Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Sự lựa chọn lịch sử, đúng đắn của nhân dân, quốc hội

Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi

     Sáng 28/11/2013; Với 97% đại biểu tán thành, toàn văn dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã được Quốc hội thông qua.
     Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trình bày không có nhiều thay đổi so với lần trình bày trước đó. Dự thảo gồm 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp 1992.
     Theo ông Lưu, Quốc hội đã 3 lần cho ý kiến, đồng thời Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã lấy ý kiến nhân dân nên dự thảo lần này đã "phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân".
Hiến pháp sửa đổi quy định, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
     Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị.
     Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình...
     Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.
     Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.
     Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
     Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế...
     Người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hoà bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại thì được Việt Nam xem xét cho cư trú.
     Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.
     Khi cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định.
     Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc...
     Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày toàn văn Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo này, với 486 đại biểu tán thành trong tổng số 488 đại biểu có mặt (chiếm 97%), hai đại biểu không biểu quyết.
     Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đây là sự kiện có tính chất lịch sử của thời kỳ mới xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, đưa đất nước phát triển. Bản Hiến pháp trình Quốc hội thông qua lần này là kết quả của quá trình làm việc cần mẫn, tâm huyết, tận tụy của các đại biểu Quốc hội, được cử tri trong và ngoài nước, các ngành, các cấp, và cả hệ thống chính trị tham gia.
     "Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới và là bản Hiến pháp được chuẩn bị với tinh thần như vậy nên đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân", ông Hùng nói và cho hay, các đại biểu quốc hội đã làm việc hết sức mình, thảo luận nhiều phiên, qua 3 kỳ họp với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc được tinh hoa trí tuệ của toàn dân vào bản hiến pháp thông qua lần này.
    Theo dự thảo Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp dự kiến được thông qua sáng nay, Hiến pháp phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày thông qua, và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.
     Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội khóa XIII tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV họp kỳ thứ nhất. Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV bầu ra các cơ quan mới.
     Những công việc đang được cơ quan Nhà nước giải quyết theo quy định của Hiến pháp năm 1992 mà thẩm quyền này được giao cho cơ quan nhà nước khác thực hiện theo quy định của Hiến pháp (sửa đổi) thì phải chuyển giao cho cơ quan nhà nước đó để tiếp tục giải quyết, kể từ ngày Hiến pháp này có hiệu lực.
     Các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp (sửa đổi) có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp.
     Việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và ban hành mới Luật tổ chức chính quyền địa phương phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua chậm nhất là vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015).
     Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Hiến pháp đang có hiệu lực được kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII thông qua năm 1992. Trước đó, còn có Hiến pháp năm 1946, 1959 và 1980.
     Quốc hội thông qua Hiến pháp với số phiếu cao thể hiện sự đồng thuận nhất trí cao với bản Hiến pháp mới 2013; đây là sự thể hiện rõ nét nhất về sự thống nhất cao của cơ quan quyền lực nhất nước ta, nhưng cũng là đại diện cao nhất của nền dân chủ của chúng ta, của nhân dân ta trong việc đóng góp vào dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 2013 bảo đảm công khai dân chủ, minh bạch và đồng thuận cao trong việc lựa chọn những vấn đề cơ bản nhất của dân tộc ta trên con đường xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét