Từ
xa xưa Võ thuật đã được cha ông ta rất coi trọng, xuất phát từ truyền thống thượng
Võ lâu đời trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, Võ thuật đã góp phần
làm rạng rỡ trang sử vẻ vang, anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Trải
qua nhiều thế kỷ, võ thuật luôn được quần chúng nhân dân, các võ sinh, võ sư trên
khắp các miền của Tổ quốc luyện tập, phát triển và giữ gìn; đặc biệt võ thuật
luôn được quan lại vua, chúa của các triều đại quan tâm ưa chuộng và sử dụng; nhiều
triều đình phong kiến còn tổ chức các cuộc thi võ thuật để tuyển lựa những người
giỏi võ và đức hào kiệt nhằm xây dựng quân đội và bảo vệ nền độc lập của quốc
gia; thực tế lịch sử chứng minh Hưng đạo Đại Vương Quốc công Tiết chế Trần Quốc
Tuấn là một trong những người văn võ song toàn đã góp công lớn ba lần đánh tan
quân Nguyên vào thế kỷ 13, làm rạng rỡ lịch sử chống giặc ngoại xâm và trang sử
vẻ vang, hào hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Hiện
nay, võ thuật được khôi phục, chú trọng phát triển. Có rất nhiều các liên đoàn
Võ thuật đã được hình thành và phát triển như Việt võ đạo, Võ cổ truyền, Vịnh Xuân Quyền…ở Việt Nam.
Thực tế, võ thuật đã mang lại cho thể thao việt nam rất nhiều huy chương khu
vực và thế giới như: huy chương bạc Olimpic của VĐV Trần Hiếu Ngân trong môn
Karate năm 2000… Trong nhiều năm qua ở các giải châu Á và thế giới đội tuyển Võ
thuật của nước ta luôn nằm trong tốp dẫn đầu thế giới, nhất là các môn võ cổ
truyền, Vovinam…đã làm rạng danh và khẳng định được vị thế của Võ thuật Việt
nam trong khu vực và trên thế giới.
Võ
thuật là môn thể thao, đồng thời là kỹ thuật đánh gần của lực lượng Đặc công, Trinh sát trong quân đội.
Ngày nay lực lượng vũ trang được trang bị ngày càng hiện đại, nhưng võ thuật
vẫn có tác dụng không nhỏ trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhất là đối với luồn
sâu, đánh hiểm của lực lượng đặc công, trinh sát thì võ thuật có vị trí ngày
càng quan trọng.
Võ
thuật có mối quan hệ rất biện chứng và gắn kết với tinh hoa của triết học, khoa
học; bản thân việc rèn luyện Võ thuật để có được sức khoẻ dẻo dai, bền bỉ trước
hết cũng cần có ý chí kiên gan, lòng dũng cảm, quyết tâm vượt qua khó khăn và tập
luyện thường xuyên, liên tục theo một trình tư khoa học từ thấp đến cao…
Võ
thuật và khoa học có sự gắn kết chặt chẽ, cân bằng thể hiện ngay từ các thế đứng
- thế tấn - bài học đầu tiên trong võ thuật. Tấn là thế đứng của võ sinh và người
học võ khi mới tập luyện, là bộ pháp quan trọng trong võ thuật, thế tấn chủ đạo
thiên về bộ pháp của đôi chân, tấn có vững vàng thì công, thủ mới được; luyện
thế tấn, thế đứng vững chắc chính là luyện tâm, tấn có vững thì tâm mới định, tâm
có tập trung vào luyện tấn thì tấn mới chắc, khi luyện tấn cần phải biết tập
trung vào đôi bàn chân, vào điều hoà nhịp thở để đứng được lâu, để làm nhẹ dần
trọng lượng cơ thể và làm cho cơ thể linh hoạt hơn, có thể chuyển sang các thế
công hoặc thủ khác nhanh nhẹn, kịp thời. Bài học về thế tấn thể hiện sự bắt đầu
học võ một cách khoa học; học và rèn thế tấn thuần thục là yêu cầu đầu tiên để
rèn luyện võ sinh về thể chất, tâm lý, ý chí để sẵn sàng chuyển sang các bài tập
khác cao hơn. Bản thân khoa học ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu tìm tòi sáng tạo
cũng đòi hỏi cần có ý chí lòng dũng cảm, sự quyết tâm tìm, khám phá cái mới, sự
lôgic và quy luật vận động, biến đổi của các sự vật hiện tượng.
Trung bình tấn là bộ tấn đầu
tiên, trông có vẻ đơn giản, chỉ cần đứng dang hai chân ra, hai bàn chân gần như
song song và doãi mũi chân về phía trước, hạ thấp trọng tâm cơ thể xuống cho
hai ống chân dựng thẳng, hai bắp chân nằm ngang, khi đó góc tạo ở đầu gối là 900,
hai bàn chân gần như song song và hướng mũi về phía trước. Tay
lúc đó nắm lại thế thủ nắm ngửa đặt hai bên hông, ngực ưỡn, lưng thẳng, mắt nhìn
thẳng, thở sâu từ từ. Nhiều võ sinh khi mới học rất chủ quan và coi thường động
tác này. Nhưng chỉ mấy phút sau thì hai chân bắt đầu mỏi và rã rời dần, một số
võ sinh khuỵu hẳn xuống. Trong thế trung bình tấn thể hiện chữ “trung bình”
nghĩa là phép bình quân, là sự cân bằng, thế đứng trung bình đối xứng dọc thân
người nên chia đều trọng lượng người ra hai chân, như vậy sẽ không thiên lệch
về bên nào, nhờ thế mà đứng được lâu hơn. Sự đối xứng tự thân ấy cũng là một
nguyên lí căn bản của khoa học và âm dương được cô đúc trong võ thuật. Nó thể
hiện nguyên lí tự đối xứng của vũ trụ, có âm thời tất có dương và cân bằng âm dương…
Võ sinh khi đứng trung bình tấn sẽ cảm thấy mình đang trấn giữ vũ trụ, như thu
nhận khí huyết của cả đất trời, đồng thời khi đứng được lâu, vững chãi võ sinh
sẽ rèn luyện được thể chất, ý chí, nghị lực… mặt khác đây là thế đầu tiên khi
luyện võ, nên khi tập đúng sẽ giúp võ sinh vững vàng cả về tâm, trí, lực, thế của
động tác trung bình tấn, tạo điều kiện cho võ sinh học rèn các thế sau tốt hơn.
Hai bàn chân của thế trung bình gần như song
song và doãi mũi chân về phía trước, nhờ hai bàn chân duỗi song song nên diện
tích hai bàn chân tiếp xúc với đất là lớn nhất sẽ tạo được sự cân bằng theo
nguyên lý của vật lí: mức vững vàng của vật phụ thuộc vào độ lớn diện tích mặt
chân đế, mặt chân đế càng lớn thì độ vững vàng càng cao vì khi đó trọng tâm
thân người rơi vào hai bàn chân là rộng và lớn nhất. Đồng thời, do người tập đã
hạ thấp trọng tâm ở thế thấp hơn người đứng bình thường nên mức vững vàng được
nâng lên và võ sinh có thể đứng được lâu hơn, vững chắc hơn.
Đinh tấn cũng là một bộ thế
quan trọng sau thế trung bình, dù tiến tấn hay lùi tấn đều chia trọng lượng cơ
thể ra như sau: chân trụ chính chịu bảy phần, chân phụ chịu ba phần. Ở thế tấn
này chân trụ có bắp chân và đùi vuông góc với nhau, còn chân phụ sẽ duỗi thẳng.
Mũi chân chính sẽ duỗi gần như thẳng ra phía trước còn bàn chân phụ sẽ đặt
ngang, khi đó hướng của hai bàn chân sẽ vuông góc với nhau tạo ra một mặt chân
đế hình tam giác. Đây là nguyên lí đồng phẳng trong hình học “có ít nhất bốn
điểm không đồng phẳng”, trong dân gian ta có câu “vững như kiềng ba chân”. Với
ba điểm thì sẽ tạo ra một mặt phẳng vững vàng còn bốn điểm thì dễ xảy ra sự gập
ghềnh khó vững. Đứng đinh tấn trên ba điểm đó cộng với chiều rộng của hai chân
phù hợp từ 1m đến 1,2m, cùng với trọng tâm thân người hạ thấp và hai chân chịu
lực tương xứng với thế của từng chân càng tạo ra mặt phẳng vững vàng, tạo nên
thế đinh tấn vững.
Trảo mã tấn là thế đứng độc đáo trong võ thuật cổ
truyền và thường được sử dụng trong song đấu. Thế này đứng giống chân ngựa,
chân trụ phía sau chịu hầu như hoàn toàn trọng lượng thân, chân phụ phía trước chỉ
dùng để tạo thế và để nhá, dử đòn. Thế này tạo ra sự linh động khi né đòn, ra
đòn. Đối thủ khi phá chân trảo mã thì chân trụ vẫn còn nên không thể ngã được.
Trường hợp lợi thế thì chân trước trảo mã sẽ ra đòn dễ dàng. Nguyên lí khoa học
ở đây là phép bão hoà trong vật lí và tính chất cộng thêm trong toán học; triết
học thì phát biểu rằng mọi sự vốn đã đầy đủ nhưng thêm vào cũng không phải là
thừa. Tấn trảo mã chính là như vậy: trọng tâm hầu như đã dồn cả vào chân trụ nhưng
cộng thêm chân trảo mã vào cùng với thân người hơi cúi khom mình, đây là tư thế
khá hoàn hảo vì toàn thân được kết nối chắc chắn, giữ được thăng bằng có thể
chuyển sang tấn công, phản công nhanh mà không cần cử động mào đầu, lấy đà.
Bàn
về thế công, thế thủ. Nếu như tấn
thiên về bộ pháp của chân, thì phép công thủ là bộ pháp của tay. Trong khi tập
luyện cũng như song đấu, các võ sinh luôn giữ thế tay mở hoặc nắm đấm gọi là
thế thủ. Ở thế thủ, tay đặt bên hông, nắm đấm ngửa lên trời như để thu hút tinh
lực vũ trụ. Khi tấn công thì tay đấm ra với tốc độ nhanh, đồng thời vừa xoay cổ
tay sao cho khi nắm đấm đến đối thủ thì vừa úp lại, nghĩa là trong quá trình di
chuyển nắm tay đã thực hiện quay từ dưới lên trên 1800. Việc ra đòn
như thế sẽ tạo ra một quán tính lớn làm tăng cường lực, sức mạnh, tốc độ của cú
đấm. Đồng thời khi đấm xoay cổ tay cũng vừa tạo ra lực gạt, đỡ các đòn của đối
phương về phía mình, vừa tạo ra nét nhanh nhẹn, kịp thời, mềm mại, uyển chuyển trong
thế công của người tập võ. Giống như mũi khoan xoay sẽ tạo ra lực đâm xuyên lớn
và bảo vệ được mũi khoan bền hơn trong khi sử dụng.
Bàn
về các đòn cước. Khi
biểu diễn quyền thuật hoặc song đấu thì đòn chân được chú ý nhiều nhất, nhìn
vào khả năng di chuyển của môn sinh có thể đánh giá được công phu tập luyện,
khi ra trận song đấu thì đôi chân thực sự là công cụ hiệu nghiệm với những đòn
cước.
Bàng long cước đá tạt là đòn
phổ biến hơn cả. Khi đá vòng chân từ phía ngoài vào đến giữa chừng thì tăng tốc
cho riêng phần chân ra đòn vào đối thủ. Cách ra đòn như vậy vừa tăng lực cho cú
đá lại vừa giúp cho người tập dễ dàng định thân vững và thế tấn chắc chắn sau
khi đá. Còn đá thẳng thì ta phải nâng đùi tung chân để tạo lực quán tính của
chân lớn và tạo được cú đá nhanh.
Đảo sơn cước là
cú đá khó thực hiện nhất. Đòn này chỉ dành cho những người đã có thời gian
luyện tập vì độ tinh xảo rất cao. Đòn này còn có tên gọi khác là đá bay nghịch.
Khi đá đòn này thì người võ sinh quả là một nhà vật lí vì họ đã vô tình biến
mình thành một động cơ biết bay. Chỉ bằng cú nhún nhẹ và cước chân mà tạo nên
một lực quay lớn làm cho toàn thân “cất cánh” trên không trung. Ta biết rằng
khi một vật bay thì sẽ có hiện tượng giảm trọng lượng, người võ sinh trong
trường hợp này nhờ cú đá nghịch mà làm giảm đi nhiều khối lượng của mình nên
mới có thể bay bổng lên được. Tuy nhiên, cú đá bay dù thuận hay nghịch theo nhiều
nhà phê bình và võ sư nhận xét cốt phô trương, nặng phần trình diễn, mỗi khi bay lên đá,
võ sĩ thường tự làm mất thế trụ của mình, sẽ là yếu huyệt cho địch thủ phản
công, hay nói một cách khác, cú đá bay chỉ làm cho hao tổn năng lượng một cách
không cần thiết,
nhất là
các võ sinh tập
luyện không đến nơi đến chốn.
Võ sư Hee ll Cho, một
cao thủ Taekwondo nổi tiếng thế giới, người có những cú đá bay kiệt xuất; ông cho rằng: cú đá bay không hề là
phô trương, mà thực sự nó là một độc chiêu nếu người sử dụng tập luyện căn cơ,
khổ luyện, khoa học. Ông nói thêm: Muốn
đánh giá về hiệu quả thực sự của cú đá bay thì phải dựa trên những võ sĩ đã qua
sự khổ luyện đạt mức thành công nhất định. Bởi vì tuyệt kỹ võ công không phải
dành cho mọi người, những gì người này có được không hẳn có ở người kia. Võ sư
Hee giải thích thêm: Dù có bằng chứng về
sự giống nhau giữa các chiêu thức của cú đá bay, nhưng tùy theo trình độ sẽ có
hiệu quả khác nhau; hiệu quả thật sự của nó là vũ khí phản công chứ không phải
là đòn tấn công; nhiều người sử dụng cú đá bay trong tấn công đã chước lấy thất
bại. Cú đá bay chỉ hiệu quả và phát huy hết uy lực của nó khi nào bạn dùng nó
như một đòn phản công, mới có tính bất ngờ thì địch thủ mới không kịp trở tay.
Nếu dùng nó như một đòn tấn công thì bạn sẽ nhận sự phản công bằng những cú
quét chân, kể cả đòn cầm nã, bởi khi nhảy lên đá qua tư thế tấn công thì bạn sẽ
bị hở, bị mất thế, mất trụ dễ rước lấy thảm bại. Hiệu quả nhất là khi địch thủ
tấn công ta với khí thế hung hăng, điên cuồng và dùng những cú đấm dài. Đó là
lúc ta tung cú đá bay đắc dụng nhất. Cần tạo được sự di chuyển kịp thời và cú
phản đòn chớp nhoáng, chú ý đừng quá ham biểu diễn khi tung thân người quá cao
rồi mới ra đòn, bởi làm như vậy mặc nhiên tạo cho mình sự mất thế trụ. Tốt hơn
hết là lúc vừa tung cú đá ra, bạn đồng thời lộn người xoay 1800 độ
và ra đòn chớp nhoáng ở tầm ngang thắt lưng trở lên tới mặt đối phương. Dùng
lực dồn xuống gót chân trụ, khi bạn trụ được vũng vàng thì uy lực phát ra ở
chân còn lại mới tăng lên, mới có hiệu quả thật sự ở chân đá cao sẽ phát huy
được uy lực của nó. Cú đá bay này vừa bất ngờ lại vừa chắc chắn, nhờ vào yếu tố
chớp nhoáng, kết hợp tung ra những cú đá nhử, đá giả nhằm làm cho địch thủ chủ
quan, trước khi tung ra cú đá bay quyết định.
Võ
thuật là kỹ thuật, phương thức dùng
sức mạnh nội lực, ngoại lực để chiến thắng đối phương. Võ thuật được sản sinh
ra trong đấu tranh giữa con người với thiên nhiên, con người với kẻ thù và con
người với bệnh tật, võ thuật hướng đến mục tiêu đem lại cho con người sự chiến
thắng trong các cuộc chiến, rèn luyện sức khỏe dẻo dai, bền bỉ, ý chí lòng dũng
cảm, sự tự tin vào cuộc sống... Trải theo thời gian, võ thuật hiện đại không
còn nhấn mạnh vai trò chiến đấu và chiến thắng bằng mọi giá như trước, mà đã
chú trọng hơn nhiều đến các mục tiêu khác như để rèn luyện sức khỏe, thực thi
quyền tự vệ chính đáng của mỗi con người.
Theo đó võ thuật đề cao phương pháp, cách thức, sự khéo
léo, kỹ thuật, sức chịu đựng… nghĩa là sự phát huy toàn diện sức mạnh của con
người để chiến thắng địch thủ mà không chỉ là những đối thủ trực diện trên sàn
đấu. Bên cạnh đó võ thuật, vừa mang ý nghĩa nghề nghiệp, khẳng định võ cũng là
một nghề trong xã hội, nghề võ. Cũng không thể không nhắc đến một khái niệm
thường được các võ đường và các võ sư
đề cao, thuật ngữ "Võ đạo", nhấn mạnh tính nhân văn, văn hóa
trong võ thuật, khẳng định sự tột đỉnh của võ thuật triết học, là văn, là nhân,
là yêu thương con người, võ học là sự gắn kết chặt chẽ với cội nguồn triết học,
hạt nhân đạo đức và chiều sâu tôn giáo,
chiều sâu của sự rèn luyện, khổ luyện trong võ thuật chính là phát huy hết khả
năng của con người vào chinh phục thiên nhiên, sống hoà đồng nhân ái, yêu thương
con người…, đồng thời đưa sự khốc liệt, đấu tranh có tính bản chất của võ, một
công cụ để thi thố, tàn sát, tranh giành thắng thua xuống hàng thứ yếu.
Trong
đời sống xã hội còn tồn tại khái niệm võ học.
Võ học là khái niệm được dùng rất hạn chế trong đời sống võ thuật tại Việt Nam
hiện nay. Võ học chưa được xem là một ngành học chính thống trong ngành giáo
dục & đào tạo. Võ học cần có sự nghiên cứu, phân tích, hệ thống hóa... tất
cả mọi mặt của đời sống võ thuật dưới ánh sáng của các chuyên ngành khoa học tự
nhiên & xã hội khác như vật lý học, giải phẫu học, sinh lý,
sinh hóa, sinh cơ, tâm lý học, y học TDTT.... Hầu hết các
bài viết hoặc sách, báo về võ thuật hiện nay tại Việt Nam của các võ sư hoặc huấn
luyện viên, các nhà nghiên cứu… đều ít khi đề cập đến thành tựu nghiên cứu của
lĩnh vực này. Do đó, đời sống võ thuật Việt Nam còn khá xa lạ với các thuật
ngữ, khái niệm hoặc công trình nghiên cứu của các nhà khoa học về võ thuật, có
lẽ có nguyên nhân sâu xa từ trình độ nhận thức, lý luận và nguyên cứu của giới
võ thuật hiện nay.
Võ thuật là một
môn thể thao mang tính khoa học, có sự gắn kết chặt chẽ với sự vận động phát
triển của xã hội loài người, với triết học. Võ thuật và Khoa học đòi hỏi phải luôn
hướng đến việc tìm kiếm và khám phá cái mới với sự liên kết chặt chẽ, lôgic và
manh tính ứng dụng, hiệu quả cao, tìm ra chân lý, cái đúng … Sự gắn kết của võ
thuật và khoa học mang tính lôgic ngay trong quá trình phát triển và khám phá nội
lực, sức mạnh và tiềm năng của con người trong việc chinh phục và cải tạo thiên
nhiên. Sự gắn kết đó không chỉ yêu cầu người tập luyện võ thuật trước hết phải
học lễ, học văn, học đạo, học võ để bảo vệ mọi người, học làm người… đồng thời phải
luyện tập thường xuyên, kiên trì bền bỉ đúng cách, theo trình tự lôgic khoa học
từ thấp đến cao, tránh nôn nóng, phải rèn luyện ý chí, nghị lực và tinh thần
khắc phục khó khăn khi tập luyện; thực hiện tốt quan điểm học Võ là học đến đâu
nắm chắc và thành thạo đến đó, nắm chắc kỹ thuật cơ bản và thuần thục đến đó,
tinh thông đến đó; học ít tinh thông hơn học nhiều mà không thuần thục, biết
một sâu sắc, tinh sảo, điêu luyện còn hơn biết mười mà không thành thạo.
Tài liệu tham khảo
1. Học thuyết huấn luyện,
Nxb TDTT, Hà Nội, 1983.
2. Lý luận và phương pháp
Giáo dục thể chất, Nxb TDTT, 1998.
3. Kỹ thuật đánh gần, Cục Quân huấn - BTTM, Nxb QĐND, 2003.
4.
Điều lệ huấn luyện thể lực, Cục Quân huấn BTTM, 2004.
5.Tập
Bài giảng Võ thuật - HVCT - QS, 2007.
6.
Võ thuật - Bách khoa toàn thư - Nguồn Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét