Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Lắng nghe dân- biểu hiện cao của dân chủ trong xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân

Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, chung quy lại thì ai cũng là dân. Vấn đề cốt lõi Nhà nước phải tạo ra, tạo được, xây dựng nên môi trường sống và các điều kiện bảo đảm khác cho sự an bình, công bằng, hợp lòng dân trong một xã hội dân chủ. Quan điểm muôn đời vẫn phải là dân làm gốc, lắng nghe dân là biểu hiện sự dân chủ cao trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Lắng nghe tức là nghe rõ, nghe đủ, nghe sâu tâm tư nguyện vọng, lọi ích chính đáng của dân, để hiểu dân, để tôn trọng ý kiến của nhân dân và là nền tảng để xây dựng các thiết chế cân bằng dược lợi ích chính đáng của nhân dân với các quyết định có sự thay đổi của môi trường, đất đai, nơi sinh sống, làm ăn và điều kiện khác mà sẽ dẫn đến có sự thay đổi  cho dù nhỏ hay lớn mà  làm ảnh hưởng lợi ích chính đáng của nhân dân đều cần phải lắng nghe dân để bàn bạc, cân nhắc thấu đáo, quyết định thật sáng suốt hợp lý, hợp tình, hợp lòng dân. Bản chất cao nhất của Nhà nước Việt Nam - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân chính là sự dân chủ trên nền tảng của lắng nghe dân, để thấu hiểu dân, để tôn trọng ý kiến của nhân dân và đó chính là vì dân mới tạo  được sự gắn kết giữa Nhà nước với dân và đó mới là Nhà nước của dân. Gần tới bầu cử Quốc hội Khóa XIV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, rõ ràng lắng nghe dân bao gồm cả những vấn đề mà nhà nước phải thảo luận, trao đổi bàn bạc, vận động  tuyên truyền thuyết phục... để  dân hiểu rõ ý định, cách tiếp cận mọi vấn đề của Nhà nước để dân nghe, dân hiểu, dân ủng hộ dân bàn bạc, dân cùng làm, cùng kiểm tra, cùng chung tay, chung sức để thực hiện tốt mọi vấn đề khi đã hiểu quan điểm cách làm của Nhà nước. Đồng thời, Nhà nước cần thể hiện rõ lắng nghe dân, dân chủ, nhưng cũng phải hết sức quan tâm thể hiện rõ quan điểm rõ ràng để không cho các phần tử cơ hội lợi dụng vấn đề dân chủ, lắng nghe dân để chống phá nhà nước, chống phá lợi ích chính đáng  của nhân dân, nhất là trước ngày 22/5/2016. Hãy xem Tác giả Nguyễn Khắc Giang viết rất sâu sắc và rất thực tế về các ví dụ về vai trò của vấn đề lắng nghe dân. Mong rằng người dân không bao giờ phải đối đầu với chính quyền, trong các vấn đề nhạy cảm liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội. 
      Nếu sức mạnh của chính trị gia được đo bằng tiền, có lẽ vua Arab Saudi - Salman - là người quyền lực nhất thế giới, với giá trị tài sản lên đến gần 20 tỷ USD.
     Thế nhưng tiền không phải mua được mọi thứ. Khi hoàng gia Arab Saudi muốn đóng cửa một phần bãi biển Riviera ở Vallauris, Pháp vào giữa năm ngoái để nghỉ mát, gần 200 nghìn người dân địa phương đã ký đơn phản đối, cho rằng việc này vi phạm quyền tiếp cận không gian công cộng.
       “Chúng tôi hiểu lý do an ninh và lợi ích quốc gia, nhưng không ai được phép tự đặt mình cao hơn luật pháp,” thị trưởng thị trấn Vallauris viết. Vua Salman sau đó phải cắt ngắn kỳ nghỉ ở Pháp và chuyển sang Morocco, nơi quyền lực của ông được “lắng nghe” hơn. Một xã hội dân chủ luôn có những nguyên tắc bất di bất dịch mà không một sức mạnh nào có thể lay chuyển. Một trong những nguyên tắc đó là phải lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân.
       Tôi nhớ lại câu chuyện này khi gần đây xảy ra tranh cãi giữa các ngư dân Sầm Sơn với chính quyền về việc quy hoạch không gian biển. Trong khi tỉnh Thanh Hoá muốn cải tạo bãi biển để thu hút khách du lịch, người dân địa phương lại không đồng tình bởi dự án sẽ xoá bỏ bãi đậu thuyền, xoá sổ nghề đi biển truyền thống.
       Do đối thoại không có kết quả, người dân tập trung trước trụ sở UBND Tỉnh để thể hiện sự bức xúc. Công an tỉnh Thanh Hoá đã khởi tố vụ án “tụ tập đông người gây mất trật tự công cộng”.
       Theo tôi, sự cố này có lẽ đã có thể phòng tránh để không xảy ra căng thẳng giữa chính quyền và ngư dân.
       Cải tạo bãi biển vì mục đích kinh tế là cần thiết, bởi điều này sẽ đem lại lợi ích lớn cho cả xã hội. Việc giao cho các công ty tư nhân thực hiện cũng phù hợp với định hướng xây dựng nhà nước “kiến tạo phát triển” do chính phủ đề ra trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, một chủ trương đúng phải đi kèm với cách thực hiện đúng. Sẽ khó để tạo ra sự đồng thuận giữa người dân nếu họ không được biết đến và tham gia thảo luận về tương lai của chính mình, mà nguyên nhân là do "tiến độ dự án gấp", như giải thích của ông chủ tịch thị xã Sầm Sơn.
       Việc di dời bãi đậu thuyền của ngư dân, dù cần thiết, cũng nên được thực hiện từng bước và cẩn trọng, tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của ngư dân. Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh nghề cá đang được nhà nước chú trọng phát triển, bởi vai trò không thể đo đếm được trong việc góp phần gìn giữ chủ quyền biển quốc gia.
      Hơn nữa, phương án giữ lại một phần bãi biển cho nghề cá, theo tôi, cũng có mặt tích cực. Điều này sẽ tạo ra không gian cho mảng du lịch văn hoá, tìm hiểu nghề đi biển truyền thống, tăng thêm chiều sâu cho du lịch tỉnh Thanh Hoá. Đây là cách làm đã được một số địa phương thực hiện hiệu quả như Quảng Ninh và Khánh Hoà.
      Thế nhưng, ở Thanh Hóa, việc thảo luận với người dân, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, đều chưa được thực hiện một cách tốt nhất. Những cuộc đối thoại trực tiếp với ngư dân được tiến hành khi việc đã rồi và không mang lại kết quả, trong khi những cơ quan đại diện là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức quần chúng hoặc là tham gia quá muộn, hoặc là chưa có vai trò gì trong việc giải quyết mâu thuẫn.
      Cân bằng giữa lợi ích kinh tế và mưu sinh của người dân trong việc sử dụng đất đai là vấn đề rất nhạy cảm, dễ gây ra tổn thương lớn về niềm tin xã hội nếu không được làm nghiêm túc. Bài học gần đây nhất là vụ tranh chấp giữa chính quyền huyện Tiên Lãng và ông Đoàn Văn Vươn, khiến cho một bên mất uy tín, một bên rơi vào cảnh tù tội.
      Ông Vươn sau khi được đặc xá vào năm ngoái, tiếp tục theo đuổi nghề nông và vừa rồi đã mang sản phẩm của mình lên Hà Nội để tiếp thị. Ông nói, là nông dân, ông chỉ muốn làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.
      Những ngư dân đang đứng ngoài trụ sở UBND tỉnh Thanh Hoá cũng vậy. Họ chỉ cần được yên ổn làm ăn, không ai muốn rơi vào thế đối đầu với chính quyền.
      Vì vậy, tôi tin rằng, người dân và chính quyền sẽ tìm ra được những giải pháp hợp tình hợp lý, làm hài lòng cho cả hai bên nếu những kênh đối thoại được sử dụng và duy trì hiệu quả. Giao tiếp liên tục là cách duy nhất để tạo ra những van “xả áp” khi hai bên chưa tìm được tiếng nói chung.
Theo Nguyễn Khắc Giang





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét