Tổ quốc- Nhân dân - Quân đội- Gia đình - Đất mẹ sự hòa quyện tiếc thương đau đớn vô cùng với các Anh những người lính Bộ đội Cụ Hồ- những Cánh chim không biết mỏi, những anh hùng của Quân đội những Liệt sỹ trong thời bình, những con người gắn kết sự đoàn kết những giá trị cao quý nhất của lịch sử truyền thống của Quân đội của Dân tộc Việt Nam, những giá trị vĩnh hằng của chân lý xây dựng đi đôi với bảo vệ Tổ quốc, những chân lý của bất cứ người lính nào cũng sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, tô thắm cờ đỏ sao vàng, xây thêm chắc chắn cho sự trường tồn của Dân tộc Việt Nam. Xin vĩnh biệt các anh, cảm ơn các anh, cảm ơn gia đình dòng họ các anh... Mong các anh siêu thoát, yên nghỉ vĩnh hằng ở nơi cực lạc, phù hộ cho Dân tộc, nhân dân ta phồn vinh, thịnh vượng trường tồn.
Nỗi đau bật thành tiếng trên đường đưa tiễn 9 liệt sĩ CASA
Khi đoàn xe tang chuyển bánh cũng là lúc tiếng khóc của những người thân, đồng đội, người dân kìm nén bao ngày òa lên hai bên đường.
Sáng 30/6, lễ tang phi hành đoàn CASA 8983 diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (Hà Nội) có 9 linh cữu phủ cờ quyết thắng, nhưng chỉ 8 thi thể được tìm thấy. Người trẻ nhất trong số họ mới 27 tuổi. Hàng nghìn người là thân nhân, đồng đội và cả những người dân chưa từng quen biết các liệt sĩ đã đến nhà tang lễ.
Phía ngoài, dòng người trong trang phục chỉnh tề nối đuôi nhau ra đến cổng nhà tang lễ, thậm chí nhiều người đứng đội mưa chờ vào viếng.
Hơn 11h, lễ di quan được tiến hành, di ảnh và linh cữu của những chiến sỹ được di chuyển lên xe. Cả 9 người lính ra đi, mang theo nhiều dự định còn dang dở. Trước ngày 16/6, họ thực hiện chuyến bay với niềm tin tìm được đồng đội trở về. Người hẹn sơn cánh cửa căn nhà nhỏ, người định đón vợ con xuống chung cư mới mua, người định đổi chiếc xe Dream đã cũ nát... Dự định của người lính bình thường, giản đơn, chỉ mong chăm lo cho vợ con được đủ đầy.
Người thân đại úy Đỗ Văn Mạnh gục khóc khi linh cữu anh được đưa ra xe. Đại úy Mạnh (27 tuổi) là người trẻ nhất trong số 9 thành viên tổ bay.
Đồng đội của những chiến sĩ không kìm nén được nước mắt.
Đoàn xe tang rời khuôn viên nhà tang lễ, hai bên đường thanh niên tình nguyện, đồng đội của họ đứng chỉnh tề chào tiễn biệt những chiến sĩ hy sinh với khóe mắt đỏ hoe.
Người thân ôm lấy nhau trong tiếng nức nở khi linh cữu những chiến sĩ được chuyển lên xe.
Những đồng đội nữ nức nở nhìn theo đoàn xe đang chuyển bánh.
Ngoài đường, gần nhà tang lễ, khi đoàn xe chở 9 linh cữu đi qua, dòng người xếp hàng ngay ngắn dài cả trăm mét, thậm chí đội mưa ở ven đường.
"Những người lính quả cảm, hầu hết còn quá trẻ, nhiều đồng chí con còn quá nhỏ, chưa thể thấu hết nỗi mất mát này, cứ nhìn thấy các cháu ngơ ngác, đi lại chúng tôi không thể kìm nén được nước mắt", những người dân tham gia tang lễ chia sẻ.
Sau khi hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ, tro cốt các liệt sĩ sẽ được chuyển đi mai táng tại quê nhà hoặc nghĩa trang liệt sĩ địa phương theo nguyện vọng gia đình. Ảnh: Xavier
9 thành viên phi hành đoàn gặp nạn trưa 16/6 trên vùng biển Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), khi chiếc máy bay CASA-212 số hiệu 8983 làm nhiệm vụ tìm kiếm phi công Trần Quang Khải mất tích trên tiêm kích Su-30. Tổ bay gồm 6 sĩ quan và 3 quân nhân chuyên nghiệp, do đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn không quân 918 cầm lái chính. Tai nạn kép trở thành biến cố lớn đối với lực lượng không quân, kéo theo nỗ lực cứu hộ của hàng nghìn người từ các lực lượng cảnh sát biển, hải quân, biên phòng, cứu nạn hàng hải, ngư dân, thợ lặn... cùng hàng trăm phương tiện quần thảo trên Biển Đông.