Lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, nhiều tình huống đối phó đã được dự liệu. Nếu Trung Quốc "khăng khăng như thời gian qua thì Việt Nam phải kiện ra tòa án quốc tế".
Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014
Ủy ban Quốc phòng An ninh Việt Nam cần phải kiện nếu Trung Quốc không thay đổi
Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014
Quốc hội ra thông điệp về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép - xâm lược chủ quyền Việt Nam
Quốc hội ra thông điệp về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép
Quốc hội bày tỏ sự lo ngại và kiên quyết phản đối những vi phạm, sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Thông cáo báo chí phát đêm 21/5 về nội dung ngày làm việc thứ hai của Quốc hội đề cập nhiều đến thái độ của cơ quan quyền lực cao nhất trước việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thông cáo cho hay, Quốc hội khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Tình hình biển Đông căng thẳng, hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.
Quốc hội yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đông.
|
Quốc hội cùng toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài bày tỏ sự lo ngại và kiên quyết phản đối những vi phạm, sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Quốc hội cũng bày tỏ lòng biết ơn với các tổ chức, cá nhân, dư luận quốc tế đã đồng tình, ủng hộ Việt Nam.
Quốc hội tin tưởng và nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo quân dân ta có nhiều biện pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế; đồng thời, kiên trì đấu tranh gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Nhận định diễn biến tình hình trên biển Đông còn phức tạp và khó lường, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp cùng đồng bào cả nước đoàn kết, thống nhất và đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước.
Thông cáo trên được phát đi sau ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, khai mạc hôm 20/5 và dự kiến kéo dài đến 24/6.
20 ngày qua, việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã khiến dư luận "dậy sóng". Nhiều cuộc biểu tình, tuần hành phản đối Trung Quốc diễn ra trong cộng đồng người Việt khắp thế giới. Chính phủ Việt Nam đã 20 lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan cùng tàu và máy bay ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, đồng thời tố cáo hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của nước này trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 khai mạc hôm 11/5 tại Myanmar. Lần đầu tiên sau 20 năm, cộng đồng ASEAN ra một tuyên bố riêng về tình hình biển Đông. Đại diện ngoại giao, học giả các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, EU, Australia... đã bày tỏ sự lo ngại và lên án hành động của Trung Quốc.
Theo Y Nguyên
Thủ tướng: 'Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông' - Phát biểu tầm- tâm- trí- thế- lực Việt Nam
Thủ tướng: 'Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông'
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một cuộc họp báo tại Philippines. Ảnh: Nhật Bắc
|
Trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được nhiều câu hỏi của báo giới nước ngoài về vấn đề Biển Đông, thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Việt Nam có nộp đơn kiện Trung Quốc theo các cơ chế của luật pháp quốc tế hay giải quyết căng thẳng bằng biện pháp quân sự, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Bạn hỏi về biện pháp quân sự? Không".
"Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, chúng tôi luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ".
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình và tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình.
"Chúng tôi đã hết sức chân thành, thực tâm, thiện chí và kiềm chế, nhưng câu trả lời hiện nay là Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói", Thủ tướng cho biết.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".
"Có lẽ như tất cả các nước, Việt Nam chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế", Thủ tướng nói tiếp.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào để chống lại một quốc gia khác và đây là chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam.
Việt Nam đã thông báo và thông tin trung thực việc Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông đến các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước, chính giới và các học giả, truyền thông quốc tế.
Những ngày qua, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, nhiều cá nhân và tổ chức quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về mối đe dọa của sự việc này đối với hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng rằng cộng đồng quốc tế tiếp tục có đánh giá đúng và tiếng nói thích hợp để ngăn chặn mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
"Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế, các nước, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc", Thủ tướng nói.
Về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc mối quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi giữa Việt Nam và Trung Quốc vì điều này không chỉ đem lại lợi ích cơ bản và lâu dài cho hai nước Việt - Trung mà còn đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. "Còn ngược lại, chắc các bạn hoàn toàn có thể hình dung điều gì sẽ xảy ra", Thủ tướng nói.
Trước báo chí quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh rằng Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình đóng góp vào việc gìn giữ và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
"Đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm này và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế", Thủ tướng khẳng định.
Phát biểu của Thủ tướng chuẩn- đúng-tầm- tâm- trí- thế- lực Việt Nam. Xin cảm ơn Thủ tướng.
Theo Thanh Bình
Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014
Vụ giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam- Những hình ảnh không thể không xem
10 bức ảnh mà mỗi người Việt cần phải nhớ
(Soha.vn) - Những ngày này, khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở Việt Nam, triệu người Việt đang đồng lòng hướng về biển đảo thân yêu.
Gần 800 học sinh và giáo viên của trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) xếp thành hình bản đồ Tổ quốc, với thông điệp mạnh mẽ khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. (Ảnh: Zing)
Hơn 7.000 sinh viên đại học Nha Trang đã tham gia mít tinh phản đối hành động sai trái của Trung Quốc. (Ảnh: Lao Động)
Học sinh tiểu học tại Đà Nẵng xếp bản đồ Việt Nam và hát vang Quốc ca sáng 13/5. (Ảnh: Đất Việt)
Sáng 16/5, hơn 1.000 học sinh cùng toàn thể thầy cô giáo trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) tạo hình lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của đất nước Việt Nam. (Ảnh: Lao Động)
Các bạn trẻ Quảng Ngãi cùng nhau xếp bản đồ đất nước có đủ Hoàng Sa và Trường Sa từ chính những viên đá của đất mẹ Việt Nam. (Ảnh: Tiin.vn)
Tình yêu với đất nước thể hiện trên các băng rôn, biểu ngữ. (Ảnh: Gia đình & Xã hội)
Ảnh: Tuổi Trẻ
Tuần hành phản đối Trung Quốc ở TP.HCM. (Ảnh: Dân Việt)
Từng đoàn người nối dài, cùng thể hiện lòng yêu nước. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Mỹ kêu gọi quốc tế đoàn kết đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông - việc cần và phải làm lúc này của mỗi quốc gia có lương tri
Mỹ kêu gọi quốc tế đoàn kết đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông
Hải quân Mỹ - Trung và nguy cơ xung đột trên biển
Hải quân Mỹ - Trung và nguy cơ xung đột trên biển
Trung Quốc phát triển lực lượng hải quân nhằm cạnh tranh sức ảnh hưởng với Mỹ tại Thái Bình Dương, trong khi Washington vẫn muốn duy trì địa vị bá chủ trong khu vực. Cục diện trên khiến nguy cơ xung đột giữa hai nước tăng cao.
Thái Bình Dương được coi là động mạch chủ của nền kinh tế toàn cầu, nằm dưới sự khống chế của Hải quân Mỹ từ Thế chiến II đến nay. Sau khi Mỹ - Trung bình thường hóa quan hệ, Washington công nhận địa vị chính thức của Bắc Kinh trên trường quốc tế. Ngược lại, Bắc Kinh cũng tôn trọng địa vị chủ đạo của Washington tại châu Á - Thái Bình Dương.
"Thỏa thuận ngầm bất thành văn này đang dần tan vỡ. Trung Quốc muốn có sức ảnh hưởng chính trị và quân sự tại khu vực phù hợp với nền kinh tế phát triển mạnh mẽ của họ", bình luận viên Geoff Dyer thuộc tờ Financial Times nhận định.
Trung Quốc tập trung xây dựng lực lượng hải quân nhằm cạnh tranh và cản trở hoạt động tác chiến của Hải quân Mỹ tại tây Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters
|
Trong 20 năm qua, Trung Quốc không ngừng tiến hành hiện đại hóa quân đội, với dự toán ngân sách quốc phòng năm 2014 lên đến 131,5 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm ngoái. Trong đó, tăng cường sức mạnh hải quân là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh.
Giới phân tích chiến lược nhận định rằng hàng loạt các mẫu chiến hạm mới, tàu ngầm tàng hình và hệ thống tên lửa tầm xa của Hải quân Trung Quốc đều nhằm hạn chế khả năng tác chiến của Hải quân Mỹ tại khu vực tây Thái Bình Dương.
"Quân đội Trung Quốc dành 90% thời gian để suy nghĩ làm thế nào bắn hạ máy bay và tàu chiến của chúng tôi", BBC dẫn lời tướng Dennis Blair, cựu tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết.
Trung Quốc mong muốn thay đổi tương quan lực lượng tại Thái Bình Dương thông qua việc dồn lực phát triển hải quân. Bắc Kinh cũng dần rời xa chính sách đối ngoại "ẩn mình chờ thời" - chủ thuyết cho rằng quốc gia này cần bình tĩnh quan sát cục diện thế giới, tạo dựng môi trường ổn định, để tập trung phát triển nội lực.
Chính sách mới chủ động hơn, mang tính khuếch trương và thậm chí là hung hăng, thể hiện trong việc Trung Quốc chiếm bãi đá Scarborough/Hoàng Nham tranh chấp với Philippines năm 2012, đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng Không trên Hoa Đông cuối năm 2013 và gần đây nhất là hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trên vùng biển của Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu cho rằng chiến lược biển của Trung Quốc bao gồm cả nhân tố chiến lược và nhân tố lịch sử. "Trung Quốc luôn nhắc đến lịch sử 100 năm nhục nhã, để chỉ về quãng thời gian cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 khi bị chiến thuyền và pháo đạn của các cường quốc phương Tây xâm phạm", Giáo sư Roderick MacFarquhar thuộc đại học Harvard bình luận. "Vì vậy việc tăng cường an ninh quốc gia thông qua khống chế các vùng biển xung quanh như một bài học lịch sử với người Trung Quốc".
Cùng chung nhận định trên, ông Rory Medcalf, chuyên gia về an ninh châu Á thuộc Viện nghiên cứu Lowy, cho rằng Bắc Kinh muốn đột phá "chuỗi đảo thứ nhất", phân cách Biển Đông, Hoa Đông và Hoàng Hải với Thái Bình Dương, để phá thế bị Mỹ và các nước đồng minh bao vây.
Ngoài ra, an ninh năng lượng cũng là mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc, khi quốc gia này trở thành thị trường tiêu thụ dầu khí thứ hai thế giới và dầu chủ yếu được vận chuyển qua Thái Bình Dương. Tuyến hàng hải quan trọng qua Indonesia, Malaysia và Singapore đều nằm dưới sự khống chế của Hải quân Mỹ, đặt ra cho Bắc Kinh bài toán địa chính trị đầy mâu thuẫn: Liệu có thể để đối thủ cạnh tranh bảo vệ tuyến hàng hải huyết mạch hay không.
Điều này giải thích cho hàng loạt hành động đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông trong những năm gần đây, bất chấp quyền lợi hợp pháp của các nước liên quan, cũng như luật pháp và thông lệ quốc tế.
Nguy cơ chiến tranh
Trước cục diện trên, một số chuyên gia cho rằng quan hệ Mỹ - Trung có thể sẽ đi lại vết xe lịch sử của thời Chiến tranh Lạnh, bởi tranh chấp và mâu thuẫn tiềm tàng giữa hai nước không kém gì thế đối đầu Mỹ - Liên Xô.
Năm 2012, bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra kế hoạch "Can thiệp tác chiến chung", với khái niệm tác chiến tổng hợp trên biển và trên không. Theo đó, một khi xung đột xảy ra quân đội Mỹ sẽ tấn công lực lượng chống can thiệp của đối phương, cũng như các lực lượng trên không và mạng máy tính.
Các quan chức Lầu Năm Góc luôn phủ nhận kế hoạch trên nhằm vào Trung Quốc, nhưng trên thực tế tên lửa tầm xa, tàu ngầm và hệ thống tác chiến mạng của Trung Quốc đều vì mục đích cản trở chiến hạm Mỹ.
"Khái niệm tác chiến tổng hợp trên biển và trên không đồng nghĩa với việc Mỹ có thể sẽ tấn công phá hủy hàng chục căn cứ quân sự của Trung Quốc khi xung đột nổ ra", chuyên gia Dyer cho biết. "Điều này thật khủng khiếp, bởi chiến tranh sẽ leo thang nhanh chóng và không thể dự đoán được kết cục sẽ ra sao".
Tuy nhiên, các nhà phân tích đều cho rằng Mỹ sẽ không để kịch bản trên diễn ra, mà chỉ muốn giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc hiểu rằng Washington vẫn có biện pháp mạnh mẽ để đối phó nếu Bắc Kinh có hành động gây hấn vượt giới hạn.
"Tất cả các kế hoạch ứng phó đều nhằm tạo cho đối thủ tiềm tàng cơ hội để giảm thiểu căng thẳng. Không bao giờ nên dồn kẻ địch vào chân tường, bởi bạn không lường được đối phương sẽ có phản ứng gì", một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên cho hay.
Kế hoạch trên phản ánh chiến lược của Mỹ hiện nay tại Thái Bình Dương: một mặt muốn chuyển từ thế công sang thế thủ, mặt khác vẫn đảm bảo việc kiềm chế Trung Quốc, cường quốc đang lên có tham vọng bá chủ khu vực.
Theo đó, Washington có thể vận dụng chiến lược "Xung đột hạn chế chiến tranh", thông qua các hành động quy mô nhỏ để ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh bùng phát và leo thang.
Trong chuyến công du châu Á vừa qua của Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã hoãn lại thời hạn trao trả quyền chỉ huy thời chiến cho Hàn Quốc, đồng thời ký kết với Philippines thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự trong 10 năm, từ đó gia tăng sự hiện diện của quân đội trong khu vưc châu Á - Thái Bình Dương.
"Chuỗi đảo thứ nhất bao quanh Trung Quốc là địa điểm lý tưởng để thực hiện chiến lược trên. Tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực này ở mức độ phù hợp sẽ gây áp lực rất lớn lên hải quân của đối phương", chuyên gia quân sự Toshi Yoshihara nhận định.
Theo Đức Dương
Khi đất nước lâm nguy- rất cần sự tỉnh táo, kỷ luật, trách nhiệm và đoàn kết
Khi đất nước lâm nguy thì đòi hỏi rất cao ở trách nhiệm với mỗi công dân. Trách nhiệm đó không chỉ khi đứng trong đội ngũ có người chỉ huy lãnh đạo mà ngay cả khi mỗi người dân chỉ là một thành tố tự do trong những cuộc biểu lộ thái độ có tính tự phát
Ngẫm lại những ngày ở nước Đức trong những năm 1989 và 1990, nhìn vào dân tộc họ khi ấy tôi suy nghĩ rất nhiều. Nhà máy của tôi làm khi đó có tên là Microelechstonichstahnsdord. Đây là một nhà máy quốc doanh chuyên sản xuất vi điện tử xuất khẩu cho nhiều nước. Do làm bóng bán dẫn và vi mạch nên có phân xưởng giữ nguyên vật liệu rất quý như phân xưởng mạ vàng chân các bóng bán dẫn và vi mạch. Nước Đức những năm đó tình hình rất căng thẳng, khắp nơi biểu tình và có lúc bị đe dọa bởi một cuộc chiến có thể nổ ra giữa Đông và Tây.
Rồi nước Đức thống nhất để sau đó nhà máy giải tán dần từng bộ phận và đi tới chỗ bán toàn bộ cho một tập đoàn Ấn Độ. Là đội trưởng đội Việt Nam, tôi thường phải đi giao ban một tuần hai lần với toàn thể ban lãnh đạo của nhà máy nên nắm rất chắc tình hình của nhà máy. Không khí xã hội khi ấy rất phức tạp, nhưng trong thành phố tôi ở và đặc biệt khu nhà máy tôi mọi hoạt động vẫn rất bình thường. Kể cả khi từng phân xưởng giải tán rồi tới tận khi nhà máy được bán đi, nhà máy không mất cắp bất cứ một tài sản nào. Việc quản lý rất chặt chẽ, nhưng nhà máy rất rộng, ba phía rừng và ruộng lúa mì bao bọc nên nếu ai có hành vi muốn lấy cắp thì không phải là không thực hiện được.
Tôi đã hỏi nhiều công nhân quen biết và đặc biệt anh bạn thân Lotar, bảo vệ trưởng của nhà máy, vì sao các bạn lại làm được như thế, khi tài sản hôm qua thuộc nhà máy của DDR (Cộng hòa Dân chủ Đức), hôm sau thuộc về BRD (Cộng hòa liên bang Đức) thì đều nhận được câu hỏi chung là: Chúng tôi là một dân tộc! Quá trình sống với người Đức tôi càng yêu mến và hiểu họ, mặc dù thể chế có thể thay đổi, nhưng hầu như tất cả công nhân Đức, ai cũng đều ý thức rõ là, tài sản của nhà máy là của nhà máy, là của nhân dân Đức nói chung, nó là cái bất khả xâm phạm.
Trong cuộc biến động chính trị đầy âu lo về sự bất ổn ấy, nhà máy không mất đi một viên gạch, một phân vàng, sau bán trọn vẹn lấy tiền cho công quỹ quốc gia chính nhờ sự giác ngộ có tính công dân của từng người dân người Đức, đặc biệt là đội ngũ công nhân trong nhà máy của chúng tôi làm việc.
Việc thứ hai tôi được chứng kiến là mùa đông năm 1989 tình hình rất phức tạp, nhất là trong thành phố lớn như ở thủ đô Berlin. Bấy giờ quanh thủ đô có rất nhiều trại lính của quân đội Nga chiếm đóng theo Hiệp ước Potsdam sau đại chiến II. Ở Đức bấy giờ cũng xuất hiện nhiều nhóm thanh niên đầu trọc theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sẵn sàng gây hấn, sẵn sàng đập phá và nổi loạn. Những người Đức đa số cũng không thích sự chiếm đóng của quân đội nước ngoài như Pháp, Mỹ và Nga trên nước họ. Đây rất dễ là mảnh đất tốt nảy sinh những hành vi phá hoại của những nhóm phát xít trẻ.
Sát Noel, trời rất lạnh, 25 âm độ về đêm. Chúng tôi lên Berlin phải dứt khoát qua ga tầu Schoennefeld. Khi đó đã là nửa đêm, ga tàu không một bóng cảnh sát. Tôi từ đường hầm lên sân ga nổi bỗng nghe tiếng la ó ầm ầm. Tôi vọt lên sân ga, thấy một tốp đông thanh niên đầu trọc khoảng 50 người, đang la hét, huýt sáo om sòm. Nhiều thanh niên Đức tầm 16, 17 tay mang theo gậy bóng chầy. Họ đang vây quanh bốn người lính Nga trên sân ga nổi. Những lính Nga cũng đang chờ ôtô như tôi đi về doanh trại của họ ở Teltow hay doanh trại nào ở Postdam. Hôm nay là ngày Chủ nhật và họ được phép đi chơi. Đám đông vẫn la hét quanh bốn lính Nga. Chúng nhổ bọt, làm nhiều động tác khả ố mà người châu Âu coi là sự nhục mạ ghê gớm, như chọc ngón cái chỉ xuống đất hay giơ ngón giữa chọc về phía lính Nga và hét to lên những câu nhục mạ. Tôi nín thở quan sát.
Nhưng những người lính Nga vẫn điềm tĩnh. Trong tay không một tấc vũ khí, tới dây nịt da to bản họ cũng không thèm cởi ra để tự vệ mà đứng áp lưng vào nhau như một vòng thành trì nhỏ. Chừng chục phút khiêu khích vô ích, cũng đúng khi ấy có một chuyến Sbahn về, đổ ra sân ga nhiều người Đức xuống tàu, những người Đức đầu không trọc và họ quây lấy những người Nga im lặng như một vòng tròn bảo vệ những người lính đang bị khiêu khích. Tôi len vào đứng bên những người Đức, cạnh những người lính Nga hiền lành mà im lặng sừng sững tựa như những bức tượng sống. Không có sự kiện đáng tiếc nào xảy ra cả.
Sau đó, có thể ai gọi điện, một tốp cảnh sát Đông Đức và quân nhân tuần tra quân đội Nga tới. Tốp người Đức đầu trọc không la ó nữa và kéo lên một chuyến tàu đi về Berlin. Tôi đi cùng bốn anh lính Nga lên ôtô về Teltow. Bao nhiêu năm rồi, trong tai tôi vẫn nghe rõ tiếng gõ gót giầy rất đều xuống sàn nhà ga đêm ấy của tốp lính Nga. Tiếng gõ giày như nhịp tiếng bát trầm, âm thanh rất buồn vang trong đêm vắng, trên sân ga đầy tuyết lạnh, nhưng gắn kết một nhịp, thành một sự thống nhất trong sự bình tĩnh của những người lính Nga.
Sau này đọc nhiều tài liệu, lại quen thân một bác sĩ trong quân đội Nga ở thị xã Stahnsdorf, tôi được biết, lính Nga được xác định rất rõ, tính kỷ luật để giữ sao không mắc mưu những hành vi quá khích, nếu xảy ra ở đường phố, bên doanh trại, nhất là những trạm nhỏ, từ phía người Đức trẻ, nhằm bảo vệ quan hệ hai quốc gia ổn thỏa, dành quyền ngoại giao cho các nhà nước, dẫn tới sau này những thỏa ước để người Nga, người Mỹ và Pháp rút về nước. Rõ ràng tốp lính Nga kia dù không có sĩ quan chỉ huy vẫn có tính kỷ luật rất cao.
Nước Đức năm ấy đã trải qua một biến động chính trị rất lớn, nó trở thành một quốc gia thống nhất và mạnh tới hôm nay, lại tránh cho toàn thế giới một cuộc đối đầu nguy niểm, là có sự đóng góp xây dựng chính ở tinh thần công dân Đức rất hiểu biết, rất trọng kỷ luật. Những người lính Nga cũng như thế, họ là những người lính có kỷ luật.
Tôi đã ở quân đội 11 năm, thực sự thấy quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội từ nhân dân mà ra và rất có kỷ luật. Chính điều đó làm nên sức mạnh của đội quân mà làm nên chiến thắng được những kẻ địch thường chiếm ưu thế về hỏa lực.
Tình hình đất nước những ngày qua đang sôi lên vì nhà nước Trung Quốc đặt giàn khoan lên biển Đông của nước ta. Nhân dân ta ở khắp nơi đã thể hiện lòng yêu nước, tự tổ chức những cuộc biểu tình ở nhiều nơi để tỏ rõ thái độ của mình, phản đối việc nhà nước Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của nước Việt Nam chúng ta. Hơn lúc nào hết, đất nước cần trách nhiệm công dân, sự hiểu biết của mỗi công dân trong trách nhiệm với đất nước, là tinh thần kỷ luật cao như những chiến sĩ ngoài mặt trận, là ôn hòa đấu tranh, giữ đúng một thái độ: Không khoan nhượng với hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông với giàn khoan Hải Dương 981, nhưng không có những hành vi tự phát, thiếu suy nghĩ, dẫn tới các hành vi có tính phá hoại tài sản của các tập đoàn kinh tế (bất luận tập đoàn kinh tế ấy là nước nào, đều nằm trong sự bảo trợ của luật pháp của nước Việt Nam chúng ta), đang đầu tư trong nước ta gây ảnh hưởng không nhỏ về uy tín của nước ta trên trường quốc tế...
Khó có sự tập trung sức mạnh thiếu một sự chỉ đạo thống nhất, nhất là trong tình trạng manh mún và tự phát. Đã đến lúc các cuộc biểu tình cần có kiểm soát, bằng sự kêu gọi, bằng ý kiến, sáng kiến của nhân sĩ trí thức, nhân dân và dựa vào đội ngũ nhân sĩ, trí thức để có chủ trương và sự phối hợp hành động công dân.
Tôi tin rằng, nếu tin dân, lại hiểu được dân, khi có sự tham gia lãnh đạo của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các các cấp chính quyền, nhất là ở từng địa phương xa trung ương, thì nhà nước ta sẽ có sức mạnh dân tộc, mang lại hiệu quả cao cho sự bảo đảm tính ôn hòa, có văn hóa ứng xử trong đấu tranh vì hòa bình và ổn định kinh tế và chính trị của đất nước Việt Nam..
Cảm ơn chú Thọ bài viết rất hay. Theo tôi không chỉ khi đất nước lâm nguy chúng ta mới cần trách nhiệm của mỗi công dân, sự hiểu biết của Nhà nước để xây dựng tốt thế trận lòng dân. Mà thế giới hiện nay chúng ta đang sống ngay bên cạnh ông bạn láng giềng miệng nam mô, bụng bồ dao găm, thâm độc, ngang ngược, xảo trá, cậy quyền nước lớn, bất chấp luật pháp, bất nhân hành động thì như loài cầm thú, mưu tính bá quyền, bành trướng được thể hiện rõ ràng nhất sau sự kiện Ông này ngang ngược, đặt giàn khoan HD 981 vào sâu trong thềm lục địa, vào quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, bài học về dựng nước đi đôi với giữ nước, phải được đặt lên hàng đầu với nhãn quan hiểu biết chính trị, nhạy cảm, sâu sắc và nhất thiết phải dựa trên nền tảng của sự tỉnh táo, kỷ luật, trách nhiệm và đoàn kết của mỗi công dân, để xây dựng tốt thế trận lòng dân, thế của đất nước, thế của sự đúng đắn biết giữ nước từ khi nước chưa nguy, giữ nước như thể giữ chính con ngươi của mắt từng người, thế đó là lòng dân đoàn kết, luôn tin tưởng vào Đảng Cộng sản Việt Nam, tin vào dân tộc Việt Nam luôn trường tồn cùng chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia không mất đi một tấc. Một công dân hiểu biết cần thể hiện lòng yêu nước bằng sự nhạy cảm chính trị, trách nhiệm trong phát ngôn, thể hiện rõ, đúng quan điểm của Đảng, nhà nước, nhân dân ta về vụ việc Trung Quốc ngang hạ đặt giàn khoan HD981 xuống vùng biển Việt Nam; cần trước hết là hiểu biết đúng, tỉnh táo, trách nhiệm với dân tộc, đất nước, kiên quyết không để mắc mưu kẻ xấu lợi dụng để làm mất đi hòa bình ổn định, nhưng cũng phải sẵn sàng hoàn thành trách nhiệm của một người là con dân Việt đoàn kết lại thành khối thống nhất để đánh bại mọi kẻ thù xâm lược dù chúng mạnh đến đâu. Bài học của hàng ngàn năm lịch sử dân tộc đang soi chiếu, thôi thúc chúng ta cần một trái tim yêu nước nóng, nồng nàn- một sự hiểu biết - một cái đầu lạnh, một sự tỉnh táo, nhạy cảm, sự đoàn kết của lòng dân, hơn nữa cần sự liên kết, đoàn kết trong Asean, sự đoàn kết trong nhân dân thế giới lên án về hành động ngang ngược của Trung Quốc, sự lên án chính trong nhân dân và học giả Trung Quốc về hành động sai trái của chính phủ Trung Quốc. Đừng quá sợ anh bạn này, dũng cảm, đoàn kết, hiểu biết, túc trí đa mưu, xây dựng tốt thế trận lòng dân, gắn chặt với chiến lươc, sách lược đúng đắn, không chủ quan, nóng vội, xây dựng tốt thế trận lòng dân với phát huy truyền thống cha ông, luôn kiên cường, trong đấu tranh, tin tưởng vào Đảng, nhà nước, quân đội, tin tưởng chắc chắn chúng ta sẽ giữ vững chủ quyền biển nước ta.
Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014
Yêu nước - cần trái tim nóng, cái đầu tỉnh táo - mưu lược, kế sách phù hợp với Trung Quốc
Yêu nước – tiếng yêu không lời
Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhưng Việt Nam cần có công lý cho quyền biển đảo, Trung Hoa không được thực hiện mưu đồ của nước các người trên xứ xở, đất đai, sông biển của Việt Nam.
Trước khi quyết định tham gia biểu tình ngày 11/5, bày tỏ thái độ của cá nhân trước hành động bất chấp công lý, luật lệ biển quốc tế của nhà cầm quyền Trung Hoa khi họ đã đặt giàn khoan trên thềm lục địa của Việt Nam, tôi nghĩ mãi cho câu khẩu hiệu sẽ hô và bắt nhịp cho bạn bè, anh em, con cháu của chúng tôi sao cho ngắn gọn và tỏ rõ thái độ, lại mang khí thế của người Việt Nam ta.
Khẩu hiệu hô trước đám đông thì phải ngắn và mang hàm ý bao quát, sâu rộng. Là một người từng tham gia 11 năm chiến tranh với Mỹ, từ 1965 tới 1976, lại là một nhà văn, tôi chọn sự hai cặp từ mà tự chúng tương xứng về âm ngữ, khi hô dễ tạo nên sức mạnh của ngôn ngữ, lại gói ghém nội dung quyền biển và đảo của Việt Nam chúng ta. Vậy thì cặp từ: Hoàng Sa – Việt Nam; Trường Sa – Việt Nam thích hợp và mang đầy đủ ý nghĩa ấy.
Đúng 8h30 tôi đến vườn hoa Lê Nin. Tôi bảo họa sĩ điêu khắc Lê Đình Nguyên mua vài chai nước. Đúng 9h, chúng tôi sang đường, qua bức tượng Lê Nin quen thuộc. Mới chạm vào vườn hoa, tôi đã nghe âm thanh ầm ầm như sóng lớn, nghe rõ tiếng của hàng ngàn người hô vang: Trường Sa – Việt Nam và Hoàng Sa – Việt Nam. Tự dưng khi ấy tim tôi đập gấp và trong người như có một dòng điện chạy rất nhanh.
Tiến lên vào đám đông kia! Tôi nói với hai người bạn và hai nhà báo. Len lỏi và trong đám đông nghèn nghẹt ấy đầu choáng lên vì tiếng hô tiếng hát, tôi bỗng thấy một xe ba bánh của anh em thương binh tiến vào và rẽ đám đông đậu sát hàng rào ngăn cách vườn hoa với con đường trước cổng sứ quán Trung Hoa.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ hô vang "Trường Sa – Việt Nam, Hoàng Sa – Việt Nam".
|
Chiếm lấy điểm cao! Tôi nói và cùng Nguyên rẽ mọi người ra tiến sát chiếc xe.
Cho tôi lên nóc xe! Tôi nói với một người mặc quân phục sờn cũ, ngực đeo huy hiệu thương binh, áng chừng là chủ xe. Trên nóc xe khi ấy đã có ba thanh niên hô vang các khẩu hiệu, cùng phất cao cờ tổ quốc! Anh mà lên nữa là xe lật. Nặng bồng nhẹ tếch mà! Bảo một người xuống cho nhà văn già này lên. Đây là nhà văn Nguyễn Văn Thọ! Họa sĩ nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên nói với anh thương binh. Người thương binh nhìn tôi thăm dò không chớp mắt. Hãy cho tớ lên! Mình cũng là lính cựu đây. Anh lên đi! Người ta công kênh tôi leo lên nóc xe. Tôi cũng không biết làm sao mà tôi leo lên nhanh thế.
Nhìn thấy một người gầy gò, lớn tuổi trèo lên xe, chừng nhiều người nhận ra tôi, như đồng loạt họ hoan hô vỗ tay rào rào. Tôi lấy bình tĩnh căng lá cờ tổ quốc đỏ thắm lên, chắn lấy người tôi. Lá cờ này đã từng thấm máu bao con dân đất Việt trong bao cuộc chiến suốt 50 năm qua. Như có một sức mạnh vô hình thúc giục, tôi bỗng thét vang: Trường Sa... như sóng trào hàng nghìn giọng cùng thét lên: Việt Nam. Tôi lại hô tiếp Hoàng Sa. Lại hàng nghìn tiếng hét vỡ lồng ngực: Việt Nam. Cứ thế khoảng 10 phút, tôi thét vang như vỡ lồng ngực, để bao người Hà Nội đứng kín vườn hoa hô vang theo những khẩu hiệu bầy tỏ ý chí bảo vệ non sông gấm vóc Việt Nam, làm nên tiếng dậy đất.
Trời khi ấy rất nóng, lại đông người, tôi cũng đã 66 tuổi nên mồ hôi ra đầm đìa, thấm mệt, nhiều cánh tay đưa lên đỡ tôi từ nóc xe xuống tiếp đất để anh em khác thay tôi lên hô khẩu hiệu. Tôi vừa chân chạm đất thì thật bất ngờ. Họa sĩ Lý Sơn nổi tiếng, tóc giờ đã bạc từ đâu lao tới và chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Lý Sơn là lứa sinh viên tổng động viên 1972 và là cựu binh thuộc trung đoàn tôi cùng tôi đánh từ cao nguyên Buôn Mê Thuột xuống tận Sài Gòn và chúng tôi là lớp người còn sống sót sau chiến tranh. Cả hai đều không nói lên lời, như tình yêu vốn không bao giờ có lời. Tôi ứa nước mắt nhận ra nhiều người khác quanh đó có mặt tại cuộc biểu tình này, bày tỏ một trách nhiệm với đất nước, một ý thức công dân trước quyền lợi của Tổ quốc đang bị xâm lăng đe dọa.
Một nữ phóng viên trẻ xinh đẹp, gí micro nhỏ vào sát mặt tôi: cho phép tôi phỏng vấn anh! Chị là ai? Tôi hỏi. Em là phóng viên của báo Mỹ... Vì sao anh có mặt ở nơi đây? Tôi ấy à! Tôi là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hôm nay tôi đến để bày tỏ thái độ phản đối giàn khoan của nước Trung Hoa đặt trên Biển Đông. Là con dân, phải tranh đấu cho quyền lợi của đất nước. Ở không khí này, tôi được sống lại tuổi hai mươi cùng với bè bạn, đồng đội của tôi, cùng với con cháu, lớp trẻ sẽ thay chúng tôi giữ nước... Cả thế giới đã đang ủng hộ Việt Nam, bạn hãy nói với nhân dân Mỹ, những người yêu chuộng hòa bình, dân chủ, tự do, các bạn hãy ủng hộ Việt Nam...
Gần hai tiếng sau, tôi trở về nhà. Ngôi nhà nhỏ của tôi nằm chìm trong làng hoa Ngọc Hà. Tôi vào nhà, ôm chầm lấy đứa con 11 tháng tuổi của tôi, đứa con trai bé bỏng. Tôi muốn nói với cháu rằng, cha yêu hòa bình lắm, có được hòa bình chúng ta mới yên hàn để xây dựng đất nước. Các con sẽ không đau khổ như cha, sẽ không có hận thù, không có đổ máu. Các dân tộc mơ ước sống chung trên trái đất xanh này. Nhưng tôi đã nghẹn lời, không thể nói ra lời yêu.
Trước khi ra đường, tôi đã viết bài: 'Thơ cho con trai trước khi đi biểu tình'
Trước khi ra đường cha sẽ hôn con
như những người cha trên đảo Lý Sơn sớm nay lên thuyền đi vào biển mặn
chúng ta hôn lên đôi môi của đứa con trai
dặn ở lại,
mai con của ta sẽ là tráng đinh giữ nước!
Chúng ta hôn lên má lên môi
những thiên thần
lấy thêm sức mạnh
Là thêm mùi hương từ những cánh hoa
lấy thêm mùi đất của những góc nhà
những cánh rừng già
những con phố
ẩm mùi rêu mốc
nơi từng viên gạch vỡ
cha đã thuộc lòng
ở bài học đầu tiên
khi ông con nói về tình yêu xứ xở
Trước khi ra đường cha sẽ hôn con
và ánh mắt cha dịu dàng trăm ngàn điều dặn
tiếng yêu vẫn không lời
gửi nhiều lắm con ơi.
Về bản chất lòng tham của nhà nước Trung Hoa bấy nay không thay đổi, nhất là khi hôm nay tình hình thế giới hỗn độn và phức tạp, Trung Hoa chơi trò "đục nước béo cò".
Nhưng cũng về bản chất, người nước Nam trọng danh dự, người Nam đầy khí tiết, con dân nước Nam vốn có phẩm giá, bất kể họ là ai, giàu như nghèo, Bắc hay Trung hoặc Nam, chúng ta không bao giờ chịu bán một tấc đất, một li biển, một hạt cát trên biển Đông, bởi vì chúng thấm máu của cha ông chúng ta.
Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhưng Việt Nam cần có công lý cho quyền biển đảo, Trung Hoa không được thực hiện mưu đồ của nước các người trên xứ xở, đất đai, sông biển của Việt Nam.
Hãy thét to lên cho vỡ tung lồng ngực, cho cả thế giới biết rằng, nước Nam này của người Việt Nam, Biển Đông là của con dân Đại Việt, là đất có chủ, biển có thuyền, không thể cho Trung Hoa biến biển ta thành ao nhà của chúng.
Cảm ơn chú Thọ, yêu nước với trái tim nóng nhưng đầu phải tỉnh táo, phải nhìn xa, trông rộng, phải rất hiểu kế độc, hiểm của TQ, để có mưu lược, sách lược biện pháp phá âm mưu thâm độc của TQ, phải bền gan, trí sáng,thân thẳng, mưu sâu, kế định lâu dài, phải kết nối được lòng dân trăm họ, phải xây dựng thế, lực, thời, mưu đi cùng lòng dân, sự lên tiếng của nhân dân thế giới về hành động sai trái, ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của TQ.
Chứng cứ lịch sử rõ ràng, chính xác về chủ quyền của Viêt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa
Bản đồ cổ của châu Âu thể hiện rõ chủ quyền Việt Nam
Bộ Atlas Thế giới nổi tiếng của nhà địa lý Philippe Vandermaelen xuất bản năm 1827 thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp nhận và công bố chiều nay 13/5/2014.
Bản đồ mang tên Partie de la Cochinchie vẽ chính xác vị trí của PARACELS (Hoàng Sa) trong khoảng vĩ độ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111. Bên cạnh là một bản giới thiệu tóm tắt về Đề chế An Nam. Ảnh: Trung Nguyễn.
|
Theo ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, tài liệu này được các nhà khoa học thế giới như Pháp, Bỉ đánh giá cao về giá trị pháp lý, chủ quyền không thể tranh cãi về Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và cộng sự là người đã có công phát hiện và đưa bộ Atlas trên về Việt Nam. Trước đó, tài liệu này nằm trong hiệu sách cổ Sanderus tại thành phố Gent, Bỉ.
"Xét trên mọi khía cạnh, bộ Atlas của Philippe Vandermaelen có thể coi là tài liệu vô giá, là bằng chứng hùng hồn, đích thực, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam", ông Ngọc nhấn mạnh.
Trong bộ Atlas có tấm bản đồ Partie de la Cochichine, mà theo giáo sư Ngọc, đây là tấm bản đồ đầu tiên vẽ chính xác vị trí kinh độ, vĩ độ, đặc điểm địa lý, các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Nó là minh chứng rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở PARACELS (Hoàng Sa) được quốc tế ghi nhận
Trong bộ Atlas, bản đồ các nước châu Á gồm 11 tấm, được xếp chủ yếu trong tập hai của bộ Atlas. Việt Nam được giới thiệu thông qua các tấm bản đồ số 97, 105, 106, 110. Partie de la Cochinchine là tờ số 106, vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16.
Bản đồ mang tên Partie de la Chine trong khoảng vĩ độ 18-21 và kinh độ 106-114 vẽ khu vực Quảng Đông và đảo Hải Nam, cho biết biên giới cực nam của Trung Quốc chưa chạm đến vĩ độ 18. Ảnh: Trung Nguyễn.
|
Phía ngoài khơi, PARACELS được vẽ khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng vĩ độ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111. Bên cạnh khu vực được xác định là PARACELS, bản đồ còn một bản giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam.
Tiếp liền Partie de la Cochinchine là tấm số 98 mang tên Partie de la Chine thể hiện Trung Quốc trong khoảng vĩ độ 18-21 và kinh độ 106-114 vẽ khu vực Quảng Đông và đảo Hải Nam, cho biết biên giới cực nam của Trung Quốc chưa chạm đến vĩ độ 18.
Theo giáo sư Ngọc, tất cả bản đồ của Trung Quốc từ thập kỷ đầu thế kỷ XX trở về trước cũng hoàn toàn thống nhất với bản đồ phương Tây không hề vẽ lãnh thổ cực nam của Trung Quốc vượt xuống dưới vĩ độ 18. "Điều này không chỉ phản ánh tính khách quan, chuẩn xác của bộ Atlas mà còn góp phần làm tăng thêm giá trị minh chứng chủ quyền của Việt Nam ở PARACELS", giáo sư nói.
Giáo sư Ngọc cho biết, bắt đầu từ thế kỷ XVI đã có một số bản đồ phương Tây vẽ về khu vực Đông Ấn có đánh dấu địa danh PARACELS ở giữa Biển Đông và khu vực bờ biển phía tây PARACELS. Bước sang thế kỷ XVII và đặc biệt là thế kỷ XVIII, nhiều bản đồ đã thể hiện rõ ràng hơn vị trí, đặc biểm địa lý và mối quan hệ chủ quyền của khu vực Đàng Trong. Tuy nhiên, hầu hết bản đồ này vẫn xếp PARACELS vào khu vực Đông Ấn.
Đến đầu thế kỷ XIX, khi Vương triều Nguyễn được thành lập với sự khẳng định chủ quyền Việt Nam một cách đầy đủ, bản đồ phương Tây chính thức xác nhận quần đảo PARACELS nằm trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và thuộc về Việt Nam.
Năm 1827, Philippe Vandermaelen (1795-1869), là nhà địa lý học kiệt xuất, thành viên Hội Địa lý Paris đã xuất bản bộ Atlas thế giới nổi tiếng.
Bộ Atlas gồm 6 tập với 7 bản đồ chung của 5 châu lục; 381 bản đồ chi tiết, 40 trang bảng thống kê và nhiều thông tin về địa lý tự nhiên, chính trị, khoáng sản. Nó được hoàn chỉnh trên cơ sở những tấm bản đồ tốt nhất thế giới lúc đó, cùng những thông tin từ quan sát thiên văn hay chuyến du hành ở nhiều nơi trên trái đất và được vẽ thống nhất theo tỷ lệ 1/1641836, kích thước 53,5x37cm, và có thể được ghép lại thành quả địa cầu đường kính 7,755m.
Đây là một cột mốc lớn đánh dấu giai đoạn phát triển trội vượt của công nghệ vẽ và in bản đồ hiện đại ở đầu thế kỷ XIX. Đã gần 200 năm nay, bộ Atlas đã trở nên nổi tiếng, được khai thác sử dụng ở nhiều nước trên thế giới.
Xin cảm ơn Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và cộng sự là người đã có công phát hiện và đưa bộ Atlas trên về Việt Nam. Xin cảm ơn Ngài Philippe Vandermaelen (1795-1869), là nhà địa lý học kiệt xuất, thành viên Hội Địa lý Paris đã xuất bản bộ Atlas thế giới nổi tiếng đã xác định rõ chủ quyền của Việt Nam. Xin mời chính phủ ngang ngược Trung Quốc và nhân dân TQ, thế giới xem và suy nghĩ mình về hành động bất pháp, bất lý, bất tình của TQ, ủng hộ Việt Nam và lên án mạnh mẽ cách hành xử vô cùng ngang ngược, xảo trá, gian thâm, hiểm độc của TQ.
Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014
Phát biểu của Trung Quốc là của Quỷ sách khi phản ứng trước tuyên bố lịch sử của ASEAN
Trung Quốc phản ứng trước tuyên bố lịch sử của ASEAN
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khăng khăng cho rằng tranh chấp Biển Đông chỉ được giải quyết song phương, sau khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra tuyên bố chung đặc biệt về an ninh Biển Đông hôm qua.
Hãng thông tấn Xinhua dẫn lời bà Hoa Xuân Doanh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc với ASEAN.
Bắc Kinh lâu nay chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông với từng quốc gia, trong khi các nước liên quan trực tiếp như Việt Nam và Philippines, các nước quan tâm gồm Mỹ và ASEAN, ủng hộ cách tiếp cận đa phương để giải quyết vấn đề. Các chuyên gia cho rằng chiến thuật của Bắc Kinh là muốn bẻ từng chiếc đũa, tận dụng lợi thế vượt trội của mình trong mỗi cuộc đàm phán tay đôi.
Bà Hoa còn nói rằng Trung Quốc sẵn sàng làm việc cùng với ASEAN để tiếp tục thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002.
Lời của bà Hoa được đưa ra sau khi ngoại trưởng các nước ASEAN đưa ra thông báo riêng về tình hình Biển Đông Tuyên bố nêu rõ các nước trong ASEAN bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi một giải pháp hòa bình.
Tuyên bố được đưa ra một tuần sau sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan nước sâu tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam và trái luật pháp quốc tế, gây đụng độ và căng thẳng trên Biển Đông. Việc làm này trái với tinh thần của DOC và luật pháp quốc tế.
Trong bản tuyên bố đặc biệt, các bộ trưởng yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thực hiện kiềm chế và tránh có các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực; và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Trung Quốc ký với ASEAN bản thỏa thuận về DOC năm 2002, cam kết kiềm chế và không tiến hành các hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên văn bản này không có tính ràng buộc, và hai bên đang thảo luận xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Các diễn biến nóng bỏng liên quan đến Biển Đông được cho là sẽ bao phủ nội dung cuộc họp cấp thượng đỉnh của ASEAN hôm nay. Tổng thống Philippines Aquino, trước khi đến hội nghị, khẳng định rằng "ASEAN phải đối mặt và đương đầu với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc" trên Biển Đông
| ||
Hãng thông tấn Xinhua dẫn lời bà Hoa Xuân Doanh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc với ASEAN.
Bắc Kinh lâu nay chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông với từng quốc gia, trong khi các nước liên quan trực tiếp như Việt Nam và Philippines, các nước quan tâm gồm Mỹ và ASEAN, ủng hộ cách tiếp cận đa phương để giải quyết vấn đề. Các chuyên gia cho rằng chiến thuật của Bắc Kinh là muốn bẻ từng chiếc đũa, tận dụng lợi thế vượt trội của mình trong mỗi cuộc đàm phán tay đôi.
Bà Hoa còn nói rằng Trung Quốc sẵn sàng làm việc cùng với ASEAN để tiếp tục thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002.
Lời của bà Hoa được đưa ra sau khi ngoại trưởng các nước ASEAN đưa ra thông báo riêng về tình hình Biển Đông Tuyên bố nêu rõ các nước trong ASEAN bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi một giải pháp hòa bình.
Tuyên bố được đưa ra một tuần sau sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan nước sâu tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam và trái luật pháp quốc tế, gây đụng độ và căng thẳng trên Biển Đông. Việc làm này trái với tinh thần của DOC và luật pháp quốc tế.
Trong bản tuyên bố đặc biệt, các bộ trưởng yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thực hiện kiềm chế và tránh có các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực; và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Trung Quốc ký với ASEAN bản thỏa thuận về DOC năm 2002, cam kết kiềm chế và không tiến hành các hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên văn bản này không có tính ràng buộc, và hai bên đang thảo luận xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Các diễn biến nóng bỏng liên quan đến Biển Đông được cho là sẽ bao phủ nội dung cuộc họp cấp thượng đỉnh của ASEAN hôm nay. Tổng thống Philippines Aquino, trước khi đến hội nghị, khẳng định rằng "ASEAN phải đối mặt và đương đầu với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc" trên Biển Đông.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)