Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

'Đồng Tâm là bài học lớn' về sự dũng cảm giải tỏa nút thắt trong đối thoại với dân.

  'Đồng Tâm là bài học lớn'  về sự dũng cảm giải tỏa nút thắt trong đối thoại với dân. Rõ ràng chỉ sau khi có đối thoại giữa ông Nguyễn Đức Chung Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội với dân thôn Hoành- Đồng Tâm- Mỹ Đức thì sự việc xảy ra từ 15/4 đến ngày 22/4 mới được giải tỏa; sự "Đồng Tâm" sau đối thoại về cách giải quyết các vấn đề đã nảy sinh được thống nhất giữa chính quyền và dân thôn Hoành. Điều đó chứng tỏ vấn đề nảy sinh tất yếu giải quyết được trên cơ sở tôn trong quyền lợi chính đáng của dân, nhưng đồng thời mỗi người dân phải hành động đúng quy định của pháp luật, tránh bị lôi kéo kích động, để bọn cơ hội chính trị, bọn phản động lợi dụng làm mất đi hình ảnh,vlợi ích chính đáng của xã hội, làm xa rời dân, xa rời hệ thống chính quyền và nhất là làm tổn hại đến mối quan hệ dân với đảng và chính quyền. Đồng Tâm, thống nhất giữa dân với Đảng, với chính quyền và hệ thống chính trị đều phải trên cơ sở luật pháp, đạo đức và sự đồng thuận cao từ cả dân và chính quyền ngay từ những việc nhỏ nhất thông qua luật pháp và cao nhất là đối thoại.

Cùng xem: Phó tổng Thanh tra Chính Phủ Ngô Văn Khánh cho hay vụ tranh chấp đất đai dẫn đến 38 người bị giữ ở Đồng Tâm (Mỹ Đức) là "bài học lớn với người dân và cơ quan quản lý nhà nước".

Tại cuộc họp báo quý I sáng 24/4, trước câu hỏi liên quan việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong sự việc xảy ra ở Đồng Tâm (Mỹ Đức) vừa qua, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho rằng: "Đây là bài học lớn cho cả hai phía, không chỉ người dân mà cả cơ quan quản lý nhà nước".
"Sau vụ việc này, Thanh tra Chính phủ với tư cách là cơ quan trực tiếp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo sẽ cùng các cơ quan nhà nước khác tổng kết, rút kinh nghiệm, thận trọng đưa ra những kiến nghị, bổ sung vào quá trình quản lý của mình", ông Khánh nói.
Việc Hà Nội lập đoàn thanh tra khu đất đồng Sênh (Đồng Tâm), ông Khánh cho hay: "đây là cuộc thanh tra thuộc thẩm quyền của Hà Nội. Lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo và khẳng định việc thanh tra sẽ diễn ra khách quan nên Thanh tra Chính phủ không can thiệp và không cử người tham gia".
thanh-tra-chinh-phu-dong-tam-la-bai-hoc-lon
Khu đất ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội đang trong quá trình thanh tra. Ảnh: Bá Đô.
Tuy vậy theo ông Khánh, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thanh tra, Thanh tra Chính phủ sẽ theo dõi sát sao quá trình thanh tra khu đất này, phối hợp với Hà Nội giám sát để đảm bảo cuộc thanh tra "thực hiện đúng quy định của pháp luật và có kết quả chính xác, chặt chẽ nhất".
Trước đó tối 20/4, Thanh tra Hà Nội đã công bố quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Kết quả sẽ được công bố sau 45 ngày.
Quyết định của Thanh tra Hà Nội được đưa ra 5 ngày sau việc 38 công an, cán bộ của Hà Nội bị bắt giữ tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, Mỹ Đức), liên quan việc cưỡng chế giải tỏa đất đai ở địa phương này.
Căng thẳng tại xã Đồng Tâm kéo dài từ ngày 15 đến 22/4 mới được tháo gỡ hoàn toàn sau cuộc đối thoại giữa Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân thôn Hoành.
Trước đó, chiều 20/4, Chủ tịch Hà Nội – Nguyễn Đức Chung đến Mỹ Đức. Ông mời người dân đến hội trường UBND huyện để đối thoại.
Nhưng người dân từ chối. Họ muốn mời ông Chung đến đối thoại ở nhà văn hóa thôn Hoành. Ông Chung và đoàn công tác đợi ở huyện. Còn người dân thì tập trung ở nhà văn hóa thôn đợi ông.
Cả 2 đều ngóng nhau, và tôi tin đó là một sự chờ đợi chân thành. Nhưng cuối cùng thì không có cuộc gặp nào diễn ra cả, trong ngày 20/4.
Chủ tịch thành phố từng là một người nổi tiếng vì các cuộc thương thuyết, đàm phán trong giải cứu con tin. Năm 2014, vụ thương thuyết tại nhà E6 tập thể Thanh Xuân Bắc – Hà Nội, kẻ khống chế con tin sau khi nghe ông Chung thuyết phục, đã buông hung khí, đầu hàng. Trước đó nữa, tháng 11 năm 2013, ông Chung tổ chức giải cứu thành công cháu bé bị một kẻ phê ma túy bắt cóc từ bệnh viện Nhi Trung ương. Đó chỉ là hai vụ tiêu biểu.
Thời đó, ông còn công tác ở CATP Hà Nội. Và suy cho cùng, các cuộc thương thuyết với tội phạm, thì ngoài khôn khéo ra, còn được phép có sự quyết liệt. Nghĩa là tình huống xấu nhất, thì có thể sử dụng vũ lực.
Nhưng ngày hôm nay, ở Mỹ Đức, người dân thôn Hoành có phải là “đối tượng” không? Hay nói cách khác, có phải tất cả họ đều là “đối tượng” không? Và mặc dù còn nhiều con tin đang bị giữ trong thôn, thì phương án sử dụng vũ lực là không thể.
Điều ấy, ông Chung đã khẳng định vào tối qua,  ông bác bỏ các tin đồn gây hoang mang trong cuộc họp với lãnh đạo xã. Chủ tịch Hà Nội một lần nữa đề nghị bà con nhân dân xã Đồng Tâm thả toàn bộ những người bị bắt giữ. Ông khẳng định: “Nhà nước luôn tôn trọng người dân và sẽ không có việc tấn công, giải cứu”. Tuy nhiên, vị Chủ tịch cũng chia sẻ "việc gì cũng có giới hạn". Giới hạn ở đây là gì? Và thế nào hay khi nào là vượt qua giới hạn?
Đó hẳn nhiên không phải là một lời đe dọa. Nhưng chắc chắn là một lời cảnh báo. Sự dằng dai như hiện nay, với một số lượng không nhỏ con tin bị bắt giữ trái phép, đang dần dần đẩy mọi việc đi quá giới hạn. Không thể để con tin bị giam giữ trái phép hàng tháng trời. Cũng không thể để một làng xóm biến thành khu tự trị, thách thức pháp luật và chính quyền. Quốc có quốc pháp, và bây giờ không còn là thời phép vua thua lệ làng.
Nhưng mà ở phía bên kia “đối thoại" đa phần là những người nông dân. Những nông dân đang hoang mang, thậm chí sợ hãi. Họ ý thức được rằng mình đã đi quá xa. Hôm qua, một lão cao niên trong thôn Hoành thừa nhận rằng bà con trong thôn đã nhận thức được việc bắt giữ người thi hành công vụ là sai trái.
Vậy nên, người dân Đồng Tâm muốn thấy một vị lãnh đạo, chỉ với chiếc sơ mi trắng và quần âu, vào tận thôn Hoành để đối thoại với họ. Quyết định không vào thôn của đoàn công tác, suy cho cùng cũng là hợp lý.  Nhưng nó cho thấy, niềm tin giữa đôi bên chưa đủ.
Nhưng trong những chuyện như thế này, người dân không tin quan là thường. Làm quan, khổ nỗi bắt buộc phải tin dân. Bởi vì người ta không thể cứ nghi kỵ dân. Mà ngược lại, bằng lòng tin, người ta có thể thu phục lòng tin của hàng nghìn, hàng vạn người.
Bên kia những ụ đất, gậy gộc, đống đá, là lũy tre làng. Cái liềm vung lên thì là hung khí, cúi xuống thì là nông cụ. Người dân Đồng Tâm tâm sự, họ đã đuổi cả những kẻ mà họ gọi là “bọn phản động chống Đảng” đi, không hợp tác khi được đề nghị. Vậy thì chính quyền hãy tin ở dân. Giờ cần người giúp họ và giúp chính mình thoát khỏi thế bế tắc này.
Đây là cơ hội vàng để gỡ nút thắt. Chuyện đúng sai, chuyện xử lý giải quyết hậu quả, cứ hạ nhiệt đi rồi mới nói tiếp được. Giờ cái cần tháo ngòi nhất là đưa những cán bộ công quyền đang bị giữ ở thôn Hoành ra ngoài.
Bất kỳ ai - dù là lãnh đạo thành phố hay các đại biểu dân cử - chịu trách nhiệm đứng ra làm người thương thuyết trong vụ này, sẽ là người gỡ ngòi. Và người đó, cần một sự dũng cảm. Không phải dũng cảm chỉ với người dân mà còn dũng cảm với cả hệ thống sau lưng mình.


Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

Muốn cuộc sống khỏe mạnh hãy theo 5 lời khuyên của Đức Đạt Lai Lạt Ma

  •        Sức khỏe là tất cả,có sức khỏe chính là có cuộc sống khỏe làm nền tảng cho sự sống, cho sự tồn tại, phát triển sinh sôi, nảy nở của chính từng người, gia đình và thế giới trong xã hội. Bác Hồ đã viết: "Khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe", và "Tự tôi ngày nào cũng tập". Trong vòng sinh tử, luân hồi chẳng ai tránh được kiếp nhân sinh. Tuy nhiên, mỗi con người có sức khỏe phải được coi là vàng, là nền tảng của mọi nền tảng, chìa khóa chính yếu cuộc đời để thực hiện mọi mơ ước, hạnh phúc của chính mình, gia đình và xã hội. Hãy cùng xem, suy nghĩ, thấu triệt sâu sắc sau đây nhé:

      5 lời khuyên của Đức Đạt Lai Lạt Ma để có cuộc sống khỏe mạnh

           Muốn có cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh, Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyên con người từ bi với chính mình, dành thời gian suy nghĩ và sống như một đứa trẻ.

          Trả lời phỏng vấn CNN, Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra 5 lời khuyên để mỗi cá nhân sống hạnh phúc, khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tâm trí cho dù gặp phải bất cứ hoàn cảnh nào. 
          Bắt đầu từ chính mình
Bước đầu tiên để có một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh là tập trung vào lòng từ bi. Nhân loại sẽ hạnh phúc hơn nếu hiểu thêm và chấp nhận con người mình, từ điểm tốt tới điểm xấu. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: "Hạnh phúc chủ yếu phụ thuộc vào trạng thái tinh thần của chính bạn. Nếu luôn là một người trung thực, đáng tin về mặt cảm xúc, bạn có thể tìm thấy hạnh phúc cho dù xung quanh có xảy ra vấn đề gì".
Ở đây, lòng từ bi không chỉ hướng ra ngoài mà còn dành cho bản thân. Từ bi với người khác nghĩa là nhận ra và tôn trọng nỗi đau của họ. Theo các nhà tâm lý học, hành động này làm nảy sinh sự quan tâm, lo lắng, chăm sóc của bạn dành cho người đó.
5-loi-khuyen-cua-duc-dat-lai-lat-ma-de-co-cuoc-song-khoe-manh
Đức Đạt Lai Lạt Ma tin rằng từ bi chính là yếu tố đầu tiên để có cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh. Ảnh: newsweek.com.
Từ bi với chính mình là tử tế với bản thân ngay giữa lúc rối bời hay đau đớn về mặt tinh thần. Phó giáo sư tâm lý học giáo dục Kristin Neff tại Đại học Texas (Mỹ) giải thích lòng từ bi này khác hẳn với tự thương hại. Thay vì day lại nỗi đau và tự chỉ trích một cách cay nghiệt, bạn nhìn những thứ đã qua như một phần của kinh nghiệm nhân loại đồng thời giữ mọi suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực trong chánh niệm chứ không đồng nhất với chúng.
Tuy thường bị bỏ quên, lòng từ bi với chính mình vô cùng quan trọng. Nó khiến lòng từ bi với người khác trở nên dễ dàng, bền vững. Đức Đạt Lai Lạt Ma tin rằng càng ít chỉ trích bản thân, con người càng khỏe mạnh và rất nhiều nghiên cứu đã công nhận lời răn dạy này.
        Dành thời gian suy nghĩ
Bạn sẽ dễ dàng xây dựng lòng từ bi với bản thân hơn nếu dành thời gian suy nghĩ về những gì đã trải nghiệm. Đức Đạt Lai Lạt Ma mỗi ngày đều dậy từ 3h sáng và thiền 5 tiếng đồng hồ.
Tất nhiên, bạn có lẽ không thể ngồi thiền 5 giờ nhưng chỉ 10 phút cũng vô cùng hữu ích cho quá trình tư duy. Khoa học chỉ ra thiền tác động đến não, giúp đối phó với stress hiệu quả và thúc đẩy sự đồng cảm. Thiền lâu hơn khoảng 20 phút sẽ cải thiện tâm trạng, khả năng chú ý, trí nhớ. 
        Để cơn giận ra đi 
Đừng bao giờ để cơn giận chiếm ưu thế trong suy nghĩ của bạn vì nó có thể dẫn đến trầm cảm, mất ngủ, ăn vô độ, bệnh tim mạch, đột quỵ, tử vong sớm. Muốn xua tan cơn giận và nâng cao sức khỏe, Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyên mỗi người giữ lòng từ bi trong tâm trí đồng thời ở gần những người từ bi khác.
Tiếp xúc với các giáo viên Tây Tạng suốt nhiều năm qua, phó giáo sư Neff rất ấn tượng bởi dù phải sống như người tị nạn, họ vẫn rất hạnh phúc. "Họ không chối bỏ nỗi đau mà cởi mở, giữ lấy chúng bằng tình yêu và lòng từ bi", phó giáo sư lý giải.
        Giúp đỡ người khác
Chìa khóa khác dẫn đến hạnh phúc, theo lời Đức Đạt Lai Lạt Ma, là cố gắng giúp đỡ người khác: "Nếu có thể giúp đỡ người khác, dù rơi vào hoàn cảnh nào, bạn vẫn tự tin và giữ được hạnh phúc".
Sự giúp đỡ có thể bằng hình thức hoạt động tình nguyện. Bạn sẽ gắn kết hơn với xã hội, bớt cô đơn, hạn chế nguy cơ trầm cảm. Ngoài ra, bạn cũng chăm vận động hơn nhờ đó bảo vệ huyết áp, tăng tuổi thọ.
Đơn giản hơn, bạn hãy lắng nghe ai đó tâm sự lúc buồn bã. Không chỉ hữu ích cho đối phương, bạn còn đỡ căng thẳng và trở nên hạnh phúc.
        Sống như một đứa trẻ
Lời dạy cuối cùng để đạt được cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma là sống như một đứa trẻ. Ngài quan niệm trẻ em rất thành thật và chấp nhận người khác không chút phán xét. "Chúng không quan tâm đến tôn giáo, quốc tịch hay xuất thân. Bản chất con người chính là từ bi". 
5-loi-khuyen-cua-duc-dat-lai-lat-ma-de-co-cuoc-song-khoe-manh-1
Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn nở nụ cười vui vẻ. Ảnh: The Malcolm Auld Blog.
Dù con người dễ bị che lấp bởi tính cạnh tranh và chủ nghĩa duy vật, Đức Đạt Lai Lạt Ma tin rằng những cảm xúc đó đều có thể quay về nếu bạn vui tươi. Vì vậy, Ngài luôn nở nụ cười kể cả khi bàn về các vấn đề nghiêm trọng. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra người trưởng thành thường hình thành mối quan hệ tích cực và hài lòng hơn về cuộc sống nếu giữ thái độ lạc quan. Hơn thế, họ còn có xu hướng khỏe mạnh và ít lo âu.
Xem xét những lời răn dạy trên đây sẽ đem đến cho bạn sự khác biệt. "Hãy cố gắng vì một khi cố gắng, kết quả sẽ tới", Đức Đạt Lai Lạt Ma tóm gọn. "Bạn sẽ hài lòng và hạnh phúc".

Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

Không thể để phòng khám Trung Quốc lừa dân mình như vậy

    Phải nói rằng chúng ta dã "hở sườn " trong công tác quản lý hành nghề y tế tư nhân, đặc biệt là các phòng khám Trung Quốc trên đất nước ta. Cần phải chặn đứng hoạt động bất minh này trước khi quá muộn ! Bây giờ mới biết nếu các phòng khám TQ sai thì ta chỉ có thể phạt và cho tồn tại (để họ sai tiếp). Luật thì như vậy, còn người VN thì không có "văn hoá tẩy chay". Vậy là "hết thuốc chữa? không được như vậy, khi sai phạm phải phạt thật nặng; Phạt đến lần 3 thì đóng cửa, truy tố. Tuy nhiên, sự lừa đảo được bao bọc bằng cả bóng dáng pháp lý để người ta cả tin và sự nhẹ dạ cả tin của những con người chân thật đã quện vào nhau và cuối cùng "sự thật ấy" đã đổ hết lên đầu người tiêu dùng không thương tiếc ... Phải thay đổi Luật, với từng người dân nên thật cẩn thận, nghiên cứu kỹ khi đi khám bệnh ở đâu cũng nên coi phòng khám Trung Quốc là lựa chọn sau cùng, nhất là cần có văn hóa tẩy chay các phòng khám Trung Quốc khi họ lừa chúng ta như vậy. 

Cũng xem cách hành xử của Phòng khám Trung Quốc

Trong một chuyến du lịch Trung Quốc, chúng tôi được xe đưa vào một cửa hàng Đông Y nổi tiếng. Đón chúng tôi là 2 người nói tiếng Việt rất giỏi. Một trong hai người mang bảng tên tiếng Việt, có để chữ “BS” ở trước tên. Nhiều người ào vô để được bắt mạch miễn phí. Tôi không vào mà ngồi ngoài hỏi thăm vị “đồng nghiệp”.

nh ta bắt đầu giới thiệu những màn bẻ sắt nóng, xuyên dùi qua người, bẻ gãy chân gà và phục hồi sau vài phút… Nhưng khi tôi đặt các câu hỏi mang tính chuyên môn y khoa, mới nhận ra vị “đồng nghiệp” không biết gì về cơ chế liền da, liền xương, trả lời nhăng cuội. Gặng hỏi nhiều lần anh ta mới nói, rằng anh ấy đi buôn ở Móng Cái, biết tiếng Việt nên được thuê về làm. Và khi tôi hỏi về chữ “BS” trên bảng tên của anh ấy, thì anh ấy cười, tùy ai hiểu sao cũng được.
Trong số những người bỏ ra số tiền lớn để mua hàng Trung Quốc, có cả một số bác sĩ. Họ tin vào giá trị của thứ bột được cho là bột ngọc trai, họ tin vào tác dụng thần thánh của những vị thuốc bắc mà ít nơi nào có được.
Ngay cả các màn ảo thuật không thể giải thích hợp lí về mặt y khoa cũng không làm họ nghi ngờ. Họ cứ bỏ tiền ra mua, để rồi, khi về đến Việt Nam, họ mới nhận thấy sự thiếu khôn ngoan của mình.
Sau khi đi qua hàng loạt cửa hàng, một số người đã bỏ ra số tiền trị giá hàng trăm triệu đồng để mua hàng của Trung Quốc, cả đoàn ngộ ra một điều, người Trung Quốc rất giỏi làm giá. Họ biết ngay bạn đã biết gì về mặt hàng, và họ thừa khả năng đánh bóng mặt hàng của họ bằng những chức năng mà bạn hằng mơ ước, họ hứa hẹn những tác dụng mà không ai có thể mang lại cho khách hàng.
Và cuối cùng, gần như tất cả những người trong đoàn chúng tôi đã từng bỏ nhiều tiền ở Trung Quốc, đã không sử dụng các sản phẩm mua về, hoặc sử dụng được một thời gian rồi ngưng khi thấy nó không có những tác dụng như hứa hẹn, cho dù đó là bột ngọc trai, trà, thuốc bắc…
Trên thực tế, nền y học Trung Quốc cũng đã có những thành tựu nhất định - lại mang nhiều nét gần gũi với văn hóa Việt Nam, chính vì vậy mà nhiều người Việt Nam đã đặt niềm tin vào họ. Nhiều người Trung Quốc kinh doanh trong lĩnh vực sức khỏe rất giỏi trong việc nhận biết và tận dụng niềm tin và sự ngưỡng mộ đó của người Việt. Họ cũng tận dụng tối đa tâm lí “tiền nào của nấy” của người bệnh Việt Nam để tính giá trên trời.
Phương thức kinh doanh ấy, đã du nhập vào nước ta khoảng chục năm trở lại đây, phát triển mạnh, và chưa thấy dấu hiệu bị kìm hãm.
Mặc dù đã có quá nhiều thông tin về sự lừa đảo của các “phòng khám Trung Quốc” đăng trên truyền thông, một số bệnh nhân vẫn mất cảnh giác. Và thật không may, đa số là những khách hàng có tiền, thậm chí có khá nhiều tiền để có thể thanh toán ngay những khoản tiền khá lớn mà không có kế hoạch trước.
Ở cả hai thành phố lớn nhất nước, các nhà quản lý y tế đều phải thừa nhận: tình trạng sai phạm ở các phòng khám Trung Quốc rất nhiều. Đơn cử, trong 13.000 cơ sở y tế tư nhân tại TP, tổng mức xử lý vi phạm hành chính năm 2016 là khoảng 10 tỉ đồng. Nhưng tính riêng 16 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc đã phạt hơn 1 tỉ đồng. Tức là tỷ lệ bị phạt của phòng khám Trung Quốc hơn phần còn lại khoảng... gần 100 lần.
Trong đó, theo Sở Y tế TP.HCM và Sở Y tế Hà Nội, thì sai phạm chủ yếu nhất, là vẽ bệnh, vẽ thêm dịch vụ để thu tiền. Nói một cách đơn giản, là lừa bệnh nhân.
Mới đây lại có một bệnh nhân phải trả 42 triệu đồng cho một dịch vụ vốn chỉ tốn vài triệu ở bệnh viện công, cho một căn bệnh không có thật.
Trước đó, tại Hà Nội, một nữ thai phụ tử vong khi làm thủ thuật tại phòng khám có bác sỹ Trung Quốc - trong một ca bệnh mà theo nhận định của chính Sở Y tế, “chỉ cần kê đơn cho chị mua thuốc về đặt là khỏi”.
Nhưng nếu chỉ là một mô hình kinh doanh bất minh được “du nhập” thì chưa đủ để người bệnh rơi vào những chiếc bẫy giăng sẵn.
Để các phòng khám kiểu này có thể lừa bịp được người bệnh Việt Nam, còn có sự tiếp tay của nhiều người Việt Nam, từ các nhân viên, phiên dịch viên, điều dưỡng, bác sĩ người Việt, và chắc chắn, phải đặt câu hỏi về trách nhiệm của những nhà quản lý y tế.
Tôi biết một cán bộ quản lý y tế cực kỳ khắt khe, soi từng li từng tý mỗi khi đến kiểm tra đột xuất các cơ sở tư nhân. Nhưng trong địa bàn, có một phòng khám Trung Quốc lại liên tục xảy ra sự cố. Một phóng viên y tế kỳ cựu nói với tôi, vị đó thậm chí còn có xu hướng bênh vực mỗi khi phòng khám kia sai phạm.
Để có thể quảng cáo, một phòng khám Việt Nam phải qua bao nhiêu là thủ tục. Nhưng trên các phương tiện thông tin đại chúng, không biết bao nhiêu lời đao to búa lớn về các phòng khám Trung Quốc vẫn xuất hiện.
Và trước tình hình ấy, chính Sở Y tế Hà Nội mới đây cũng phải than phiền: nếu phòng khám Trung Quốc sai, chỉ có thể phạt, rồi lại để tồn tại. Luật hiện nay chưa cho phép đóng cửa dù có sai nhiều tới đâu.
Người dân chắc chắn đang chờ đợi những chế tài mạnh tay hơn để chấm dứt hoạt động bất lương này. Tại sao liên tục lừa bệnh nhân mà không thể đóng cửa?
Bởi nếu không, câu hỏi về phương thức hoạt động bất minh của nhiều phòng khám Trung Quốc, sẽ lan sang chính các nhà quản lý...
Theo Võ Xuân Sơn

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Nên quán triệt sâu sắc lại Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ

       Hiện nay, rất nhiều cán bộ viên chức vẫn uống rượu, bia trong giờ nghỉ trưa, trong giờ làm việc, hình ảnh của cán bộ theo tư tưởng, tinh thần của Bác Hồ, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về cán bộ là công bộc của dân, người đại diện cho chính phủ phục vụ nhân dân, đại diện trước nhân dân về một chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, thân thiện bị méo mó, giảm sút, mờ nhạt đi khá nhiều, thậm chí còn bị kẻ xấu lợi dụng để kích động, nói xấu và bôi nhọ hình ảnh của cán bộ, chính phủ và nhà nước ta trên các phương tiện thông tin đại chúng nhất là net, web, zalo, facbook...  

      Dẫu con sâu bỏ rầu nồi canh, dẫu không nhiều loại cán bộ như vậy; nhưng thiết nghĩ và thật cần thiết cho tất cả chúng ta cần thật nghiêm túc chấp hành Chỉ thị  26/CT-TTg  của Thủ tướng Chính phủ, nhất là phải nêu cao lòng tự trọng, tự tôn có văn hóa không uống rượu trong khi làm việc, khi nghỉ trưa, khi giao tiếp với nhân dân. Mọi cán bộ đều phải thấm nhuần tư tưởng mọi thành viên trong hệ thống chính phủ dù ở cấp nào từ xã, phường đến các ban ngành, đến thủ tướng đều cần thấu triệt quan điểm vì dân, phục vụ nhân dân, lấy dân là gốc, muốn vậy cần xây dựng hình ảnh cán bộ tốt, mẫu mực về tác phong mà trước hết cần phải chấp hành tốt Chỉ thị  26/CT-TTg  của Thủ tướng Chính phủ, nhất là nghiêm cấm uống rượu bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa. 

     Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 26/CT-TTg  ban hành ngày 05/9/2016, về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, trong đó có việc nghiêm cấm uống rượu bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa... Theo đó, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động:


    - Không được vào casino đánh bạc dưới mọi hình thức.

    - Không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; không sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực.

     - Tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền khi thực thi nhiệm vụ, công vụ.

    - Nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ; không đùn đẩy trách nhiệm, né tránh công việc; phải đeo thẻ công chức, viên chức, nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ.

     - Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa của người cán bộ, công chức, viên chức; không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng.

     - Nghiêm cấm lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp.
uống rượu bia
Nghiêm cấm công chức uống rượu bia trong giờ làm việc và cả giờ nghỉ trưa - ảnh minh họa
       Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp
      Theo Chỉ thị, thời gian qua, việc chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ của một số cơ quan chưa nghiêm, gây ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương nền hành chính, ảnh hưởng đến lòng tin của Nhân dân và doanh nghiệp, tác động xấu đến kỷ cương xã hội, cần được kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.
       Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thường xuyên phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong đó chú trọng đến các yêu cầu, nội dung, giải pháp về công tác cán bộ trong Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
        Kiên quyết tinh giản CCVC năng lực yếu, thiếu trách nhiệm
       Các Bộ, ngành, địa phương rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; quán triệt, triển khai đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cấp trên.
       Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác cụ thể trên cơ sở nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đánh giá đúng chất lượng, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở sắp xếp, điều chuyển, bố trí nhân sự phù hợp với vị trí việc làm để nâng cao hiệu quả hoạt động; kiên quyết thực hiện tinh giản số công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật.
     Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước...
    Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế để tạo sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các trường hợp tái phạm, có tổ chức, có tính chất nghiêm trọng; xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các vấn đề xã hội quan tâm.
    Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục cấp các loại giấy phép, đăng ký tài sản, đăng ký kinh doanh, xuất nhập cảnh, thuế, hải quan, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký hộ khẩu, tuyển sinh, công chứng, chứng thực, khám chữa bệnh...
       Tăng cường thanh tra, giám sát
      Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về kỷ luật, kỷ cương hành chính bao gồm cả giám sát từ Nhân dân; về văn hóa công sở; về trách nhiệm và đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.
     Các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, tích cực tham gia phát hiện và góp ý, phê phán trước công luận những hành vi vi phạm, gây sách nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính; đồng thời, cổ vũ, động viên kịp thời những điển hình tốt về tinh thần và thái độ phục vụ trong thi hành nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
        Nghiêm cấm sử dụng rượu bia trong giờ nghỉ trưa
       Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền. Nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc; phải đeo thẻ công chức, viên chức, nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ.
      Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức; không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; thực hiện đúng quy định trong văn hóa hội họp; không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; không được vào casino đánh bạc dưới mọi hình thức.
     Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính phải bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
    Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ là cơ quan giúp Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan hành chính nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.