Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Đỗ Văn Sơn - Dừng lại khi chưa muộn- Biết quay đầu là bờ - không kịp nữa rồi.

Hối hận muộn màng của kẻ bắn chết công an

Trước bản án cao nhất mà mình phải nhận khi giết một cảnh sát trẻ, tử tù Đỗ Văn Sơn luôn hối hận về những điều mình đã gây ra.

Nhận mức án tử hình nhưng ở trong tù Đỗ Văn Sơn (31 tuổi, ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) không tỏ ra sợ hãi về cái chết cận kề. Ngược lại, Sơn luôn ân hận và cho rằng: "Tội em gây ra là quá lớn, dù có xử tử vài lần cũng không hết được".
“Gây ra những tội ác không thể dung thứ, dù có ăn năn, hối cải cả trăm, cả nghìn lần em cũng chẳng thể nào rửa sạch được. Nghĩ về những nghiệp chướng mình gây ra có lẽ chỉ cái chết mới kết thúc đi tất cả", Sơm trầm ngâm giãi bày.
Đỗ Văn Sơn đối diện với mức án tử hình.
Đỗ Văn Sơn đối diện với mức án tử hình.
Sơn sinh ra trong một gia đình nông dân ở huyện Thủy Nguyên. Học hết cấp 2, Sơn phải nghỉ để phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng. Ngoài cày cấy, Sơn không có việc làm nên thích chơi bời, tụ tập với đám trai làng và nhanh chóng học đòi những tệ nạn.
Những lần rượu chè rồi đánh nhau của Sơn khiến gia đình 'ngán ngẩm' và bất lực. Sơn đến Quảng Ninh xin làm công nhân đất mỏ, lương 2 triệu đồng một tháng, rồi gia nhập 'bang hội'. Sơn quen biết nhiều hơn với giới 'xã hội' ở Quảng Ninh, và bắt đầu dấn thân vào con đường tội lỗi.
Từ những cuộc đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn chốn làm ăn, Sơn tập hợp được không ít thanh niên có máu mặt để kết hội lập bang. Trong một cuộc thanh trừng đám đầu gấu ở vùng mỏ Cẩm Phả, Sơn bị chém vào mặt và phải nằm viện gần một tháng. Sau lần đó Sơn rất manh động và trở thành kẻ có 'số má'.
Nhưng đám giang hồ đất mỏ cũng không để cho Sơn được xưng hùng xưng bá, và trong một cuộc đâm chém khác xảy ra thương vong, Sơn bị công an truy nã.
Bỏ vùng đất mỏ sau 6 năm sinh sống, Sơn trốn về Hải Phòng để tìm cuộc sống mới bằng việc cướp bóc, đâm thuê, chém mướn. Sơn lại gây dựng được tiếng tăm khi thu nạp đám “tay chân”, đi đâu cũng “găm” súng hoa cải và sẵn sàng nhả đạn.
Và rồi trong một vụ đâm chém ở thành phố cảng, Sơn bị công an Hải Phòng phát lệnh truy nã toàn quốc. Trốn về Hà Nội, dạt lên Tuyên Quang một thời gian ngắn Sơn lại về Hải Phòng sống chui lủi bằng tiền đi ăn cướp.
Ngày đầu tiên của năm 2012, Sơn mang theo túi du lịch bên trong có 2 khẩu súng K59 và súng hoa cải, một biển số xe máy giả cùng nhiều dụng cụ để trộm cắp. Hắn rủ bạn là Hoàng Văn Nam (quận Hồng Bàng) đi xe máy ra phố cướp lấy tiền tiêu xài.
Vì đang bị truy nã nên Sơn xác định nếu nạn nhân chống trả sẽ cho “ăn đạn”. Tuy nhiên, đang đi trên phố thì Sơn và Nam lọt vào tầm ngắm của cảnh sát cơ động. Tổ tuần tra đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra thì Sơn tháo chạy. Bị cảnh sát đuổi theo, biết mình khó thoát, Sơn nổ súng. Phát súng đó đã cướp đi sinh mạng của chiến sĩ cảnh sát Đỗ Đăng Long, Đại đội 3, Phòng Cảnh sát bảo vệ, Công an TP Hải Phòng.
Sơn bảo: "Cuộc đời của em chẳng ra gì. Ngay cả đến hạnh phúc gia đình cũng là một bi kịch”. Rồi anh ta kể, khi mới ra vùng đất mỏ, trong lần đi chơi với bạn ở chùa Yên Tử, Sơn quen một cô gái bán quán ở ngay dưới chân núi. Và rồi, tìm hiểu, yêu đương được khoảng hơn một năm thì Sơn tổ chức đám cưới.
Có vợ, có chỗ ở ổn định, rồi có con nhưng Sơn vẫn không thoát được khỏi vòng xoáy của cuộc sống phức tạp nơi đất mỏ. "3 năm, 2 đứa con lần lượt ra đời, để có tiền lo cho vợ, cho con em đã cố gắng làm việc nhiều hơn. Đã có lúc em trở thành một người chủ gia đình thật sự và muốn một cuộc sống bình yên bên vợ con, tránh xa những mâu thuẫn, những cuộc đâm chém không có hồi kết", Sơn kể.
Vốn chém giết người "không ghê tay" nhưng khi biết vợ có người đàn ông khác, Sơn chẳng đánh cũng chẳng mắng bởi nghĩ vợ không còn yêu mình thì tốt nhất là nên chia tay, mỗi người đi một hướng. Một đứa theo cha, một đứa theo mẹ, Son đưa đứa con trai đầu về nhà ông bà nội, còn mình lại tiếp tục quăng quật ngoài xã hội.
Tang vật cơ quan công an thu được tại chỗ khi bắt giữ các đối tượng
Tang vật cơ quan công an thu được tại chỗ khi bắt Sơn và đồng bọn khi gây án.
Bị công an Hải Phòng truy nã gắt gao, Sơn trốn lên vùng rừng núi ở Tuyên Quang. Để che giấu bản thân, Sơn đã cố gắng làm việc chăm chỉ và yêu một cô gái. Do đang bị truy nã nên Sơn không thể tổ chức đám cưới và đăng ký kết hôn.
Tuy không hôn thú nhưng Sơn đã coi cô ấy là “người vợ thứ hai” bởi cho đến ngày Sơn bị bắt, không còn cơ hội để làm lại cuộc đời nhưng cô vẫn yêu hắn.
"Nhiều lần tôi “giải thoát” để cô ấy đi tìm hạnh phúc mới bởi cô ấy còn trẻ, phía trước là cả một tương lai tốt đẹp. Trong thâm tâm tôi mong cô ấy tìm được người đàn ông tốt hơn để có được hạnh phúc. Tôi không muốn cô ấy dính vào một thằng tử tội như mình mà đánh mất đi cuộc đời", Sơn phân trần.
Tử tù này bảo rằng: “Thành quả duy nhất mà cuộc đời của tôi có là gặp được cô ấy, bản thân cũng chẳng thể nào tin được tại sao lại có một người yêu mình đến vậy mặc dù bây giờ đã là một kẻ tử tù. Trong buồng biệt giam, tôi chẳng nghĩ đến điều gì khác ngoài vợ và đứa con trai".
Cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn đối với Sơn, không dao kiếm, không súng ống, không đánh nhau, không chém giết… và ở phòng biệt giam đã giúp cho Sơn thấu hiểu và ngẫm nghĩ về những điều sai trái mà mình đã gây ra.
“Lúc này có nói ra lời ân hận cũng là quá muộn màng vì mọi chuyện đã đi quá xa so với giới hạn cho phép. Giết người phải đền mạng, tôi nhận mức án tử hình là hợp lý, không có điều gì thần kỳ sẽ xảy đến với cuộc đời tôi lúc này".
Sơn buồn rầu và rớm nước mắt khi nhớ về bố mẹ và cậu con trai: "Cuộc đời thật trớ trêu, số phận đã an bài, duy nhất tôi chỉ đau đáu một nỗi lo về đứa con trai đang sống cùng bố mẹ ở quê. Con trai mắc bệnh máu không đông vẫn phải ra bệnh viên trên Hà Nội để điều trị, chạy chữa".
 Biết trước thế mà không chịu quay đầu; dẫu sao rất cảm động vì Sơn đã hiểu được điều tất yếu sẽ xảy ra với mình như thế này, sám hối sâu để ngộ hơn về cuộc đời rất ngắn chỉ như bóng câu qua cửa sổ nhưng cũng rất đáng sống dù chỉ là ít ngày chờ đợi..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét