Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

Kiệt sức nhưng ý chí, quyết tâm không bao giờ cạn kiệt- Cố lên đồng bào

     Mưa, lũ, rồi lũ chồng lũ, cộng thời tiết khá lạnh, đói rét, 

thiếu ăn thậm chí là mất hết tài sản, cực kỳ vất vả khó khăn, 
có nhiều người đã chết, mất tích, thật cùng cực. Nhưng nhìn 
hành động, ánh mắt của mỗi người dân trong lũ không hề 
thấy họ hốt hoảng, than trời, sợ hãi để mất ý chí. Đặc biệt, 
những hình ảnh của Bộ đội Lữ đoàn 573/QK5, của đoàn viên
thanh niên cứu dân trong lũ đã làm cho ý chí, quyết tâm và
 sự vươn lên trong gian khó của đồng bào Nam Trung Bộ 
không hề đơn độc, tất cả quân đội thanh niên, nhân dân đều
 chung tay chống lũ cùng "Đồng bào". Truyền thống anh hùng,
 kiên quyết vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh trong chiến 
tranh bảo vệ, và giải phóng đất nước nhất định được phát 
huy cao độ. Tin rằng đồng bào sẽ mau chóng ổn định cuộc 
sống sau lũ, xây dựng quê hương gia đình phồn vinh, hạnh
 phúc.

Người dân Nam Trung Bộ kiệt sức với mưa lũ


Trong thời gian ngắn, người dân Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa phải gồng mình chịu nhiều trận lũ khiến cuộc sống họ kiệt quệ, đảo lộn.
Ngày 16/12, mưa kéo dài kèm nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về làm 11 huyện, thị xã toàn tỉnh Bình Định ngập sâu. Hàng nghìn ngôi nhà chìm trong nước. Một số nơi ở Hoài Ân, Tuy Phước nước dâng cao hơn 1,5 m, khiến nhiều địa phương bị cô lập. Quốc lộ 19, qua phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn bị chia cắt. Khoảng 2.000 hộ dân được chính quyền sơ tán đến nơi cao ráo.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bình Định, mực nước ở các hồ thủy điện và trên sông Kôn, Lại Giang, An Lão, Hà Thanh... đo được hôm nay đều vượt mức báo động 3 và đang có nguy cơ dâng cao.
Nhà cửa, đường sá chìm trong nước khiến việc đi lại gặp khó khăn. Người dân trong vùng thấp trũng dùng đủ mọi cách để di chuyển tại các điểm lũ. 
Dáng vẻ mệt mỏi, chị Nguyễn Thị Nhị (huyện Tuy Phước) cho biết nhà cửa chìm trong lũ, vợ chồng chỉ kịp ẵm con, vật nuôi bỏ chạy. "Lũ liên tiếp khiến chúng tôi kiệt sức rồi", chị Nhi nói.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND Bình Định nói rằng lần đầu tiên trong lịch sử chỉ một tháng, người dân tỉnh này phải hứng chịu 4 đợt lũ lớn, khiến cuộc sống bà con đảo lộn. Mưa lũ đã làm 25 người chết, 10 người bị thương, 400 ngôi nhà đổ sập, hơn 13.500 hecta lúa bị tàn phá… Ước tính thiệt hại hơn 1.230 tỷ đồng.
"Tỉnh đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ 500 tỷ đồng để khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, giúp người dân ổn định sản xuất. Hỗ trợ khẩn cấp 5 tấn lương khô và 2.000 tấn gạo cứu đói cho người dân trong vùng lũ", ông Dũng nói.
Mưa liên tiếp nhiều ngày cùng với việc xả lũ các thủy điện khiến Phú Yên rơi vào cảnh tương tự. Nhiều xã ở huyện Tuy An chìm sâu, hàng chục ngôi nhà nước dâng cao gần tới nóc.
Ông Bùi Văn Long, ở xã An Định cho hay, tài sản dù được kê lên cao song nước tràn vào nhanh, ướt sũng. "Gần hai tháng nay, gia đình ai cũng nơm nớp, sống trong lũ khiến sinh hoạt đảo lộn, chẳng biết tới bao giờ lũ mới ngưng. Người dân chúng tôi kiệt quệ rồi", ông Long rầu rĩ.
Tại huyện Đồng Xuân, 11 xã, thị trấn đều bị cô lập hoàn toàn. Người dân phải chèo ghe sơ tán tài sản và đưa trẻ nhỏ đến nơi an toàn.
Lãnh đạo huyện Đồng Xuân cho hay, nước sông Kỳ Lộ tiếp tục dâng, nguy cơ ngập rất cao nên địa phương đã sơ tán hàng nghìn hộ dân các vùng thấp trũng tới nơi cao ráo. "Kinh nghiệm các đợt lũ trước, chúng tôi phải đảm bảo an toàn cho người dân lẫn tài sản", lãnh đạo huyện nói.
Các địa phương Cam Ranh, Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh... ở Khánh Hòa cũng chìm sâu trong lũ. Đường sá ở Nha Trang ngập nước, nhà cửa hư hỏng. Người dân phải gồng mình gánh lũ bởi chưa đầy một tuần đã có hai trận lũ. Ngoài việc dọn dẹp nhà cửa, người dân tất bật xử lý xăng dầu ở các kho chứa rỉ ra ngoài.
Mưa lũ dồn dập khiến đất đá từ trên các đồi núi tràn xuống các khu dân cư. Nước từ miệng cống trào lên làm nhiều người hoảng sợ mang theo tài sản cùng con nhỏ đi nơi khác.
Bà Dương Thị Lọt (46 tuổi, TP Nha Trang) cho hay, tối hôm trước ba mẹ con đang ngủ trong nhà thì nghe tiếng rưng rắc cùng tiếng động lớn phát ra rồi căn nhà đổ sập. "Tôi cùng hai con lao ra ngoài nên thoát nạn, nhưng mọi tài sản bị chôn vùi, hư hỏng", bà Lọt nói và cho biết phải tá túc nhà người thân.
Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên cho biết, lúc 16h hôm nay, quốc lộ 1A qua đèo Cả, nối Khánh Hòa và Phú Yên, đã thông xe hai chiều. 
Trước đó, mưa lũ khiến nhiều điểm trên đèo Cả bị sạt lở. Hàng tấn đất đá, bùn đổ tràn xuống, nằm chắn ngang mặt đường, khiến dòng ôtô không thể qua, tuyến quốc lộ 1A chia cắt. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cho mở hầm đường bộ Cổ Mã qua đèo Cả giúp giải quyết tình trạng ùn tắc.
Còn ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Chi nhánh vận tải Đường sắt Nha Trang cho biết, đến 18h hôm nay, tuyến tuyến đường sắt Bắc - Nam cũng đã được thông tuyến sau nhiều giờ bị tê liệt vì sạt lở.
Nhóm phóng viên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét