Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Sinh mùa nắng thu - ra đi mùa thu, Đại tướng là nắng Vàng mãi sáng nghìn thu

     Đại tướng sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911, vào mùa thu, quê hương của Đại tướng là Quảng Bình vào mùa này hay có lũ; Đại tướng sống 103 mùa thu, Đại tướng ra đi vào hồi 18 giờ 9 phút ngày 4 tháng 10 năm 2013, vào mùa thu... và cuộc đời của Đại tướng như nắng vàng mãi sáng nghìn thu.

      Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người cuối cùng của thế hệ các nhà cách mạng lập quốc đã qua đời, nhưng triết lý về hạnh phúc của người cầm quân mà ông đưa ra sẽ còn tỏa sáng trên mọi lĩnh vực

     Đại tướng ra đi ở 103 tuổi, sự ra đi của ông hẳn thật nhẹ nhàng. Đại tướng sẽ rất vui khi được gặp lại cha mẹ, Cụ Hồ và những người đồng đội cũ.
     Báo chí nước ngoài giật tít: “One of greastest general of history” (Một trong những vị tướng vĩ đại nhất của lịch sử), cho thấy sự nghiệp của ông đã lừng lẫy năm châu.
     Chúng ta, những người đang sống cần tìm cách hiểu và học được những gì mà thế hệ của ông, có lẽ là thế hệ những người Việt Nam xuất sắc nhất trong lịch sử, để lại. Để có thể bước tiếp con đường. Để sau này, đến lúc chúng ta gặp lại ông và các đồng đội của ông, cũng không có gì phải hổ thẹn. Là chúng ta đã cố gắng hết sức mình. Chúng ta cùng nhớ về Đại tướng:
      Ngày 22/12/1944, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập: 34 chiến sĩ chân đất, 2 khẩu súng thập (tiểu liên), 17 khẩu súng trường giáp 5, giáp 3, và 150 viên đạn, còn lại là súng kíp, mã tấu, giáo mác.
      Ngày 7/5/1954, 5 sư đoàn quân đội nhân dân Việt Nam, bao vây và tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ do 16.000 quân Pháp đồn trú, có đầy đủ máy bay, pháo binh và xe tăng yểm trợ, bắt sống gần 12.000 tù binh.
     Giữa hai thời điểm đấy chỉ là 9 năm, 4 tháng, 15 ngày! Từ trong rừng sâu, Võ Nguyên Giáp đã trở thành vị tướng đầu tiên của châu Á đánh bại về quân sự đối với quân đội thực dân của một cường quốc châu Âu. Một cách tâm phục, khẩu phục.
     Cứ mỗi khi đọc lại số liệu về hai sự kiện này, tôi lại thấy như câu chuyện Thánh Gióng cũng không hoàn toàn là hoang tưởng. Và đằng những sự kiện này, chắc phải chứa đựng rất nhiều những bài học bổ ích.
     Khi được đài truyền hình Pháp phỏng vấn năm 1981 về tướng Navarre, đối thủ trực tiếp của ông, Võ Nguyên Giáp đã nói: "Navarre là một tướng có tài, thua trận không phải là lỗi của ông ta, mà là lỗi của những người bắt đầu cuộc chiến". Luận điểm này được khẳng định rõ hơn khi trả lời câu hỏi "Vào thời điểm nào thì ông cảm nhận là các ông sẽ thắng?” mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara đặt ra, đại tướng đã không chần chừ một phút khẳng định: "Chúng tôi biết là chúng tôi sẽ thắng ngay từ ngày đầu tiên".
      Đây không phải là những lời khoa trương của một người thắng trận. Đây là tâm huyết, đúc kết một minh triết về quân sự, cũng đúng cho bất cứ một cuộc đối đầu nào khác giữa những nước nhỏ và các cường quốc. Đó là tâm huyết của một quân đội sinh ra từ nhân dân, luôn tâm niệm giành được sự ủng hộ của nhân dân, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, và dựa vào nhân dân để chiến thắng.
      Quay lại với bối cảnh lịch sử Việt Nam thời đó, ngày 20/6/1940, Paris thất thủ trong chiến tranh thế giới thứ hai. Ngay sau đó mấy ngày Nguyễn Ái Quốc đã chỉ thị cho các đồng chí của mình, trong đó có Võ Nguyên Giáp, lúc đó đang ở Quế Lâm, Trung Quốc: "Thất bại của Pháp là cơ hội to lớn của cách mạng Việt Nam, chúng ta phải ngay lập tức tìm đường về nước để lợi dụng cơ hội này".
      Khi ai đó hỏi, chúng ta sẽ lấy vũ khí ở đâu? Nguyễn Ái Quốc trả lời: "Đây là vấn đề quan trọng nhất của cách mạng. Nếu chúng ta có vũ khí bây giờ, ai sẽ là người cầm vũ khí. Vì vậy chúng ta phải về nước và động viên quần chúng. Khi nhân dân đứng dậy, họ sẽ có vũ khí!".
     Chính triết lý về chiến tranh vũ trang như vậy, đã đưa cụ Hồ đến quyết định chọn Võ Nguyên Giáp, một giáo viên sử học nhưng đặc biệt ham thích lịch sử quân sự, làm người đứng đầu tổ chức vũ trang đầu tiên của Việt Minh. Sau này khi các phóng viên phỏng vấn Võ Nguyên Giáp về việc tại sao lại chọn ngành quân sự, ông đều bảo: "Cái này các đồng chí phải đi hỏi cụ Hồ". Chính Tướng Giáp cũng đã thắc mắc rằng: "Cháu không quen việc quân sự", và đã được cụ Hồ động viên: "Cứ làm đi rồi sẽ quen".
      Trong chỉ thị viết trên vỏ bao thuốc lá, gửi cho Võ Nguyên Giáp ngày 22/12/1944, Hồ Chí Minh đã viết: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền…. cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân….Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho  chóng có các đội đàn em khác. Tuy lúc đầu qui mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó là rất vẻ vang, nó là khởi điểm của giải phóng quân, đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam ta".
     Tại hội nghị đặc biệt của Bộ Chính trị tháng 10/1961, bàn về chiến lược đánh Mỹ, có đầy đủ các tướng lĩnh đang hừng hực khí thế sau Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng Mỹ mạnh hơn Pháp rất nhiều về mặt quân sự và bất cứ ý tưởng nào lấy vũ lực để chọi vũ lực trong cuộc chiến mới sẽ thất bại. Sức mạnh của các lực lượng cách mạng nằm trong lĩnh vực chính trị, vì thế cụ Hồ đã đề ra sách lược gồm 3 thành tố: chiến tranh du kích, phát động quần chúng, và đặc biệt quan trọng là giành được sự ủng hộ của nhân dân toàn thế giới.
    Là người đồng chí và học trò thân cận nhất của cụ Hồ, Võ Nguyên Giáp hẳn đã rất thấm nhuần quan điểm quân sự của Hồ Chí Minh. Quân đội của ông luôn ở trong dân. Như ông đã viết: "Vị đại tướng vĩ đại nhất của Việt Nam là nhân dân Việt Nam".
      Năm 1947, chính ông đã phát hiện ra một đại đội chủ lực được báo cáo là đã bị tiêu diệt, trên thực tế vẫn tồn tại và chiến đấu ngay trong lòng địch ở Bắc Ninh. Đại đội này nhờ biết cách dựa vào dân để chiến đấu, được dân tin yêu gọi là Đại đội nghĩa quân. Võ Nguyên Giáp đã viết trong cuốn "Chiến đấu giữa vòng vây": "Như vậy không ít những vấn đề nêu trong nghị quyết đã được thực hiện sáng tạo ở mức cơ sở. Chiến thuật đại đội độc lập mở ra những khả năng rất to lớn cho cuộc kháng chiến lâu dài".
      Khi ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình: hoãn cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ đêm 26/1/1954, hẳn ông đã nghĩ rất nhiều đến nhân dân. Đến sự hy sinh của những người lính. Đến trách nhiệm của ông với lời dặn của Cụ Hồ: "Tướng quân tại ngoại, chú toàn quyết quyết định. Đánh trận này chắc chắn phải chiến thắng. Không chắc thắng không đánh!".
      Một trận đánh lớn vinh danh người chỉ huy theo kiểu "không thành công sẽ thành nhân", có thể phù hợp với triết lý thông thường, nhưng một thất bại, dù nhỏ sẽ để lại những hậu quả tâm lý khôn lường cho đội quân có tên là Tuyên truyền Giải phóng quân. Đội quân đó phải biết cách xây dựng niềm tin của nhân dân qua hàng loạt các chiến thắng dù nhỏ.
     Tiểu đoàn 307 nổi tiếng "đánh đâu được đấy" cũng nhờ áp dụng triết lý xuyên suốt: "Yếu hơn trên toàn mặt trận, nhưng phải mạnh hơn trên từng trận đánh".
      Một số sử gia quân sự phương Tây, trong cố gắng làm giảm hào quang của ông, thường miêu tả ông chẳng qua chỉ là một viên tướng giỏi hậu cần và gặp may. Họ vô tình quên mất rằng, chính điều đó càng vinh danh ông và các đồng chí mình hơn với triết lý: dựa vào dân mà chiến thắng.
     Tiếp tế luôn là một vấn đề sống còn của mọi đạo quân. Navarre đã không tin là có thể tiếp tế lương thực và đạn dược cho hàng chục ngàn quân Việt Minh bao vây Điện Biên Phủ vì xung quanh toàn là rừng núi hiểm trở mà Việt Minh thì không có máy bay. Bởi thế ông ta ung dung cho quân nhảy dù xuống thung lũng. Ông ta hẳn phải rất ngạc nhiên khi biết chiến dịch tiếp vận phi thường đấy được hàng trăm ngàn dân công thực hiện chỉ bằng một công cụ hết sức đơn giản là chiếc xe đạp thồ.
      Sau này, nếu chỉ được chọn ra một lý do khiến Mỹ phải thất bại ở Việt Nam, rất nhiều những nhà nghiên cứu quân sự đã đi đến kết luận rằng đó là việc Mỹ không thể chặn đứng con đường tiếp tế qua hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh. McNamara phải thừa nhận, dù đã sử dụng tất cả những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất như B52, hàng rào điện tử, hay dã man nhất như chất diệt cỏ, bom bi và napal, quân đội Mỹ đã bất lực trong việc bóp nghẹt đường mòn Hồ Chí Minh. Họ không hiểu đó là con đường được xây trong lòng dân, con đường dẫn đến tự do như tác giả Mỹ Virginia Morris đã viết trong cuốn sách: "The Road to Freedom" (Đường đến tự do).
    Mỗi khi chúng ta gặp khó khăn, hãy tìm về quãng thời gian 9 năm, 4 tháng 15 ngày từ 22/12/1944 tới 7/5/1954. Tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ được tiếp thêm năng lượng để vững vàng vượt qua thử thách. Tôi sẽ luôn nhớ mãi lời dạy của ông: "Hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên chiến sĩ trên chiến trường".
     Vĩnh biệt Đại tướng, người anh cả, người Tổng Tư lệnh của một quân đội "vì nhân dân quên mình"; Vĩnh biệt vị Đại tướng sinh ra vào mùa thu, ra đi mùa thu, sống 103 mùa thu, và Người như nắng vàng nghìn thu mãi sáng của dân tộc Việt Nam và thế giới.
   "Sinh mùa thu; Hóa mùa thu; Nắng thu nghìn thu sáng".
     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét