Thiên tai, dịch họa thật khủng khiếp, khó lường và sự tàn phá thì hết sức khủng khiếp
10h ngày 15/9, bão Doksuri (bão số 10) đổ bộ Hà Tĩnh, Quảng Bình với sức gió tối đa 133 km/h (cấp 12) - mạnh nhất từ năm 2014 đến nay. Sau 6 tiếng hoành hành, bão đã làm 8 người chết, hơn 120.000 ngôi nhà tốc mái, hư hỏng, hệ thống điện, viễn thông tê liệt. Riêng tỉnh Hà Tĩnh có 2 người chết, gần 70.000 nhà tốc mái; gần 4.000 nhà bị ngập. Hiện lũ đã rút, người dân đang khắc phục hậu quả.
Cả xóm tôi đã bị bão xoá sổ'
"Nát, nát hết cả rồi", ông Dương Văn Dũng thốt lên khi chứng kiến hơn 20 ngôi nhà sát đê biển Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) bị bão san phẳng.
Con đường dẫn vào làng chài Nam Hải (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hôm nay lổn nhổn gạch, ngói xi măng, xà gồ, khung sắt... Thay vì đi biển hay ra chợ buôn bán hải sản, người dân tất bật dọn dẹp nhà cửa sau bão Doksuri.
Trong căn nhà chỉ còn hai bức tường đầu hồi nằm cuối thôn Nam Hải, ông Nguyễn Thận lật tung từng viên gạch ngói cố tìm thứ gì còn có thể dùng được. Mồ hôi lấm tấm trên gương mặt đen sạm, người đàn ông 53 tuổi buông tiếng thở dài "mất hết rồi".
Từ trường học nơi trú bão, nghe gió rít liên hồi, tiếng mái tôn bay vèo vèo rồi va đập loảng xoảng, cây đổ ngổn ngang, tim ông đập thình thịch, mắt liên tục hướng về phía ngôi nhà. 16h, hay tin bão sang Lào, ông chạy nhanh về nhà và khựng lại trước cổng, nước mắt giàn giụa.
Căn nhà ông Nguyễn Thận ở thôn Nam Hải, xã Cẩm Xuyên. Ảnh: Đức Hùng.
|
Ngôi nhà ba gian lợp ngói bao năm tích cóp mới xây được, chỗ đi về của vợ chồng ông và hai con, giờ trống hoác. Tài sản hoặc là bị gió cuốn, hoặc là vùi lấp dưới đống đổ nát.
"Cả xóm chài với hàng chục hộ dân ở khu này gần như bị xóa sổ. Con gái đầu đi làm ăn ở miền Nam, nghe tin bắt xe về, tôi khuyên đừng, bởi có còn nhà nữa đâu", ông Thận nói.
Cách nhà ông Thận khoảng 10 m, vợ chồng ông Trần Văn Công (73 tuổi) đang khiêng từng viên gạch ngói vỡ gom lại một chỗ. Chỉ kịp sơ tán ít đồ đạc lên trụ sở xã khi bão chưa đến, còn lại ông để hết ở nhà. Giờ nồi cơm điện, tivi, quạt... đều hỏng.
Từ hôm qua tới giờ, vợ chồng ông chỉ ăn mì tôm úp tạm. Nhớ cơm, thèm rau. Nhưng chiếc bếp gas đã bẹp dí dưới đống gạch vụn.
Không còn nhà, đêm qua vợ chồng ông phải ngủ nhờ hàng xóm, thức đến 3h vẫn chưa chợp mắt. Bao năm buôn bán cá, dành dụm xây được căn nhà 100 m2 làm chỗ đoàn viên cho bốn đứa con sinh sống trong Nam mỗi khi Tết đến, giờ tay trắng.
Ngồi bệt lên viên gạch sàn nhà, ông Công bảo sẽ vay thêm ít tiền của làng xóm để dựng căn nhà tạm.
Ông Trần Văn Công tìm được chiếc bếp gas méo mó. Ảnh: Đức Hùng
|
"Nát, nát hết cả rồi", ông Dương Văn Dũng (52 tuổi) thốt lên khi chứng kiến hơn 20 ngôi nhà, quầy hàng bán hải sản của người dân sống tập trung sát đê biển Cẩm Nhượng bị bão san phẳng. Chài lưới, ngư cụ, giường chiếu, chăn màn, bàn ghế... tất cả đều hư hỏng.
Đánh giá cơn bão này "chưa từng gặp", ông Dũng bảo trưa qua tới giờ không muốn ăn uống gì bởi tiếc của. Đầu tư hàng trăm triệu đồng xây nhà hàng buôn bán hải sản, nay mất hết. Nhìn hai đứa con đang nhặt nhạnh từng vật dụng cá nhân dưới đống gạch, người đàn ông 52 tuổi ứa nước mắt.
Đám trẻ làng chài trước kia thường ra bờ biển chơi đùa, nay thấy nhà mất, sách vở không còn cũng mếu máo. "Đêm qua bố căng bạt nằm ngủ ngoài trời, em sợ lắm", Thu (12 tuổi, con ông Dũng) nói. Thu bảo sẽ nghỉ học vài ngày.
Tài sản còn lại có thể dùng được của chị Thu là chiếc mâm lấm lem bùn đất. Ảnh: Đức Hùng
|
Ở thôn Nam Hải, nhiều gia đình đầu tư mua ngư cụ, bão quét qua hỏng hết. "Nhà tôi chẳng còn gì. Vay 30 triệu mua lưới về đánh cá, bây giờ phải kéo lưới từ dưới đất lên, rách tả tơi", chị Lê Thị Thu (45 tuổi) vừa nói, vừa giơ chiếc mâm bám đầy bụi đất - thứ lành lặn duy nhất còn sử dụng được.
Nhận điện thoại của người thân ở miền Nam hỏi về thiệt hại do bão, không nói được lời nào, chị chỉ khóc. Căn nhà hai gian đổ sập, điện mất, nước sạch không có, tiền có một chút song không dám tiêu, vợ chồng chị cùng ba con chuẩn bị bữa tối bằng bát mì tôm.
300 hộ dân ở thôn Nam Hải đều bị hư hại do bão. Trong đó, hơn 20 ngôi nhà nằm giáp biển Cẩm Nhượng của các hộ dân chuyên sống bằng nghề chài lưới, buôn bán hải sản bị san phẳng.
Trưởng thôn Lại Lý Luận cho biết, chính quyền đang tập trung khắc phục, trước mắt sẽ cấp điện, nước, sau đó là dựng lại nhà cửa để giúp bà ổn định cuộc sống.
Những kỷ lục kinh hoàng bị siêu bão Irma phá vỡ
Siêu bão Irma không chỉ là cơn bão mạnh nhất ở Đại Tây Dương, nó còn phá vỡ hàng loạt kỷ lục khác.
Bão Irma đổ bộ vào Florida, Mỹ ngày 10.9
Chưa từng có một cơn bão nào như Irma đổ bộ vào Mỹ, đài CNN nhận định.
Mời bạn đọc xem những số liệu dưới đây do đội khí tượng của CNN tổng hợp:
- Irma là cơn bão xuất phát từ Đại Tây Dương mạnh nhất từng được ghi nhận bên ngoài Vịnh Mexico và Biển Caribe.
- Siêu bão Irma giữ cường độ cấp 5 trong suốt ba ngày, thời gian lâu nhất từng được ghi nhận từ khi có hệ thống vệ tinh theo dõi bão. (Bão cấp 5 là mức cao nhất theo thang bão Saffir-Simpson - thang phân loại được sử dụng nhiều nhất cho bão ở Tây bán cầu)
- Không có cơn bão nào có sức gió lớn hơn hoặc bằng 298 km/h lâu như Irma (37 tiếng)
- Irma tạo ra cuộc sơ tán lớn nhất trong lịch sử Bahamas, và nhiều khả năng cả Mỹ
Dưới đây là những số liệu cho thấy sự cuồng nộ và ảnh hưởng kinh hoàng của siêu bão Irma:
Ngày 10.9 (giờ địa phương), siêu bão Irma đổ bộ vào bang Florida của Mỹ với sức gió 233 km/giờ. Sức gió này đã yếu đi rất nhiều so với thời điểm cách đây hai ngày, bão Irma ở cấp 5, gió giật trên 300 km/giờ.
Mắt bão Irma tràn vào thành phố Miami, mang theo những trận gió và mưa lớn, phá hủy nhiều nhà cửa, cây cối. Sóng biển ở phía tây bang Florida cao từ 3-5 mét, liên tiếp đánh vào bờ. Thiệt hại chính xác của bão Irma vẫn chưa thể ước tính do bão vẫn tiếp tục hoành hành. Daily Mail cho biết ít nhất 25 người thiệt mạng vì bão Irma.
Thượng nghị sĩ bang Flordia Marco Rubio nói: “Chúng ta không thể trốn khỏi trận bão, đó là điều đáng sợ nhất”. Ông Marco nói như vậy sau khi trận bão lịch sử đổ bộ với mưa lớn và gió giật kéo dài.
Thị trưởng thủ phủ Tallahassee nói rằng những cơn sóng cao tới 5 mét có thể “nuốt chửng người dân và xe cộ”. Ông yêu cầu người dân tìm nơi trú ẩn an toàn và không ra khỏi nhà. Trong cuộc phỏng vấn trên đài NBC, thị trưởng Scott nói: “Điều quan trọng nhất nước Mỹ có thể làm là cầu nguyện cho chúng tôi”.
Siêu bão Irma có chiều rộng khoảng 600 km, di chuyển với vận tốc 12 km/giờ, chậm hơn nhiều so với dự kiến. Hiện tại, Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) cho biết bão Irma đã được hạ xuống cấp 2.
Daily Mail cho biết thành phố Tampa, nằm ở bờ tây bang Florida cũng hứng chịu trận bão Irma. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1921 thành phố với số dân trên 3 triệu người này bị bão tấn công.
Chỉ trong vòng 2 tuần, Mỹ liên tiếp hứng chịu hai trận siêu bão được đánh giá ở mức kỉ lục. Trước siêu bão Irma, siêu bão Harvey đã càn quét và gây thiệt hại nặng nề cho bang Texas, Mỹ.
Siêu bão Irma: Xe hơi bay, xe container cũng bay
Cảnh tượng hoang tàn tại đảo Barbuda sau khi cơn bão Irma đi qua
"Chúng tôi thấy xe hơi bay trên đầu, thấy xe container dài 12m bay qua trái rồi phải”, Knacyntar Nedd, chủ tịch hội đồng của đảo Barbuda, nói: "Theo đúng nghĩa đen, mọi người phải dùng dây buộc mình vào xà nhà để không bị cuốn đi".
Khi siêu bão Irma quét qua vùng biển Caribbean ngày hôm qua, nó khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và tàn phá gần hết những hòn đảo nằm trong tâm bão.
Đảo Saint Martin (thuộc Pháp-Hà Lan), đảo Barbuda (thuộc quốc đảo Antigua và Barbuda) là hai trong những hòn đảo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi cơn bão đổ bộ, theo Guardian. Hầu như không còn tòa nhà nào ở Barbuda không bị thiệt hại, khoảng 1/4 tài sản bị xóa sổ hoàn toàn, và một nửa dân số biến thành người vô gia cư do bão.
Hình ảnh chụp từ trên cao cho thấy Barbuda giờ chỉ còn là đống đổ nát hoang tàn bị ngập nước với nhiều bức tường trơ trọi không còn mái che.
Người dân đảo Barbuda cho biết họ đã có một đêm khốn khổ, vượt quá cả nỗi sợ hãi tồi tệ nhất trong những con gió mạnh tới gần 300 km/h.
Knacyntar Nedd cho biết siêu bão giống như một "bộ phim kinh dị"
"Những gì chúng tôi trải qua giống như những gì bạn thấy trong một bộ phim kinh dị, không phải điều bạn nghĩ sẽ xảy ra trong thực tế", chủ tịch Nedd nói với kênh truyền hình ABS của Barbuda.
Những người bị thương nặng nhất là những người ở nhà tránh bão. Jacqueline Bisa đã ở nhà cùng bảy người họ hàng lúc cơn bão đi qua. Cô kể lại: "Khi phần đầu tiên của con bão đến, giống như cả căn nhà bị xé tan”.
Họ trú ẩn trong tủ quần áo và phòng tắm nhưng gió mạnh đến mức họ phải ra khỏi nơi trú ẩn, giữ cửa ra vào đóng chặt để chờ được sơ tán. "Cơn bão giống như hút chúng tôi vào", Bisa nói vào sáng hôm sau.
King Goldilocks nói: "Đêm qua là trải nghiệm khủng khiếp nhất tôi từng có trong cuộc đời"
Một số cư dân lớn tuổi từng trải qua nhiều cơn bão nhận định Irma là “chưa từng thấy”.
Người đàn ông tên King Goldilocks nói: "Đêm qua là trải nghiệm khủng khiếp nhất tôi từng có trong cuộc đời và tôi đã gần 60 tuổi. Ai ai cũng mất mái nhà, hoặc nhà sụp đổ, như tôi. Tôi hoàn toàn vô gia cư”.
Theo ông Gaston Browne, thủ tướng quốc đảo Antigua và Barbuda, giờ hòn đảo gần như “không thể ở được nữa”.
"Tôi nghĩ hiện Barbuda gần như không thể ở được nữa”, ông Brown nói với ABS. “Hòn đảo đang chìm dưới nước và chính điều này là mối đe dọa nghiêm trọng. Chúng tôi chưa bao giờ lường trước được mức độ thiệt hại này. "