Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Ký ức về một vị Tướng giản dị, dễ gần, kiên trì rèn luyện thể lực

         Tôi về Khoa Thể dục thể thao Trường Sĩ quan Chính trị tháng 8/1988. Lúc đó, trong Ban Giám hiệu Nhà trường có nhiều Thủ trưởng Nhà trường; trong đó có Thiếu tướng - PGS- Văn Cương - Hiệu trưởng; Thiếu tướng Hồ Bắc - Phó hiệu trưởng. Đã gần 30 năm trôi qua khi về Trường, đến nay đã nhiều Thủ trưởng và các thế hệ chỉ huy, đi trước tôi đã nghỉ hưu, cũng đã có người về với đất mẹ, tổ tiên. 
          Nhưng sâu đậm trong ký ức của tôi đi cùng sự ngưỡng mộ, khâm phục nhất là với Thiếu tướng Hồ Bắc người Tướng giản dị, chất phác, dễ gần, luôn quan tâm đặc biệt đến vận dụng sáng tạo nền nghệ thuật quân sự và cách đách truyền thống của Dân tộc vào huấn luyện quân sự và nâng cao tay nghề, bản lĩnh cho học viên đào tạo chinh trị viên của Nhà trường. Với giảng viên trẻ như chúng tôi lúc đó, ấn tượng sâu sắc về tự học, tự rèn luyện thể lực của Thiếu tướng Hồ Bắc. Bất kể nắng hay mưa, rét hay nóng, ngày nào Thiếu tướng cũng tập thể dục rất đều đặn, đúng giờ, Thiếu tướng còn là người khởi xướng và trở thành một trong những huấn luyện viên bóng rổ đầu tiên trong phát triển phong trào bóng rổ của Nhà trường; ở môn bóng bàn Thiếu tường Hồ Bắc là vận động viên giàu kỹ thuật có lối đánh công thủ toàn diện, nhất là những quả phản công dọc và xa bàn; ngày nào cũng đều đặn Thiếu tướng đều đi bộ rèn luyện với thời gian khoảng 45 phút buổi chiều, với bước đi mạnh mẽ, tay đánh cao, biên độ bước dài, đầu ngẩng cao, thở sâu.. Nhờ có tác phong chính quy, khoa học nhất là ăn uống điều độ, gắn với chế độ tự tập luyện thể dục, rèn luyện sức khỏe thường xuyên khoa học, nên lúc đó trông Thủ trưởng rất tráng kiện, nhanh nhẹn và cởi mở dễ tiếp xúc khi làm việc cũng như tập luyện thao. Đến nay xuân Đinh Dậu gần 90 tuổi đời 65 tuổi Đảng và 50 năm quân ngũ Thiếu tướng Hồ Bấc vẫn rất minh mẫn.
          Gần 30 năm, 1/3 thế kỷ trôi qua, chúng tôi những người giảng viên trẻ nay cũng đã từng bước trưởng thành; những ấn tướng tốt đẹp về một  vị Tướng luôn sâu đậm; tôi và rất nhiều thế hệ cán bộ giảng viên của TSQCT không bao giờ quên ơn các thế hệ Thủ trưởng cùng với đồng chí, đồng đội đã giúp đỡ  quan tâm, chỉ bảo tạo điều kiện để chúng tôi trưởng thành. Xin tri ân tất cả, nhất là Thiếu tướng Hồ Bắc. Xin chúc Thiếu tướng luôn khỏe, trường thọ, mãi xứng đáng là "Bộ đội Cụ Hồ" bộ đội của nhân dân, vì nhân dân phục vụ. 
          Mời các bạn xem bài viết dưới đây về Thiếu tướng Hồ Bắc
         “Tình quân dân” trong hồi ức Thiếu tướng Hồ Bắc
“Nếu không có nhân dân, bạn bè, đồng chí, đồng đội giúp đỡ, cưu mang thì tôi cũng chẳng thể tồn tại còn nói gì đến gia đình và sự nghiệp”. Đó là tâm niệm của Thiếu tướng Hồ Bắc được đúc kết từ hơn 80 năm cuộc đời, 65 tuổi Đảng và 50 năm quân ngũ.
50 năm quân ngũ
Thiếu tướng Hồ Bắc sinh năm 1929 tại làng Phong Xá, xã Đông Phong (Yên Phong) trong một gia đình nông dân nghèo, 16 tuổi tham gia phong trào Việt Minh, 17 tuổi trốn nhà tòng quân. Cũng từ đó, ông bước vào cuộc trường chinh vĩ đại cùng cả dân tộc đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lắcược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. 5 năm (1947-1952) trong đội hình bộ đội chủ lực tỉnh, ông cùng đồng đội bám đất, bám làng chiến đấu ở cả Nam và Bắc phần Bắc Ninh. Tháng 4-1952, ông bị thương, bị địch bắt và đày ải hơn 2 năm trong nhà tù thực dân. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông có mặt ở các chiến trường ác liệt Tây Nguyên, Quảng Trị. Tôi rèn trong thực tế chiến đấu gian khổ, ác liệt, chiến sỹ Hồ Bắc trưởng thành lên chỉ huy cấp Trung đội, Đại đội, Trung đoàn, Sư đoàn, giảng viên rồi Phó Hiệu trưởng các trường Sỹ quan Lục quân 1, Sỹ quan Chính trị.

Thiếu tướng Hồ Bắc.
Thiếu tướng Hồ Bắc chia sẻ: “Với tôi, 50 năm quân ngũ có bao nhiêu điều: gian khổ cực kỳ, đau thương cực điểm, rủi ro cũng lắm… nhưng may mắn thật nhiều. May mắn nhất là có nhân dân đùm bọc, đồng đội giúp đỡ. Những ơn đó, tôi chẳng bao giờ quên!”.
Ơn “Mẹ chiến sỹ”
Đầu năm 1950, Huyện bộ Việt Minh huyện Quế Dương (nay là Quế Võ) tổ chức cuộc vận động các mẹ ở Hội Phụ nữ trong huyện đăng ký nhận “đỡ đầu” các chiến sỹ bộ đội địa phương. Số lượng các mẹ đăng ký thì nhiều, số chiến sỹ thì ít, huyện phải đứng ra phân bổ. Thiếu tướng Hồ Bắc xúc động nhớ lại: “Tôi được mẹ Phạm Thị Sâu là đảng viên, người thôn Phù Lãng nhận đỡ đầu. Với tôi, mẹ yêu thương như con đẻ, tháng nào cũng đến thăm. Ngày giỗ, tết, mẹ cho các em đến đơn vị gọi tôi về. Thấy tôi mặc rách, mẹ mua vải cho may quần, áo. Lúc tôi bị địch bắt, giam ở Hà Nội, mẹ tìm đến thăm, nhưng tôi không dám nhận vì sợ liên lụy đến mẹ. Khi ra tù, tôi chưa kịp về thăm, mẹ đã đến tận nhà, mua thuốc và cho tiền bồi dưỡng. Sau này, tôi công tác ở các đơn vị khác nhau ở Sơn Tây, Thái Bình… mẹ cũng lặn lội đến thăm. Năm 1957, mẹ lại ngược xuôi tìm bạn đời cho tôi (vợ tôi bây giờ), giúp về tài chính để tổ chức hôn lễ. Cách xa mấy chục cây số, nhưng khi vợ tôi sinh con, mẹ qua trông nom, chăm sóc cả tháng trời. Ơn của cụ với tôi vô cùng to lớn”.
Tiếp lời, Thiếu tướng Hồ Bắc cho biết: “Phong trào Hội mẹ chiến sỹ phát triển sâu, rộng trong toàn tỉnh. Các mẹ, các chị thường giúp bộ đội rau xanh, chăm sóc thương binh và khâu vá. Quần áo của chúng tôi thiếu nên nhiều khi phải mặc chung lại ít thay, giặt. Mỗi khi đi chiến đấu về thì hôi hám lắm. Vì thế chúng tôi xấu hổ nên thường trốn. Các mẹ, các chị tìm cho bằng được, rồi cẩn thận, thản nhiên khâu vá. Tôi nghĩ chỉ thực sự coi như con, em ruột thịt của mình mới như vậy”.

Các mẹ, các chị xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du (nay thuộc thành phố Bắc Ninh) chăm sóc thương binh trong kháng chiến chống Mỹ.
Ơn ông thợ cày, ơn gia đình nông dân đi gặt lúa
“Tháng 5-1950, tôi và đồng chí Hinh, Huyện đội trưởng Huyện đội Từ Sơn đến làng Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội (trước đây thuộc Từ Sơn). Cơ sở đã quy ước về ám hiệu, nếu trong làng không có địch thì để hòn gạch có mặt quét vôi trắng ở bên phải cổng làng. Do có chỉ điểm, ám hiệu đó bị lộ. Địch để nguyên ám hiệu và mai phục. Chúng tôi đến cách cổng làng khoảng 200m thì thấy có ông đang cày ở thửa ruộng ven đường cứ quát con trâu “Mày không đi thì mày chết này!” rất nhiều lần. Trong khi, con trâu vẫn đi rất ngoan. Chúng tôi chột dạ nghĩ: chắc ông thợ cày muốn báo cho chúng tôi biết trong làng có địch. Vừa quay lại được vài bước thì súng của địch trong cổng làng bắn ra. Hai anh, em chạy thoát”. “Tháng 7-1950, tôi ở cơ sở thuộc làng Đầm Sấu (gần thị trấn Yên Viên). Một hôm đang đi trên đường làng chợt phát hiện bọn địch cải trang chỉ còn cách vài chục mét, nếu bỏ chạy thì địch sẽ đuổi bắn và ảnh hưởng đến cơ sở bí mật đây. Đang lúng túng, tôi nghe tiếng gọi phía sau: Xuống thuyền mau! Tôi ngoảnh lại thì ra anh Quýnh, chị Khuê (2 anh, em người làng Đầm Sấu). Tôi bước vội xuống thuyền, đội nón, cầm chèo cùng anh, chị bơi thuyền ra đồng cắt lúa. Thế là thoát hiểm”.
Dừng lời trong giây lát, Thiếu tướng Hồ Bắc cảm động: “Dân là thế, chẳng bao giờ tôi quên ơn!”.
Và còn rất nhiều kỷ niệm sâu sắc về công ơn của nhân dân, đồng đội được Thiếu tướng Hồ Bắc trân trọng ghi nhớ, chép lại và khái quát trong 2 câu thơ: “Biết ơn khắp nơi đồng bào/Yêu thương, đùm bọc biết bao ân tình”. 
Bảo Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét