Bác Hồ đã từng nói với Đại tướng: “Chú đã có Văn, giờ cách mạng cần có Võ, chú nghiên cứu Võ hơn nữa”.
Trong những ngày cả nước đau thương khi mất đi vị Đại tướng tôn kính, tòa
soạn chúng tôi nhận được bài viết của độc giả Nguyễn Thế Dương - Đại học Queensland - Australia. Độc giả Nguyễn Thế Dương
đã lý giải về tên gọi của Đại tướng kính yêu thay cho nén hương thơm dâng
người. Xin trân trọng gửi tới bạn đọc nguyên văn bài viết:
Dẫu biết quy luật tạo hóa thật khắc nghiệt nhưng tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp
không còn trên cõi trần này nữa vẫn khiến mỗi người Việt Nam cảm thấy
xót xa như mất đi một người ruột thịt. Tôi cứ nghĩ không biết điều gì đã hun
đúc một nhân cách vĩ đại như ông. Quê hương, thời đại, gia đình, dòng họ, những
điều đó đều dễ nhận ra đối với mọi người. Nhưng đối với riêng tôi, ông vĩ đại
từ ngay chính cái tên của mình. Cái tên đã gắn với Đại tướng như một số phận.
Võ Nguyên Giáp, người họ Võ luôn đứng đầu
Là một nhà Nho, chắc hẳn cụ Võ Quang Nghiêm, thân phụ của Đại tướng đã gửi
gắm vào cái tên của người con trai “Nguyên Giáp” nhiều kì vọng của mình.
“Nguyên” nghĩa là thứ nhất, đầu tiên, đứng đầu, như trong từ “nguyên thủ”,
lại cũng có nghĩa là “tài giỏi” như trong “Thiên tử chi nguyên sĩ” (Người tài
giỏi của thiên tử).
Trong hệ thống khoa cử phong kiến khi xưa, “nguyên” dùng để chỉ người đỗ
đầu. Người nào đỗ đầu kì thi Hương được gọi là Giải Nguyên. Người đỗ kì thi Hội
đều được nhận học vị tiến sĩ nhưng chỉ có người đỗ đầu mới được tôn vinh là Hội
Nguyên. Các tiến sĩ đỗ thi Hội này sẽ tham dự kì thi Đình, do chính Vua tổ chức
để phân hạng tiến sĩ. Người đỗ đầu kì thi Đình sẽ được gọi là Đình Nguyên.
Người nào đỗ đầu cả ba kì thi thì được gọi là Tam Nguyên. Ở nước ta, có một số
nhân vật đã có được danh hiệu Tam Nguyên như Phạm Đôn Lễ, Vũ Dương, Lê Quý Đôn,
Vũ Phạm Hàm, Trần Bích San hay Nguyễn Khuyến.
Nhưng không phải tất cả các Đình Nguyên tiến sĩ đều được gọi là Trạng
Nguyên. Chỉ có những người đạt điểm cao gần như tuyệt đối tại kì thi Đình mới
được liệt vào hàng Tam khôi (Đệ nhất Giáp) gồm có Trạng Nguyên, Bãng Nhãn và
Thám Hoa.
Và trong số những người đủ điểm để vào “Đệ nhất giáp tiến sĩ” thì chỉ có
người có điểm cao nhất mới giành được danh hiệu Trạng Nguyên (Đệ nhất giáp tiến
sĩ, Đệ nhất danh). Do đó, số lượng Trạng Nguyên là không nhiều, chỉ có 47 người
trong hàng nghìn năm lịch sử khoa bảng của Việt Nam. Trong số những vị Tam Nguyên
kể trên, cũng chỉ có Phạm Đôn Lễ và Vũ Dương là Trạng Nguyên.
Có thể thấy, tên đệm của Đại tướng gắn liền với những gì thuộc về đầu tiên,
thứ nhất của hệ thống khoa bảng thời trước. Còn chữ “Giáp” trong tên của Đại
Tướng cũng không nằm ngoài trường nghĩa về việc giáo dục và thi cử Nho học. “Giáp” cũng mang nghĩa là nhất, chiếm hàng đầu, đứng đầu. Giáp là can đứng
đầu trong số 10 can. Do đó, trong chế độ khoa cử thời xưa, đối với thi Đình, để
xếp hạng các tiến sĩ, người ta phân thành Tam Giáp. Nhất Giáp như đã nói ở trên
gồm có ba ngôi vị Trạng Nguyên, Bảng Nhãn và Thám Hoa. Nếu không đủ điểm để vào
Nhất Giáp, vị Tiến sĩ đó sẽ được nhận xếp vào hàng Đệ Nhị Giáp Tiến sĩ xuất
thân, hay còn gọi là Hoàng Giáp (cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến cũng đỗ
Hoàng Giáp). Đệ Tam giáp Tiến sĩ xuất thân (dân gian thường gọi là ông Nghè) là
người đứng cuối cùng trong bảng danh dự của học vị tiến sĩ .
Như vậy, cả chữ “Nguyên” và chữ “Giáp” đều bắt nguồn từ những khái niệm
thuộc về việc khoa cử và giáo dục thời phong kiến. Một nhà Nho như cụ Võ Quang
Nghiêm hẳn đã phải cân nhắc thật kĩ càng khi đặt tên cho người con trai của
mình như vậy: một niềm tin rằng người con trai đó sẽ theo nghiệp học hành, giáo
dục và phải là một người xuất chúng, đứng đầu trong lĩnh vực của mình.
Người con nữa của cụ, ông Võ Thuần Nho (em ruột của Đại tướng) chắc cũng
được đặt tên theo mạchthi cử văn nghiệp này.
Thực tế, Võ Nguyên Giáp đã đi theo con đường mà cha Ông đã đặt biết bao kì
vọng. Ông đỗ thứ hai trong kì thi vào trường Quốc học Huế, học xong bằng cử
nhân Luật năm 1937. Đến năm 1939, Ông đã trở thành một thầy giáo lịch sử tại
trường Thăng Long do GS Hoàng Minh Giám đứng đầu.
Đại tướng “Võ” - tên “Văn”
Nhưng cuối cùng, ông được cả thế giới biết đến như một vị danh tướng lẫy
lừng với những chiến công hiển hách cho dù Đại tướng chưa hề kinh qua bất kì
một trường lớp huấn luyện quân sự nào.Vận mệnh dân tộc đã khiến thầy giáo Võ
Nguyên Giáp phải tạm gác lại việc bút nghiên để dấn thân vào sự nghiệp quân sự.
Và đó là một sự lựa chọn đúng đắn của lịch sử dân tộc.
Sự lựa chọn đó dường như cũng không tách rời khỏi cái tên của ông. Một người
họ Võ, rồi lại theo con đường võ nghiệp.
Một người theo con đường võ nghiệp họ Võ mà lại có tên là “người đứng đầu,
người thứ nhất”. Từ Giáp trong tên ông lại mở ra thêm một ý nghĩa nữa là tấm áo
giáp, một thứ quân trang thiết yếu của mỗi một người lính từ xưa tới nay. Và
cuộc đời Đại tướng đã chứng minh cái tên mà cha mẹ đặt cho ông hoàn toàn tương
ứng: Ông là người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, là người trực tiếp chỉ huy
quân đội làm nên những chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Ông có bí danh là Văn, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt. Đại tướng họ Võ,
mà lại thường được gọi là Văn. Liệu có sự “mâu thuẫn” không? Xin thưa, không
hề!
Ông là người theo Võ nghiệp từ nền tảng của Văn nghiệp. Chính Bác Hồ đã từng
nói với ông: “Chú đã có Văn, giờ cách mạng cần có Võ, chú nghiên cứu Võ hơn
nữa”. Và trong đời cầm quân của mình, Đại tướng bao giờ cũng thể hiện sự
nhân văn trong mỗi quyết định. Sự cẩn trọng, chắc chắn là yếu tố cốt yếu để bảo
toàn sinh mạng cho các chiến sĩ ở mức cao nhất. Cây dương cầm luôn là người bạn
sẻ chia với ông nhất trong những giây phút quyết định cam go. Chủ tịch Hồ Chí
Minh hẳn phải hiểu rõ Đại tướng lắm mới đặt cho ông một bí danh ý nghĩa đến vậy.
Võ nghiệp đã khắc tên ông vào lịch sử với tư cách một trong những người anh
hùng dân tộc vĩ đại nhất. Nhưng trở về từ chiến trường đỏ lửa, Đại tướng Võ
Nguyên Giáp lại gắn bó với những công việc “Văn” như bí danh của ông. Ông từng
giữ cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, Phó Thủ tướng phụ trách Khoa
học - Kỹ thuật rồi Chủ tịch danh dự của Hội Sử học Việt Nam.
Nhưng dù ở bất cứ lĩnh vực nào, ông vẫn là một người đứng đầu – “một người
Nguyên Giáp”, một người “Văn – Võ song toàn”, người mà tên tuổi sẽ mãi trường
tồn với Tổ quốcViệt Nam anh hùng và nhân văn. Xin kính cẩn nghiêng mình bái
biệt Người.
Theo Tri thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét