Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

Bản sắc văn hóa Kinh Bắc – Bắc Ninh

                         

Bắc Ninh, xưa là xứ Kinh Bắc, nằm ở phía Bắc sông Hồng, có thế đất núi sông hùng vĩ linh thiêng, hội tụ tinh hoa của đất trời, nên sớm là địa bàn dân cư sinh cơ lập nghiệp và sinh ra nhiều nhân tài cho quê hương, đất nước.



Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà sử học Phan Huy Chú viết vào đầu thời Nguyễn, đã ghi nhận về địa thế núi sông hùng vĩ của xứ Kinh Bắc như sau: “Kinh Bắc có mạch núi cao chót vót, nhiều sông núi vòng quanh, là mạn trên của nước ta… Mạch đất tụ vào đấy, càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa họp vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần, vì là khí hồn trọng ở phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi”. Quả vậy “địa linh sinh nhân kiệt”, Bắc Ninh là một vùng đất có bề dày hàng ngàn năm lịch sử, văn hiến và đã được hội tụ, toả sáng ở bản sắc văn hoá.

Với vị trí là “phên dậu” phía Bắc của nước ta trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nên người Bắc Ninh sớm có truyền thống yêu nước, đánh giặc, thời nào cũng có các bậc anh hùng hào kiệt cùng nhân dân đánh giặc giữ nước. Sử sách và dân gian còn mãi truyền tụng về “Thánh Gióng” người xứ Kinh Bắc, là người anh hùng đầu tiên của dân tộc đánh giặc cứu nước. Và tự hào thay cho nhân dân tỉnh Bắc Ninh là những người đầu tiên đã viết nên trang sử “dựng nước và giữ nước” của dân tộc Việt Nam.

Những thế kỷ đầu công nguyên, phong kiến phương Bắc xâm lược nước ta, áp bức bóc lột nhân dân ta vô cùng tàn bạo. Ngay từ những năm 40, không chịu nổi ách áp bức bóc lột tàn bạo của Thái thú Tô Định, từ vùng núi Mê Linh, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa, cùng với các tướng sĩ kéo quân đánh vào thủ phủ Luy Lâu, nhân dân Bắc Ninh đã tham gia khởi nghĩa giải phóng đất nước. Dấu ấn về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn để lại là hàng loạt các di tích quanh thành Luy Lâu ở huyện Thuận Thành thờ các danh tướng của Hai Bà Trưng. Vào thế kỷ VI, dưới cờ khởi nghĩa của Lý Nam Đế và danh tướng Triệu Quang Phục, nhân dân Bắc Ninh đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương; các danh tướng họ Trương là Trương Hống, Trương Hát quê ở Vân Mẫu (Vân Dương, Quế Võ) đã một lòng trung quân ái quốc “sinh vi lương tướng, tử vi thần”-sống anh hùng đánh giặc chết hiển linh làm thần, đã được trên 370 làng xã dọc sông Cầu thờ làm Thành Hoàng gọi là “Thánh Tam Giang”. Đến thế kỷ XI, vương triều nhà Lý có nhiều công lao “bình Chiêm, phạt Tống”, đặc biệt  vào triều Vua Lý Nhân Tông, dưới sự chỉ huy của Thái uý Lý Thường Kiệt, quân dân Bắc Ninh đã tham gia đánh bại hàng chục vạn quân xâm lược Tống ở chiến tuyến sông Như Nguyệt (tức sông Cầu). Trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân xâm lược Nguyên-Mông ở thế kỷ XIII, dưới sự lãnh đạo thiên tài của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nhân dân Bắc Ninh cùng nhân dân cả nước đã đập tan ba lần tiến quân xâm lược của ngoại xâm và âm vang cuộc kháng chiến vẫn còn ở những địa danh, di tích thờ phụng các danh tướng nhà Trần. Những triều đại tiếp theo, Bắc Ninh tiếp tục nổi tiếng là đất của các bậc anh hùng hào kiệt có công đánh giặc giữ nước.

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, khi chúng xâm lược Bắc kỳ lần thứ nhất ngay lập tức vấp phải làn sóng yêu nước của các sĩ phu và nhân dân Bắc Ninh. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Cao, Hoàng Văn Hoè các đội quân nghĩa dũng của Bắc Ninh đã tiêu diệt nhiều đồn bốt của địch ở Gia Lâm, Hà Tây, Hà Nội và Bắc Ninh. Đầu năm 1882, thực dân Pháp lại tiến hành xâm lược Bắc kỳ lần thứ hai, nhà yêu nước Nguyễn Cao (quê Cách Bi, Quế Võ) đã chỉ huy quân nghĩa dũng của địa phương bao vây đánh địch ở Đồn Thuỷ, Hàng Đậu, Cửa Đông (Hà Nội). Năm 1884, thành Bắc Ninh thất thủ, quân “Tam tỉnh nghĩa đoàn” do Nguyễn Cao, Dương Khải, Ngô Quang Huy, Nguyễn Thiện Thuật chỉ huy đánh nhiều trận, làm cho quân Pháp khiếp vía kinh hồn. Khi Nguyễn Cao bị thực dân Pháp bắt được, chúng dùng mọi cách dụ dỗ, đánh đập tra tấn dã man hòng mua chuộc; nhưng ông đã không khuất phục, tự rạch bụng nhổ máu vào mặt giặc mà chửi. Thực dân Pháp đã đem ông đến vườn Dừa (Hồ Gươm, Hà Nội) xử bắn. Tinh thần kháng chiến chống Pháp của Nguyễn Cao mãi là ngọn lửa thắp sáng truyền thống yêu nước đánh giặc của nhân dân Bắc Ninh.

Những năm đầu thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đem ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin về con đường làm cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc truyền bá vào nước ta giữa lúc phong trào yêu nước của nhân dân và phong trào công nhân đang phát triển. Trên quê hương Bắc Ninh đã có những người con ưu tú như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, những nhà cách mạng tiền bối, có công lớn trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, gây dựng cơ sở và phong trào cách mạng khắp cả nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Bắc Ninh đã đóng góp nhiều công sức và xương máu góp phần cùng cả nước giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Người Bắc Ninh không những có truyền thống yêu nước đánh giặc, mà còn cần cù, chịu khó, hay lam hay làm. Sách “Kinh Bắc phong thổ” đã ghi lại hàng trăm làng nghề thủ công truyền thống của xứ Kinh Bắc như: Gốm (Bát Tràng, Đương Xá, Thổ Hà, Quả Cảm, Phù Lãng); gò đúc đồng (Đề Cầu, Đại Bái, Quảng Phú, Trang Liệt); rèn sắt (Đa Hội, Đông Xuất, Ân Phú, Việt Yên, Thị Cầu, Nga Hoàng); nuôi tằm ươm tơ dệt vải (Vọng Nguyệt, Như Nguyệt, Viêm Xá, Đẩu Hàn, Nội Duệ, Lũng Giang, Duệ Đông, Tiêu, Hồi Quan, Xuân Ổ, Tam Đảo, Tam Sơn, Yên Phụ, Phù Ninh, Thượng Mão, Lãng Ngâm, Bà Dương, Lĩnh Mai, Ngọc Trì); nung gạch ngói và vôi (Đáp Cầu, Thị Cầu, Vĩnh Kiều, Tấn Bào…), gỗ chạm khắc mỹ nghệ (Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc, Kim Thiều, Khúc Toại, Trà Xuyên); sơn mài (Đình Bảng, Nội Trì, Bình Cầu, Phù Dực, Định Cương); làm cuốc, cày bừa (Nghi Khúc, Đông Xuất, Mai Cương); giấy dó (Đống Cao, Châm Khê, Bùi Xá, Đào Xá); thợ ngõa thợ nề (Vĩnh Kiều, Tiêu Sơn, Lễ Xuyên, Nội Duệ, Chi Nê, Ngăm Điền, Đặng Xá); tre trúc Xuân Lai, tranh điệp Đông Hồ v.v… Hoạt động buôn bán của người Bắc Ninh vốn có từ lâu đời và ngày càng phát triển mạnh mẽ với hệ thống chợ làng, chợ vùng; thậm chí có những làng buôn nổi tiếng như: Phù Lưu, Đình Bảng, Đồng Kỵ, Phù Khê, Nội Duệ, Lũng Giang (Lim). Các làng nghề không những làm cho các làng xã thêm trù phú, mà còn góp phần làm nên văn hiến của xứ Kinh Bắc.

Bản sắc văn hoá của đất Kinh Bắc-Bắc Ninh còn được thể hiện đậm nét ở truyền thống hiếu học khoa bảng. Vùng đất này là cái nôi của Nho giáo, đất khoa bảng nổi tiếng cả nước, được sử sách và dân gian ca ngợi là đất của “một giỏ ông Đồ, một bồ ông Cống, một đống Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”: Gần nghìn năm khoa bảng phong kiến (1075-1919), Kinh Bắc có gần 700 vị đỗ đại khoa, chiếm 2/3 cả nước, trong đó 43 vị đỗ Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Truyền thống khoa bảng của Kinh Bắc với nhiều đặc điểm tiêu biểu như: Người đỗ thủ khoa kỳ thi đầu tiên (Lê Văn Thịnh), vị Trạng Nguyên đầu tiên (Nguyễn Quán Quang), đoạt hết thứ hạng Tam khôi (làng Tam Sơn), người đậu Tiến sĩ trẻ nhất nước 15 tuổi (Nguyễn Nhân Thiếp), 2 cha con cùng đỗ một khoa, 2 anh em ruột cùng đỗ một khoa, 5 anh em ruột cùng đỗ Tiến sĩ, 13 đời liền đỗ Tiến sĩ, 9 Tiến sĩ trong một họ làm quan cùng triều. Các làng và dòng họ khoa bảng như: họ Nguyễn, Phạm làng Kim Đôi (Kim Chân), họ Đàm (Hương Mạc), họ Ngô và Nguyễn (Tam Sơn), họ Ngô (Tam Giang). Các vị sứ thần tài hoa lỗi lạc: Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo, Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, Tiến sĩ Nguyễn Đăng; các vị Thượng thư chính trực như Đàm Văn Lễ, Nguyễn Quang Bật… Các nhà khoa bảng Kinh Bắc đã là rường cột của nước nhà trên mọi lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá, giáo dục, ngoại giao… Họ đã làm rạng rỡ những trang sử dân tộc bằng tài năng, đức độ và lòng yêu nước.

Kinh Bắc-Bắc Ninh còn là “cái nôi” của văn hoá, văn nghệ dân gian. Vùng đất này đầy ắp những huyền thoại, truyền thuyết, giai thoại, thơ ca, hò vè… phản ánh quan niệm về thiên nhiên, xã hội con người ở mọi góc độ như: lao động, đấu tranh, chinh phục thiên nhiên và cả tình yêu đôi lứa. Chính mảnh đất này đã nảy nở những loại hình nghệ thuật như: hát đúm, hát ghẹo, hát ví, hát tuồng, chèo, trống quân, ả đào, ca trù, múa rối và đặc biệt là dân ca quan họ. Các làng quan họ gốc khu mật bên đôi bờ sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu. Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một loại hình nghệ thuật độc đáo, bởi có hàng trăm làn điệu, hàng ngàn lời ca ngọt ngào đằm thắm. Đây không những là một loại hình văn hoá nghệ thuật đặc sắc, mà còn mang những giá trị thẩm mỹ cao được thể hiện ở nhiều mặt: từ quan hệ giao tiếp cho đến lời ca tiếng hát. Song đất quan họ từng là cái nôi của Nho học, nên trong văn hoá quan họ còn “thẩm thấu” cả những giá trị của Nho giáo, đặc biệt là ứng xử lễ nghĩa. Những Liền anh, Liền chị Quan họ trong giao tiếp hay ca hát bao giờ cũng thể hiện là người thanh lịch, hào hoa, tế nhị, khiêm nhường, trọng tình, nặng nghĩa và đây chính là một nét đẹp của văn hiến Kinh Bắc-Bắc Ninh.

Người quan họ không những giàu vốn văn hoá dân gian, mà còn rất am hiểu văn hoá bác học. Hầu như tất cả các điển tích, các cốt truyện, các mảng thơ ca đều được các nghệ nhân quan họ kế thừa, chọn lọc và sáng tạo trong lời ca tiếng hát. Cũng chính trong quá trình giao lưu văn hoá, dân ca quan họ đã rất phát triển về làn điệu và lời ca. Đã có nhà nghiên cứu nhận xét: “Quan họ là vườn hoa thơm trong đó có đầy đủ các giống hoa đẹp nhất của dân tộc ta”. Và rất tự hào, năm 2009 dân ca quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bắc Ninh còn được sử sách và dân gian truyền tụng ca ngợi là “xứ sở” của đình chùa lễ hội: “Bắc Ninh với gần hai ngàn di tích, trong đó có những ngôi đình nổi tiếng như đình Đình Bảng, đình Diềm… Đó là những toà đại đình, mái ngói đao cong uốn lượn bồng bềnh, bộ khung gỗ to khoẻ chạm trổ “rồng bay, phượng múa”. Những ngôi chùa nổi tiếng như: Hệ thống chùa Tứ Pháp (huyện Thuận Thành) từng là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta. Song hành với lịch sử, những ngôi chùa nổi tiếng của Bắc Ninh còn đó là những di sản văn hoá vô giá như chùa Dạm, chùa Phật Tích, chùa Tiêu từng là những đại danh lam thời Lý (thế kỷ XI-XII). Tiêu biểu về giá trị kiến trúc nghệ thuật là Đình Bảng (Từ Sơn) và chùa Bút Tháp (Đình Tổ-Thuận Thành) là những công trình kiến trúc điêu khắc nghệ thuật đặc sắc của thời Lê-Nguyễn còn bảo lưu đến nay. Đặc biệt, chùa Bút Tháp với cây tháp Báo Nghiêm nổi bật trên những lớp mái ngói đao cong, cây cối tươi tốt, sóng nước dập dềnh bên bờ Nam sông Đuống, tựa như cây bút khổng lồ vẽ lên nền trời xanh những nét văn hiến đặc sắc của quê hương. Đình chùa xứ Kinh Bắc còn nổi tiếng với những lễ hội lớn như: hội Dâu, hội Lim, hội Diềm, hội Thập đình, hội Tứ Yên… đã kết tinh ở đó hàng ngàn năm những nét tinh hoa văn hoá của xứ Kinh Bắc-Bắc Ninh.

Bắc Ninh-Kinh Bắc nằm ở trung tâm châu thổ sông Hồng, có núi sông hùng vĩ, ruộng đồng bờ bãi phì nhiêu, là đất “địa linh nhân kiệt” sinh ra nhiều nhân tài cho quê hương, đất nước. Phát huy địa thế của quê hương, truyền thống của ông cha, các thế hệ người Bắc Ninh luôn chịu thương chịu khó, hiếu học, yêu nước, đánh giặc và đã góp phần lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Tất cả những truyền thống tốt đẹp quý báu đó, đã làm nên bản sắc văn hoá đặc sắc của xứ sở Kinh Bắc-Bắc Ninh. Dân tộc ta trải hàng ngàn năm lịch sử, cũng là hàng ngàn năm dân tộc ta có một nền văn hiến Kinh Bắc. Chính vì vậy, sử sách, các học giả, các nhà nghiên cứu đã đánh giá Kinh Bắc-Bắc Ninh là “cái nôi” hình thành và phát triển lịch sử-văn hoá của dân tộc Việt Nam.
Trường Sĩ quan Chính trị đóng quân tại Bắc Ninh trung tâm của nền văn hóa Kinh Bắc; trung tâm đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội và giáo viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự cho Quân đội. Thật là một sự trùng hợp rất hay của yếu tố văn hóa- con người- địa linh sinh nhân kiệt của vùng quê Quan họ - Kinh Bắc ngày nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét