Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Ai cũng có Cha - Hãy luôn cố gắng là người cha tốt nhất của con mình nhé

Tôi có 2 con rất nhiều cháu, hai bà mẹ già đang sống cùng với bệnh tật, một gia đình lớn đúng nghĩa. Làm tròn trách nhiệm với tình thương bao la của mình với con cái, với sự cảm thông sẻ chia hết mình với 2 bà về tuổi già cần có con cháu bên cạnh chăm nom, ân cần, đúng như tâm mình có. Thật hạnh phúc và trải nghiệm tuyệt vời cho tuổi 52, mặc cho vất vả, lo toan mặc thời gian và dù cho công việc vất vả thế nào đi nữa thì gia đình tôi luôn là nguồn và mạch sống của tôi ở đó tôi trao gửi đi tâm hồn cách sống sự trung thực kể cả sự phản ứng đôi khi thái quá với hành động và suy nghĩ chưa đúng hoặc chưa đủ đạo làm Người của các con cháu... nhưng đó là bến bờ của sự suy nghĩ tất cả vì gđ và con cái kể cả công việc của tôi cũng luôn thể hiện rõ điều đó vì mình là Cha của các con mình mà. Tôi mong mọi người cùng cô gắng để tiếng Cha được các con gọi lưu giữ luôn trìu mến trân trọng như cô nữ sinh dưới đây nhé.

Lá thư nữ sinh Sài Gòn gửi cha khiến nhiều người rơi nước mắt

Trước hàng trăm bạn bè ở trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Ngọc Khanh tự hào khoe về ba - siêu nhân giữa đời thường.




Gần 600 học sinh lớp 12 THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP HCM) tham gia lễ trưởng thành và tạm biệt ngôi trường, tối 30/5. Sau khi ôn lại kỷ niệm 3 năm gắn bó, những bức thư tri ân học sinh dành cho cha mẹ được chia sẻ với mọi người.
Trong đó, nỗi lòng của Lê Đỗ Ngọc Khanh (lớp 12A) gửi ba - ông Lê Thanh Bình, khiến nhiều người xúc động. Từ nhỏ đã sống thiếu sự chăm sóc của mẹ, Khanh lớn lên trong tình yêu thương của người cha nghèo. Ông chỉ là nhân viên bảo vệ nhưng luôn cố gắng để con được ăn học tử tế, không thua bạn thua bè.
Đọc lá thư của Khanh, người dẫn chương trình cũng nghẹn giọng, rơi nước mắt. Nhiều phụ huynh, học sinh dưới hội trường rưng rưng.
Khanh (giữa) kể về cha. Ảnh: Mi Lăng.
Khanh (giữa) kể về cha. Ảnh: Mi Lăng.
Được mời lên sân khấu với con gái, ông Bình vẻ xúc động: "Ba cảm ơn con. Con gái của ba đã trưởng thành rồi. Ba tự hào về con lắm".
Còn Ngọc Khanh cười, khoe với mọi người: "Các bạn thấy đó, ba mình thật tuyệt vời. Ba luôn là nguồn cảm hứng của mình".
Kính gửi ba!
Từ nhỏ con đã thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ và ba luôn cố gắng bù đắp cho con. Ở bên ba con luôn là đứa đến trường mẫu giáo sớm nhất, vì ba phải đi làm. Ở bên ba, KFC là điều xa xỉ. Ở bên ba, con nghĩ nhà có máy lạnh là nhà của tỷ phú.
Ở bên ba, con không thể ở nhà thường xuyên. Ở bên ba, con không hề biết Internet là gì đến tận năm lớp 6. Ở bên ba, con không có điều kiện như nhiều bạn bè cùng trang lứa. Nhưng, nếu được sinh ra lần nữa, con vẫn muốn được làm con của ba. Vì ba cho con nhiều thứ hơn cả một người cha có thể cho con mình.
Ba của con không giàu, nói đúng hơn là nghèo, ba của con không địa vị, ba của con chỉ là bảo vệ, nhưng chưa bao giờ con hết tự hào về ba. Ba đích thực là super man phiên bản đời thường.
Con thực sự rất ngưỡng mộ ba. Bà nội bị bệnh, ba không chỉ mua thuốc mà ngày nào cũng gọi điện về hỏi thăm. Tiền thì không nhiều, nhưng ngoài lo cho con, ba đã dành hết những phần tốt đẹp cho nội. Ai cũng thương ba hết. Không chỉ bên nội, mà cả dòng họ bên ngoại ai cũng thương ba. Ba một mình nuôi con nhưng mỗi lần trong họ có ai bị bệnh, ba đều đi thăm và chia sẻ.
Có đợt ông Cốc nằm bệnh viện, chỉ là cháu rể mà ba vẫn ở lại ngủ cạnh ông, tắm rửa thay đồ cho ông. Ba chăm sóc ông tỉ mỉ như chăm chính cha mẹ mình. Bởi vậy, khi nhắc đến thằng Tư, bà ngoại lúc nào cũng khóc và nói: "Lục tung cả thế giới lên cũng không kiếm được người rể nào như ba".
Ông Lê Thanh Bình (giữa) và con gái trên sân khấu lễ trưởng thành. Ảnh: Mi Lăng.
Ông Lê Thanh Bình (giữa) và con gái trên sân khấu lễ trưởng thành. Ảnh: Mi Lăng.
Không chỉ với người thân trong gia đình, mà với đồng nghiệp và những người quen biết, thậm chí cả những người bán vé số khu vực cầu Ông Lãnh, ba cũng sẵn sàng giúp đỡ họ vô điều kiện. Ba thường nói với con: "Mình nghèo nhưng mình giúp được ai cái gì thì cứ giúp".
Ba không nghiện rượu, không hút thuốc, cả đời chỉ biết chăm chỉ làm việc. Từ nhỏ ba đã cơ cực, bà nội không đủ tiền cho ba ăn học nên ba đã phải vào đời sớm và có cái khổ nào mà ba không từng trải qua.
Do đó, khi có con, ba đã dốc hết toàn lực của mình để nuôi con, cho con học hành đến nơi đến chốn. Ba nói: "Người ta có tiền tỷ để lại cho con cái, ba không có thứ gì hết, thứ ba để lại cho con là kiến thức. Tiền xài rồi cùng hết, mình có kiến thức làm cái gì cũng được".
Ba luôn tôn trọng ý kiến của con, tôn trọng điều con muốn làm, miễn là chuyện đó không hại ai cả. Ba xem con như một người trưởng thành nên thường tâm sự với con rất nhiều chuyện, kể cả những chuyện trọng đại trong gia đình. Điều đó làm con rất vui và thấy được trách nhiệm của mình.
Ba không chỉ là ba, là tiền bối, là bạn mà còn là niềm cảm hứng bất tận của con. Con luôn muốn trở thành người giống như ba: lạc quan vui vẻ, giúp đỡ nhiều người. Ba dạy con không bằng lời nói, không bằng sự răn đe hay lý thuyết dài dòng phức tạp, ba làm mẫu cho con bằng mỗi hành động. Con cảm ơn ba vì tất cả.
Hôm nay, con muốn nói với ba rằng, con lớn rồi, ba không cần lo cho con nhiều nữa đâu. Ba hãy đi tìm hạnh phúc của riêng mình vì ba xứng đáng hơn những gì ba đang có.
Con luôn hâm mộ tình yêu của ba dành cho mẹ. Song quá khứ vẫn là quá khứ, không ai có thể cướp mẹ trong quá khứ của ba, nhưng ba có quyền hạnh phúc hôm nay và cả trong tương lai nữa. Còn nếu ba thích thì con sẽ ở bên cạnh ba và chăm sóc ba suốt đời. Con luôn ủng hộ những điều ba làm.
Con gái rượu của ba,
Lê Đỗ Ngọc Khanh.

Lê Nam

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

Người ban thân - ai chẳng có trong đời hãy luôn giữ gìn nhé

Ai chẳng có bạn, trong số những người bạn tất yếu sẽ có một số người thân và trong số những người thân đó sẽ có một hai người tri kỷ. Thật tuyệt đó là những người mà mình có thể trải lòng, trải tâm tư suy nghĩ nhận thức ý tưởng, ước mơ hoài bão về cuộc sống về tương lai, hạnh phúc về những nỗi buồn vui kể cả sự sợ hãi nỗi cô đơn, trên hết là luôn muốn ở gần chia sẻ mọi thứ với những bạn tri kỷ. Nhưng trong kiếp luân hồi, sinh lão bệnh tử không ai có thể biết mình có thể đi cùng với những người bạn, nhất là những bạn tri kỷ đó đến hết cuộc đời được hay không. Vậy nên mỗi chúng ta cần trân trọng thời gian sống với mọi bạn bè luôn trân trọng những tình cảm có thể nói là trong sáng nhất, lành mạnh vô tư nhất, lạc quan yêu đời nhất, ở tuổi học trò. Dù làm gì ai cũng có một thời trẻ trai hãy luôn trân trọng và lưu giữ trong trái tim mình những kỷ niệm về tuổi học trò. Nào chúng ta cùng xem đọc và suy ngẫm về bài văn được điểm 10 này nhé.

Đề văn: Hãy kể về người bạn thân nhất của em


“Mày có bạn thân không?”
Câu hỏi khá là quen thuộc với mọi người. Câu trả lời là có, không, nhiều lắm… Đấy là tùy thuộc vào mỗi người. Còn câu trả lời của tôi là “đã từng”. Tôi đã từng có một người bạn thân, thân thiết như chị em trong nhà. Nhưng một căn bệnh quái ác đã mang bạn tôi đi khỏi vòng tay của gia đình, bạn bè và tôi, một cách đột ngột và đau đớn.
Chúng tôi quen nhau từ những ngày tiểu học, chính xác là từ năm lớp 4. Ngày đó, tôi vốn cực kỳ nhút nhát, ít giao tiếp với các bạn học trong lớp. Rồi một ngày, cậu ấy tới, chủ động bắt chuyện với tôi. “Cậu có con gấu bông xinh thế!”, cậu ấy nói như vậy về con gấu của tôi, mặc dù các bạn cùng lớp chê nó kỳ quái, chỉ vì nó không giống những con gấu bông thông thường khác. Câu nói đó đã bắt đầu cho một tình bạn đẹp, cho những kỷ niệm không thể nào quên giữa hai người bạn.
Ban đầu chỉ là chơi chung gấu bông, nhưng rồi đến đọc truyện cũng đọc chung, hay cùng chơi, cùng vẽ tranh… Tôi dần mở lòng hơn, làm quen với những người bạn mà cậu ấy giới thiệu cho tôi. Và rồi tôi nhận ra, chúng tôi đã thành tri kỷ lúc nào chẳng hay.
Tôi đã rất buồn vào ngày cuối cùng của năm lớp 5, ngày mà tôi cứ nghĩ rằng sẽ không còn học chung với cô bạn thân của mình nữa. Nhưng cuối cùng thì lên cấp hai, hai đứa vẫn học chung với nhau, thân với nhau còn hơn cả trước kia nữa. Cùng yêu thích truyện tranh, cùng sáng tác truyện tranh về cuộc sống mơ ước của hai đứa. Cho tới bây giờ, tôi mới thực sự để ý đến dung mạo của nó. Tóc đen dài, mắt to, lúc nào cũng cười thật tươi. Da hơi ngăm ngăm, cao hơn trung bình các cô bạn học khác. Có thể đám con trai trong lớp gọi nó là hung dữ, bà chằn, còn tôi chỉ thấy một cô gái mạnh mẽ và cá tính. Ngày tháng cứ êm đềm trôi qua. Tâm sự vào giờ nghỉ trưa về những rung động đầu đời, những khúc mắc gia đình. Hai đứa gắn với nhau như hình với bóng vậy.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là sinh nhật năm lớp 7. Vốn có ít bạn bè nên tôi không tổ chức sinh nhật, chỉ rủ một vài người bạn thân tới chơi. Vậy mà, nó đã gọi thêm rất nhiều bạn cùng lớp khác, tới “đập phá” tại sinh nhật tôi thành một bữa ra trò. Từ bé tới giờ, chưa bao giờ có một bữa tiệc sinh nhật nào của tôi có nhiều bạn bè tới như vậy. Vui mừng, bất ngờ, hạnh phúc, những cảm xúc hòa lẫn vào với nhau, tạo thành một kỷ niệm vui cho tôi.
Lớp 8, nó trở thành một vị gia sư, bổ túc thêm các môn Toán và Anh cho tôi. Ngược lại, tôi giúp nó trong các môn Sử, Địa, Sinh. Một “đôi bạn cùng tiến” ăn ý. Nó càng ngày càng cao, ăn khỏe hơn, đánh tôi đau hơn, chạy nhanh hơn. Một bữa ăn năm bát cơm, ăn nhiều thịt nhưng không ăn rau nên bị thiếu chất xơ trầm trọng. Tôi phải làm một chế độ dinh dưỡng mới, bắt nó phải tuân thủ.
Những tài năng của nó ngày càng được thể hiện rõ ràng. Vốn nổi tiếng viết chữ rất đẹp, từng đoạt giải năm lớp 5 nên nó được giao nhiệm vụ viết sổ, viết đề mục cho các cô. Vẽ đẹp hơn, bộ truyện tranh mà hai đứa cùng thực hiện năm lớp 6 lại tiếp tục dày hơn rồi. Luôn nhắc nhở tôi khắc phục những khuyết điểm của bản thân, “viết nhanh lên mày!”, “đứng thẳng cái lưng lên!”. Những lời nói này, dần đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống học sinh của tôi.
“Mày ơi, tao mệt quá”.
Năm lớp 9, sức khỏe của nó đột ngột suy giảm. Sau một trận sốt xuất huyết, tỷ lệ hồng cầu trong máu của nó giảm tới mức nguy hiểm và không thể hồi phục. Nghỉ học hai tuần liền bặt vô âm tín. Rồi nó đi học trở lại, sụt năm cân. Từ đó, nó chỉ ngồi im vào mỗi giờ ra chơi, không chơi bóng, không đuổi bắt với tôi, không đi ăn trưa cùng nhau nữa. Vẫn vui tính, hay cười, hay trêu đùa như trước, nhưng bây giờ lại đi kèm với một sự đau đớn, mệt mỏi ẩn sâu trong đôi mắt đen láy đó. Rồi tần suất những ngày nghỉ học tăng lên, kéo dài hơn. Chỉ có thể gặp nhau vào những ngày ôn thi học sinh giỏi, nên sự tiều tụy của nó càng trở nên rõ nét hơn sau mỗi lần gặp.
Cô gái mà tôi biết khi xưa, mỗi bữa ăn năm bát cơm, mà bây giờ hai má hóp lại, tay chân teo tóp, không còn lực. Đôi mắt vô hồn, tràn đầy sự mệt mỏi đau đớn. Ngay cả việc đi lại bây giờ với nó cũng khó khăn, phải có người dìu đi, không tự đạp xe đến trường như vẫn làm bao lâu nay. Nó rất yêu thích môn Tiếng Anh, và thực sự rất mong chờ tới kỳ thi học sinh giỏi để thể hiện khả năng của mình. Nhưng cơn bệnh đó đã ngăn cản ước mơ của nó được thực hiện. Tôi đi thi, đoạt giải và bước tiếp tới vòng thành phố. Còn ước mơ của nó, đành dừng lại ở đây, vì cơn bạo bệnh ấy.
Sau kỳ thi ấy, nó nghỉ học liền một tháng. Và ở lớp rộ lên những tin đồn. “Mày ơi, con Khánh bị làm sao thế?”, “Nó bị bệnh gì liên quan đến sức đề kháng ấy”, “Dạo này nó yếu lắm”, “Nó nghỉ học được cả tháng rồi ấy nhỉ?”. Lần đầu tiên, cả tập thể lớp 9A1 chúng tôi thật lòng quan tâm tới một người, lo lắng cho một người. Thay phiên nhau chép vở trên lớp, ghé thăm nó để giảng bài cho nó, chuẩn bị cho kỳ kiểm tra cuối kỳ sắp tới. Những ngày cuối cùng nó tới lớp, mọi người đều động viên, cố gắng hết sức để giúp đỡ nó. Chỉ bài, giảng bài, pha nước, giúp nó ăn sáng, chỉ nó cách làm bài thi… Tạo điều kiện kết sức có thể đưa nó qua kỳ thi này, một bước tới gần hơn với kỳ thi cấp ba - kỳ thi quan trọng mà chúng tôi sắp phải đối mặt.
Một ngày cuối tháng 12 năm 2016, tôi và một người bạn tới thăm nó tại nhà riêng. Nó nằm đó, trên cái giường mà chúng tôi hay ngồi chơi với nhau khi xưa, đang ngủ. Có lẽ là một giấc ngủ yên bình, vì nó không còn phải đối mặt với đau đớn, với những cơn co giật, nhức khớp luôn thường trực. Tôi ngồi chờ cho tới khi nó thức dậy. Ban đầu là cau có, tức giận và mệt mỏi, nhưng có lẽ, trong giây phút ấy, nó nhận ra đây có thể là lần cuối cùng chúng tôi được gặp nhau, nên đã ngồi dậy, để chúng tôi có thể cùng ngồi nói chuyện.
Chúng tôi kể về những chuyện thú vị trên lớp, những câu chuyện hài hước. Nó cười, nụ cười tươi rói mà tôi vẫn luôn chờ mong bấy lâu nay, cùng với ước mơ nó được khỏe lại, có thể cùng tới trường với tôi như trước. Cùng học, cùng vẽ, cùng đọc truyện, sẻ chia những tâm sự… Đó là mong ước thiết tha nhất của tôi trong giây phút ấy.
Rồi nó bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về những ngày ở bệnh viện. Thời gian nó ở bệnh viện thậm chí còn nhiều hơn ở nhà mình. Liên tục phải trải qua những xét nghiệm, sinh thiết, chọc tủy… Những cơn đau nhức khắp người, ngay cả việc ăn uống cũng khó khăn, liên tục hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần của cô gái kiên cường ấy. Có những lúc, tưởng chừng như bạo bệnh đã đánh gục nó, nhưng chiến binh ấy vẫn đứng vững, vẫn vươn lên như bông hoa hướng dương hướng về mặt trời.
Mái tóc đen bết lại vì không thể tắm gội thường xuyên, tóc cũng thưa dần, để lộ ra những mảng da đầu trắng bệch. Nước da vàng bủng, trên người chi chít những vết tím bầm do chọc kim hay bị tụ máu. Tay chân teo lại, việc cử động cũng trở nên yếu ớt. Trước kia, bữa nào nó cũng ăn năm bát cơm, vậy mà vẫn than đói suốt ngày. Còn bây giờ, ngay cả việc húp vài thìa cháo cũng trở nên khó khăn. Kể từ ngày bị ốm cách đây bốn tháng, nó đã sụt hơn 10 cân. Hôm đó, lúc chuẩn bị về, nó đã nói với tôi một câu: “Có lẽ là bọn mày nên chuẩn bị sẵn tinh thần đi. Tao không nghĩ là tao qua được Tết năm nay đâu”.
Đêm hôm ấy, tôi không ngủ được. Không ngừng nghĩ về câu nói ấy. Cho tới lúc ấy, tôi vẫn không biết được tình trạng bệnh tình thật của nó. Chỉ biết là nó đang bệnh rất nặng. Mặc dù ngoài miệng luôn động viên nó, nhắc nó rằng phải có niềm tin, nhưng chính niềm hy vọng lớn nhất, vững chãi nhất trong lòng tôi lúc này lại đang dao động. Lần đầu tiên, tôi nghĩ đến viễn cảnh một ngày, tôi không còn được nhìn thấy nó, cái ngày mà nó rời xa tôi mãi mãi. Một nỗi sợ vô hình dâng lên trong lòng, và mong ước phép màu xảy ra chưa bao giờ trở nên mạnh mẽ như lúc ấy.
Sau buổi gặp gỡ cuối cùng ấy, tôi phải đối mặt với nhiều áp lực. Đối mặt với kỳ thi cấp thành phố. Áp lực học trên trường tăng lên. Nhưng tôi không ngừng nghĩ tới nó, với khát vọng cháy bỏng về một điều kỳ diệu sẽ xảy ra, ngày mà nó sẽ khỏe lại, sẽ lại tới trường. Nhưng phép màu đã không xảy ra. Mồng 3 Tết Đinh Dậu (tức ngày 30/1/2017), nó đã ra đi, bỏ lại gia đình, bạn bè và tôi, để đi tới một nơi khác, không có đau đớn, mệt mỏi.
Hai ngày sau, tôi về Hà Nội. Việc làm đầu tiên là tới nhà nó. Để chia buồn với gia đình nó, những người yêu thương tôi như con ruột. Tôi đã rất bình tĩnh, và nghĩ rằng mọi chuyện sẽ đơn giản thôi. Nhưng khi tới trước cửa nhà nó, những kỷ niệm tràn về, như một thước phim quay chậm chạy trong ký ức. Tôi đã dặn lòng mình rằng không được khóc, phải làm điểm tựa cho cha mẹ nó, nhất là trong những giây phút đau lòng này. Nhưng, khi nhìn thấy mẹ nó, mở cửa cho tôi, nhìn thấy vị trí của cái giường nơi nó thường nằm trước kia đã được thay thế bằng một cái bàn thờ mới dựng, bát hương vẫn còn nghi ngút khói, nước mắt đã tuôn rơi không ngừng. Bức ảnh nhỏ trên bàn thờ cũng không phải là một tấm ảnh thẻ tử tế, là bức ảnh chụp vào một ngày nó khỏe mạnh, đang cười. Bầu không khí ấy, như bóp nghẹt trái tim tôi vậy. Đau đớn, xót xa, hụt hẫng.
Trong tiếng nấc nghẹn, mẹ nó kể cho tôi về căn bệnh thực sự của nó. Là ung thư máu. Một căn bệnh di căn rất nhanh, và có những dấu hiệu giống như cảm cúm thông thường. Lúc phát hiện ra căn bệnh này đã là giữa tháng 11 năm 2016, tức là chỉ ba tháng trước khi nó ra đi. Buổi chiều hôm trước đó, nó có dấu hiệu phát bệnh. Đau đớn, quằn quại, vùng vẫy, gào thét hàng tiếng liền, trước khi lịm đi. Tỉnh dậy một chút vào ban đêm, để nhìn mặt những người thân yêu lần cuối trước khi chìm vào giấc ngủ, mãi mãi. Lúc đó là 0 giờ 15 phút sáng. Bố nó động viên tôi, và trước khi ra về, dặn rằng, “Con đừng buồn quá, phải tiếp tục cố gắng, cố gắng thay cả phần của bạn nữa”.
Chưa có một đám tang nào mà tôi khóc nhiều như vậy. Dặn lòng rằng không được khóc, phải mạnh mẽ lên, khóc là nó không siêu thoát được đâu, nhưng một lần nữa, nước mắt lại trào ra, trước linh cữu nó. Cả tập thể lớp, những người bạn đã gắn bó với nhau nhiều năm, cũng có mặt đông đủ. Những tiếng thút thít vang lên không ngừng, và lần đầu tiên, tôi nhìn thấy những chàng trai rơi lệ nhiều đến vậy. Khoảnh khắc linh cữu nó được đưa vào lò hỏa thiêu, là lúc những tiếng khóc vang lên to nhất. Có thể lúc còn sống, nó không nói chuyện với những người bạn khác, nhưng một khi đã ra đi, dù còn thù hằn gì trong lòng, những lời trân trọng, cao quý nhất đều dành cho nó. Vì chúng ta là một gia đình. Dù nước mắt rồi sẽ ngừng rơi, nhưng nỗi nhớ trong lòng sẽ không bao giờ nguôi ngoai.
Sau đó, tôi bị khủng khoảng một thời gian. Thành tích học tập có sự sa sút, kết quả thi học sinh giỏi thành phố cũng không được như mong muốn. Nhưng câu nói của bố nó như một lời nhắc nhở tôi phải nỗ lực, bởi mình đang cõng trên vai cả phần của nó. Cắm đầu vào học, chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi, cho ước mơ của cả tao với mày.
Bọn tôi tới thăm nó vào lễ 100 ngày. Bàn thờ đã dời lên tầng ba, cái giường đã đặt vào chỗ cũ, như xưa. Cảm giác buồn bã, hụt hẫng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng bên cạnh đó, bây giờ có thêm mục tiêu, thêm quyết tâm để mà hướng tới. Là tiếp tục bước đi trên con đường đời, dù không có mày sánh bước bên cạnh. Là đi tiếp cả phần của mày, bởi tao biết rằng mày luôn đồng hành với bọn tao, theo một cách nào đó. Hôm đó, một đại diện của lớp được đề nghị đứng lên, để thay mặt lớp, bày tỏ cảm nghĩ. Tôi đã từ chối không đảm nhiệm vai trò ấy. Thương nhớ chỉ để ở trong lòng là đủ, bởi không lời nào có thể diễn tả được nó.
Tôi đã vượt qua được kỳ thi ấy. Ngay hôm tôi thi xong môn cuối, tôi đã tới mộ thăm nó, không nói gì cả. Chỉ lặng lẽ ngồi, tựa lưng vào tấm bia mộ. Từ xưa tới nay, tôi vốn đã kém khoản ăn nói, ngay cả trong những giây phút quan trọng như thế này. Những lời muốn nói như một mớ tơ vò, muốn thốt ra nhưng lại mắc lại trong họng. Và lại tiếp tục kéo dài sự im lặng. Những tia nắng vàng lọt qua kẽ lá của cây xà cừ cổ thụ, rủ bóng xuống ngôi mộ nhỏ. Những giọt nắng ấy chứ dập dờn, nhảy nhót như đàn bướm ánh sáng, lượn quanh những ngôi mộ đá, như một điềm báo từ thế giới bên kia. Hãy luôn ủng hộ tao nhé, trên con đường đầy chông gai này, để tao có một điểm tựa vững chắc, vươn tới tương lai.
Đã hơn một năm kể từ ngày nó ra đi. Tôi đã bước được một nửa tuổi mười sáu, cái tuổi mạnh nhất, khỏe khoắn nhất. Đạt được ước mơ, vào được ngôi trường mà mình hằng mong ước. Còn nó mãi dừng ở đó, ngưỡng cửa mười lăm đầy khát vọng, hoài bão. Mãi mãi ra đi, để lại mọi thứ, để lại một ước mơ còn đang dang dở, để lại sự đau buồn trong trái tim của những người ở lại. Nhưng tôi biết rằng, ít ra ở thế giới bên kia, nó sẽ không còn phải chịu đau đớn nữa. Không còn những xét nghiệm dài đằng đẵng, những ngày xạ trị đau đớn. Hy vọng ở nơi ấy, thế giới của nó sẽ tốt đẹp hơn.
Mất đi một người bạn thân thiết là rất đau đớn, nhưng mong rằng, cuộc sống của nó sẽ tốt đẹp hơn nơi miền cực lạc. Nó để lại cho tôi những kỷ niệm đẹp, một tuổi thơ hạnh phúc, những ký ức không thể nào quên. Nó cũng đã để lại cho tôi một bài học về nghị lực sống, về sự kiên cường chống chọi trước cơn bạo bệnh. Những bài học đáng giá sẽ theo tôi suốt cuộc đời. Vĩnh biệt, tao hứa sẽ không quên mày, bạn thân.


Thùy Linh

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018

Thật ngưỡng mộ và cảm phục - cầu mong các anh yên nghĩ sơm siêu thoát




Vụ cướp đâm chết 2 Hiệp sỹ và làm bị thương nặng 3 hiệp sỹ làm tôi choáng váng ở nhiều góc độ. Trước hết là sinh mạng của hai người anh hùng quả cảm vì sự bình yên của TP, thứ hai là thờ ơ của cả hệ thống mà TP không dẹp nổi nạn cướp bóc trở thành đặc sản của TP, thứ ba đằng sau đó là sự bất an của cả xã hội về một nền dân chủ an ninh và được bảo đảm an toàn sinh mạng của mình đều trở nên hết sức bấp bênh, khó lường trước được. Rõ ràng TP có thông minh nhưng dân không an toàn, dân không yên ổn làm ăn, dân không đồng thuận trong các quyết sách của hệ thống thì chữ thông minh chẳng có ý nghĩa gì. Thà rằng nghèo một tý, bớt thông minh đi một tý để dân được an, được yên, được thuận thì như Nguyễn Trãi nói: Việc Nhân nghĩa cốt ở yên Dân mới thành được TP mang tên Bác Hồ được. Trước hết xin nghiêng mình trước anh linh các Anh hùng, cầu mong các anh siêu thoát, yên nghỉ phù hộ cho TP và dân tộc Việt Nam luôn trọng nghĩa trọng đức trọng tài vì Tổ quốc và phát triển yên ổn,hòa bình, cường thịnh. Nào chúng ta cùng xem một bài viết của Nhà báo Hồng Phúc trước khi vụ cướp này xảy ra đúng một tuần và cùng suy ngẫm nhé.

Cướp ở Sài Gòn

Thứ bảy, 5/5/2018, 12:00 (GMT+7)  164 Lưu

Kẻ cướp là một thanh niên mặc áo thun trắng, quần jeans, dáng người đậm. Anh ta từ phía sau lao tới khi tôi đang băng qua đại lộ Lê Lợi, khựng lại một giây để tránh người đàn ông nước ngoài đi xe máy. Tôi gặp cướp khi chưa hề chuẩn bị.
Trong khoảnh khắc như có điện chập trong não, tôi thấy mình bị cuốn phăng khỏi sự huyên náo quen thuộc, nơi cách vài mét là cổng chính lộng lẫy của trung tâm thương mại sang nhất Sài Gòn - Takashimaya. Bên kia đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, sự cười nói của Saigon Square chưa bao giờ ngừng lại. Nhưng trong trí tôi, một đoạn phim quay chậm chỉ chụp lại sự di chuyển của bóng áo trắng ung dung thẳng tiến ra hướng chợ Bến Thành, hòa vào dòng người tan tầm. Vô số người đang đi trên đại lộ trung tâm của thành phố đồng loạt quay đầu nhìn theo tên cướp, cùng lúc có ai dạt ra nhường đường cho áo trắng tiến lên.
Tôi đi bộ về tòa soạn, mượn điện thoại đồng nghiệp, đề nghị được khóa thẻ ngân hàng và sim điện thoại. Rồi tôi cũng phải ra công an phường trình báo. Không hy vọng gì vào việc tìm lại được đồ, nhưng phải đi khai báo để còn làm lại giấy tờ - tất cả giấy tờ chứng minh tư cách một công dân.
Ngước lên khỏi màn hình điện thoại, anh cán bộ trẻ buông lời sau khi tôi nói vắn tắt lý do mình tới đây: “Năm giờ chiều? Sao bọn nó không sợ nhỉ?”.
Giữa những lần xúc cơm hộp đưa lên miệng, anh cán bộ thứ hai ngồi bàn bên cạnh tóm tắt cho tôi một vài thông tin. “Hơn một nửa người trình báo bị cướp là phụ nữ và người nước ngoài”, anh vẩy vẩy cái thìa, “Các chị phụ nữ là hớ hênh lắm cơ”.
Tôi hỏi anh, rằng họ hay cướp người nước ngoài ở đâu, anh bảo ở trước cửa khách sạn, công viên, đứng ngã tư chuẩn bị qua đường, chụp ảnh trước nhà thờ Đức Bà. “Cướp túi thì ăn thua gì, có người mải chụp hình trước nhà thờ Đức Bà, cả bộ máy ảnh có chân, nó hốt nguyên giàn”.
Thế có bao nhiêu vụ cướp tìm lại được giấy tờ cho người mất? “Cái này tôi không trả lời chị được”, các anh đồng thanh.
Tôi phải mau chóng khai báo xong phần của mình. Phía sau tôi, một công nhân đang làm việc trong công trường Ba Son chờ tới lượt. Anh ngồi đó, mân mê chiếc chìa khóa. Xe máy đã được kẻ trộm đem đi. Ánh mắt anh nhìn tôi, nhìn người công an, như có một tia gắng gượng để không đổ xuống trước một sự bất khả thi không thể gọi tên. Ngoài cửa, thập thò một khuôn mặt phụ nữ, tôi hy vọng chị không phải “đối tượng hớ hênh”. Bỗng nhiên tôi thấy mình và họ ở đây, như những người cùng một đội. Chúng tôi, ba người, trong mắt các anh, cùng là một vấn đề cần được giải quyết.
Khi ngồi đợi công văn được đóng dấu, tôi nghe những câu hỏi qua đáp lại với người bị mất của khác. Trách nhiệm vẫn bị đùn đẩy như người ta vẫn thường làm với tin không vui, và tiếp tục cân nhắc xem liệu ai mới là người phải nói về chúng.
Nhưng các anh vô tình tiết lộ cho tôi một điều quan trọng. Hàng ngày có hàng trăm vụ cướp giật trên đường phố Sài Gòn, nhưng số được trình báo công an không nhiều. Có phải việc bị cướp đã trở nên bình thường đến nỗi người bị nạn không nhất quyết phải báo công an, báo cũng chỉ đăng những vụ đặc biệt nổi bật hoặc vô tình được camera của người dân nào ghi lại. Tôi về tra lại dữ liệu, công an chưa bao giờ công bố có bao nhiêu vụ cướp giật trên từng địa bàn của TP HCM. Những người ngồi trước mặt tôi đây, anh thừa nhận, “rất nhiều người coi như của đi thay người nên không khai báo”.
Có một sự bình yên giả tạo ở thành phố tôi đang sống. Cái giá về mặt cảm xúc, chỉ không may ập tới với ai vô tình ra ngõ gặp cướp. Tôi mua một chiếc túi xách rẻ tiền, bỏ lại mọi thứ trước khi ra đường trừ chút tiền và chiếc điện thoại cũng chỉ dám sắm loại bình thường. Tôi hoàn toàn lo sợ, thậm chí không dám mặc tươm tất hơn. Như anh công an đã dặn “Công an đây mặc thường phục còn bị móc ví, móc điện thoại. Các chị cứ ăn mặc sang, đeo đồ đắt tiền làm chi”. Trong đô thị này, mặc đẹp hay diện đồ đẹp, cũng là một lỗi lầm.
Hồi mới dọn về quận Tư sống, tôi được chị bán rau dạy: “Các băng quận Tư chỉ giật đồ bên quận Một quận Ba không hà. Có phân chia địa bàn hết em”. Nhưng cướp không nguyên tắc đến thế. Cướp xông vào giật dây chuyền cô dâu cả trong đám cưới, giật ví khi người ta đi trong thang máy, giật túi khi khách ngồi ăn trong nhà hàng, hay giật cả chó cảnh, chim cảnh...
Từ bao giờ, những vụ án mang màu sắc điện ảnh đã liên tục diễn ra ở Hòn ngọc Viễn Đông? Sài Gòn có bộ phim Săn bắt cướp đã thành huyền thoại. Sài Gòn còn có các hiệp sĩ bắt cướp vô danh, có cả những người đã mất mạng vì “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha”. Cướp ở Sài Gòn vì sao đã trở thành “đặc sản”? Sự tham gia của các anh công an vào các vụ cướp từ lúc nào đã trở thành một cuộc hậu kiểm sơ sài bằng dăm lời bình luận như tôi đã phải trải qua? Sài Gòn, bằng cách nào, đã bớt đáng sống đi?
Vì sao ở trên tôi nói mình gặp cướp khi “chưa hề chuẩn bị”: bởi người dân cần được chuẩn bị tâm lý này. Ở một vài nơi trên đất Italy, tôi thấy có những biển báo cướp. Nó bình thường như những biển báo nhắc người ta phải ôm hôn nhau trước một thắng cảnh nên thơ bên bờ Địa Trung Hải. Nhờ tấm biển báo cướp dưới chân một gầm cầu đi bộ, cô bạn tôi dù ngày đầu đặt chân lên thành phố đã giữ chặt chiếc túi, gào rất to khiến mụ cướp phải bỏ của chạy lấy người. Tại sao không có những biển báo an ninh ở Sài Gòn? Những cảnh báo cần thiết, chính là một sự chuẩn bị cho người dân, một lời tuyên chiến với những kẻ nào đó đã tự đổi tên mình thành danh từ chung “kẻ cướp”.
Mục tiêu của TP HCM là đô thị thông minh. Tính từ “thông minh” chắc chắn không đồng hành với tâm lý phổ biến “ngày hạn chế ra đường, đêm không dám ngủ say.” “Thông minh” là các anh công an có thể tiếp cận dữ liệu trong hàng nghìn camera đã gắn mọi nẻo đường để rà bằng chứng kẻ cướp. Thông minh không phải một tuyên ngôn ấn tượng, nó đôi khi chỉ là một sự tỉ mỉ bình thường.

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2018

Không thể để Hội Đức Chúa Trời Mẹ- Tà đạo này tồn tại được

          

Chẳng hiểu mọi người u mê, nhẹ dạ cỡ nào với tôi chữ Hiếu được đặt cao nhất trong cõi sinh tử luân hồi, nếu ai bảo tôi không cúng ông bà Tổ tiên cha mẹ tôi đều coi đây là tà đạo, mất gốc mất dạy, bố láo và thật bất Hiếu. Đằng này họ còn giao giảng cha mẹ chết là thành ma quỷ, chỉ có đức chúa trời mẹ mới giúp họ biết ngày chết và sẽ lên thiên đàng được sung sướng, muốn vậy không được thờ cúng cha mẹ tổ tiên, không ăn đồ cúng, thậm chí đập bỏ bàn thờ ông bà tổ tiên... nộp 10% thu nhập cá nhân, uống nước có chứa chất ma túy... làm lễ Vượt qua khi tham gia Hội, khi vào rồi thì như bị ma  làm mà thực chất là bị lừa dùng ma túy dẫn dắt theo làm cho hành động đến mức mù quáng, làm băng hoại phong tục tập quán tốt đẹp và truyền thống dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhớ công sinh thành dưỡng dục của các bậc tiền nhân, cha mẹ... thật không thể ngồi im được nữa, mọi người trước hết phải cảnh giác để không bị lôi kéo tham gia, cùng đồng tâm lên án hội này, tuyên truyền để tất cả cùng vào cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tà đạo này. Chắc chắn tà đạo này sẽ không thể tồn tại được. Nào chúng ta cùng xem một nhân chứng về  Hành trình "sập bẫy" Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ của một nữ sinh nhẹ dạ.

           Những thông tin mà báo chí liên tiếp đăng tải về tổ chức Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ dường như vẫn chưa khiến cho dư luận thỏa mãn, để trả lời cho câu hỏi: Tổ chức đó có “tuyệt chiêu” gì khiến các tín đồ mê mệt nghe theo như vậy? “Tuyệt chiêu” đó có giống cách chiêu mộ thành viên theo kiểu đa cấp có đúng hay không?


Trải qua quãng đường dài tới một trường học nằm ở ngoại thành Hà Nội, PV đã gặp bạn Vũ Thanh Nhã (tên nhân vật đã được thay đổi), SN 1997, hiện đang là sinh viên. Nhã đã tham gia “Lễ Vượt qua” của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, và có 2 buổi sinh hoạt cầu nguyện, nghe giảng đạo, nhưng sau đó may mắn tự thoát ra vì cảm thấy có quá nhiều điều vô lý và mệt mỏi, trong khi những tín đồ khác thì vẫn say sưa với loạt lý thuyết răn dạy phi khoa học, phản cảm của thứ đạo này.

Nhã kể, mọi việc bắt đầu đúng vào ngày 1-1-2018 (Tết Dương lịch), khi cô được nghỉ học và nghe lời chia sẻ của người em họ “đến một nơi này, có lời khuyên rất hay dành cho chị”.

Không nghi ngờ gì, Nhã đi theo và tới một quán nước gần Học viện Nông nghiệp (quận Long Biên, Hà Nội). Tại đây, khi đang ngồi chơi, uống nước bình thường, Nhã thấy xuất hiện một phụ nữ tên là Thảo (khoảng hơn 30 tuổi, dáng người gầy) xuất hiện, tự xưng làm trong lĩnh vực bảo hiểm.
Người tên Thảo này ngồi xuống bàn cùng Nhã và em họ, rồi lấy ra một cuốn vở trắng, và bắt đầu viết những thông tin ‘có vẻ’ khoa học về động đất, tai nạn, rồi tín ngưỡng… Những thông tin được đưa ra khiến một người còn ít kinh nghiệm sống như Nhã cảm thấy “đúng”, và ngoan ngoãn ngồi nghe.
Cao điểm trong màn “thuyết giảng” này là khi Thảo mở máy cho Nhã xem video clip với khoảng 10 vụ tai nạn trên thế giới, trong đó, “hầu như mọi người đều chết, chỉ có một người sống sót, và Thảo giải thích rằng người đó sống vì đã tham gia Lễ Vượt qua và được Đức Chúa trời bảo vệ”, như lời Nhã chia sẻ.
Sau đó, Thảo hỏi Nhã có muốn tham gia Lễ Vượt qua hay không, để trở thành một tín đồ của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ. Khi Nhã hỏi rằng “khi vào đó sẽ được gì, bị ảnh hưởng gì không?” thì Thảo khẳng định “vào đó sẽ cho em được sự an toàn, không ảnh hưởng gì tới học tập…”
Khi thấy cô nữ sinh còn chần chừ, người phụ nữ thuyết giảng liên tục hối thúc, nói rằng “phải tham gia ngay mới có tác dụng!”, khiến Nhã cảm thấy không có đường lùi trong cuộc trò chuyện.
Hành trình sập bẫy Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ của một nữ sinh nhẹ dạ - Ảnh 1.
Cách thức phát triển mạng lưới tín đồ của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ giống hệt như các tổ chức kinh doanh đa cấp từng làm
Bởi vậy, sau đó, cô đã đồng ý để Thảo đèo bằng xe máy tới một ngôi nhà trên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội).
“Khi tới nơi, em thấy đó là ngôi nhà riêng, với khoảng hơn 10 xe tại đó. Có bảo vệ để ý người ra vào”, Nhã nhớ lại.
Sau khi dẫn cô nữ sinh lên tầng, Thảo yêu cầu Nhã thay đồ, để mặc một bộ đồ lễ “giống như quần áo trong tập võ”. Sau đó, Nhã bắt đầu tham gia Lễ Vượt qua để trở thành một tín đồ của thứ tôn giáo phi khoa học nói trên. Buổi lễ có sự góp mặt của hơn 10 người, với đủ thành phần già trẻ, lớn bé.
“Người chủ trì mặc vest dội nước lên đầu em, cảm giác ấm ấm. Sau đó, họ đưa nước màu đỏ mà họ gọi là nước thánh, và một chiếc bánh thánh, bảo em ăn, uống. Nước đó em cảm nhận là rượu nho, còn chiếc bánh màu trắng giống như bánh dày vậy. Sau khi ăn, uống, em thấy vẫn bình thường, và đi về”, Nhã nhớ lại.
Đến ngày nghỉ cuối tuần tiếp theo, từ 8 giờ sáng, Nhã lại được người em họ rủ về “nhà của mình” (đây là cách các tín đồ gọi địa điểm tập hợp – PV), là một căn hộ trên địa bàn quận Long Biên. Do bản tính khá tò mò nên Nhã đi theo.
Khi tới nơi, cô thấy có khoảng hơn 20 người ở đó, hầu hết là sinh viên, “hoặc độ tuổi tầm trung, đều khá trẻ”. Họ chào nhau là “chào chị em!”, rồi bảo tín đồ mới (tức Nhã) đi ra “chào cha mẹ”.
“Có thể hiểu việc ‘chào cha mẹ’ đó là đi ra căn phòng chung để chào thôi, không có bất kỳ biểu tượng hay linh vật cụ thể nào cả. Khi vào lễ, nam sẽ ngồi một bên, nữ một bên, hai bên không được chạm tay vào nhau”, Nhã bày tỏ.
Tới 10 giờ 30 phút, tất cả tham gia lễ cầu nguyện, trong đó chủ trì là một người đàn ông mặc đồ vest tên Huấn – chính là chồng của người phụ nữ tên Thảo đã đề cập ở trên. Cặp vợ chồng này còn mang cả con trai 2 tuổi tới tham gia sinh hoạt ở tất cả buổi tập trung với các tín đồ.
Họ mở bài ca, rồi đọc lời nguyện… Khi kết thúc màn cầu nguyện chung, bắt đầu là cuộc giảng đạo “1-1”, trong đó một người “có kinh nghiệm” kèm cặp người mới, để giảng giải về các lý thuyết của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ.
Hành trình sập bẫy Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ của một nữ sinh nhẹ dạ - Ảnh 2.
Địa điểm sinh hoạt tôn giáo trái phép ở quận Long Biên mà Nhã từng tham dự
Tới trưa, Nhã được tham dự bữa cơm chung của mọi người tại đây, với các món ăn phổ biến như cơm, thịt kho, trứng xốt cà chua, củ cải… Đây là những món ăn do các tín đồ tự nấu và cùng ăn với nhau.
Đến 14 giờ 30 phút, lại tiếp tục là lễ cầu nguyện, rồi tới giờ ăn cơm chiều tương tự buổi trưa, và đến 18 giờ 30 phút lại là… lễ cầu nguyện tiếp.
“Thời gian tại đó khiến em rất mệt mỏi, vì hoàn toàn không được nằm, chỉ có nghe những điều giảng mà em không hiểu gì cả, rồi tới bữa thì lại ăn cơm”, Nhã chia sẻ.
Trong khi đó, những tín đồ tham gia lâu hơn thì tỏ ra rất cuồng tín, họ kể với nhau những câu chuyện gặp may trong cuộc sống và xem đó là biểu hiện của việc “được Đức Chúa trời giúp đỡ, che chở”.
Cho tới 20 giờ 30 phút, buổi sinh hoạt mới tan, và vẫn có một số tín đồ “cuồng đạo” tiếp tục ở lại nghiền ngẫm thêm 1-2 tiếng nữa.
Sau buổi sinh hoạt tôn giáo mệt mỏi nói trên, Nhã tiếp tục tham gia thêm một lần nữa vì quá nể sự mời gọi của người em họ. Mọi thứ vẫn diễn ra đúng như buổi đầu tiên, khiến nữ sinh này quá mệt mỏi và cảm thấy nhảm nhí vì những thứ vô lý xung quanh. Do vậy, cô quyết định rút lui, không tham gia và coi như “không hay, không biết” nữa. Trong khi đó, người em họ của Nhã vẫn miệt mài góp mặt vào các buổi sinh hoạt của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, khiến việc học hành bị chểnh mảng đáng kể.
“Sau đó, có một số người trong nhóm vẫn nhắn tin, gọi điện nói em tham gia trở lại, song em từ chối, lánh mọi đề nghị. Bản thân em chưa bị đe dọa, ép buộc phải quay lại tổ chức đó, mà tự em rút ra vì cảm thấy nó rất lãng phí thời gian”, Nhã chia sẻ.
Được biết, những tín đồ có thời gian sinh hoạt gần 1 năm sẽ được “trọng dụng” để đi truyền đạo, lôi kéo những người khác vào tổ chức, giống như người em họ của Nhã. Bản thân người em họ đó đã rủ thêm những người thân khác trong gia đình tham gia, theo kiểu phát triển mạng lưới tựa như đa cấp.
Hành trình sập bẫy Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ của một nữ sinh nhẹ dạ - Ảnh 3.
PV Báo ANTĐ đã có buổi trò chuyện đặc biệt với một nữ tín đồ của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, trước khi trao đổi với nữ sinh Nhã
Trong hành trình tham gia Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ nói trên, điều khiến Nhã ấn tượng nhất là những thông tin “có vẻ khoa học” ban đầu khiến cô tin tưởng và nghe theo, nhưng chỉ sau vài buổi sinh hoạt, lắng nghe những quan điểm khó hiểu và lệch lạc, Nhã tự có đủ tỉnh táo để thoát ra, vì không muốn bản thân dấn quá sâu vào thứ đạo này.
“Em cảm thấy may mắn vì đã không bị lún quá sâu để trở thành một tín đồ ngộ đạo như họ!”, Nhã đã khẳng định như thế khi chốt lại câu chuyện về hành trình “sập bẫy” Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ của mình.