thi Hội đều được nhận học vị tiến sĩ nhưng chỉ có người đỗ đầu mới được tôn vinh là Hội Nguyên. Các tiến sĩ đỗ thi Hội này sẽ tham dự kì thi Đình, do chính Vua tổ chức để phân hạng tiến sĩ. Người đỗ đầu kì thi Đình sẽ được gọi là Đình Nguyên. Người nào đỗ đầu cả ba kì thi thì được gọi là Tam Nguyên. Ở nước ta, có một số nhân vật đã có được danh hiệu Tam Nguyên như Phạm Đôn Lễ, Vũ Dương, Lê Quý Đôn, Vũ Phạm Hàm, Trần Bích San hay Nguyễn Khuyến.
     Nhưng không phải tất cả các Đình Nguyên tiến sĩ đều được gọi là Trạng Nguyên. Chỉ có những người đạt điểm cao gần như tuyệt đối tại kì thi Đình mới được liệt vào hàng Tam khôi (Đệ nhất Giáp) gồm có Trạng Nguyên, Bãng Nhãn và Thám Hoa.
     Và trong số những người đủ điểm để vào “Đệ nhất giáp tiến sĩ” thì chỉ có người có điểm cao nhất mới giành được danh hiệu Trạng Nguyên (Đệ nhất giáp tiến sĩ, Đệ nhất danh). Do đó, số lượng Trạng Nguyên là không nhiều, chỉ có 47 người trong hàng nghìn năm lịch sử khoa bảng của Việt Nam. Trong số những vị Tam Nguyên kể trên, cũng chỉ có Phạm Đôn Lễ và Vũ Dương là Trạng Nguyên.
     Có thể thấy, tên đệm của Đại tướng gắn liền với những gì thuộc về đầu tiên, thứ nhất của hệ thống khoa bảng thời trước. Còn chữ “Giáp” trong tên của Đại Tướng cũng không nằm ngoài trường nghĩa về việc giáo dục và thi cử Nho học. “Giáp” cũng mang nghĩa là nhất, chiếm hàng đầu, đứng đầu. Giáp là can đứng đầu trong số 10 can. Do đó, trong chế độ khoa cử thời xưa, đối với thi Đình, để xếp hạng các tiến sĩ, người ta phân thành Tam Giáp. Nhất Giáp như đã nói ở trên gồm có ba ngôi vị Trạng Nguyên, Bảng Nhãn và Thám Hoa. Nếu không đủ điểm để vào Nhất Giáp, vị Tiến sĩ đó sẽ được nhận xếp vào hàng Đệ Nhị Giáp Tiến sĩ xuất thân, hay còn gọi là Hoàng Giáp (cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến cũng đỗ Hoàng Giáp). Đệ Tam giáp Tiến sĩ xuất thân (dân gian thường gọi là ông Nghè) là người đứng cuối cùng trong bảng danh dự của học vị tiến sĩ .
     Như vậy, cả chữ “Nguyên” và chữ “Giáp” đều bắt nguồn từ những khái niệm thuộc về việc khoa cử và giáo dục thời phong kiến. Một nhà Nho như cụ Võ Quang Nghiêm hẳn đã phải cân nhắc thật kĩ càng khi đặt tên cho người con trai của mình như vậy: một niềm tin rằng người con trai đó sẽ theo nghiệp học hành, giáo dục và phải là một người xuất chúng, đứng đầu trong lĩnh vực của mình.
Người con nữa của cụ, ông Võ Thuần Nho (em ruột của Đại tướng) chắc cũng được đặt tên theo mạchthi cử văn nghiệp này.
     Thực tế, Võ Nguyên Giáp đã đi theo con đường mà cha Ông đã đặt biết bao kì vọng. Ông đỗ thứ hai trong kì thi vào trường Quốc học Huế, học xong bằng cử nhân Luật năm 1937. Đến năm 1939, Ông đã trở thành một thầy giáo lịch sử tại trường Thăng Long do GS Hoàng Minh Giám đứng đầu.
     Đại tướng “Võ” - tên “Văn”
     Nhưng cuối cùng, ông được cả thế giới biết đến như một vị danh tướng lẫy lừng với những chiến công hiển hách cho dù Đại tướng chưa hề kinh qua bất kì một trường lớp huấn luyện quân sự nào.Vận mệnh dân tộc đã khiến thầy giáo Võ Nguyên Giáp phải tạm gác lại việc bút nghiên để dấn thân vào sự nghiệp quân sự. Và đó là một sự lựa chọn đúng đắn của lịch sử dân tộc.
Sự lựa chọn đó dường như cũng không tách rời khỏi cái tên của ông. Một người họ Võ, rồi lại theo con đường võ nghiệp.
     Một người theo con đường võ nghiệp họ Võ mà lại có tên là “người đứng đầu, người thứ nhất”. Từ Giáp trong tên ông lại mở ra thêm một ý nghĩa nữa là tấm áo giáp, một thứ quân trang thiết yếu của mỗi một người lính từ xưa tới nay. Và cuộc đời Đại tướng đã chứng minh cái tên mà cha mẹ đặt cho ông hoàn toàn tương ứng: Ông là người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, là người trực tiếp chỉ huy quân đội làm nên những chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
     Ông có bí danh là Văn, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt. Đại tướng họ Võ, mà lại thường được gọi là Văn. Liệu có sự “mâu thuẫn” không? Xin thưa, không hề! 
     Ông là người theo Võ nghiệp từ nền tảng của Văn nghiệp. Chính Bác Hồ đã từng nói với ông: “Chú đã có Văn, giờ cách mạng cần có Võ, chú nghiên cứu Võ hơn nữa”. Và trong đời cầm quân của mình, Đại tướng bao giờ cũng thể hiện sự nhân văn trong mỗi quyết định. Sự cẩn trọng, chắc chắn là yếu tố cốt yếu để bảo toàn sinh mạng cho các chiến sĩ ở mức cao nhất. Cây dương cầm luôn là người bạn sẻ chia với ông nhất trong những giây phút quyết định cam go. Chủ tịch Hồ Chí Minh hẳn phải hiểu rõ Đại tướng lắm mới đặt cho ông một bí danh ý nghĩa đến vậy.
     Võ nghiệp đã khắc tên ông vào lịch sử với tư cách một trong những người anh hùng dân tộc vĩ đại nhất. Nhưng trở về từ chiến trường đỏ lửa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại gắn bó với những công việc “Văn” như bí danh của ông. Ông từng giữ cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học - Kỹ thuật rồi Chủ tịch danh dự của Hội Sử học Việt Nam.
     Nhưng dù ở bất cứ lĩnh vực nào, ông vẫn là một người đứng đầu – “một người Nguyên Giáp”, một người “Văn – Võ song toàn”, người mà tên tuổi sẽ mãi trường tồn với Tổ quốcViệt Nam anh hùng và nhân văn. Xin kính cẩn nghiêng mình bái biệt Người.
                                                                                Theo Tri thức trẻ

Những vần thơ về Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Dân trí) - Có lẽ trong đau thương, khó có hình thức nào biểu cảm hơn Thơ. Chỉ trong vòng một tuần kể từ khi Đại tướng từ trần, đã có hàng vạn bài thơ viết về Người. Trên GOOGLE tại thời điểm 5 giờ sáng ngày 12/10, tìm nội dung “thơ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp” đã cho kết quả 3.330.000 trong 0,22 giây. Một con số khổng lồ và còn liên tục tăng trong những ngày tới...

Những vần thơ tiễn biệt Đại tướng thấm đẫm nước mắt 

Nặng lòng chi nữa với núi sông/Quê hương nợ cụ một tấm lòng/Muôn thuở người đi còn danh vọng/Tạc vào bốn bể trấn mênh mông

Người gửi: Nguyen Kim Cat
Đường Hoàng Diệu nhân dân về quy tụ
Gió chiều thu rung nhẹ ngọn xà cừ
Trời, đất trang nghiêm cùng ru Người ngủ
Đại tướng vừa đi qua đủ chặng đường
Đây ngôi nhà, trước đây Người thường ở
Lá vườn cây rủ tưởng nhớ người xưa
Hoa cũng vậy dường như dừng không nở
Những bậc thềm yên ắng cửa cài then
Đưa dân tộc vượt qua hai cuộc chiến
Người sẽ còn hiện mãi giữa lòng dân
Người gửi: Đức Chung
Trời Nam liệu được mấy ai
Thư sinh mà lại sẵn tài lược thao?
Ra quân dưới ngọn cờ đào
Điện Biên sấm sét thủa nào còn vang.
Sao vàng chói lọi hào quang
Mùa xuân đại thắng sử vàng ghi công.
Từ xa nâng chén rượu hồng
Mừng rằng hậu thế sẽ trông gương lành...!!
Người gửi: Ngô Thị Hoà
Cả nước đau lòng tiễn biệt ông!
Ông đi thanh thản ở trong lòng
Chiến công muôn đời không kể xiết
Lưu danh truyền mãi vọng ngàn năm!
Người gửi: Trần Thu Hương
Thế hệ ấy đã qua chăng?
Nghe trong sâu thẳm mưa giăng mịt mùng.
Chiều qua tiễn một anh hùng.
Người mang đến cuộc trùng phùng nước non.
Bác ơi! giờ Bác không còn.
Bia người nằm xuống, bia son dát vàng.
Cũng thì là một Quốc tang.
Nhưng dường như khắp thế gian khóc người.
Vĩnh biệt Bác nhé Bác ơi!
Người gửi: Trần Thu Trang
Võ Nguyên Giáp
Ai được sinh ra ở thời bình
Hãy cùng ghi khắc thời gian khó
Điện Biên sống mãi với cha anh.

Bác không khóc không vui mừng khi chiến thắng
Bác lặng thầm giấu biệt những nỗi đau
Khi tự do phải trả bằng xương máu
Thì trái tim đã phải chết nhiều lần.

Đến cuối cùng khi trở về với đất
Với anh em chiến sĩ đồng bào
Với xa xưa những chiến trường oanh liệt
Vẫn tin yêu cả thế giới hòa bình.

Bác chiến đấu cả đời không ngừng nghỉ
Bác chiến thắng trong mọi khó khăn.

Bác viết tên lên bầu trời xanh thẫm
Việt Nam
Lên mảnh đất vẫn mang hình chữ S
Việt Nam
Đến tận mai sau và con cháu
Vẫn Việt Nam.
Người gửi: Khôi Xuân Trinh
Dẫu rằng vẫn biết bình thường
Tử sinh là lẽ đương nhiên ở đời
Nhưng sao lòng thấy bùi ngùi
Khi nghe tin Bác đi rồi – chia xa
Một nhà giáo - một sử gia
Một nhà quân sự tài ba lẫy lừng.
Chúng con nước mắt rưng rưng
Xin tiễn biệt bác về cùng tổ tiên
Trời Nam có vị tướng hiền
Muôn đời sử sách ghi tên sổ vàng.

Người gửi: HoangHai
Muôn đời nhớ ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Việt Nam mất một nhân tài
Nhân loại lịch sử miệt mài ghi công
Nhớ ơn thống nhất non sông
Muôn đời con cháu, sẽ không quên người!

Đất nước nở mãi nụ cười
Vì Võ Nguyên Giáp, là người sáng soi
Đưa đường, chỉ lối, tìm tòi
Tương lai tươi đẹp, giống nòi quang vinh.

Cả nước vái biệt hương linh
Thành tâm ghi nhớ, nghĩa tình sắt son
Ngàn đời thế hệ cháu con
Nhớ ơn tướng Giáp, mãi còn ngợi ca!

Người gửi: Phạm Cương
Bác là vị Thánh của dân
Dường như Thánh Gióng giáng xuống trần
Dẹp tan giặc ác quay về núi
Mấy đời tái hiện lại vĩ nhân
Rồi đây gian khó còn muôn phần
Tìm đâu thiên tướng tiêu trừ ác
Ai người gánh việc làm an dân.
Người đi cả triệu con tim nhớ
Xen lẫn niềm đau mất thiên tài.

Người gửi: Khuyết danh
Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng lòng dân khắc đậm sâu
Trời thu tiễn biệt chẳng vơi sầu
Năm châu lắng đọng niềm thương tiếc
Bốn biển tuôn trào nỗi xót đau
Nhân cách rạng ngời vang thuở trước
Chiến công lừng lẫy vọng ngàn sau
Người đi cả nước buồn vô hạn
Nhói buốt trong tim tiếng nguyện cầu

Người gửi: Huong Tra
Từ phương Nam con muốn về phương Bắc
Đặt trước hiên nhà nhành hoa trắng đau thương
Bác nghe không tiếng khóc khắp muôn phương
Vĩnh biệt Bác, lòng dân tràn khí phách..

Người gửi: Hiệp Sơn
Bác đã đi thật rồi!
Mệnh trời không cưỡng được,
Cỏ cây như ngơ ngác,
Mây trời như ngừng bay,
Cháu cắn môi không khóc,
Mà lệ vẫn tràn mi!

Bất tử!

               Kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 

Thánh Gióng về trời, Thánh Giáp về quê.

Vì Dân - Nước, Người trở thành bất tử

Thành núi, thành mây thành ruộng, đồng, sông, bể…

Thành tượng hình chữ S trấn biển Đông

Thành đền thờ trong mỗi tấm lòng Dân

Thành ngọn đuốc soi đường đêm tăm tối

Thành mặt trời cho trần gian nắng mới

Thành mặt trăng vành vạnh tấm gương vàng

 

Người ba năm không nói không cười vươn vai thành Phù Đổng

Người cuối đời ẩn ánh sao Khuê trong tấc dạ trung thành

Nhẫn và Vinh đốn ngộ Vinh và Nhẫn

Trái tim hồng thành Xá lị, Kim đan

 

Người không nghĩ mình sẽ hóa thánh nhân

Khi nằm xuống cả non sông thương khóc

Cả non sông thành rồng chầu, hổ phục

Tôn vinh Người vị Thánh của lòng Dân

Bắn lên trời cao những tiếng sấm vang rền

Tiễn Người vào BẤT TỬ!

 

Nghe trái đất rùng mình thương nhớ

Hướng về Người lấp lánh giữa trời sao…

                                                   Hà Nội, 10.10.2013

                                                   Nguyễn Trọng Tạo

Người bất diệt trong lòng dân nước Việt!

Từ một cơ thể cụ thể
Võ Nguyên Giáp hóa vào đồng bào
Nhân dân mỗi người có một Võ Nguyên Giáp

Võ Nguyên Giáp là viên ngọc Việt
Càng vùi sâu càng sáng
Không đao to búa lớn
Không kể công…
Những lá thư cuối đời vẫn nặng lòng vì nước
Trái tim già cùng nhịp đập nhân dân.

Võ Nguyên Giáp là Điện Biên
Võ Nguyên Giáp là Việt Nam chiến thắng
Võ Nguyên Giáp là Thánh, là Tiên
Là Hồng là Lạc
Là bất diệt trong lòng dân nước Việt!

                                                  Trần Nhương
                                      Sáng 5-10-2013
Nỗi đau ngàn lần
                   Kính cẩn vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Quảng Bình ơi, đâu chỉ là bão lũ
Tin sét ngang trời Người đã ra đi....
Đau mất Bác hơn ngàn lần bão quét
Xin kính cẩn vĩnh biệt Người – Đại tướng của lòng dân!

Hà Nội hôm nay xám xịt một màu tang
Con nức nở viết bài thơ dâng Bác
Trăm triệu người Việt Nam đang khóc
Chúng con mất vị Cha già - mất tướng Giáp oai phong.

Cả nước yêu thương Bác đến nghẹn lòng
Chúng con làm Quốc tang Người trên từng trang viết
Quá đau đớn để nói lời vĩnh biệt
Vị tướng toàn tài, đức độ một ông Tiên

Ngủ ngon Bác ơi, trong cõi Người Hiền
Cả dân tộc đồng lòng ru giấc Bác
Thêm một lần cả nước nhoà trong nước mắt
Giây phút bàng hoàng Người lặng lẽ ra đi.

Vẫn biết rằng sinh tử biệt ly
Hình bóng Người đã bao trùm sông núi
Tài đức của Người đã lừng danh thế giới
Trái tim Người đập từng phút vì dân.

Giờ phút này con chỉ ước mong
Được đi trong đoàn người đưa tiễn Bác
Con đã từng may mắn hơn bao nhiêu người khác
Được nắm bàn tay Người, dẫu chỉ phút giây thôi.

Dẫu mai đây vật đổi sao dời
Thế giới này vẫn vinh danh tướng Giáp
Giá trị đó ngàn đời không thể khác
Kể cả kẻ thù cũng ngưỡng mộ Người ơi!

Khí phách, uy nghi, tài, đức rạng ngời
Hồn sen Việt rước Người về tiên cảnh
Mấp máy môi con gọi Người – vị Thánh
Linh hồn người thành hào khí non sông!
                                                       Nguyệt Vũ
Lời ru Vĩ nhân!
             Kính tặng hương hồn vị Đại tướng của Nhân Dân !
À ơi...
Ông đã ngủ rồi
Sau khi thức suốt một đời trăm năm
Bao nhiêu biến cố thăng trầm
Nụ cười khuất những âm thầm nỗi đau...

À ơi...
Ông ngủ cho sâu
Non sông đang rủ một màu khăn tang
Tiếc thương như lửa thử vàng
Trái tim như ngọc lại càng sáng lên...

À ơi...
Ông ngủ cho yên
Giữa lòng đất mẹ một miền yêu thương
Ông về với lại quê hương
Nơi ông nghỉ, gió bốn phương tụ về...

À ơi...
Ông ngủ với quê        
Nén nhang con thắp, lời thề vẹn nguyên
Ru ông về với Cõi Tiên
Chẳng còn chi nữa lụy phiền thế gian...

Lời ru thương nhớ vô vàn
Một người văn võ song toàn...
VĨ NHÂN !!!
                                 Nguyễn Minh Tâm

Đại tướng của lòng dân
Cuộc đời Người đã trở thành huyền thoại
Đại tướng của lòng dân, Đại tướng của hòa bình
Người là Văn, là Võ – Đức hy sinh
“Như núi lửa phủ đầy tuyết trắng”
Cả thế giới dõi theo, hàng triệu người đứng lặng
Khi nghe tin Đại tướng qua đời…
Như là Tiên, là Bụt về  trời
Như Thánh Gióng sau dẹp tan giặc dã

Tổng Tư lệnh đầu tiên, Đại tướng – Người Anh cả
Bao tiếng gọi thiêng liêng, kính trọng…thắt lòng
Người làm nên rạng rỡ non sông
Không nao núng trước bạo tàn, ngang trái
Chiến thắng Điện Biên năm châu lừng lẫy
Đại thắng Mùa Xuân, thế giới nghiêng mình
Người chăm lo cho hạnh phúc, hòa bình
Khép quá khứ, không hề quên quá khứ
Người là hiện thân của Đức – Tài – Nhân nghĩa
Là tinh hoa của dân tộc anh hùng.

Người lại trở về với khúc ruột miền Trung
Nơi khoảng giữa của hai đầu đất nước
Hoành Sơn sau lưng, biển Đông phía trước
Triệu triệu trái tim luôn ở bên Người
Ơi Đèo Ngang bao huyền thoại trên đời
Nay huyền thoại trở về nơi huyền thoại
Người theo bước Bác Hồ vĩ đại
Làm vì sao tinh tú giữa trời cao.

Nguyện cùng Người, xin nắm chặt tay nhau
Cả dân tộc vững vàng bước tới…!
                                                Đặng Quốc Vinh

                                                                         Theo Lê Lộc tổng hợp

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Sinh mùa nắng thu - ra đi mùa thu, Đại tướng là nắng Vàng mãi sáng nghìn thu

     Đại tướng sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911, vào mùa thu, quê hương của Đại tướng là Quảng Bình vào mùa này hay có lũ; Đại tướng sống 103 mùa thu, Đại tướng ra đi vào hồi 18 giờ 9 phút ngày 4 tháng 10 năm 2013, vào mùa thu... và cuộc đời của Đại tướng như nắng vàng mãi sáng nghìn thu.

      Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người cuối cùng của thế hệ các nhà cách mạng lập quốc đã qua đời, nhưng triết lý về hạnh phúc của người cầm quân mà ông đưa ra sẽ còn tỏa sáng trên mọi lĩnh vực

     Đại tướng ra đi ở 103 tuổi, sự ra đi của ông hẳn thật nhẹ nhàng. Đại tướng sẽ rất vui khi được gặp lại cha mẹ, Cụ Hồ và những người đồng đội cũ.
     Báo chí nước ngoài giật tít: “One of greastest general of history” (Một trong những vị tướng vĩ đại nhất của lịch sử), cho thấy sự nghiệp của ông đã lừng lẫy năm châu.
     Chúng ta, những người đang sống cần tìm cách hiểu và học được những gì mà thế hệ của ông, có lẽ là thế hệ những người Việt Nam xuất sắc nhất trong lịch sử, để lại. Để có thể bước tiếp con đường. Để sau này, đến lúc chúng ta gặp lại ông và các đồng đội của ông, cũng không có gì phải hổ thẹn. Là chúng ta đã cố gắng hết sức mình. Chúng ta cùng nhớ về Đại tướng:
      Ngày 22/12/1944, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập: 34 chiến sĩ chân đất, 2 khẩu súng thập (tiểu liên), 17 khẩu súng trường giáp 5, giáp 3, và 150 viên đạn, còn lại là súng kíp, mã tấu, giáo mác.
      Ngày 7/5/1954, 5 sư đoàn quân đội nhân dân Việt Nam, bao vây và tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ do 16.000 quân Pháp đồn trú, có đầy đủ máy bay, pháo binh và xe tăng yểm trợ, bắt sống gần 12.000 tù binh.
     Giữa hai thời điểm đấy chỉ là 9 năm, 4 tháng, 15 ngày! Từ trong rừng sâu, Võ Nguyên Giáp đã trở thành vị tướng đầu tiên của châu Á đánh bại về quân sự đối với quân đội thực dân của một cường quốc châu Âu. Một cách tâm phục, khẩu phục.
     Cứ mỗi khi đọc lại số liệu về hai sự kiện này, tôi lại thấy như câu chuyện Thánh Gióng cũng không hoàn toàn là hoang tưởng. Và đằng những sự kiện này, chắc phải chứa đựng rất nhiều những bài học bổ ích.
     Khi được đài truyền hình Pháp phỏng vấn năm 1981 về tướng Navarre, đối thủ trực tiếp của ông, Võ Nguyên Giáp đã nói: "Navarre là một tướng có tài, thua trận không phải là lỗi của ông ta, mà là lỗi của những người bắt đầu cuộc chiến". Luận điểm này được khẳng định rõ hơn khi trả lời câu hỏi "Vào thời điểm nào thì ông cảm nhận là các ông sẽ thắng?” mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara đặt ra, đại tướng đã không chần chừ một phút khẳng định: "Chúng tôi biết là chúng tôi sẽ thắng ngay từ ngày đầu tiên".
      Đây không phải là những lời khoa trương của một người thắng trận. Đây là tâm huyết, đúc kết một minh triết về quân sự, cũng đúng cho bất cứ một cuộc đối đầu nào khác giữa những nước nhỏ và các cường quốc. Đó là tâm huyết của một quân đội sinh ra từ nhân dân, luôn tâm niệm giành được sự ủng hộ của nhân dân, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, và dựa vào nhân dân để chiến thắng.
      Quay lại với bối cảnh lịch sử Việt Nam thời đó, ngày 20/6/1940, Paris thất thủ trong chiến tranh thế giới thứ hai. Ngay sau đó mấy ngày Nguyễn Ái Quốc đã chỉ thị cho các đồng chí của mình, trong đó có Võ Nguyên Giáp, lúc đó đang ở Quế Lâm, Trung Quốc: "Thất bại của Pháp là cơ hội to lớn của cách mạng Việt Nam, chúng ta phải ngay lập tức tìm đường về nước để lợi dụng cơ hội này".
      Khi ai đó hỏi, chúng ta sẽ lấy vũ khí ở đâu? Nguyễn Ái Quốc trả lời: "Đây là vấn đề quan trọng nhất của cách mạng. Nếu chúng ta có vũ khí bây giờ, ai sẽ là người cầm vũ khí. Vì vậy chúng ta phải về nước và động viên quần chúng. Khi nhân dân đứng dậy, họ sẽ có vũ khí!".
     Chính triết lý về chiến tranh vũ trang như vậy, đã đưa cụ Hồ đến quyết định chọn Võ Nguyên Giáp, một giáo viên sử học nhưng đặc biệt ham thích lịch sử quân sự, làm người đứng đầu tổ chức vũ trang đầu tiên của Việt Minh. Sau này khi các phóng viên phỏng vấn Võ Nguyên Giáp về việc tại sao lại chọn ngành quân sự, ông đều bảo: "Cái này các đồng chí phải đi hỏi cụ Hồ". Chính Tướng Giáp cũng đã thắc mắc rằng: "Cháu không quen việc quân sự", và đã được cụ Hồ động viên: "Cứ làm đi rồi sẽ quen".
      Trong chỉ thị viết trên vỏ bao thuốc lá, gửi cho Võ Nguyên Giáp ngày 22/12/1944, Hồ Chí Minh đã viết: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền…. cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân….Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho  chóng có các đội đàn em khác. Tuy lúc đầu qui mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó là rất vẻ vang, nó là khởi điểm của giải phóng quân, đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam ta".
     Tại hội nghị đặc biệt của Bộ Chính trị tháng 10/1961, bàn về chiến lược đánh Mỹ, có đầy đủ các tướng lĩnh đang hừng hực khí thế sau Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng Mỹ mạnh hơn Pháp rất nhiều về mặt quân sự và bất cứ ý tưởng nào lấy vũ lực để chọi vũ lực trong cuộc chiến mới sẽ thất bại. Sức mạnh của các lực lượng cách mạng nằm trong lĩnh vực chính trị, vì thế cụ Hồ đã đề ra sách lược gồm 3 thành tố: chiến tranh du kích, phát động quần chúng, và đặc biệt quan trọng là giành được sự ủng hộ của nhân dân toàn thế giới.
    Là người đồng chí và học trò thân cận nhất của cụ Hồ, Võ Nguyên Giáp hẳn đã rất thấm nhuần quan điểm quân sự của Hồ Chí Minh. Quân đội của ông luôn ở trong dân. Như ông đã viết: "Vị đại tướng vĩ đại nhất của Việt Nam là nhân dân Việt Nam".
      Năm 1947, chính ông đã phát hiện ra một đại đội chủ lực được báo cáo là đã bị tiêu diệt, trên thực tế vẫn tồn tại và chiến đấu ngay trong lòng địch ở Bắc Ninh. Đại đội này nhờ biết cách dựa vào dân để chiến đấu, được dân tin yêu gọi là Đại đội nghĩa quân. Võ Nguyên Giáp đã viết trong cuốn "Chiến đấu giữa vòng vây": "Như vậy không ít những vấn đề nêu trong nghị quyết đã được thực hiện sáng tạo ở mức cơ sở. Chiến thuật đại đội độc lập mở ra những khả năng rất to lớn cho cuộc kháng chiến lâu dài".
      Khi ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình: hoãn cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ đêm 26/1/1954, hẳn ông đã nghĩ rất nhiều đến nhân dân. Đến sự hy sinh của những người lính. Đến trách nhiệm của ông với lời dặn của Cụ Hồ: "Tướng quân tại ngoại, chú toàn quyết quyết định. Đánh trận này chắc chắn phải chiến thắng. Không chắc thắng không đánh!".
      Một trận đánh lớn vinh danh người chỉ huy theo kiểu "không thành công sẽ thành nhân", có thể phù hợp với triết lý thông thường, nhưng một thất bại, dù nhỏ sẽ để lại những hậu quả tâm lý khôn lường cho đội quân có tên là Tuyên truyền Giải phóng quân. Đội quân đó phải biết cách xây dựng niềm tin của nhân dân qua hàng loạt các chiến thắng dù nhỏ.
     Tiểu đoàn 307 nổi tiếng "đánh đâu được đấy" cũng nhờ áp dụng triết lý xuyên suốt: "Yếu hơn trên toàn mặt trận, nhưng phải mạnh hơn trên từng trận đánh".
      Một số sử gia quân sự phương Tây, trong cố gắng làm giảm hào quang của ông, thường miêu tả ông chẳng qua chỉ là một viên tướng giỏi hậu cần và gặp may. Họ vô tình quên mất rằng, chính điều đó càng vinh danh ông và các đồng chí mình hơn với triết lý: dựa vào dân mà chiến thắng.
     Tiếp tế luôn là một vấn đề sống còn của mọi đạo quân. Navarre đã không tin là có thể tiếp tế lương thực và đạn dược cho hàng chục ngàn quân Việt Minh bao vây Điện Biên Phủ vì xung quanh toàn là rừng núi hiểm trở mà Việt Minh thì không có máy bay. Bởi thế ông ta ung dung cho quân nhảy dù xuống thung lũng. Ông ta hẳn phải rất ngạc nhiên khi biết chiến dịch tiếp vận phi thường đấy được hàng trăm ngàn dân công thực hiện chỉ bằng một công cụ hết sức đơn giản là chiếc xe đạp thồ.
      Sau này, nếu chỉ được chọn ra một lý do khiến Mỹ phải thất bại ở Việt Nam, rất nhiều những nhà nghiên cứu quân sự đã đi đến kết luận rằng đó là việc Mỹ không thể chặn đứng con đường tiếp tế qua hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh. McNamara phải thừa nhận, dù đã sử dụng tất cả những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất như B52, hàng rào điện tử, hay dã man nhất như chất diệt cỏ, bom bi và napal, quân đội Mỹ đã bất lực trong việc bóp nghẹt đường mòn Hồ Chí Minh. Họ không hiểu đó là con đường được xây trong lòng dân, con đường dẫn đến tự do như tác giả Mỹ Virginia Morris đã viết trong cuốn sách: "The Road to Freedom" (Đường đến tự do).
    Mỗi khi chúng ta gặp khó khăn, hãy tìm về quãng thời gian 9 năm, 4 tháng 15 ngày từ 22/12/1944 tới 7/5/1954. Tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ được tiếp thêm năng lượng để vững vàng vượt qua thử thách. Tôi sẽ luôn nhớ mãi lời dạy của ông: "Hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên chiến sĩ trên chiến trường".
     Vĩnh biệt Đại tướng, người anh cả, người Tổng Tư lệnh của một quân đội "vì nhân dân quên mình"; Vĩnh biệt vị Đại tướng sinh ra vào mùa thu, ra đi mùa thu, sống 103 mùa thu, và Người như nắng vàng nghìn thu mãi sáng của dân tộc Việt Nam và thế giới.
   "Sinh mùa thu; Hóa mùa thu; Nắng thu nghìn thu sáng".
     

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Thông điệp và dấu ấn Việt Nam qua Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

 Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo
Thưa Ngài Chủ tịch,
Thưa ngài Tổng Thư ký LHQ,
Thưa Quý vị,
Tôi rất vinh dự được phát biểu tại Diễn đàn cao quý này. Tôi xin chúc mừng Tiến sĩ John William Ashe được bầu làm chủ tịch Khóa họp thứ 68, Đại hội đồng LHQ. Tôi tin tưởng rằng, dưới sự điều hành của Ngài Chủ tịch, khóa họp này sẽ thành công trong hoạch định các bước phát triển của thế giới sau năm 2015. Tôi cũng xin bày tỏ sự trân trọng đối với đóng góp quan trọng của Ngài Tổng Thư ký vào thành công của LHQ trong thời gian qua.
Thưa Quý vị,
Nhìn lại 100 năm qua, thế giới đổi thay sâu sắc; như phẳng ra, như nhỏ lại nhờ những thành tựu kỳ diệu của Khoa học Công nghệ. Cuộc sống của con người được cải thiện rất nhiều. Nhưng cùng với bao điều tốt đẹp, vẫn luôn còn đó  những hiểm họa tiềm tàng. Ước mơ của nhân loại về một cuộc sống an toàn, hòa bình và phồn vinh vẫn còn xa ở phía trước.
Nhân loại khát khao hòa bình, nhưng vì sao vẫn còn xung đột, chiến tranh. Kinh tế phát triển, nhưng vì sao hàng tỷ người vẫn còn nghèo khổ. Khoa học công nghệ tiến bộ vượt bậc, nhưng vì sao vẫn chưa có phương cách ứng phó thật hữu hiệu với thiên tai, dịch bệnh.
Các câu hỏi đó đặt ra cho cộng đồng quốc tế chúng ta trách nhiệm cao cả và hết sức nặng nề.
Thưa Quý vị,
Trong lịch sử loài người, chiến tranh đã hủy diệt nhiều nền văn minh. Ngay trong 100 năm qua, 2 cuộc thế chiến và nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, trong đó có chiến tranh ở Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của cả trăm triệu người và để lại hậu quả rất nặng nề, kéo dài nhiều thế hệ.
Chắc các vị đều chia sẻ với tôi rằng, cho dù hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế chủ đạo, nhưng nguy cơ chiến tranh vẫn chưa được loại bỏ. Vẫn còn đó bạo lực ở Trung Đông, Bắc Phi, gần đây nhất là ở Syria – nơi chúng ta cần mạnh mẽ lên án việc sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời dành cho hòa bình mọi cơ hội, tìm mọi giải pháp hòa bình để loại bỏ vũ khí hóa học trên cơ sở luật pháp quốc tế và các Nghị quyết của LHQ. Vẫn còn đó mối quan ngại sâu sắc về những diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên.
Biển Hoa Đông, Biển Đông vẫn chưa lặng sóng vì những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ… Chỉ cần một hành vi thiếu trách nhiệm sẽ có thể dẫn tới xung đột, thậm chí dẫn tới chiến tranh.
Đối với Biển Đông, nơi hơn một nửa hàng hóa thế giới đi qua – bảo đảm an ninh an toàn hàng hải là lợi ích thiết thực không chỉ đối với khu vực mà cả thế giới. Việt Nam trước sau như một nhất quán chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; bảo vệ lợi ích chính đáng của mình đồng thời vì lợi ích chung, phù hợp với luật pháp quốc tế, công ước luật biển 1982, tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), các thỏa thuận khu vực và sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Thưa quý vị,
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Sinh mạng con người dù màu da nào cũng quý như nhau. Mạng sống của một người bị cướp đi thì đối với một gia đình dù ở ngay khu Manhattan này hay ở nơi hẻo lánh nào đó trên trái đất cũng đều là mất mát thương đau.
Bất kỳ hành động hiếu chiến nào đều phải bị lên án, ngăn chặn. Bất cứ nỗ lực ngăn ngừa xung đột nào đều phải được trân trọng, ủng hộ. Còn một biểu hiện dù mong manh của sự sống, người thầy thuốc cũng phải tận tâm cứu người. Còn một tín hiệu dù nhỏ nhoi của hòa bình chúng ta cũng phải tận sức để tránh chiến tranh. Bởi chiến tranh sẽ cướp đi sinh mạng không chỉ của một mà của rất nhiều người – trong đó chắc chắn sẽ có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Xung đột, chiến tranh chỉ có thể được ngăn chặn khi những hành động trái với Hiến chương LHQ, trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền… phải được đấu tranh loại bỏ. Hòa bình chỉ có thể được gìn giữ khi  các quốc gia tôn trọng độc lập chủ quyền và truyền thống văn hóa của nhau, không áp đặt tiêu chuẩn chính trị, đạo đức lên nhau; khi vai trò của LHQ, của Hội đồng bảo an LHQ được phát huy… Và trên hết là lòng tin chiến lược giữa các quốc gia phải không ngừng được vun đắp bằng sự thật tâm, thái độ chân thành và những hành động thiết thực, cụ thể, như việc dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba hay công nhận quyền tự quyết của Palestine.
Cộng đồng quốc tế chúng ta trông đợi các cường quốc hãy là những tấm gương trong kiến tạo hòa bình. Hội đồng bảo an LHQ hãy là điểm tựa, là động lực để các quốc gia, các dân tộc cùng chung tay gìn giữ hòa bình… Bàn tay chết chóc của chiến tranh, của khủng bố, của bạo lực đang rình rập ở nhiều nơi hòng cướp đi mạng sống của hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người vô tội. Hãy đừng tiếp tay. Đừng làm ngơ. Hãy ngăn chặn bàn tay đó lại.
Thưa quý vị,
Tôi chia sẻ quan điểm của ngài Tổng Thư ký rằng các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ là nỗ lực chống đói nghèo thành công nhất trong lịch sử. Nhưng chúng ta không quên rằng 40% tài sản toàn cầu nằm trong tay chỉ gần 1% dân số thế giới. Khoảng cách giàu nghèo vẫn tiếp tục gia tăng. Thế giới vẫn còn hơn một tỉ người phải sống trong tình trạng nghèo cùng cực. Nghĩa là hàng trăm triệu người -  trong đó có rất nhiều trẻ em – đói không đủ thức ăn, lạnh không đủ áo ấm, bệnh không có thuốc uống, tới tuổi đi học không được đến trường….
Tôi chia sẻ quan điểm của ngài Tổng Thư ký rằng các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ là nỗ lực chống đói nghèo thành công nhất trong lịch sử. Nhưng chúng ta không quên rằng 40% tài sản toàn cầu nằm trong tay chỉ gần 1% dân số thế giới. Khoảng cách giàu nghèo vẫn tiếp tục gia tăng. Thế giới vẫn còn hơn một tỉ người phải sống trong tình trạng nghèo cùng cực. Nghĩa là hàng trăm triệu người -  trong đó có rất nhiều trẻ em – đói không đủ thức ăn, lạnh không đủ áo ấm, bệnh không có thuốc uống, tới tuổi đi học không được đến trường….
Chúng ta cũng không quên rằng, khí thải, nạn phá rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên…  làm trái đất nóng thêm, nước biển dâng lên, thiên tai hung dữ, bệnh dịch hoành hành… Những đại họa đó làm cho các nước nghèo càng thêm khốn khó.
Để thoát khỏi đói nghèo; để phòng tránh thiên tai; để ngăn chặn bệnh dịch; để bảo vệ môi trường… để một thế giới xanh hơn, công bằng hơn cần sự chung tay của tất cả chúng ta. Người nghèo, nước nghèo cần nỗ lực tự vươn lên với sự hỗ trợ của người giàu hơn, nước phát triển hơn. Sự hỗ trợ đó không phải chỉ bằng tấm lòng nhân ái “lá lành đùm lá rách“ mà trước hết cần bằng trách nhiệm bởi trong sự giàu có của nhiều người, sự phát triển của nhiều nước không phải không có phần đáng ra thuộc về những người nghèo, nước nghèo.
Cộng đồng quốc tế chúng ta, hãy bằng trách nhiệm và lòng nhân ái, nỗ lực hơn nữa cho một Chương trình nghị sự vì phát triển sau 2015 nhằm bảo vệ hòa bình, thúc đẩy hợp tác, xóa hết đói nghèo và bảo vệ hành tinh của chúng ta. Hãy tăng cường sự trợ giúp và có lộ trình phù hợp để các quốc gia kém phát triển hơn tham gia hiệu qủa vào các thỏa thuận, chế định quốc tế và giải quyết những vấn đề chung của nhân loại. Hãy cùng nhau đối mặt và vượt qua những thách thức, hiểm họa toàn cầu với tinh thần  “Một người vì tất cả, tất cả vì một người“ như những người lính ngự lâm của Đại văn hào Alexandre Dumas.
Thưa quý vị,
Là một người Việt Nam, những điều tôi chia sẻ trên đây đều là những trải nghiệm thấm đẫm mồ hôi và xương máu. Chỉ mấy mươi năm trước, hai tiếng Việt Nam gắn liền với chiến tranh và phân ly, với máu lửa và nước mắt. Một đất nước xa xôi với tên gọi Việt Nam đã phải hứng chịu hơn 15 triệu tấn bom đạn, nghĩa là gấp 4 lần tổng số bom đạn đã sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Mỗi người Việt Nam chúng tôi đã phải hứng chịu một lượng bom đạn gấp gần 10 lần trọng lượng cơ thể mình. Đó là chưa kể hàng trăm triệu lít hóa chất có chứa chất dioxin – một sát thủ thầm lặng ghê gớm đối với sức khỏe và nòi giống con người.
Với truyền thống “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” bằng lòng quả cảm hy sinh và sức sáng tạo phi thường; nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được nền Độc lập, thống nhất được Tổ quốc, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai bắt tay xây dựng lại đất nước từ đống tro tàn; Đổi mới, hội nhập và phát triển.
Việt Nam đã đưa các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào chiến lược phát triển của mình, kết hợp chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và đã được Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc trao giải thưởng thành tích xuất sắc trong xóa đói giảm nghèo. Với phương châm con người là mục tiêu, là trung tâm của sự phát triển, Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đầu tư cho y tế, giáo dục, thông tin… cho mọi người dân, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Việt Nam cũng nỗ lực cùng các thành viên khác xây dựng Cộng đồng ASEAN – ngôi nhà chung của các quốc gia Đông Nam Á, vốn bị chia rẽ sâu sắc bởi chiến tranh. Đó là minh chứng sống động cho khát khao hướng tới tương lai hòa bình, hợp tác, phát triển thịnh vượng; cho sự thống nhất trong đa dạng; và cho thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.
Thưa quý vị,
Đã phải trải qua những cuộc chiến tranh ngoại xâm tàn bạo và đói nghèo cùng cực nên khát vọng hòa bình và thịnh vượng của Việt Nam chúng tôi càng cháy bỏng. Chúng tôi luôn nỗ lực tham gia kiến tạo hòa bình, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh của chúng ta. Việt Nam đã  sẵn sàng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Chúng tôi sẵn lòng đóng góp nguồn lực, dù còn nhỏ bé, như sự tri ân đối với bạn bè quốc tế đã giúp chúng tôi giành và giữ độc lập, thống nhất đất nước, thoát khỏi đói nghèo. Việt Nam đã và sẽ mãi mãi là một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Tôi xin đề cập tới lương thực như một ví dụ. Từ một nước thiếu đói, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Chúng tôi không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho riêng mình mà còn góp phần tích cực bảo đảm an ninh lương thực thế giới. Chúng tôi cũng không chỉ xuất khẩu mà còn giúp các nước tự sản xuất thêm lúa gạo như đã thực hiện ở Cuba, Mozambique, Angola, Mali, Madagascar, Myanmar… Chúng tôi mong rằng các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế sẽ tham gia tài trợ các chương trình tương tự. Đó sẽ là những mô hình hợp tác nhiều bên đầy ý nghĩa và hiệu qủa thiết thực.
Thưa Ngài Chủ tịch, thưa Quý vị,
Tôi muốn kết thúc phát biểu của mình với niềm tin rằng “Chương trình nghị sự vì phát triển sau năm 2015” sẽ được hoàn thiện hướng tới một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo. Tất cả vì hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng. Tất cả để hành tinh của chúng ta mãi mãi một màu xanh. Màu xanh của hòa bình, màu xanh của phát triển bền vững.
Xin cảm ơn Quý vị và các bạn./.
Một bài phát biểu có tầm nhìn Việt Nam, tư duy Việt Nam, sự sáng tạo và chân thành Việt Nam, một bài phát biểu quá sâu sắc, nhạy bén, và thể hiện rất rõ ràng thông điệp của Việt Nam với thế giới và thể hiện rõ những trách nhiệm của từng quốc gia, nhất là các cường quốc cần tập trung xây dựng lòng tin chiến lược và đóng góp đáng kể vào sự phồn thịnh của thế giới để thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo. Cảm ơn Thủ tướng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Con người kết tinh nhân - nghĩa- lễ - trí - tín - dũng -truyền thống lấy chí nhân thay cường bạo của dân tộc Việt Nam

      Tôi xin trích hai câu đối của Hồ Cơ một nhà giáo năm nay đã ở tuổi 89, từng là hiệu trưởng Trường Trung học Nguyễn Nghiêm - Quảng Ngãi. Sau này, ông Hồ Cơ làm thư ký tòa soạn báo Người giáo viên nhân dân; Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu giáo dục. Từ năm 1976 đến 1987, ông Hồ Cơ làm Phó Giám đốc NXB Giáo dục. Ông Hồ Cơ quê ở Nghệ An, sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 90 tuổi và 100 tuổi  đây là những câu đối mà thế giới có một, không có hai.

      Câu đối thứ nhất "Văn lo vận nước văn thành võ/ Võ thấu lòng dân, võ hóa văn"

     Câu đối thứ hai "Trăm tuổi lừng danh Văn Đại tướng/Nghìn thu vang tiếng Võ Anh hùng"

      Đại tướng ra đi về cõi vĩnh hằng, về với Bác Hồ về với cội nguồn Tổ tiên, dòng tộc của dòng họ Võ, về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Xin chia buồn sâu sắc tới gia đình, dòng tộc, dân tộc Việt Nam trong đó có tôi một người lính trong quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

      Hai câu đối của Ông Hồ Cơ đều đặt khổ thứ nhất có chữ Văn, khổ thứ hai mới đặt Võ sau; thật hay, cô đọng, xúc tích, cân đối, hài hòa, nhân văn, mang đậm nét văn hóa Việt, truyền thống người Việt Nam luôn trọng văn, trọng đạo trước võ; chỉ dùng võ để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, đồng thời cũng thể hiện rõ ý nguyện của Đại tướng nếu không có chiến tranh có lẽ tôi sẽ hạnh phúc với nghề thầy giáo.

       Nhưng cái hay nhất của hai câu đối ở chỗ, thể hiện rõ nhất cuộc đời sự nghiệp lẫy lừng của một Đại tướng, người học trò xuất sắc của Bác Hồ, người Anh cả trong quân đội nhân dân Việt Nam, người Đại tướng của Nhân dân, người Tư lệnh của mọi tư lệnh, chính ủy của mọi chính ủy, người Tướng làm thay đổi lịch sử Quân sự Việt Nam và thế giới, người Tướng kiệt xuất nhất thế kỷ 20 (thậm chí là kiệt xuất nhất mọi thời đại, tôi nhất trí hoàn toàn với nhận định này). Người Tướng lạ lùng nhất thế giới hiện đại mà như cổ tích (vì Đại tướng xuất thân từ một nhà giáo dạy sử, chưa học qua bất kỳ một trường, hay học viện quân sự nào) trở thành Đại tướng mà không cần qua bất kỳ một cấp bậc nào dưới đó, người Tướng của dân tộc Việt Nam, và thế giới; 7 tướng trong chống Pháp, 4 tướng trong chống Mỹ là các tướng lĩnh thua trận của Đại tướng đều phục, kính nể và đều dành những tình cảm trân trọng, thật lòng, ngưỡng mộ tài, danh, đức độ, bản lĩnh, nhân văn và trí tuệ trong con người Đại tướng; người tướng của sự kết tinh lòng quả cảm ý chí thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ của dân tộc Việt Nam, người Đại tướng Tổng tư lệnh của cuộc chiến tranh dài nhất lịch sự chiến tranh hiện đại nếu tính từ 12/1946 đến tháng 4/1975 là gần 30 năm, người Tướng của chiến thắng cả hai cường quốc quân sự thế giới là Pháp, Mỹ; người tướng có những câu nói mệnh lệnh lịch sử trong những thời điểm bước ngoặt của lịch sử chiến tranh. Trong cuộc đời cầm quân và giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh lớn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại nhiều câu nói bất hủ:

      Trong chiến dịch Điện Biên, Tướng Giáp đã nói: "Ý định của tôi là ra lệnh hoãn cuộc tiến công ngay chiều hôm nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc'".

     Sau khi nhận được sự đồng thuận của ông Vi Quốc Thanh, tại Hội nghị  Đảng ủy mặt trận diễn ra sau đó, Tướng Giáp đã có câu kết luận lịch sử: "Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là đánh chắc thắng, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới".
       Về sau, trong hồi ức "Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, tướng Giáp đã thổ lộ: "Ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình!".
      Năm 1972, tướng Giáp đã có chỉ thị nổi tiếng tới các đơn vị phòng không Hà Nội: "Cả nước đang hướng về Hà Nội. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội".

     Trong những ngày cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tướng Giáp đã cho đánh đi bức điện lịch sử gửi các đơn vị tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam, sáng 7/4/1975: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!"
      Kết thúc hai cuộc chiến tranh, khi nhìn nhận lại về cuộc chiến chống Pháp và đối thủ của mình là tướng Navarre, tướng Giáp đã nói với nhà báo, đạo diễn người Pháp Daniel Roussel: "Navarre là một tướng có tài, thua trận không phải là lỗi của ông ta, mà là lỗi của những người bắt đầu cuộc chiến".
      Trong cuộc gặp đầu tiên với đối thủ người Mỹ, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara năm 1995, tướng Giáp cũng có rất nhiều câu nói rất đáng nhớ như: "Mỹ xâm lược Việt Nam là sai lầm. Mỹ không hiểu Việt Nam", "Chúng tôi biết là chúng tôi sẽ thắng ngay từ ngày đầu tiên”, hay "Từ 'lo sợ' không có trong tư duy quân sự của chúng tôi".  
      Đáp lại những lời ca tụng của báo chí phương Tây, ông nói: "Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình".  
      Nhận định về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã trao cho mình cấp hàm Đại tướng và quyền Tổng chỉ huy quân đội, trong hồi ký của mình, Tướng Giáp đã viết: "Hồ Chí Minh là con người của những quyết định lịch sử".
       Là một nhà quân sự, nhà giáo, nhà sử học, tướng Giáp Phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Hội khoa học lịch sử Việt Nam  "Tôi vẫn còn có điều băn khoăn và hơn thế nữa là sự lo lắng, đó là vì sao kiến thức lịch sử lại không phổ biến sâu rộng được trong quảng đại quần chúng, như là giới trẻ?".
      Nói về nghiệp cầm quân của mình, Tướng Giáp thổ lộ: "Hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên chiến sĩ trên chiến trường".
      Là một vị tướng trọn đời vì đất nước, vì nhân dân, khi được chúc mừng nhân dịp bước sang tuổi 100, tướng Giáp nói: "Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó".
     Vị Đại tướng đã là huyền thoại, thần thoại khi còn sống, đúng vậy và chúng con luôn thấy đây là điều tất yếu, vì Đại tướng là hiện thân rõ nhất, cô đọng, bản chất tinh túy nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam: Chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, mỗi người dân là một chiến sỹ, cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc; Đại tướng của lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, người Tướng của toàn quân một ý chí, Đại tướng của quân đội bách chiến bách thắng và dám quyết thắng trong những điều kiện mà đối phương của ông luôn nghĩ ông và quân đội của ông không thể thắng mà chỉ có thua; Đại tướng của đường lối và sự kết tinh lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam: lấy chí nhân thay cường bạo, lấy đại nghĩa thắng hung tàn, đánh địch bằng mưu, kế, thế, thời, bằng sức mạnh của cả quân sự, chính trị, văn hóa, ngoại giao, địch vận; đánh địch bằng tất cả tâm hồn, trí tuệ, lòng quả cảm nhất; người Đại tướng luôn thể hiện rõ nhất sự sáng suốt, sáng tạo, quyết đoán trong bày mưu, tính kế, lập thế, tạo lực, tạo thời cơ, tập trung sức mạnh vào thời cơ và thời điểm quyết định để giành thắng lợi; Đại tướng của 34 chiến sĩ trong đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; Đại tướng của nhân dân như nắng mùa Đông xoa đi cái lạnh lẽo và luôn mang đến sự ấm áp, sự trải lòng mình, tâm hồn mình trước nắng mùa Đông của mọi người và của cả dân tộc. Đại tướng là sự kết tinh tâm hồn Việt, nhân- nghĩa- lễ - trí - tín-dũng; Đại tướng là sự kết nối mọi người con đất Việt trên khắp năm châu, Đại tướng của thông điệp Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, và cũng sẵn sàng đem hết "Tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải.." để bảo vệ độc lập, tự do, chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam...
      Thật khó tả hết tâm trạng của mình trước sự ra đi của Đại tướng; Chỉ biết rằng sự đan xen tiếc nuối vô hạn, xen lẫn lòng tự hào, may mắn đã sinh ra trong thời đại này, đã là lính của Người, sự cảm phục và biết ơn sâu sắc Đại tướng... Chúc Đại tướng yên nghỉ vĩnh hằng ngàn thu yên giấc, chúc Đại tướng trong cõi Người luôn phù hộ cho dân tộc Việt Nam, phù hộ cho mọi người Việt và thế giới luôn hạnh phúc, hòa bình, phù hộ cho chúng con những người lính luôn xứng đáng với đội quân mà chính Đại tướng là Tổng tư lệnh duy nhất đến nay.