Vụ cướp đâm chết 2 Hiệp sỹ và làm bị thương nặng 3 hiệp sỹ làm tôi choáng váng ở nhiều góc độ. Trước hết là sinh mạng của hai người anh hùng quả cảm vì sự bình yên của TP, thứ hai là thờ ơ của cả hệ thống mà TP không dẹp nổi nạn cướp bóc trở thành đặc sản của TP, thứ ba đằng sau đó là sự bất an của cả xã hội về một nền dân chủ an ninh và được bảo đảm an toàn sinh mạng của mình đều trở nên hết sức bấp bênh, khó lường trước được. Rõ ràng TP có thông minh nhưng dân không an toàn, dân không yên ổn làm ăn, dân không đồng thuận trong các quyết sách của hệ thống thì chữ thông minh chẳng có ý nghĩa gì. Thà rằng nghèo một tý, bớt thông minh đi một tý để dân được an, được yên, được thuận thì như Nguyễn Trãi nói: Việc Nhân nghĩa cốt ở yên Dân mới thành được TP mang tên Bác Hồ được. Trước hết xin nghiêng mình trước anh linh các Anh hùng, cầu mong các anh siêu thoát, yên nghỉ phù hộ cho TP và dân tộc Việt Nam luôn trọng nghĩa trọng đức trọng tài vì Tổ quốc và phát triển yên ổn,hòa bình, cường thịnh. Nào chúng ta cùng xem một bài viết của Nhà báo Hồng Phúc trước khi vụ cướp này xảy ra đúng một tuần và cùng suy ngẫm nhé.
Cướp ở Sài Gòn
Kẻ cướp là một thanh niên mặc áo thun trắng, quần jeans, dáng người đậm. Anh ta từ phía sau lao tới khi tôi đang băng qua đại lộ Lê Lợi, khựng lại một giây để tránh người đàn ông nước ngoài đi xe máy. Tôi gặp cướp khi chưa hề chuẩn bị.
Trong khoảnh khắc như có điện chập trong não, tôi thấy mình bị cuốn phăng khỏi sự huyên náo quen thuộc, nơi cách vài mét là cổng chính lộng lẫy của trung tâm thương mại sang nhất Sài Gòn - Takashimaya. Bên kia đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, sự cười nói của Saigon Square chưa bao giờ ngừng lại. Nhưng trong trí tôi, một đoạn phim quay chậm chỉ chụp lại sự di chuyển của bóng áo trắng ung dung thẳng tiến ra hướng chợ Bến Thành, hòa vào dòng người tan tầm. Vô số người đang đi trên đại lộ trung tâm của thành phố đồng loạt quay đầu nhìn theo tên cướp, cùng lúc có ai dạt ra nhường đường cho áo trắng tiến lên.
Tôi đi bộ về tòa soạn, mượn điện thoại đồng nghiệp, đề nghị được khóa thẻ ngân hàng và sim điện thoại. Rồi tôi cũng phải ra công an phường trình báo. Không hy vọng gì vào việc tìm lại được đồ, nhưng phải đi khai báo để còn làm lại giấy tờ - tất cả giấy tờ chứng minh tư cách một công dân.
Ngước lên khỏi màn hình điện thoại, anh cán bộ trẻ buông lời sau khi tôi nói vắn tắt lý do mình tới đây: “Năm giờ chiều? Sao bọn nó không sợ nhỉ?”.
Giữa những lần xúc cơm hộp đưa lên miệng, anh cán bộ thứ hai ngồi bàn bên cạnh tóm tắt cho tôi một vài thông tin. “Hơn một nửa người trình báo bị cướp là phụ nữ và người nước ngoài”, anh vẩy vẩy cái thìa, “Các chị phụ nữ là hớ hênh lắm cơ”.
Tôi hỏi anh, rằng họ hay cướp người nước ngoài ở đâu, anh bảo ở trước cửa khách sạn, công viên, đứng ngã tư chuẩn bị qua đường, chụp ảnh trước nhà thờ Đức Bà. “Cướp túi thì ăn thua gì, có người mải chụp hình trước nhà thờ Đức Bà, cả bộ máy ảnh có chân, nó hốt nguyên giàn”.
Thế có bao nhiêu vụ cướp tìm lại được giấy tờ cho người mất? “Cái này tôi không trả lời chị được”, các anh đồng thanh.
Tôi phải mau chóng khai báo xong phần của mình. Phía sau tôi, một công nhân đang làm việc trong công trường Ba Son chờ tới lượt. Anh ngồi đó, mân mê chiếc chìa khóa. Xe máy đã được kẻ trộm đem đi. Ánh mắt anh nhìn tôi, nhìn người công an, như có một tia gắng gượng để không đổ xuống trước một sự bất khả thi không thể gọi tên. Ngoài cửa, thập thò một khuôn mặt phụ nữ, tôi hy vọng chị không phải “đối tượng hớ hênh”. Bỗng nhiên tôi thấy mình và họ ở đây, như những người cùng một đội. Chúng tôi, ba người, trong mắt các anh, cùng là một vấn đề cần được giải quyết.
Khi ngồi đợi công văn được đóng dấu, tôi nghe những câu hỏi qua đáp lại với người bị mất của khác. Trách nhiệm vẫn bị đùn đẩy như người ta vẫn thường làm với tin không vui, và tiếp tục cân nhắc xem liệu ai mới là người phải nói về chúng.
Nhưng các anh vô tình tiết lộ cho tôi một điều quan trọng. Hàng ngày có hàng trăm vụ cướp giật trên đường phố Sài Gòn, nhưng số được trình báo công an không nhiều. Có phải việc bị cướp đã trở nên bình thường đến nỗi người bị nạn không nhất quyết phải báo công an, báo cũng chỉ đăng những vụ đặc biệt nổi bật hoặc vô tình được camera của người dân nào ghi lại. Tôi về tra lại dữ liệu, công an chưa bao giờ công bố có bao nhiêu vụ cướp giật trên từng địa bàn của TP HCM. Những người ngồi trước mặt tôi đây, anh thừa nhận, “rất nhiều người coi như của đi thay người nên không khai báo”.
Có một sự bình yên giả tạo ở thành phố tôi đang sống. Cái giá về mặt cảm xúc, chỉ không may ập tới với ai vô tình ra ngõ gặp cướp. Tôi mua một chiếc túi xách rẻ tiền, bỏ lại mọi thứ trước khi ra đường trừ chút tiền và chiếc điện thoại cũng chỉ dám sắm loại bình thường. Tôi hoàn toàn lo sợ, thậm chí không dám mặc tươm tất hơn. Như anh công an đã dặn “Công an đây mặc thường phục còn bị móc ví, móc điện thoại. Các chị cứ ăn mặc sang, đeo đồ đắt tiền làm chi”. Trong đô thị này, mặc đẹp hay diện đồ đẹp, cũng là một lỗi lầm.
Hồi mới dọn về quận Tư sống, tôi được chị bán rau dạy: “Các băng quận Tư chỉ giật đồ bên quận Một quận Ba không hà. Có phân chia địa bàn hết em”. Nhưng cướp không nguyên tắc đến thế. Cướp xông vào giật dây chuyền cô dâu cả trong đám cưới, giật ví khi người ta đi trong thang máy, giật túi khi khách ngồi ăn trong nhà hàng, hay giật cả chó cảnh, chim cảnh...
Từ bao giờ, những vụ án mang màu sắc điện ảnh đã liên tục diễn ra ở Hòn ngọc Viễn Đông? Sài Gòn có bộ phim Săn bắt cướp đã thành huyền thoại. Sài Gòn còn có các hiệp sĩ bắt cướp vô danh, có cả những người đã mất mạng vì “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha”. Cướp ở Sài Gòn vì sao đã trở thành “đặc sản”? Sự tham gia của các anh công an vào các vụ cướp từ lúc nào đã trở thành một cuộc hậu kiểm sơ sài bằng dăm lời bình luận như tôi đã phải trải qua? Sài Gòn, bằng cách nào, đã bớt đáng sống đi?
Vì sao ở trên tôi nói mình gặp cướp khi “chưa hề chuẩn bị”: bởi người dân cần được chuẩn bị tâm lý này. Ở một vài nơi trên đất Italy, tôi thấy có những biển báo cướp. Nó bình thường như những biển báo nhắc người ta phải ôm hôn nhau trước một thắng cảnh nên thơ bên bờ Địa Trung Hải. Nhờ tấm biển báo cướp dưới chân một gầm cầu đi bộ, cô bạn tôi dù ngày đầu đặt chân lên thành phố đã giữ chặt chiếc túi, gào rất to khiến mụ cướp phải bỏ của chạy lấy người. Tại sao không có những biển báo an ninh ở Sài Gòn? Những cảnh báo cần thiết, chính là một sự chuẩn bị cho người dân, một lời tuyên chiến với những kẻ nào đó đã tự đổi tên mình thành danh từ chung “kẻ cướp”.
Mục tiêu của TP HCM là đô thị thông minh. Tính từ “thông minh” chắc chắn không đồng hành với tâm lý phổ biến “ngày hạn chế ra đường, đêm không dám ngủ say.” “Thông minh” là các anh công an có thể tiếp cận dữ liệu trong hàng nghìn camera đã gắn mọi nẻo đường để rà bằng chứng kẻ cướp. Thông minh không phải một tuyên ngôn ấn tượng, nó đôi khi chỉ là một sự tỉ mỉ bình thường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét