Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

Bài viết nên đọc về sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên ở Việt Nam

Thoát khỏi cô đơn


Trước cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, tôi hỏi nhiều sinh viên ở các đại học mình đang dạy hai câu: “Em nghĩ gì khi Việt Nam được chọn làm nơi gặp gỡ thượng đỉnh Mỹ - Triều?” và "Em có cảm giác gì khi nhìn lại đất nước ta sau hơn 30 năm kể từ Đổi mới?"
Đang tuổi sinh viên, những người được hỏi đều thuộc nửa sau của thế hệ 9X, tức khoảng 19 tới 23 tuổi. Với câu hỏi đầu, em trẻ nhất cũng nói được rằng, đất nước ta đã đi qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, nay lại hiện diện trong hình ảnh một mảnh đất thanh bình, một khoảng trời yên ả, có thể ươm mầm hòa bình cho những nơi khác. Có chiều sâu nhất là ý kiến cho rằng, dân tộc ta đã gửi tới các dân tộc khác thông điệp về xây dựng và củng cố niềm tin, sự kiện này cho thấy ta đã tạo dựng được lòng tin thực sự.
Ở câu hỏi thứ hai, mọi sinh viên đều nói về việc mình sinh ra khi đất nước đang phát triển ổn định, mọi nhu cầu về vật chất và tinh thần đều trong tầm tay. Em cũng chỉ mang máng biết rằng khi xưa miền Bắc cũng chung cảnh ngộ như Triều Tiên hiện nay, thế rồi đất nước mở cửa và được như bây giờ. Các em nói khó có thể hình dung được những khó khăn mà thế hệ các thầy đã trải qua.
Bạn trẻ ngày nay khó mà hình dung được một lộ trình gian nan đất nước đã trải qua để đi lên. Cũng như một vài quốc gia khác, Việt Nam từng bị chia thành hai nửa đối kháng như hệ quả của một thế giới lưỡng cực, không thể song song tồn tại. Bằng xương máu của nhiều thế hệ, Việt Nam mới thống nhất. Và những tưởng đêm dài chiến tranh đã hết để xây dựng hòa bình dù tiềm lực kinh tế gần như không còn gì, thì ta lại phải đương đầu với chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam và trên Biển Đông.
Giai đoạn đoạn 1979 - 1985 là quãng thời gian đỉnh điểm của khó khăn. Vết thương chiến tranh không những còn nguyên mà còn tăng thêm. Cả nước rơi vào tình trạng thiếu lương thực. Tôi đã gặp nhiều đoàn người thiếu đói ở các địa phương ra thành thị xin trợ giúp, họ mang theo cả công văn của ủy ban xã. Chỗ dựa của Việt Nam khi ấy là các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa (cũ) nhưng đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng tiền tan rã. Việt Nam quá cô đơn. Hận thù do chiến tranh vẫn còn nguyên mà bạn bè cũ lại trong cảnh thân ai nấy lo.  
Chúng tôi khi ấy, gia đình nào cũng phải nếm trải những đắng cay, thiếu đói. Khu tập thể cơ quan tôi là dãy nhà được dựng lên bằng tre nứa trên đất nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội. Mỗi gia đình dăm người cũng chỉ được mươi mét vuông. Thiếu điện, thắp sáng chủ yếu bằng đèn dầu. Nhà nào sang thì có được cái radio tự lắp – lắp bằng một thanh ferit và một cuộn dây cảm ứng để dò sóng.
Có sổ gạo nhưng không phải lúc nào cũng có gạo mà mua, mọi người phải ăn hạt bo bo tồn kho lâu ngày. Thịt được bán theo tem phiếu, nhưng thường chỉ có cá khô bán ở các cửa hàng mậu dịch.
Tôi làm nghề dạy học mà cũng chỉ mua được một cái võng của bộ đội, cắt ra, may được hai cái quần giống nhau để lên lớp cho tươm tất. Tôi còn nghe sinh viên đố nhau: "Thầy Võ có mấy cái quần?". Một em đưa ra sáng kiến, muốn biết thì giả đò đẩy thầy ngã xuống ao, nếu hôm sau thầy nghỉ dạy thì có nghĩa thầy chỉ có một quần thôi.
Lương giáo viên không đủ chi dùng. May là khi đó tôi được bạn bè kéo đi "luyện thi đại học" nên có chút thu nhập phụ. Hai con tôi chào đời năm 1974 và 1976, đều lớn lên trong thiếu thốn. Mỗi lần lĩnh tiền dạy thêm, tôi cũng chỉ dám mua hai lạng thịt ngoài chợ về rim thật mặn để các cháu ăn dần.
Ấn tượng đầu tiên khi bắt đầu Đổi mới là không còn ngăn sông cấm chợ, bãi bỏ mọi loại tem phiếu. Thương mại trong nước được tự do, ngoại thương cũng không bị cấm cản. Hàng hóa tự cân bằng, di chuyển từ nơi thừa tới nơi thiếu. Mọi gia đình "vỡ òa" vì không còn phải lo thiếu gạo, thịt để mua. Mâm cơm ngày càng đầy đặn.
Những quyết định quan trọng nhất của nhà nước để vượt qua khó khăn đã lần lượt được ban hành. Năm 1986, quyết định thực hiện Đổi mới với ba chương trình kinh tế lớn: lương thực, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Năm 1991, quyết định tiếp nhận cơ chế kinh tế thị trường nhiều thành phần có sự quản lý của nhà nước. Năm 1994, quyết định thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Xuyên suốt đó là đường lối hội nhập sâu và rộng, Việt Nam như một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế.
Từ năm 1990 trở đi, đời sống văn hóa được coi như một nhu cầu thiết yếu. Gia đình trung lưu đã có tivi, đầu video, xe máy... Những bộ phim hay của nước ngoài được chiếu tại cơ quan, các tụ điểm văn hóa. Rồi sau này, công nghệ của châu Âu du nhập, các cơ quan được trang bị những chiếc máy vi tính đầu tiên.
Để có sự thay đổi ấy, tất cả những quyết định ban ra đều không hề dễ dàng khi đứng dưới tư duy kinh tế bao cấp. Đơn cử, việc thực hiện chính sách giao đất của hợp tác xã cho hộ gia đình sử dụng lâu dài là một quyết định khá khó khăn vì đi ngược lại đường lối kinh tế tập thể.
Trong giai đoạn này, nhà nước đã đưa hàng vạn lao động xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Họ trở thành nguồn cung cấp chủ yếu hàng tiêu dùng về nước. Tôi đã gặp gỡ và hỏi chuyện khá nhiều cộng đồng người Việt này khi còn nghiên cứu khoa học ở Ba Lan. Họ làm việc 8 giờ tại các cơ sở sản xuất, thời gian còn lại thì bươn bả đi mua hàng, gửi hàng về nước. Họ đã lam lũ ở trời Âu chỉ vì lo cho cuộc sống của gia đình ở quê nhà. Cái giá phải trả không chỉ là mồ hôi, nước mắt mà nhiều khi cả máu và tính mạng.
Kể ra thì còn nhiều bi kịch lắm, nhưng nhờ đó mà dân tộc ta đã tiếp tục đi lên, tôi gọi là "những bi kịch lạc quan". Cho đến hôm nay, sau một chặng đường bước ra thế giới, chúng ta đã chiếm được lòng tin của họ. Người bạn cũ là Triều Tiên tin ta đã đành, nửa bên kia của bán đảo Triều Tiên - Hàn Quốc cũng rất tin vào chúng ta. Hơn nữa, Mỹ, từng là một cựu địch lịch sử, nay cũng coi Việt Nam là bạn. Lòng tin vốn là nền tảng cho mọi mối quan hệ bền vững, trên thương trường lẫn chính trường, từ quan hệ tầm quốc tế tới quốc gia, từ xã hội tới gia đình.
Hành trình dấn thân của Việt Nam theo xu hướng toàn cầu hóa đã sớm hơn rất nhiều so với các nước cùng cảnh ngộ sau khi nhận ra rằng toàn cầu hóa trong một thế giới đa cực là quy luật tất yếu, và dù ta chưa thể làm được hết mọi việc cần làm.
Có anh bạn luôn phàn nàn với tôi tại sao vẫn còn quá nhiều tiêu cực, tại sao không đổi mới mạnh hơn nữa. Tôi nói rằng cái gì cũng cần có thời gian, cần tới sự đóng góp xây dựng của cả anh và tôi. "Cậu thử hình dung xem, nếu ta cũng quyết định đóng cửa như Triều Tiên vào năm 1986 thì bây giờ sẽ thế nào?", tôi hỏi bạn.
May mà, ta đã quyết định thoát khỏi cô đơn.
Đặng Hùng Võ

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi toàn dân tập thể dục


Phát động chương trình Sức khỏe Việt Nam sáng 27/2, Thủ tướng kêu gọi người dân tăng cường vận động, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia.
Lễ phát động được Bộ Y tế tổ chức sáng nay kết nối trực tuyến với 63 tỉnh thành và hơn 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Chương trình Sức khỏe Việt Nam khuyến khích người dân tập thể dục, vận động để phòng và phát hiện bệnh sớm.
Tại điểm cầu Bộ Y tế, ngay từ sáng sớm đã có rất nhiều người dân đến để được đo huyết áp, xét nghiệm nhanh đường máu, đo chức năng hô hấp, tư vấn sức khỏe... Huấn luyện viên tuyển Việt Nam Park Hang-seo cũng tham gia chương trình. 
Bộ trưởng Y tế cùng ông Park đo huyết áp tại chương trình. Ảnh: Tuấn Dũng.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng huấn luyện viên Park Hang-seo đo huyết áp tại lễ phát động chương trình Sức khỏe Việt Nam sáng 27/2. Ảnh: Tuấn Dũng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Việt Nam đạt thành tựu quan trọng trong công tác tăng tuổi thọ và thực hiện nhiều mục tiêu thiên niên kỷ. Tuy nhiên, sự nghiệp bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân còn nhiều khó khăn thách thức mới như vấn đề toàn cầu hóa, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hành vi thói quen xấu làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường.
"Công tác phòng bệnh, phát hiện sớm vẫn chưa được chú trọng. Tuổi thọ người dân cao nhưng trung bình có đến 10 năm phải sống với bệnh tật, làm giảm chất lượng cuộc sống", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng kêu gọi người dân tăng cường vận động, đi bộ, đi xe đạp, tập thể dục, thể thao. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia. Có chế độ ăn uống hợp lý, giảm ăn muối, giảm đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây.
Thủ tướng khuyên người bình thường nên đo huyết áp ít nhất 6 tháng một lần để phát hiện sớm nguy cơ tăng huyết áp; đo đường máu ít nhất một năm một lần để phát hiện sớm bệnh tiểu đường. Khi có ho, khò khè, khó thở cần đi khám ngay để phát hiện sớm hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
"Mỗi người dân hãy chủ động bảo vệ, tăng cường sức khỏe của mình. Mỗi người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe", Thủ tướng nói.
HLV Park cũng các lãnh đạo Bộ Y tế đạp xe hưởng ứng chương trình Sức khoẻ Việt Nam. Ảnh: Tuấn Dũng.
HLV Park Hang-seo (bìa trái) cùng các lãnh đạo Bộ Y tế đạp xe hưởng ứng chương trình Sức khỏe Việt Nam. Ảnh: Tuấn Dũng.
Trong lễ phát động, huấn luyện viên Park Hang-seo cùng Bộ trưởng Y tế và các khách mời tham gia bài tập thể dục ngắn xuất xứ Nhật Bản. Bài thể dục này đang được Bộ Y tế kêu gọi toàn ngành vận dụng để cải thiện sức khỏe. Ngoài ra, ông Park còn tham gia đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe, đạp xe, đi bộ diễu hành...
"Với tư cách là một huấn luyện viên bóng đá, tôi có thể nói rằng thể lực tốt là yếu tố bắt buộc cần có cho thành công cho một đội bóng", ông Park chia sẻ.
Theo ông, để đảm bảo thể lực tốt, hai yếu tố không thể thiếu là duy trì chế độ tập luyện vừa phải, khoa học và chế độ ăn uống lành mạnh, cân đối về dinh dưỡng.
"Đặc biệt các cầu thủ của tôi tuyệt đối không được hút thuốc và chỉ được phép uống rất ít rượu trong những dịp ăn mừng chiến thắng", ông Park nói.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hy vọng Chương trình Sức khỏe Việt Nam sớm trở thành hiện thực, đạt được các mục tiêu đề ra để trong tương lai không xa, người dân Việt Nam có tầm vóc, thể lực, sức khỏe tốt hơn, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ cao hơn.ing
Theo Lê Ngaa

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

Chào mừng các thanh niên gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng

     Ngày nhập ngũ, thế hệ con cháu tiếp nối cha anh lên đường tòng quân vào quân đội, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng và là trách nhiệm cao cả của mỗi thanh niên với Tổ quốc. Tôi cũng có con trai nhập ngũ đợt này. Thật vinh dự tự hào đan xen lo lắng thật lòng; nhưng trên tất cả là sự xúc động và thật hạnh phúc vì có đồng chí là con trai gia nhập Quân đội, đội quân của Nhân dân từ Nhân dân mà ra vì Nhân dân mà chiến đấu, trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là của Nhân dân trong đó mỗi người lính đều hiểu rằng mình cần nỗ lực quyết tâm cao nhất hoàn thành tốt và xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao để đóng góp ý nghĩa vào xây dựng Quân đội thật sự vững mạnh về mọi mặt là trụ cột của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, Tổ quốc trong bảo vệ nền hòa bình lâu dài cho Dân tộc phát triển bền vững trường tồn, cường thịnh.

        Sáng 20/2 TP.Hà Nội đã đồng loạt tổ chức lễ giao nhận quân theo Luật nghĩa vụ quân sự. Khoảng 3.500 thanh niên Thủ đô đã chính thức lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Cụ thể, hôm nay lễ giao nhận quân năm 2019 được tổ chức tại 43 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk... Các địa phương còn lại sẽ tiếp tục giao quân vào hai ngày 21 và 22/2. Tại Hà Nội đợt này có khoảng 3.500 tân binh, trong đó 1.300 thanh niên đã viết đơn tình nguyện. Để có được đủ quân số nhập ngũ cho năm 2019, các quận, huyện của Hà Nội đã rà soát hơn 244.000 công dân nam trong độ tuổi nhập ngũ, chọn ra khoảng 49.000 người tham gia sơ tuyển, từ đó chọn ra hơn 10.400 thanh niên đi khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự và có hơn 7.000 người đủ điều kiện nhập ngũ.

Tin nhanh - Nụ cười của những tân binh ngày nhập ngũ

Tỷ lệ tân binh Hà Nội tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đạt 32,4%; con số này thấp hơn so với năm 2018 là 40,8%, và năm 2017 là 52,2%.

Tin nhanh - Nụ cười của những tân binh ngày nhập ngũ (Hình 2).

Các tân binh ở Hà Nội nhập ngũ với tinh thần hào hứng.

Tin nhanh - Nụ cười của những tân binh ngày nhập ngũ (Hình 3).
Tin nhanh - Nụ cười của những tân binh ngày nhập ngũ (Hình 4).
Tin nhanh - Nụ cười của những tân binh ngày nhập ngũ (Hình 5).
Tin nhanh - Nụ cười của những tân binh ngày nhập ngũ (Hình 6).
Giây phút chia tay người thân lên đường của tân binh.
Tin nhanh - Nụ cười của những tân binh ngày nhập ngũ (Hình 7).

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung tặng hoa tân binh lên đường nhập ngũ.

Tin nhanh - Nụ cười của những tân binh ngày nhập ngũ (Hình 8).
Bàn giao quân trước giờ nhập ngũ.
Tin nhanh - Nụ cười của những tân binh ngày nhập ngũ (Hình 9).

Ngày nhập ngũ, rất đông người thân đến tiễn các tân binh lên đường.