Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

Không thể lãng phí mọi nguồn lực - Điều tối quan trọng cho phát triển bền vững

|

     Hội nghị lần thứ ba BCH Trung ương Đảng khoá X đã ra Nghị quyết số 04-NQ-T.Ư "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Có thể nói tham nhũng thì chỉ có cơ quan, cán bộ có chức có quyền mới có cơ hội để tham nhũng; nhưng lãng phí thì ở mọi cấp độ, cơ quan doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, kể cả với mỗi người dân: lãng phí tiền bạc, của cải trong chi tiêu, tiêu dùng không đúng, không hiệu quả, xa hoa, phô trương... lãng phí tài nguyên, lãng phí tiềm lực con người, lãng phí đất đai, lãng phí cơ cấu cán bộ hiền tài ở từng đơn vị cơ quan, quốc gia, dân tộc, lãng phí thời gian, kinh phí, tiền thuế của nhân dân...v.v ở đâu cũng thấy lãng phí trong khi Việt Nam còn chưa giàu và rất nhiều người nghèo đây là điều thật trớ trêu và rất đáng để mỗi công dân Việt, mỗi tổ chức nhất là các cơ quan doanh nghiệp suy ngẫm rút kinh nghiệm kịp thời, vận dụng hiệu quả quy trình quản lý, lao động, sản xuất, chi tiêu hiệu quả, đúng mức, đúng luật, gắn sản tiêu với tiêu dùng và có đóng góp cho công tác xóa đói giảm nghèo trực tiếp ở từng địa bàn, từng khu vực và cả nước để không còn người nghèo, người phải sống dưới mức nghèo khổ. Cùng xem cái bánh ngân sách và kẻ thù của nó theo Nhà văn Phăn Ngọc Tiến nhé.

Kẻ thù của ngân sách

Căn bệnh lãng phí từ lâu đã trở nên trầm trọng trong hệ thống công quyền và doanh nghiệp nhà nước.

Tôi gọi đó là kẻ thù của ngân sách.
Mới đây tỉnh Vĩnh Phúc kỷ niệm 20 năm tái lập. 65 tỷ đồng được chi ra cho phần quà biếu các đại biểu dự và toàn thể các hộ dân trong tỉnh. Lại là quà bằng ấm chén. Ý tưởng tặng quà các hộ dân, tưởng là hay, nhưng rồi tạo thành thắc mắc của chính người dân. Đó là những câu hỏi về giá, về nơi trúng thầu làm quà tặng.
Món quà nhỏ, số tiền ngân sách chi ra cũng không lớn nhưng rõ ràng những sự ồn ào về quà tặng làm mất đi ý nghĩa ngày kỷ niệm và cả uy tín của tỉnh.
Năm ngoái, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam kỷ niệm 80 ngày truyền thống. Hàng chục tỷ đồng chi ra đã làm kỷ niệm chương bằng bạc cho toàn bộ công nhân viên chức. Những người thợ mỏ có quyền tự hào về truyền thống vẻ vang của họ. Nhưng cái cách Tập đoàn chỉ đạo các cơ sở cấp dưới phải mua kỷ niệm chương gây nên sự bất phục của chính những người thợ. Nhất là khi tấm kỷ niệm chương lớn hơn nhiều giá trị thực khi chế tác ra nó.
Những câu chuyện khiến tôi giật mình kiểm đếm trong nhà những món quà. Chúng được tặng ở những lễ kỷ niệm, hội nghị, lễ mừng công hay đại hội chuyên ngành.
Hàng chục bộ ấm chén có in chữ của cơ quan tặng. Vô số những đồ khác như bút, gạt tàn, bát đĩa, biểu trưng bằng thủy tinh, ảnh in trên kim loại, ấn phẩm đặc biệt để kỷ niệm... Nhiều lắm, và phải nói rất thật, không hề phụ lòng những nơi tặng: chúng chẳng có giá trị sử dụng, hoặc có nhưng rất không đáng kể.
Bỏ thì thương vương thì tội, vứt đi không đành mà cho cũng khó tìm được người nhận. Bộ ấm trà, bát đĩa trong nhà có in chữ là điều nhiều khi gây bất tiện cho chủ nhà khi tiếp khách.
Tôi chỉ là một nhà văn bình thường mà còn được không ít quà kiểu đó. Còn những người đảm trách vị trí quan trọng thì số lượng quà còn lớn biết bao nhiêu? Và có biết bao nhiêu người trong xã hội được nhận quà như tôi? Một con số bí ẩn thật đáng ngẫm nghĩ.
Tôi đã được dự không ít những hội nghị ở những hội trường, khách sạn sang trọng với chi phí cực lớn. Như một phong trào, và tạo cảm giác về sự đua tranh giữa các cơ quan. Cơ quan tôi sao có thể kém anh được. Quà anh từng này, quà tôi đương nhiên phải lớn hơn anh. Anh tổ chức cỡ đó sao tôi lại chịu thua kém anh, tôi phải hoành tráng hơn.
Nhưng chuyện quà cáp khách khứa dù sao cũng chỉ là chuyện nhỏ. Lớn hơn là chi phí công cho mua sắm ôtô, trang thiết bị, xây trụ sở cơ quan, xây tượng đài, các sân vận động, nhà thi đấu, hệ thống nhà văn hóa từ tỉnh xuống đến thôn, xóm.
Nhà thi đấu Hà Nam xây dựng trên đất làng Quỳnh Chân - quê mẹ tôi - và được khánh thành năm 2014. Đây là dự án lớn, với số tiền đầu tư trên 1000 tỷ, dự kiến tổ chức Á vận hội 2018. Hệ thống đường dẫn vào nhà thi đấu được xây dựng dọc ngang thênh thang, đèn đường hiện đại. Tất cả nằm chơ vơ giữa cánh đồng.
Hôm khánh thành toàn bộ dân làng nay đã lên tổ dân phố, lên phường được huy động đi dự. Miễn phí và được phát quà tặng là nước ngọt.
Bây giờ mỗi lần về quê là một lần tôi chứng kiến cảnh hoang tàn của khu nhà thi đấu. Đã khánh thành mấy năm và tổ chức vài sự kiện thể thao, nhưng tường bao, hàng rào chằng buộc sơ sài, ngổn ngang vật liệu và phế thải. Trâu, bò thơ thẩn dạo xung quanh nhà thi đấu. Một sự lãng phí tuyệt đối.
Hà Nam là một tỉnh liên tục phải xin cứu đói, dù nó nằm giữa vựa lúa của Đồng bằng Sông Hồng.
Căn bệnh hình thức dù sao cũng chỉ là một trạng thái tinh thần. Sẽ nguy hiểm hơn nếu như “lãng phí” là một phép toán số học được đong đếm bằng lợi ích: những đợt kỷ niệm, những công trình xây dựng ấy mở toang cửa kho bạc để nhiều kẻ thực hiện các thủ thuật trục lợi.
Nhìn những bộ ấm chén, những công trình dở dang vô nghĩa, đôi lúc tôi muốn thuyết phục mình rằng đấy chỉ là kết quả của “bệnh hình thức”, của sự bon chen ấu trĩ chứ không phải một động cơ gì khác. Như thế còn dễ chịu hơn.
Bởi nếu những sự lãng phí được thực hiện bởi một động cơ thâm sâu hơn, thì "Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" và các quy định của nó sẽ không thể ngăn cản họ làm điều mình muốn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét