Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Năm mới nghĩ về đạo đức thầy giáo.

Năm mới Đinh Dậu cùng đọc, suy ngẫm nhiều nội dung thông tin đa chiều; chợt thấy lòng nhói đau, như đang mất mát điều gì đó rất lớn, như cảm lượng, xót xa, đau đớn thay cho 2 nhà giáo- những người đọc sách thánh hiền, là những "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", là những người gieo con chữ, cái đức, cái tâm, cái chân, thiện, mỹ cho học sinh, gieo tiên học LỄ, hậu học VĂN, trồng người ...rồi một ông đã leo đến chức Phó hiệu trưởng, một ông là nhà giáo... Với tôi hai ông này chưa bao giờ là nhà giáo, chưa bao giờ xứng đáng là đồng nghiệp của chúng tôi, anh em như thể chân tay, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau, tiên trách kỷ hậu trách nhân, làm nhà giáo mà tâm thì tham, sân, si, ứng xử thì cạn tầu, giáo máng, mất hết nhân tình thế thái, không biết rằng nên buông bỏ, rộng lượng vị tha mới là đức nhân, khi đã xảy ra sự việc thì lỗi của cả hai người để đến việc kiện tụng đã là thất đức lắm rồi, sứt đầu mẻ trán mà cùng khúc ruột... suối vàng  cha mẹ ngậm ngùi sao mà giải thoát được... làm con trưởng thành hai ông chỉ như cái xác to, đầu nhỏ, đức, tâm đều không xứng là thầy... vậy hai ông này dạy ai nhỉ. Chúng ta cùng xem, ngẫm về câu chuyện dưới đây, âu cũng là bài học làm người lương thiện, tâm cần phải luôn sáng, trí phải luôn vươn cao, luôn biết rộng lượng, vị tha, biết vì mọi người, biết sửa mình là trí, yêu thương chia sẻ mới là nhân... năm mới xin cảm khái.

Anh em tương tàn vì tranh chấp mảnh đất người mẹ để lại

Bị em trai gây thương tích từ tranh chấp căn nhà “hương hoả”, vị phó hiệu trưởng kiên quyết muốn “công lý thực thi” nên không xin giảm án dù Hội đồng xét xử phân tích lý lẽ.

Ông Nguyễn Tiến Bài (56 tuổi) và Nguyễn Tiến Bẩm (51 tuổi) là anh em ruột trong gia đình đông anh chị em, ở huyện Ứng Hoà, Hà Nội. Ông Bài làm hiệu phó một trường THPT, em trai cũng công tác trong ngành giáo dục.
Chỉ vì mảnh đất mẹ ruột để lại, khiến tình cảm anh em ruột thịt bị rạn nứt, xung đột. Giữa ông Bài và Bẩm từng xảy ra xô xát, chính quyền xã đã xử phạt hành chính người em vì hành vi cố ý gây thương tích cho anh trai.
Mâu thuẫn không dừng ở đó, khi hai bên còn tranh chấp mảnh đất của người mẹ quá cố để lại. Ông Bài tố bị em trai nhiều lần gây hấn, khiến ông phải nhờ chính quyền giải quyết. “Lần đầu tiên đang họp gia đình, Bẩm ném chén sứ vào tôi. Lần sau, em trai đổ xăng vào chỗ tôi đứng rồi châm lửa đốt”, ông nói.
anh-em-tuong-tan-vi-tranh-chap-manh-dat-nguoi-me-de-lai
Người anh trải lòng khi chứng kiến hai em ruột đưa nhau ra toà.
Đỉnh điểm mâu thuẫn xảy ra vào chiều 26/11/2015, khi ông Bài đang đứng ở xưởng mộc của gia đình thì ông Bẩm đến. Thấy em trai dựng xe máy trước sân, đi bộ vào căn nhà mẹ để lại, ông ngăn cản không cho vào. Không để ý đến lời nói của anh trai, ông Bẩm tiếp tục vào khiến hai bên giằng co.
Trong lúc vật lộn, ông Bẩm dùng con dao nhọn đâm nhiều nhát vào mặt anh trai. Xô xát kết thúc khi có người lao vào can ngăn và đưa ông Bài đi cấp cứu. Tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân tại thời điểm giám định là 7%.
Ông Bài đã tố cáo và người em vướng lao lý. TAND huyện Ứng Hoà tuyên phạt ông Bẩm 6 tháng tù giam mặc dù bị cáo cho rằng hành vi đâm là tự vệ trong lúc giằng co, vung tay gây nên. Mặt khác, bị cáo cho rằng, bức xúc vì anh trai nhiều lần ngăn cản không cho mình và các anh, chị khác vào nhà chung thắp hương bố mẹ dẫn đến mâu thuẫn.
Giữa tháng 12/2016, anh em ông Bài và Bẩm tiếp tục đối diện tại phiên phúc thẩm do TAND Hà Nội mở. Ông Bẩm có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân là lao động chính. Trong khi đó, cả ông và vợ đều mắc bệnh hiểm nghèo. Ngoài ra, ông còn có con đang ở tuổi cần bố mẹ quản lý nên mong HĐXX xem xét cho hưởng án treo.
Trước những lời lẽ tha thiết của em trai, ông Bài không chấp nhận và đề nghị toà bác đơn kháng cáo. Ông cho rằng, em trai vô trách nhiệm sau khi sự việc xảy ra. Ông không hề nhận được lời xin lỗi nào từ gia đình em trai dù lời xin lỗi đó chỉ là “đóng kịch”. Việc anh em ông xô xát, bản thân ông cũng bị hiệu trưởng gọi lên khiển trách, ảnh hưởng đến công việc của mình.
Trước cảnh anh khăng khăng không chấp nhận em ruột trước toà, một thành viên trong HĐXX trắc ẩn, phân tích lý lẽ: “Bị cáo có phải đi tù hay không là ở ông dùng cái tình, sự vị tha của mình. Đừng nên khoét sâu thêm mâu thuẫn. Sau này con cái của hai người sẽ ra sao? Chỉ vì mâu thuẫn nội bộ không thể giải quyết được mà phải đi tù? Điều đó có cần thiết?”.
Phiên toà lắng xuống khi anh trai của ông Bài và Bẩm trải lòng trước HĐXX. Mảnh đất mẹ để lại không có di chúc, nên ông Bài không được quyền quản lý. Bản thân ông đã bỏ tiền để xây dựng từ căn nhà lụp xụp thành nơi thờ tự khang trang. Ông thấy xót xa khi không khuyên bảo được hai em nên thấy có lỗi với bố mẹ nơi chín suối, càng đau đớn hơn trong giờ phút chứng kiến hai em kiện tụng nhau trước toà. Điều sau cùng, ông chỉ mong “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” và ông Bài nên cho em trai một cơ hội.
Đáp lại, bị hại trả lời: “Lương tâm của bị cáo như thế nào? Bị cáo dùng tay kéo lê tôi hơn 10 m rách bươm quần áo. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi cầm bút viết đơn. Tôi không phủ nhận tính nhân văn khi giáo dục con người nhưng đôi khi nó trở nên phản tác dụng”.
Gần 2 tiếng thẩm vấn, giờ nghị án, ông Bài bỏ ra ngoài hành lang, phía trong phòng xử chỉ còn em trai và một số người thân khác đứng lặng lẽ. Kết thúc phiên toà, chủ toạ đã bác đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét